Home / Liên Giáo phận / Giáo tỉnh Sài Gòn / Giáo phận Xuân Lộc / TIN HIỆP HỘI LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT GIÁO PHẬN XUÂN LỘC: SINH HOẠT ĐỊNH KỲ – THỨ SÁU ĐẦU THÁNG (5.2018) 

TIN HIỆP HỘI LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT GIÁO PHẬN XUÂN LỘC: SINH HOẠT ĐỊNH KỲ – THỨ SÁU ĐẦU THÁNG (5.2018) 

Trong bài viết tháng này (tháng 5, tháng Hoa kính Đức Maria), xin mạn phép trình bày 2 phần.

Phần I: Tâm tình của những người con dâng lên Đức Maria, Mẹ của Lòng Thương Xót, những Bông hoa lòng thành.

Phần II: Trích bài giảng của Đức Cha Giuse, giám mục Gp. Xuân Lộc trong thánh lễ kính LTX.

Bước vào tháng Năm, tháng mà Giáo hội mời gọi con cái mình chiêm ngắm Đức Maria với vẻ đẹp hơn muôn loài hoa. Cộng đoàn chúng ta, đặc biệt là hội viên thuộc giáo hạt Phú Thịnh, với những bông hoa lòng thơm ngát như hương thơm Maria tiến dâng lên Thiên Chúa, Đấng giàu lòng thương xót.

Trong phần đầu chương VI (Lòng thương xót suốt đời nọ đến đời kia) của Thông điệp Thiên Chúa giàu lòng thương xót (Dives in misericordia) đã viết về Maria rằng: Chúng ta hoàn toàn có quyền tin rằng cả thế hệ chúng ta cũng được bao hàm trong những lời của Mẹ Thiên Chúa, khi Mẹ tán dương lòng thương xót mà tất cả những ai kính sợ Thiên Chúa đều được hưởng phần “suốt đời nọ đến đời kia”. Những lời trong kinh “Magnificat” của Đức Maria có một nội dung tiên tri liên quan không những tới quá khứ của Israel, mà còn tới tương lai của dân Thiên Chúa trên trái đất nữa.

Noi gương Mẹ Maria, chúng ta dâng những tâm hồn đơn sơ, khiêm hạ, lòng đầy hân hoan vui mừng tỏa lan hương thơm nhân đức và lòng yêu mến Chúa thương xót.

Đoàn tiến dâng hoa đại diện cho cộng đoàn, với những bông hoa huệ trắng trên tay theo nhịp bài hát Tận Hiến Cho Mẹ.

Mỗi lời kinh mân côi là mỗi bông hoa kết lại thành chuỗi hoa mân côi. Mỗi chuỗi mân côi cất lên như những bài ca tuyệt diệu tán tụng hồng ân Chúa và ca khen Mẹ. Mỗi mầu nhiệm mân côi kết lại dệt lên cuộc đời và sứ mạng Chúa Cứu Thế và cuộc đời Mẹ. Đó cũng là tâm tình của Mẹ Maria được diễn tả trong bài ca Magnificat: Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa.

Cùng với việc suy niệm các mầu nhiệm, đọc và sống lời kinh Lạy Cha, Kính Mừng và Sáng Danh là nhu cầu thiết yếu của đời sống mỗi kitô hữu.

Đọc kinh Lạy Cha, chúng ta cần cảm được niềm hạnh phúc lớn lao của một người tội lỗi, mà từ nay, lại được gọi Thiên Chúa tiếng “Cha” ngọt ngào, được dìm mình trong biển yêu thương của tình Cha, được sống trong sự chăm sóc yêu thương của Cha. Điều đó phải thúc đẩy chúng ta vui sống trọn tình thảo hiếu với Cha trên trời, biến cuộc đời thành bài ca ngợi khen tình Cha.

Đọc kinh Kính Mừng, chúng ta ngước nhìn Mẹ dịu hiền của chúng ta, trái tim ấm áp yêu mến người Mẹ đầy ơn phúc, người Mẹ giờ đây bên Chúa để chuyển cầu cho chúng ta. Chúng ta lặp đi lặp lại tên Chúa Giêsu, danh hiệu độc nhất đã được ban tặng cho chúng ta để nhờ đó chúng ta hy vọng được ơn cứu rỗi (x. Cv 4, 2). Đồng thời, tên Chúa Giêsu được kết hợp chặt chẽ với danh thánh của Mẹ Người, tạo thành con đường đưa chúng ta tiến sâu vào mầu nhiệm cuộc đời của Chúa Kitô hơn.[1] Làm sao lòng chúng ta không đầy cảm xúc tin tưởng và yêu mến khi chậm rãi thưa lên: “Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con, là kẻ có tội khi nay và trong giờ lâm tử. Amen”. Suốt đời kêu cầu như vậy thì làm sao Mẹ có thể khước từ chúng ta trong giờ lâm tử.

Đọc kinh Sáng Danh, chúng ta mở miệng ca ngợi Chúa Ba Ngôi, chúc tụng vinh quang Chúa, cảm tạ tình yêu và muôn ơn sủng Chúa đổ trên cuộc đời chúng ta hôm nay và muôn đời.

PHẦN II: TÌM KIẾM VÀ KHAO KHÁT CHÚA

(Trích bài giảng của Đức Cha Giuse, giám mục Gp. Xuân Lộc

Trong thánh lễ kính LTX tháng 5 tại Gx. Kẻ Sặt – Hố Nai)

Chúng ta hiện diện nơi đây để tỏ tình nghĩa yêu thương đối với Thiên Chúa thì có biết bao nhiêu người đang chạy lăng xăng ngoài đường, đi làm, đi chơi, có những người không bao giờ nghĩ đến Chúa cả. Có những người đã từng nghĩ đến Chúa, bây giờ bắt đầu bỏ Chúa. Người ta gọi là hiện tượng thế tục hóa hay hiện tượng vô thần, loài người bỏ Chúa mà đi, mà cả những người đã được rửa tội, cả những người đã từng là những người công giáo tốt, bây giờ có nhiều người cũng bỏ Chúa vì hoàn cảnh lôi kéo, vì công ăn việc làm quyến rũ. Vậy thì lời mà thánh Phaolô nói trong bài đọc 2Cr 5, 17-21, hai ngàn năm trước hết sức hiện thực, gần gũi với cuộc hành trình của Giáo hội hôm nay: nhân danh Chúa Kitô, xin anh chị em hãy làm hòa với Thiên Chúa. Bản ngôn ngữ Hy Lạp thì viết: xin anh chị em hãy để cho Thiên Chúa làm hòa với anh chị em. Nghĩa là việc làm hòa với Thiên Chúa đó bắt đầu từ Chúa. Loài người đang chạy trốn, Chúa đến Chúa tìm để Chúa mời gọi hãy trở lại với Chúa. Có một sức mạnh thiêng liêng, Chúa nói ở trong lòng mỗi người để mời gọi mỗi người hãy trở về với Chúa vì Chúa là nguồn gốc cuộc đời của mỗi người, đi vào cái khả năng lắng nghe tiếng nội tâm mà người ta nhận ra được tiếng Chúa mời gọi hay không.

Hôm nay trước tiên, chúng ta hãy mở lòng ra đón nhận lời mời gọi của Chúa. Có thể chúng ta không bỏ Chúa. Chúng ta vẫn còn giữ đạo gọi là sốt sắng, nhưng mà có nhiều khi chúng ta đã bịt tai trước tiếng gọi của Chúa, trước lời mời gọi của Chúa. Vậy hôm nay chúng ta hãy nghe thánh Phaolô: nhân danh Chúa Kitô, tôi xin anh chị em hãy trở lại với Thiên Chúa, hãy làm hòa với Chúa, đừng làm cho Chúa buồn lòng, hãy giữ nghĩa cùng Chúa, nhưng rồi chúng ta, anh chị em hội viên của HH.LCTX, chúng ta được mời gọi là tông đồ của LCTX thì chúng ta đặt mình vào vị thế của thánh Phaolô mà mời gọi anh chị em của chúng ta, xin anh chị em hãy trở về với Chúa, xin anh chị em hãy làm hòa với Chúa, và một lần nữa, anh chị em đó có thể là những người thân yêu trong gia đình của chúng ta, biết đâu bây giờ chẳng có những người lơ là với đức tin, với lòng đạo, đi lễ đi nhà thờ là đi cho có lệ, đi vì phải đi, như vậy xác ở gần Chúa nhưng lòng ở xa Chúa thì chúng ta cũng được mời gọi xin anh chị em, xin con cái của mình, xin cô bác chú dì, xin các bạn hãy trở về với Chúa, hãy đến gần với Chúa. Vậy thì bây giờ, nhiều khi chúng ta nói bằng miệng, ngại lắm. Trong gia đình mình, con lớn rồi, cha mẹ cũng ngại nói nữa, nó cứ đi chơi, nói mãi rồi bây giờ đâm ra ngại, chí ít nói gì đến những người khác, những người ở ngoài gia đình của mình thì càng ngại hơn nữa, vậy thì phải làm sao?

Thưa có hai điều này chúng ta cần phải làm để sau này khi có dịp thì chúng ta có thể nói và lời nói của chúng ta nó có sức để cải hóa lòng người khác.

Hai việc chúng ta cần làm hôm nay, chính Lời Chúa và lễ về Đức Mẹ nhắc nhở cho chúng ta.

  1. Đức Mẹ và Thánh Giuse cứ theo phong tục thời đó và dân Do Thái thì con cái đi với nhau, cha mẹ đi với nhau, tin tưởng lắm, cho nên Đức Mẹ và thánh Giuse không lo lắng gì, chắc chắn con của mình (Chúa Giêsu) đi với các bạn trong làng cùng đi cả, sau hai ngày đường thì đi xem thấy thiếu Chúa Giêsu, cho nên Đức Mẹ và thánh Giuse mới trở lại thành Gierusalem, mà lúc đó đi một mình, chúng ta tưởng tượng đi đường sa mạc chẳng có ai cả, lo sợ lắm. Nhưng bây giờ phải trở lại để tìm con. Việc trở lại tìm con là tình cảm tự nhiên của cha của mẹ, thương yêu con, nhất là lúc này không biết con lạc ở đâu thì phải trở lại mà tìm. Nhưng mà khi tìm được Chúa rồi thì Đức Mẹ cũng nói theo tâm tình bình thường của người mẹ người cha: con thấy không, cha mẹ đau khổ tìm con. Đó là tình cảm của cha của mẹ thôi nhưng mà Đức Giêsu lại nâng Đức Mẹ và thánh Giuse lên một nấc khác, nấc thiêng liêng: cha mẹ không biết con phải lo việc của cha con sao? thánh Luca kể lại, Đức Mẹ và thánh Giuse chẳng hiểu sao cả. Thế thì từ tình cả tự nhiên loài người, Chúa Giêsu muốn từ từ dẫn đưa Đức Mẹ và thánh Giuse lên nấc của đức tin, lên hành trình ơn cứu chuộc mà Ngài đã nhận được từ nơi Thiên Chúa Cha để thực hiện cho nhân loại.

Thế thì chúng ta từ những tình cảm bình thường loài người, chúng ta được mời gọi đi vào các nấc của đức tin. Trong một ngày sống, trong cuộc đời chúng ta, tìm nhiều thứ lắm, nhưng mà bây giờ chúng ta được mời gọi hãy tìm Chúa, mà mình chỉ tìm Chúa khi mình yêu Chúa thôi. Mình chỉ tìm Chúa khi mình ước ao Chúa thôi. Có nhiều cái mình ước ao, mình thích, mình yêu lắm thì bây giờ mình sẽ tìm điều gì mình thích nhất, thích hơn, yêu hơn, ước ao hơn, khơi lên trong lòng mình lòng ước ao Thiên Chúa, coi trọng tình nghĩa của Thiên Chúa.

Cuộc đời của chúng ta là một lời mời gọi đối với những người hàng xóm láng giềng, hay đối với những người trong gia đình thấy làm sao ông này, bà này, anh này, chị này sao đạo đức và thấy vui quá, hạnh phúc quá. Cũng làm mọi chuyện như mọi người mà cách làm của ông này bà này… thấy nó khác lắm, và cách cư xử với người này người kia sao mà tử tế quá, sao mà dịu hiền thế, sao mà bao dung như vậy, bởi vì nhận ra lí do là ông này bà này, anh này chị kia rất đạo đức, mến Chúa cho nên yêu người tìm kiếm Chúa, đưa cuộc đời của mình vào cuộc tìm kiếm Chúa nên những chuyện khác nhẹ lắm, coi thường lắm. Người ta đua đòi nhau, chạy theo thời trang, mình chả cần, những chuyện đó ăn thua gì đâu. Chúa cần là trên hết.

  1. Cầu nguyện cho những người xa lánh Chúa. Thay vì nhìn khinh khểnh, thay vì phê bình chỉ trích, hãy cầu nguyện cho những người xa lánh Chúa, những người làm chuyện không tốt, không những cầu nguyện mà còn phải chịu đau khổ cho những người đó, và cầu nguyện với những hy sinh, những đau khổ nhiều khi chính những đau khổ đó do chính những người đó gây ra cho mình. Khi Đức Mẹ hiện ra ở Lộ Đức với em bé Betnadette, sau là thánh Betnadette, Đức Mẹ có nói với Betnadette: Mẹ hứa cho con được hạnh phúc nhưng mà ở đời sau. Ở đời này, con có chấp nhận chịu đau khổ để cầu nguyện cho những kẻ có tội được ơn ăn năn trở lại không? thì Betnadette lúc đó 15 tuổi, trả lời: thưa con chấp nhận. Và từ đó cuộc đời của em Betnadette trước và khi đi tu, từ lúc đi tu đến lúc chết là một chuỗi dài những đau khổ: đau khổ vì bị không được kính trọng, đau khổ vì bị quên lãng. Khi người ta khánh thành đền thờ Mân Côi ở Lộ Đức, đền thờ do Đức Mẹ hiện ra với Betnadette và yêu cầu làm một đền thờ để cho dân chúng lúc đó đến mà cầu nguyện để Đức Mẹ ban ơn. Ngày lễ khánh thành đền thờ Đức Mẹ Mân Côi ở Lộ Đức, người ta quên không mời em bé Betnadette, là người đã được Đức Mẹ hiện ra và là người truyền đạt lời yêu cầu của Đức Mẹ cho cha xứ. Bây giờ người ta làm nhà thờ đó, khánh thành, người ta quên không mời em. Chắc chắn lúc đó em bé Betnadette đau khổ lắm nhưng em đã dâng lên cho Chúa, an bình, không hờn dỗi, không trách móc gì ai cả. Rồi đi tu, người ta bảo, Đức Mẹ mà hiện ra với cái đứa như thế này hả. Đứa này chẳng có giá trị gì mà Đức Mẹ hiện ra. Người ta khinh thường mình, đau khổ lắm. Nhưng mà con có chấp nhận chịu đau khổ để cầu nguyện cho kẻ có tội được ơn ăn năn trở lại không? rồi khấn xong thì lại đau yếu bệnh tật cho đến khi chết thì thôi. Một chuỗi dài đau đớn khi bệnh tật. Mẹ hứa cho con được hạnh phúc nhưng mà ở đời sau. Ở đời này con có chấp nhận chịu đau khổ để cầu nguyện cho các kẻ có tội được ơn ăn năn trở lại không? và em bé đã đáp lại: thưa con chấp nhận.

Đó là lời mời gọi của chúng ta. Nếu chúng ta đứng vào vị thế của thánh Phaolô để mời gọi người khác. Nhân danh Đức Kitô, xin anh chị em, xin ông xin bà, xin anh, xin chị… hãy làm hòa với Chúa, hãy trở lại với Chúa.

Thế thì hai điều này cần phải làm: chính mình phải làm hòa với Chúa, tìm kiếm Chúa và sẵn sàng cầu nguyện, chịu đau khổ để cầu nguyện cho những người có tội được ơn ăn năn trở lại.

HÃY ĐẾN VỚI LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT

Chương trình Thánh lễ kính Lòng Thương Xót

Tại Gx. Kẻ Sặt, thứ Sáu, ngày 01/6/2018

(thứ Sáu sau CN VIII TN)

Chương trình tổng quát (chiều):

13g30’ – 14g00’: Đón tiếp

14g00’ – 14g45’: Giờ kinh LCTX

15g00’ – 15g45’: Bài chia sẻ của Đức Cha

16g00’ – 17g30’: Thánh lễ (Đức Cha chủ sự)

– Kết thúc.

Ban Tổ Chức xin trân trọng kính mời

Quý Đức Cha, Quý Cha, Quý Tu sỹ và cộng đoàn

Cố gắng và mau chân tiến về Gx. Kẻ Sặt tham dự buổi sinh hoạt này.

Hãy cảm nghiệm và loan báo Lòng Thương Xót của Chúa cho anh chị em.

Kính chúc quý vị sống đầy tràn ơn Chúa trong tháng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu.

Lm Mart. Hoàng – Xuân Lộc

IMG_5283

IMG_5285

IMG_5286

IMG_5287

IMG_5289

Xem thêm

035

TIN HIỆP HỘI LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT- GIÁO PHẬN XUÂN LỘC

  I- SINH HOẠT ĐỊNH KÌ – THỨ SÁU ĐẦU THÁNG 05/02/2021 Ngày 05/02/2021, ngày …