Home / Học Hỏi Linh Đạo / Tìm hiểu Thông điệp Thiên Chúa Giàu Lòng Thương Xót (Bài 13)

Tìm hiểu Thông điệp Thiên Chúa Giàu Lòng Thương Xót (Bài 13)

BÀI ÔN TẬP 1 (sau 12 bài)

Dẫn vào

Đi về đâu hỡi em

Nắng chiều nay nắng nhạt

Đi về đâu hỡi em

Nắng vẫn nhạt chiều nay

Đi về đâu hỡi anh

 

Nắng chiều nay nắng đậm

Đi về đâu hỡi anh

Nắng vẫn đậm chiều nay.[1]

“Đi về đâu” là câu hỏi đầy tính triết lý, là câu hỏi nhân sinh triết lý của muôn thưở. Xưa cũng như nay, con người đều muốn biết, đều muốn hỏi: “Người ta sống ở đời để làm gì, chết rồi thì sẽ đi về đâu…?”. Và dĩ nhiên, ai ai trong chúng ta cũng rất cần câu trả lời đúng; hay ít ra, rất mong có được câu trả lời đúng hướng, đúng tuyến.

Để hướng lòng về tình Chúa thương xót

Tiến về trời sao cho đúng hướng

Họa đồ đất thấp chỉ lối đi

Dù nắng dù mưa vẫn kiên định

Vì ta đã biết đường đi lối về.[2]

Đức Thánh cha Phanxicô nói: “Hãy nhìn vào cử chỉ rửa chân để thấy sự trìu mến của Chúa Giêsu”.[3] Khi lãnh nhận các bí tích, cách riêng bí tích thánh tẩy, chúng ta khởi động một niềm tin, một sự sống siêu nhiên: được gia nhập vào thân thể mầu nhiệm Đức Kitô, được tháp nhập vào huyền nhiệm tình yêu Thiên Chúa, được hưởng sự sống của Thiên Chúa… nếu chúng ta không tự mình tách rời khỏi mầu nhiệm đó. Hơn nữa, nhờ việc ở lại trong thân thể mầu nhiệm Đức Kitô, đặt mình trên nền tảng những gì Giáo hội tin về Đức Kitô, chúng ta như hiểu được điều Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II muốn nói trong Thông điệp Thiên Chúa giàu lòng thương xót:

     Mầu nhiệm Đức Kitô – mạc khải cho chúng ta ơn gọi cao trọng của con người, đã từng thúc đẩy tôi nhấn mạnh đến phẩm giá khôn sánh của con người trong Thông điệp Redemptor hominis – nay cũng buộc tôi công bố tình thương xót của Thiên Chúa được mạc khải trong chính mầu nhiệm ấy về Đức Kitô.[4]

     Theo đó, trong Đức Kitô và nhờ Đức Kitô, Thiên Chúa trở nên hữu hình cách đặc biệt qua lòng thương xót của Ngài; nghĩa là làm nổi bật ưu phẩm của Ngài, ưu phẩm thần tính mà Cựu ước bằng nhiều khái niệm và từ ngữ khác nhau đã từng xác định như “lòng thương xót”.[5]

Thật vậy, “ Đức Kitô trao ý nghĩa định hình cho truyền thống Cựu ước về lòng thương xót của Thiên Chúa”;[6] và theo một nghĩa nào đó, chính Người là lòng thương xót (mercy).[7] Nghĩa là, dửng dưng, lãnh đạm, nhẫn tâm (merciless) là những tính từ nghịch nghĩa với tâm tình thương xót, nhân từ, khoan dung (merciful). Thánh kinh cho ta nhiều thí dụ: (1) dửng dưng đối với người bị đánh đập và bị cướp, thầy tư tế rồi thầy Lêvi đã “đi tránh qua một bên”;[8] (2) người phú hộ chẳng hề quan tâm đến Lazarô nghèo khó đang đói gần chết ngay trước cửa nhà mình….[9] Thầy tư tế, thầy Lêvi, người phú hộ đã làm điều trái ngược với tình yêu thương, sự cảm thông “chậm bất bình và rất mực khoan nhân” của lòng Chúa thương xót.[10]

Để thưa “Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa

Bởi Thiên Chúa “giàu lòng thương xót, đầy lòng xót thương, giàu lòng từ bi lân ái, đầy lòng lân ái từ bi”, chúng ta càng có lý do để thưa lên: “Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa” và để sống tâm tình tín thác ấy.

     … việc nghiên cứu sự xuất hiện của 253 lần sử dụng những từ ngữ merciful, merciless, mercy, mercies (01 lần sử dụng từ merciless, 05 lần sử dụng từ mercies, 29 lần sử dụng từ merciful, và 218 lần sử dụng từ mercy) thực sự góp phần giúp người đọc hiểu khá đầy đủ về nội dung Thông điệp Lòng Chúa thương xót.[11]

Tuy có thể có nhiều lầm lỗi, đã từng ứng xử như thầy tư tế, thầy Lêvi, như người phú hộ… và như thế là trái ngược với tình yêu thương, sự cảm thông “chậm bất bình và rất mực khoan nhân” của lòng Chúa thương xót, chúng ta vẫn luôn được mời gọi tín thác vào tình thương của Thiên Chúa: “Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa”.

Để quyết tâm không dửng dưng, lãnh đạm

Chúng ta cần quyết tâm sẽ không dửng dưng, lãnh đạm, không quan tâm, hay nhẫn tâm… nhưng trái lại, được mời gọi tỏ lòng thương xót với người đau khổ.

     Không bao giờ chúng ta được để cho con tim mình bị những quyền lợi và những mối bận tâm của mình phủ lấp đến độ không nghe được tiếng kêu của người nghèo. Tâm hồn khiêm tốn và kinh nghiệm bản thân về đau khổ sẽ có thể thức tỉnh nơi chúng ta ý thức về sự thương xót và cảm thông.[12]

Thật vậy, “Thiên Chúa là tình yêu”[13] và lời mời ở lại trong tình yêu của Thiên Chúa là lời mời hướng đến sự hoàn hảo, thêm tin tưởng vào tình yêu của Thiên Chúa, vào lòng thương xót của Người. Tình yêu của người hy sinh mạng sống mình cho bạn hữu thật cao cả và dễ nhận ra khi người mang tình yêu ấy dám thực sự sống và hy sinh chính mạng sống của mình cho người khác.

     Không ai có tình thương lớn hơn tình thương của người hy sinh mạng sống mình cho bạn hữu. Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy.[14]

Tạm kết

Khi nắng đậm thì ô

Khi nắng nhạt thì buông

Khi nắng còn người ơi

Là vẫn còn niềm vui.[15]

Vâng thế đấy, triết lý sống của ta hãy là minh triết thuần lý, hợp lý, triết lý; nhưng nhân sinh đích thực của cuộc sống còn phải hơn thế: phải hợp lý với chính lý trí và hợp lòng với chính con tim, với niềm tin và trông cậy mà hướng về Lòng Chúa thương xót, để “Tiến về trời sao cho đúng hướng; Họa đồ đất thấp chỉ lối đi; Dù nắng dù mưa vẫn kiên định; Vì ta đã biết đường đi lối về”.[16]

Xin Thiên Chúa dủ lòng thương xót chúng con!”[17] là lời cầu nguyện thường xuyên không chỉ của một mình Đức Chân phước Giáo hoàng Gioan Phaolô II lúc sinh thời mà còn là lời cầu nguyện của“… nhiều người và nhóm người với cảm thức đức tin sống động dẫn dắt, đang hướng đến lòng thương xót của Thiên Chúa”.[18]

09-4-2013, GTHH

Lm. G. Tạ Huy Hoàng

 


[1] Bạn Hữu, Bài trò chuyện 1 (TP. HCM: LHNB, 2013), 45.

[2] Bạn Hữu, Bài trò chuyện 1, 46.

[3] Đó là câu nói của Đức Thánh cha Phanxicô trong thánh lễ Tiệc Ly thứ năm (28-3-2013) cử hành tại nhà nguyện của trại giam Casal del Marmo, Rome.

[4] VIII 15,28.

[5] I 2,7.

[6] I 2,8.

[7] X. I 2,10.

[8] X. Lc 10,30-32.

[9] X. Lc 16,19.

[10] X. Bênêđictô XVI, Sứ điệp Mùa Chay 2012 (Vatican, 03-11-2011).

[11] Ủy ban Giáo dân (HĐGMVN), Tìm hiểu Thông điệp Thiên Chúa giàu lòng thương xót (TP. HCM: LHNB, 2012), 7.

[12] Bênêđictô XVI, Sứ điệp Mùa Chay 2012 (Vatican, 03-11-2011).

[13] Ga 4,16.

[14] Ga 15,13-14.

[15] Bạn Hữu, Bài trò chuyện 1, 46.

[16] Bạn Hữu, Bài trò chuyện 1, 46.

[17] Sau những lời nguyện trên thì đọc: (1) kinh Chúa Thánh Thần, (2) kinh Tin kính, (3) kinh Ăn năn tội,(4) lời nguyện tắt: “Giêsu Maria Giuse, con mến yêu, xin cứu rỗi linh hồn con và muôn dân muôn nước”. (https://longchuathuongxot.vn/vi/news/CAC-KINH-TRONG-GIO-CHAU-LCTX/ Di-chuc-cua-Chan-phuoc-GH-Gioan-Phaolo-II-971.html)

[18] I 2,21.

Xem thêm

images

Bài 40: Tìm Hiểu Tông Chiếu Dung Nhan Lòng Xót Thương

Dẫn vào Tiếp theo bài trước – vẫn là số 4 Tông chiếu Dung Nhan …