Khoảng tháng tư hàng năm, vào những ngày nắng nóng gay gắt và oi ả nhất, Giáo hội Công giáo long trọng kính nhớ hai mầu nhiệm: Tam nhật Vượt qua về cuộc thương khó, tử nạn và phục sinh của Chúa Giêsu và đại lễ kính Lòng Chúa Thương Xót.
Việc cử hành lễ kính Lòng Chúa Thương Xót (LCTX) liền sau lễ Phục Sinh cho thấy sự tương quan mật thiết giữa mầu nhiệm Phục Sinh của Ơn Cứu Chuộc và mầu nhiệm LCTX. Mối tương quan này càng được nhấn mạnh về sau bởi Tuần Cửu Nhật kính LCTX, trước ngày lễ và bắt đầu vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, trong đó Kitô hữu lần hạt kính Lòng Thương Xót.
Mặc dù Đức Giêsu đã chiến thắng tội lỗi và sự chết, nhưng thế gian vẫn còn đó sự có mặt của ác thần, nhân loại vẫn phải đối mặt với đau khổ, cám dỗ, tội lỗi… Do đó, Thiên Chúa đã ban cho con người một cơ hội, đó là LTX của Ngài, để những ai tín thác vào Ngài cũng được sống lại như Ngài. Đây chính là điểm cốt lõi của LCTX.
LCTX là một cụm từ diễn tả thuộc tính của Thiên Chúa – tình yêu Thiên Chúa đối với con người, luôn được tỏ bày cho nhân loại qua nhiều hình thức, đặc biệt trong đời sống Phụng Vụ.
Thánh Công Đồng Vatican II đã khẳng định: Chúa Kitô luôn hiện diện trong Giáo Hội, nhất là trong các hoạt động phụng vụ. Người hiện diện trong Hy tế Thánh lễ, vừa ở nơi con người của thừa tác viên, khi “chính Đấng xưa đã tự hiến mình trên Thập giá, nay cũng đang dâng hiến nhờ tác vụ của các linh mục”, vừa hiện diện cách vô cùng nhiệm lạ dưới hình bánh và rượu trong Bí tích Thánh Thể. Người hiện diện trong các bí tích nhờ quyền năng của Người, đến nỗi, khi có ai cử hành Bí tích Rửa Tội thì chính là Chúa Kitô đang rửa tội. Người hiện diện trong lời của Người, vì chính Người nói khi người ta đọc Thánh Kinh trong Giáo Hội. Sau hết, Người hiện diện khi Giáo Hội khẩn cầu và hát thánh vịnh, như chính Người đã hứa: “Nơi đâu có hai hoặc ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ” (Mt 18, 20)[1].
Chính vì thế, đại lễ kính LCTX được đặt cao nhất trong tất cả mọi hình thái tôn sùng LCTX. Đây là lễ mà Đức Giêsu đã yêu cầu“Ta mong ước Chúa nhật sau lễ Phục Sinh sẽ là đại lễ kính Lòng Thương Xót của Ta” (NK 299).
Chúa nhật kính LCTX cũng là Chúa nhật thật đặc biệt, vì trong ngày này, “mọi chốt ngăn những nguồn thác ân sủng đều được tháo mở” (NK 699). Chúa Giêsu hứa một cách chắc chắn “Trong ngày hôm ấy, lượng thương xót dịu hiền thẳm sâu của Ta sẽ được khai mở. Ta trào đổ cả một đại dương ân sủng xuống cho các linh hồn tìm đến với nguồn mạch xót thương của Ta. Người nào xưng tội và rước lễ sẽ được lãnh nhận hồng ân thứ tha mọi tội lỗi và mọi hình phạt” (NK 699). Tất nhiên là chỉ những ai thành tâm đến với LCTX không vì ích lợi riêng, chắc chắn sẽ nhận được Ơn Cứu Rỗi.
Như mọi năm, Đại lễ kính LCTX 2019 được cử hành vào Chúa nhật 2 Phục Sinh, ngày 28 tháng 4, và là lần thứ 12 được tổ chức tại Trung tâm Mục vụ tổng giáo phận Sài Gòn.
Trước Đại lễ, mọi người đều cảm nhận cái nắng gay gắt của Sài Gòn, có những ngày nhiệt độ ngoài trời lên đến hơn 42oC (theo dự báo thời tiết). Đây là khó khăn không nhỏ cho ban tổ chức cũng như người tham dự Đại lễ. Nhưng trong ngày diễn ra Đại lễ, một cơn mưa vào buổi sáng, kéo dài khoảng nửa giờ đồng hồ, vừa đủ để tạo ra bầu không khí mát mẻ, dễ chịu hơn. Xin cảm tạ Chúa, vì Ngài đã tỏ bày tình thương đến với mọi người trong Đại lễ hôm nay: “Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương” (Tv 136).
Trong tất cả những con đường mà LCTX có thể vươn đến con người, thì con đường rõ nét nhất chính là Đức Giêsu, Đấng duy nhất có quyền tha tội, và Ngài đã trao sứ mạng này cho Giáo hội. Do đó, Ban tổ chức đã bố trí 11 tòa Hòa giải dành cho những ai có nhu cầu xưng tội, để có thể lãnh nhận Ơn Toàn Xá trong Đại lễ theo quy định của Giáo hội.
15g00, Tiếng kèn của Đội kèn tây giáo xứ Gò Mây và tiếng trống với phong cách biểu diễn rất chuyên nghiệp của Đội trống quý Sœur dòng Nữ Tỳ Chúa Giêsu Các Linh Mục, mở đầu chương trình Đại hội LCTX, đem lại nhiều ngạc nhiên và thú vị cho mọi người, tạo ấn tượng mạnh cho phần khai mạc của Đại lễ.
Sau phần khai mạc là hai nhạc phẩm thánh ca: Trong Trái Tim Chúa (NS Phanxicô) và Trở Về Bên Chúa (LM NS Nguyễn Văn Tuyên), do cha GB. Nguyễn Tấn Sang trình bày với nhóm múa minh họa. Hai bài hát mời gọi nhân loại quay về với LCTX để được thứ tha, và diễn tả nỗi mong ước, khát khao của con người khi được nép mình trong trái tim vô cùng nhân ái của Chúa Giêsu. Nhân loại chỉ thực sự có được sự bình an khi cậy nhờ vào LTX của Chúa.
Chương trình được tiếp nối với phần chia sẻ của cha Giuse Đào Nguyên Vũ, Linh mục Thừa sai LTX[2].
Khi cử hành LCTX, chúng ta thường cử hành theo thói quen, dần dà thói quen này trở thành lạm dụng LCTX, biến Thiên Chúa thành công cụ thực hiện điều chúng ta muốn. Chúng ta chỉ thấy Thiên Chúa thương xót khi chúng ta được thỏa mãn nhu cầu riêng tư. Nhưng Thiên Chúa không đặt điều kiện để Ngài yêu thương con người. Tình yêu Thiên Chúa lúc nào cũng tuôn trào một cách vô điều kiện để những ai tìm đến đều có thể lãnh nhận được. Có ba phương cách để có thể đón nhận LCTX:
- Sùng Kính Lòng Chúa Thương Xót
Bao gồm: Tôn kính ảnh Chúa Thương Xót – Thực hiện Tuần Cửu Nhật kính LCTX – Tham dự đại lễ kính LCTX – Siêng năng lần chuỗi LCTX.
- Sống Lòng Chúa Thương Xót
- Tín thác vào Lòng Chúa Thương Xót
Đề cập sự đa dạng và phức tạp của truyền thông ngày nay, qua các trang mạng xã hội, ai cũng có thể đưa hình ảnh, “tác phẩm” của mình lên, ai cũng có thể sử dụng để làm phương tiện chống phá người khác. Nếu chúng ta không biết được hết sự thật mà lại đi tuyên truyền cho một lý thuyết, một sự kiện hay một diễn biến nào đó là chúng ta đang cộng tác vào sự gian dối. Vậy làm sao biết được thông tin đó là đúng hay sai? Làm sao biết được khi người ta tấn công một ai đó hoặc tấn công Hội Thánh, những thông tin chi tiết đó là đúng hay sai? Nếu chúng ta xây dựng trên tiêu chí, hay nền tảng của LCTX thì chúng ta sẽ nhận ra ngay.
Sống LCTX là yêu thương tha nhân. Hãy để cho tất cả tương quan trong cuộc đời của mình xuất phát từ nền tảng tình thương. Nếu xuất phát từ tình thương, chúng ta sẽ kiến tạo được tình thương. Tình thương của Chúa là tình thương đem lại cho chúng ta sự bình an tuyệt đối.
Nét mới trong Đại lễ năm nay là phần minh họa bằng ngôn ngữ ký hiệu dành cho những người câm điếc, trên 2 màn hình lớn đặt tại quảng trường TTMV. Hy vọng với những cố gắng này sẽ phần nào đáp ứng được nhu cầu tham dự Đại lễ của những người khuyết tật.
Tiếp theo là phần chia sẻ những thông tin về Cộng đoàn LCTX Liên giáo phận[3], của Cha Ernest Nguyễn Văn Hưởng, Tổng linh hướng CĐLCTX TGP Sài Sòn.
Cộng đoàn LCTX được phát triển là nhờ ân sủng của Chúa. Nhưng mỗi giáo phận hay ngay cả trong một GP, việc cử hành LCTX cũng có những điểm khác biệt. Do đó, quý Đức Cha đã đặt mỗi GP có một Cha linh hướng để dẫn dắt Cộng đoàn.
Cộng đoàn LCTX liên GP được hình thành ngay trong lần gặp gỡ đầu tiên vào năm 2017, của Quý Cha linh hướng các GP, tại xứ Rạng, GP Phan Thiết. Mỗi năm, Quý Cha sẽ gặp nhau một lần để hình thành cơ chế chung, nhằm đưa phong trào Sùng kính LCTX đi đúng hướng của Giáo Hội. Năm 2018 vừa qua, họp mặt tại GP Thanh Hóa. Năm nay, dự kiến sẽ gặp nhau tại Bãi Dâu – Vũng Tàu vào tháng 8.
Về việc cử hành tôn vinh LCTX, Cha TLH Ernest chia sẻ hai vấn đề: việc đặt tay chữa bệnh và làm chứng cho Chúa. Chỉ Đức Giêsu là Đấng duy nhất có quyền tha tội và ban ân sủng cho con người, ngoài Chúa ra, tất cả chỉ là công cụ do Ngài sử dụng mà thôi. Vấn đề làm chứng nhân cho Chúa, người làm chứng có nguy cơ rơi vào tình trạng “khoe khoang nhân đức” của mình, từ đó, cho mình là người thánh thiện hơn mọi người. Nhân chứng của Chúa nên được biểu lộ bằng việc cư xử với tha nhân, yêu thương đồng loại,… dùng chính cuộc sống mình để rao giảng tình yêu Thiên Chúa “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: Lạy Chúa! Lạy Chúa! là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi” (Mt 7, 21).
Kết thúc phần chia sẻ, chương trình bước vào phần kinh nguyện Thương Xót, một trong những cách thế để bày tỏ LCTX.
Điệp khúc cầu nguyện được hàng ngàn người đồng thanh cất lên, hướng lòng về cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, dấu chứng rõ nét nhất về Lòng Thương Xót của Ngài:
VÌ CUỘC KHỔ NẠN ĐAU THƯƠNG CỦA CHÚA GIÊSU KITÔ, XIN CHA THƯƠNG XÓT CHÚNG CON VÀ TOÀN THẾ GIỚI.
Về phương diện tôn giáo và tâm linh, việc lặp đi lặp lại lời cầu trong kinh Thương Xót, trước hết là thể hiện lòng yêu mến của người đọc với Đức Giêsu. Vì khi yêu ai, người ta thường hay nhắc đi nhắc lại người mình yêu một cách say sưa mà không nhàm chán. Kinh Thương Xót chính là những đóa hoa dâng lên Thiên Chúa. Chúa Giêsu rất yêu thích những lời cầu nguyện như vậy. Ngài diễn tả kinh Thương Xót chính là lời Kinh đền tạ hầu làm nguôi cơn nghĩa nộ của Thiên Chúa (x. NK 474-476) và Ngài hứa một cách chắc chắn với những ai đọc kinh LTX: “Linh hồn nào đọc chuỗi kinh này, sẽ được Lòng Thương Xót của Ta ấp ủ trong cuộc sống, và nhất là trong giờ chết” (NK 754). Việc lặp đi lặp lại trong kinh Thương Xót còn diễn tả một cách tuyệt đối lòng tín thác của người đọc vào Đức Giêsu, Đấng Cứu Độ nhân trần.
Sau chuỗi kinh Thương Xót, đại diện ban tổ chức dâng lên Chúa những ý nguyện khấn xin của mọi người gửi gắm và của cộng đoàn hiện diện. Phần cầu nguyện được kết thúc bằng bài hát Ngợi Ca Lòng Thương Xót.
17g15, mọi người hiện diện tại quảng trường TTMV đều hướng về kiệu LCTX. Người dẫn chương trình, Cha Giuse Nguyễn Phát Tài giới thiệu thành phần đoàn rước và đoàn đồng tế. Đội kèn tây Gx Gò Mây tấu lên bài Chúa Giàu Lòng Xót Thương (LM NS Giuse Vũ Đức Hiệp) và Linh tượng Chúa Thương Xót được cung nghinh lên lễ đài. Thánh lễ bắt đầu.
Đức Cha Giuse Nguyễn Chí Linh, TGM TGP Huế, Chủ tịch HĐGM VN, chủ tế thánh lễ. Đồng tế có LM Ernest Nguyễn Văn Hưởng, TLH CĐLCTX TGP SG; LM Giuse Đào Nguyên Vũ, LM Thừa Sai LTX và 13 Linh mục khác. Đến tham dự Đại lễ có khoảng hơn 6.000 người.
Dẫn vào thánh lễ, Đức Cha chủ tế mời Cộng đoàn hiện diện hiệp ý với các CĐLCTX trên thế giới, cầu nguyện cho nhân loại và chính chúng ta, biết cảm nếm được ơn tha thứ và mầu nhiệm LTX của Chúa.
Trong bài giảng[4], Ngài đặt câu hỏi, tại sao khi hiện ra với các tông đồ, Chúa Giêsu không hiện ra với một thân thể sáng láng, mà lại hiện ra với những dấu vết của những thương tích nơi tay, chân và cạnh sườn? Chắc chắn Ngài muốn rằng, tất cả những ai muốn chia sẻ vinh quang Phục Sinh với Ngài đều phải thực sự cảm nghiệm được những đau đớn trong cuộc Thương khó của Ngài. Một trong những nỗi đau của Chúa Giêsu là bị con người phản bội, nhưng khi sống lại, Ngài đã ban ơn tha thứ thay vì lên án, kết tội. Cũng như Tôma, chúng ta tin vào Ngài, để trở thành những chiến sĩ đi gieo rắc tình yêu đến với tha nhân.
Trước khi kết lễ, Đức cha chủ tế làm phép ảnh LCTX và ban phép lành toàn xá mà Giáo Hội cho phép trong ngày đại lễ hôm nay. Thánh lễ kết thúc, mọi người ra về trong niềm vui Phục Sinh và tin tưởng vào LCTX.
Lạy Chúa, xin cho việc cử hành Mầu nhiệm Lòng Thương Xót của Chúa mà chúng con tham dự hôm nay, sẽ đọng lại trong lòng mỗi người chúng con một chút tình thương, để khi chúng con bước ra khỏi khuôn viên Trung tâm Mục vụ, chúng con sẽ trở thành chính Lòng Thương Xót của Ngài cho xã hội mà chúng con đang sống. Amen[5].
Giuse Phạm Đình Vinh
Cộng Đoàn Lòng Chúa Thương Xót TGP Sài Gòn chân thành cám ơn:
– Đức Cha Giuse, Tổng Giám mục TGP Huế, Chủ tịch HĐGM VN.
– Đức Hồng Y Gioan Baotixita.
– Đức Cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng, Giám quản Tông Tòa Sàigòn.
– Cha Tổng Đại diện Inagtiô Hồ Văn Xuân.
– Cha Tổng Linh Hướng Ernest Nguyễn Văn Hưởng.
– Cha Giám đốc và Quý Thầy ĐCV thánh Giuse Sàigòn.
– Cha Giám đốc và quý Cha TTMV Tgp Sàigòn – TP.HCM.
– Cha Giuse Đào Nguyên Vũ, SJ, Chánh Văn phòng HĐGM VN, Lm Thừa sai Lòng Thương Xót.
– Cha Giuse, Hạt trưởng Hạt Phú Thọ.
– Cha Giuse Nguyễn Phát Tài.
– Quý Cha Dòng Mẹ Chúa Cứu Chuộc.
– Cha Gioan B. Nguyễn Tấn Sang, Chánh xứ Ba Giồng, Gp Mỹ Tho
– Quý Cha đồng Tế.
– Cha Giuse, Sr Têrêsa và Ban Mục Vụ Truyền thông Tgp Sàigòn.
– Sr. Anna và quý Sr, quý Đệ tử Dòng Nữ Tỳ Chúa Giêsu Linh mục.
– Sr Giám tỉnh và Quý Sr Dòng T.Phaolô thành Chartres.
– Ủy Ban Nhân Dân TP.HCM, Ban Tôn Giáo Thành Phố – Sở Nội vụ, Ủy Ban Nhân Dân Quận I, Ủy Ban Nhân Dân và Công An Phường Bến Nghé.
– Tổng C.ty Tân Hiệp Phát, Tập đoàn Đông Phương Group, C.ty Âm thanh/Ánh sáng Xuân Đức, Cty Công nghệ Anh Em và quý Ân nhân.
– Hướng Đạo Công Giáo TGP SG, Liên đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể TGP SG, Gia đình Khôi Bình TGP SG, Phòng khám Đa khoa Thánh Mẫu, Ca đoàn Tổng hợp, Đội kèn tây Giáo Xứ Gò Mây.
– Quý đại diện HH LCTX GP Xuân Lộc, quý Ban Chấp hành Hạt, quý Đoàn viên CĐ LCTX Tgp Sàigòn và Cộng đoàn dân Chúa.
Đã góp phần vào thành công của Đại lễ. Nguyện xin Thiên Chúa tuôn đổ muôn ơn lành trên Quý Đức cha, Quý Cha, Quý Tu sĩ và mọi người.
Hẹn gặp lại ở Đại lễ 2020.
————————–
[1] Lm. Antôn Hà văn Minh. Lòng Thương Xót của Thiên Chúa được biểu tỏ trong phụng vụ
[2] Xem toàn bài chia sẻ của cha Giuse tại mục video, website: longchuathuongxot.vn
[3] Xem toàn bài chia sẻ của cha Ernest tại mục video, website: longchuathuongxot.vn
[4] Xem toàn bài chia sẻ của Đức cha Giuse tại mục video, website: longchuathuongxot.vn
[5] Lời kết trong phần chia sẻ của Cha Giuse Đào Nguyên Vũ