Home / Học Hỏi Linh Đạo / ĐỐI THỌAI NĂM ĐỨC TIN (Bài 18A)

ĐỐI THỌAI NĂM ĐỨC TIN (Bài 18A)

TÔN GIÁO VÀ CÁC VẤN ĐỀ: KINH TẾ, XÃ HỘI, THIÊN ĐÀNG

VẤN ĐỀ 18 A: Về kinh tế, tôn giáo chỉ sản xuất ra những chuyện tưởng tượng, thay vì sản xuất ra vật chất có thực để phục vụ con người (Mega I,5 trang 29).

TRẢ LỜI:

1.Phân biệt tôn giáo và chính quyền:

1)Chính quyền là một cơ chế gồm một số người có quyền, điều hành quốc gia theo hiến pháp và luật pháp qui định. Chính quyền có nhiệm vụ làm cho dân giàu nước mạnh, phải bao quát mọi vấn đề trong nước như: chính trị, quân sự, văn hóa, xã hội, thông tin, giáo dục, kinh tế…và phải chịu trách nhiệm trước nhân dân, đặc biệt trước quốc hội, là đại diện của nhân dân về những vấn đề ấy.

2)Còn tôn giáo là một tổ chức tinh thần của các tín hữu. Khác với chính quyền, các nhà lãnh đạo tôn giáo có nhiệm vụ hướng dẫn các tín hữu chu toàn bổn phận đối với Thiên Chúa và tha nhân, làm cho gia đình và xã hội ngày một an bình hạnh phúc hơn…

Do đó, đòi hỏi tôn giáo phải sản xuất ra cơm bánh vật chất … là không phù hợp với mục đích của tôn giáo và lẫn lộn với công tác của chính quyền.

2.Những đóng góp của tôn giáo về kinh tế:

Tuy không có nhiệm vụ trực tiếp sản xuất kinh tế để làm ra cơm bánh tiền bạc vật chất cho dân chúng như chính quyền, nhưng tôn giáo cũng có phần nào trách nhiệm trong việc kiến tạo một cuộc sống tươi đẹp hơn cho các tín hữu của mình, nên cũng đã góp phần trong lãnh vực này cách gián tiếp như sau:

1)Tôn giáo khuyến khích việc lao động chân tay bằng giảng dạy và gương sáng:

-Đức Giê-su, mẫu gương tuyệt hảo của người Ki-tô hữu cũng đã chia sẻ thân phận của một người lao động trong suốt thời gian 30 năm ẩn dật tại Na-da-rét: Sinh ra trong cảnh nghèo khó (x. Lc 2,7), sống như một người nghèo (x. Lc 9,58), và chịu chết trên cây thập tự không một manh áo che thân như một người nghèo nhất (x. Mt 27,35).

-Trong thời gian giảng đạo gần ba năm, Đức Giê-su không ngừng khuyên dạy mọi người: Phải tránh thói ích kỷ chỉ tìm cách hưởng thụ một mình. Trái lại, phải biết nghĩ đến người khác, chấp nhận đi con đường gian khổ leo dốc là khiêm nhường phục vụ tha nhân. Người dạy: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt 16,24). “Anh em muốn người ta làm gì cho mình, thì cũng hãy làm cho người ta như vậy” (Lc 6,31). “Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em. Và ai muốn làm đầu anh em, thì phải làm đầy tớ anh em” (Mt 20,26-27).

-Đức Giê-su cũng mời gọi những người lao động chài lưới theo làm môn đệ của Người như Người đã kêu gọi các môn đệ đầu tiên: “Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh  thành những kẻ lưới người như lưới cá” (Mt 4,18–19).

-Tông đồ Phao-lô cũng khẳng định lập trường của Ki-tô giáo về việc lao động như sau: “Ai không chịu làm thì cũng đừng ăn” (2 Tx 3,10). Chính ngài cũng nêu gương lao động: dù bận rộn với bao công việc truyền giáo, nhưng ngài vẫn dành ra thời giờ làm việc dệt vải để mưu sinh, không dám cậy nhờ hoàn toàn vào sự trợ giúp vật chất của các tín hữu, dù ngài có quyền làm như thế (x. 1 Cr 9,4-14).

-Ngoài ra, trong Giáo hội cũng có nhiều dòng tu coi trọng công việc lao động theo châm ngôn như sau: “Ora et labora”  (Cầu nguyện và làm việc).

2)Tôn giáo đã cộng tác trong việc xây dựng một xã hội trật tự, an ninh… là điều kiện cần để mọi người an tâm sản xuất: Hoàng đế Na-po-lê-ông người Pháp (17691821)  đã quả quyết về giá trị của tôn giáo trong việc duy trì an ninh trật tự xã hội như sau: “Một dân tộc không tôn giáo phải được cai trị bằng súng đạn, nhà tù và bạo lực”. Chính trị gia Xa-tô-bi-ăng (François-René de Chateaubriand: 1768-1848) cũng đồng quan điểm khi tuyên bố: “Tiêu hủy việc thờ tự theo Tin Mừng, thì mỗi làng phải xây nhiều nhà ngục và phải có nhiều đao phủ thủ”.

TÓM LẠI: Về lãnh vực kinh tế, tuy tôn giáo không trực tiếp sản xuất làm ra của cải vật chất như cơm bánh, quần áo, đồ dùng… vì không phải nhiệm vụ chính, nhưng tôn giáo cũng đã gián tiếp đóng góp công sức trong việc tạo lập một xã hội ấm no hạnh phúc. Chính nhờ lời giảng dạy và gương lành của các vị mục tử và tu sĩ nam nữ, mà xã hội đã nên tốt hơn, con người bớt làm điều xấu hơn. Cũng nhờ giáo lý về sự công bình bác ái của Đức Giê-su, mà hòa bình giữa các quốc gia trên thế giới đã được duy trì. Tất cả những điều ấy là điều kiện cần để xã hội có thể phát triển kinh tế.

 

VẤN ĐỀ 18 B: Về xã hội, tôn giáo  tán dương chế độ nô lệ, nông nô, cố duy trì sự bất công giữa giai cấp thống trị và giai cấp bị đàn áp để dễ bề lợi dụng.

TRẢ LỜI:

Trong quá khứ, tại một vài nơi trên thế giới, nếu thực sự đã có những nhà lãnh đạo tôn giáo cấu kết với vua chúa quan quyền và để mặc cho bọn người này đàn áp bóc lột dân đen nghèo khổ, thì đó cũng chỉ là một thiểu số nhỏ bé, giới hạn trong một thời gian, và ở một vài địa phương mà thôi, chứ không phải là chủ trương của Hội thánh.

Thực vậy, Hội thánh Công giáo cả về giáo thuyết cũng như hành động không bao giờ tán dương chế độ nô lệ, nông nô bất công như có người đã chỉ trích phê phán. Trái lại, Hội thánh luôn nỗ lực góp phần với mọi người thiện chí xóa bỏ giai cấp, tạo lập công bình bác ái xã hội.

I.GIÁO LÝ CÔNG GIÁO VÀ VẤN ĐỀ XÃ HỘI:

Đọc Thánh kinh cũng như giáo huấn Công đồng và thông điệp của các Đức Giáo Hoàng xưa nay, chúng ta thấy: Giáo hội Công giáo luôn có một lập trường nhất quán là bênh vực lớp người nghèo khổ, và san bằng mọi giai cấp trong xã hội:

1.Lời Chúa trong Thánh Kinh:

a)Mọi người đều là anh em con cùng một cha chung trên trời là Thiên Chúa:

-Đức Giê-su phán: “Phần anh em, thì đừng để ai gọi mình là “rápbi”, vì anh em chỉ có một Thầy; còn tất cả anh em đều là anh em với nhau. Anh em cũng đừng gọi ai dưới đất này là cha của anh em, vì anh em chỉ có một Cha là Cha trên trời (Mt 23,8-9).

-Người cũng dạy môn đệ cầu nguyện với Thiên Chúa như với người cha thân yêu của mình: “Lạy Cha chúng con ở trên trời…” (Mt 6,9-13).

b)Người lãnh đạo không được lợi dụng quyền thế để hà hiếp bóc lột người dưới:

-Đức Giê-su nói: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mc 10,45).

-Tin Mừng Gio-an thuật lại hành động phục vụ của Đức Giê-su như sau: Khi rửa chân cho các môn đệ xong, Đức Giê-su mặc áo vào, về chỗ và nói: “Anh em có hiểu việc Thầy mới làm cho anh em không ? Anh em gọi Thầy là “Thầy” là “Chúa”, điều đó phải lắm, vì quả thật: Thầy là “Thầy” là “Chúa”. Vậy nếu Thầy là “Chúa” là “Thầy” , mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau.  Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em” (Ga 13,12-15).

c)Thái độ của Đức Giê-su và Đức Ma-ri-a đối với người nghèo kẻ giàu:

-Đức Ma-ri-a trong kinh Ngợi khen đã tán dương Thiên Chúa: “Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường. Kẻ đói nghèo Chúa ban của đầy dư, người giàu có lại đuổi về tay trắng” (Lc 1,52-53).

-Đức Giê-su hứa ban Nước Trời cho những người nghèo khó đang chịu thiệt thòi, và phàn nàn về những người giàu có mà ích kỷ bất nhân: “Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó, vì Nước Thiên Chúa là của anh em” (Lc 6,20).- ”Nhưng khốn cho các ngươi là những kẻ giàu có, vì các ngươi dã được phần an ủi của mình rồi” (Lc 6,24). Người cũng cảnh báo những kẻ giàu có: “Thầy còn nói cho anh em biết: Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa” (Mt 19,24).

2.Giáo huấn của Hội Thánh Công giáo:

a)Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI ngày 29/06/2009 đã ra thông điệp “Caritas in veritate – Bác ái trong chân lý” trình bày giáo huấn của Hội Thánh về công bằng xã hội. Thông điệp này tiếp nối thông điệp “Populorum progressio- Phát triển các dân tộc” của Ðức Phaolô VI năm 1968 ngay sau công đồng Vaticanô II với nội dung: Giáo Hội khi rao giảng và cử hành bí tích Thánh Thể, cũng như trong mọi hoạt động trần thế của mình phải nhắm vào việc phát triển toàn vẹn con người”. Mới đây vào ngày 05/07/2013, Ðức Thánh Cha Phanxicô sau lễ nhậm chức Giáo Hoàng, đã công bố thông điệp đầu tiên của ngài “Lumen fidei – Ánh Sáng Ðức Tin“. Trong đó, ngài cho biết chương trình hành động là sẽ tập trung xây dựng một “Giáo hội nghèo, cho người nghèo”. Rồi sau đó ngài luôn quan tâm đến “những người nghèo nhất, yếu đuối nhất, ít quan trọng nhất” bằng việc nhắc đi nhắc lại hằng tuần, đồng thời kêu gọi các tu sĩ và mọi tín hữu hãy đến với những người nghèo khổ đang sống bên lề xã hội (Theo Vietcatholic news).

b)Công đồng Vaticanô II trong Hiến chế “Giáo hội trong thế giới ngày nay” (Gaudium et Spes số 8-9) cũng cổ võ cho sự bình đẳng giai cấp giàu nghèo, bình đẳng giữa các dân tộc và các quốc gia như sau: “Dưới tất cả những đòi hỏi đó, tàng ẩn một ước vọng sâu xa và đại đồng hơn: mọi cá nhân và tập thể đều khao khát một cuộc sống đầy đủ và tự do xứng đáng với phẩm giá con người”.

-TÓM LẠI, từ vài thập niên qua, những câu: “Giáo Hội của người nghèo”, “Ưu tiên phục vụ người nghèo”… là những khẩu hiệu đặc trưng của Giáo Hội Công giáo. Hội nghị các Giám mục Á châu cũng đã khẳng định quyết tâm phục vụ người nghèo của mình như sau: “Giáo hội trước tiên phải là Giáo hội của người nghèo”.

3.Giáo Hội tiến hành việc san bằng giai cấp:

Giáo hội Công giáo không phải chỉ rao giảng lý thuyết suông, nhưng còn kèm theo những hành động tích cực để xóa bỏ sự cách biệt giữa các giai cấp, và kiến tạo một xã hội công bằng và đầy tình yêu thương như Đức Giê-su đòi hỏi:

a)Trong các lễ nghi phụng vụ: Khi hội họp cầu nguyện, trong các lễ nghi phụng tự công cộng, mọi người không phân biệt giai cấp, địa vị xã hội, giàu nghèo…đều có quyền bình đẳng ăn cùng một tấm bánh và uống chung một chén rượu. Cần tránh phân biệt  giai cấp giàu nghèo sang hèn như thánh Phao-lô đã phê bình Hội thánh ở Cô-rinh-tô (x. 1 Cr 11,18-22).

b)Hoạt động của các dòng tu: Trong Giáo hội có nhiều dòng tu nam nữ đã chọn lối sống nghèo khó, lao động chân tay vất vả như mọi người, hoặc chuyên tâm săn sóc, phục vụ người nghèo sống tốt hơn… như dòng Anh Em Hèn Mọn Thánh Phanxicô khó khăn, dòng tiểu đệ Chúa Giê-su, dòng Thừa sai Bác ái của Mẹ Tê-rê-sa Can-quýt-ta…

c)Cũng có những phong trào, đoàn thể quan tâm phục vụ người lao động, tranh đấu cho quyền lợi người lao động, thăng tiến đời sống cho người nghèo cả về tinh thần lẫn vật chất như: Thanh Lao Công, Bác Ái Vinh Sơn, Caritas … Các Hội đoàn Công Giáo Tiến Hành khác như Hiệp Hội Thánh Mẫu, Gia Đình Phạt Tạ Thánh Tâm, Các Bà Mẹ Công Giáo… cũng khuyến khích hội viên sống đức Tin bằng việc thực thi đức cậy và đức ái qua các công tác bác ái hằng tuần hằng tháng như: thăm viếng người nghèo, bệnh tật và bị bỏ rơi… để chia sẻ cơm bánh, an ủi phục vụ họ hầu giới thiệu “Thiên Chúa là Tinh Yêu” cho họ.

Ngoài ra, còn có rất nhiều những người con ưu tú của Hội thánh, trong đó có các giám mục, linh mục, tu sĩ, giáo dân… đã tận hiến cuộc đời phục vụ người lao động nghèo khổ. Các Ngài tình nguyện làm việc vất vả như một người thợ… với tinh thần hiến thân phục vụ cao độ.

TÓM LẠI: Giáo hội Công Giáo trong giáo lý cũng như hành động, không chủ trương duy trì những bất công xã hội để dễ bề lợi dụng như có người đã chỉ trích. Trái lại, Hội Thánh không ngừng giảng dạy, cổ võ, thực hành sự bình đẳng giữa mọi người trong xã hội. Nếu trong quá khứ, có một ít phần tử nào đó đã đi sai đường lối chung, thì cũng không thề nại vào đó để quy chụp đổ thừa trách nhiệm cho Hội Thánh được.

 

VẤN ĐỀ 18 C: Tôn giáo hứa hẹn một thiên đàng xa xôi không tưởng. Đáng lẽ phải xây dựng một thiên đàng ấm no hạnh phúc cho con người ngay trên trần gian này mới đúng.

TRẢ LỜI :

1. Trước hết, cần phải xác định: công việc xây dựng cho dân chúng một đời sống vật chất ấm no hạnh phúc không phải là nhiệm vụ trực tiếp của tôn giáo, mà là trách nhiệm hàng đầu của chính quyền. Tuy nhiên tôn giáo là một con đường giúp con người hướng thượng, vươn tâm hồn lên cao để đạt tới “chân thiên mỹ” là Thiên Chúa. Một khi đạt tới Thiên Chúa thì đương nhiên con người cũng sẽ đạt được hạnh phúc vĩnh cửu. Thiên đàng không chỉ là một thứ hạnh phúc tưởng tượng, nhưng thực sự hiện hữu và là phần thưởng cho những người biết tuân giữ các giáo huấn của tôn giáo ở đời này (xem phần PHỤ CHÚ)

2)Người ta không thể đòi hỏi tôn giáo phải dẫm thân lên chính quyền, dành lấy cho mình công việc của chính quyền, vì những bất lợi đã từng xảy ra trong quá khứ như sau:

a)Trong thời giáo hội sơ khai: Các Tông đồ đã ý thức được sự bất tiện khi ôm đồm công việc: vừa lo rao giảng Tin mừng lại vừa lo phục vụ mâm bàn cho các tín hữu. Cuối cùng các Tông đồ đã lập chức vụ Phó tế để chuyên lo phục vụ cộng đoàn và quản lý tài sản vật chất của Hội Thánh, để các ngài chuyên lo nhiệm vụ chính yếu là rao giảng Lời Chúa. Sách Công vụ thuật lại như sau: “Thời đó, khi số môn đệ thêm đông, thì các tín hữu Do thái theo văn hóa Hy lạp, kêu trách những tín hữu Do thái bản xứ, vì trong việc phân phát lương thực hằng ngày, các bà góa trong nhóm họ bị bỏ quên. Bởi thế, Nhóm Mười Hai triệu tập toàn thể các môn đệ và nói: “Chúng tôi mà bỏ việc rao giảng Lời Thiên Chúa để lo việc ăn uống, là điều không phải. Vậy, thưa anh em, anh em hãy tìm trong cộng đoàn bảy người được tiếng tốt, đầy Thần Khí và khôn ngoan, rồi chúng tôi sẽ cắt đặt họ làm công việc đó. Còn chúng tôi, chúng tôi sẽ chuyên lo cầu nguyện và phục vụ Lời Thiên Chúa” (Cv 6,1-4).

b) Đến thời Trung cổ: Khi hầu hết các nước ở châu Âu đã theo đạo, thì Giáo hội trở nên có quyền thế rất lớn. Một số các nhà lãnh đạo tôn giáo vì không lường trước được hậu quả tai hại, nên đã lẫn lộn hai quyền bính đạo đời. Vì thế, Giáo hội đã bị mang tiếng và bị vạ lây khi các vua chúa làm điều sai quấy. Sau này Giao Hội đã quyết định tách lìa tôn giao khỏi chính trị, để các mục tử của Giáo Hội chỉ chuyên lo công việc rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa và giới hạn công việc phục vụ về phạm vi đức tin mà thôi.

3) Tuy không trực tiếp lo cơm áo cho dân chúng nhưng tôn giáo cũng đã gián tiếp góp phần cho việc xây dựng cuộc sống vật chất cho nhân loại:

a) Các vị chủ chăn không ngừng khuyên dạy giáo dân thực thi công bằng bác ái như Tin Mừng đòi hỏi. Nhiều mục tử đã can đảm bênh vực giai cấp thợ thuyền nghèo khổ, đòi hỏi lương bổng công bằng cho người lao động, chấm dứt cảnh “người bóc lột người”. Các ngài còn công khai bênh vực quyền lợi người nghèo tại các diễn đàn quốc tế nữa…

b) Rất nhiều tổ chức Công giáo đã có những hành dộng cụ thể, tích cực trong việc kiến tạo một xã hội tốt đẹp hơn: bằng cách nâng cao đời sống vật chất của giai cấp nghèo khổ, phát triển các dân tộc kém mở mang. Rất nhiều trung tâm huấn nghệ, tìm việc làm cho người thất nghiệp, nhiều trường trung tiểu học miễn phí, nhiều bệnh viện, cô nhi viện, dưỡng lão viện, trại câm điếc, trại phong cùi… đã dược các tín hữu thiết lập nhằm phục vụ người bị xã hội bỏ rơi. Ngoài ra, còn nhiều đoàn thể công giáo đứng về phía người nghèo để đấu tranh như thánh lao công của Đức Hồng Y Giuse Cardin, nhiều tổ chức cứu trợ cấp thời những rủi ro, thiên tai cho những người bị nạn như tổ chức Caritas quốc tế… đã chứng tỏ một cách hùng hồn sự đóng góp hữu hiệu của Giáo hội trong việc kiến tạo cho xã hội một đời sống ấm no hạnh phúc hơn ngay tại trần gian này.

TÓM LẠI: Dù nhiệm vụ chính của tôn giáo là hướng dẫn tinh thần của con người, giúp họ sống xứng đáng với phẩm giá của con người, tỏ lòng hiếu thảo với Thiên Chúa để sau này được hưởng hạnh phúc đời đời trên thiên đàng. Nhưng tôn giáo, đặc biệt là Kitô giáo cũng không quên xây dựng cho con người một cuộc sống ấm no hạnh phúc hơn ngay tại trần gian này cách gián tiếp bằng lời giảng dạy cũng như bằng các hành động cụ thể tùy theo nhu cầu và phù hợp với khả năng của mình.

PHÚT HỒI TÂM:

LỜI CHÚA: Đức Giê-su nói: “Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó, vì Nước Thiên Chúa là của anh em” (Lc 6,20).

LỜI CẦU:

Lạy Chúa. xin cho con nhìn thấy những người nghèo đang sống bên con, ngay trong gia đình ruột thịt của con và đang cần đến được con quan tâm giúp đỡ : một nụ cười, một ánh mắt, một lời động viên an ủi, một cái bắt tay thân ái, một sự sẻ chia tình người. Xin cho con nhận ra chính con cũng là người nghèo, và cũng cần được người khác giúp đỡ.

Tạ ơn Chúa vì Chúa đã dựng nên loài người chúng con ai cũng những thiếu sót, ai cũng nghèo về một phương diện nào đó và cần được người khác trợ giúp. Và như thế mọi người đều được mời gọi quan tâm đên nhau và trợ giúp cho nhau.

Tạ ơn Chúa vì chính Chúa cũng tự hạ nên nghèo khó giống như chúng con và cần sự cộng tác của chúng con để có thể hoàn tất chương trình cứu độ loài người.

Xin giúp chúng con nhận ra sự nghèo khó của mình, để khiêm tốn đón nhận ơn Chúa ban và sự trợ giúp của người khác. Xin cho chúng con nhận ra những anh chị em chung quanh đang nghèo khó cần sự trợ giúp để quảng đại chia sẻ cơm bánh và tình thương cho họ. Amen.

LM ĐAN VINH – HHTM

 

    

PHỤ CHÚ :

CÓ THIÊN ĐÀNG KHÔNG VÀ HẠNH PHÚC THIÊN ĐÀNG RA SAO ?

I. THIÊN ĐÀNG HIỆN HỮU THỰC SỰ :

1) Đây là một điều phù hợp với sự khôn ngoan và đức công bình vô cùng của Thiên Chúa, và đó cũng chính là cùng đích mầu nhiệm cứu chuộc của Đức Giê-su: Người đến để trả lại cho loài người chúng ta sự sống mà nguyên tổ A-đam E-và xưa đã đánh mất khi phạm tội vì bất phục tùng, để phục hồi địa vị làm con Thiên Chúa cho chúng ta bắt đầu từ trần gian, và kéo dài mãi trên thiên đàng đời sau (x. Rm 5,12-21).

2) Đây còn là một chân lý đức tin:

a)Đức Giê-su nhiều lần đề cập đến thiên đàng trong các bài giảng của Người:

– “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5,2).

– “Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa” (Mt 5,8).

– “Anh em hãy vui mừng hớn hở, phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao” (Mt 5,12).

-“Anh em đừng tích trữ cho mình những kho tàng dưới đất, nơi mối mọt làm hư nát, và kẻ trộm khoét vách lấy đi. Nhưng hãy tích trữ cho mình những kho tàng trên trời, nơi mối mọt không làm hư nát, và kẻ trộm không đào ngạch và lấy đi được (Mt 6, 19-20).

-Trong dụ ngôn “Những nén bạc”, ông chủ nói với người đầy tớ biết làm lợi thêm những nén bạc ông đã trao: “Khá lắm, hỡi người đầy tớ tài giỏi và trung thành ! Được giao ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ giao nhiều cho anh. Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh !” (Mt 25,21).

b) Đức Giê-su cũng nói với các Tông đồ về thiên đàng như sau: “Trong nhà Cha của Thầy có nhiều chỗ ở, nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi. Vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em. Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy sẽ trở lại và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu anh em cũng ở đó” (Ga 14,2-3).

c) Đến ngày tận thế, Đức Giê-su Vua Thẩm Phán sẽ tái lâm để phán xét chung. Tin mừng Mát-thêu tường thuật như sau: “Bấy giờ Đức Vua sẽ phán cùng những người ở bên phải rằng: Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa” (Mt 25,34).

d) Tin Mừng Lu-ca đã ghi nhận về sự kiện Đức Giê-su lên trời như sau: “Chúa Giêsu được đem lên Trời” (Lc 24,51). Trời đây không phải trời xanh, mà là Thiên đàng, nơi Ba Ngôi Thiên Chúa là Chúa Cha, Chúa Con, và Chúa Thánh Thần ngự trị muôn đời.

e) Thánh Phao-lô cũng quả quyết có thiên đàng vĩnh cửu sau cuộc đời trần gian hôm nay: “Quả thật, chúng ta biết rằng: Nếu ngôi nhà của chúng ta ở dưới đất  là chiếc lều này bị phá hủy đi, thì chúng ta có một nơi ở do Thiên Chúa dựng lên, một ngôi nhà vĩnh cửu ở trên trời, không do tay người thế làm ra” (2 Cr 5,1).        

II. HẠNH PHÚC THIÊN ĐÁNG RA SAO?

1)Những quan niệm sai lạc về hạnh phúc thiên đàng: Một số người có những ý nghĩ không đúng về thiên đàng. Chẳng hạn:

a)Thiên Đàng là phần thưởng của Thiên Chúa ban nhằm thúc đẩy con người ăn ngay ở lành, giống như cha mẹ hứa cho con cái mình bánh kẹo để khuyến khích chúng chăm chỉ học tập. Như thế chẳng lẽ người ta chỉ làm các việc lành vì ích kỷ, nhằm tới lợi riêng cho mình sao ?

Thực ra, thiên đàng tuy là một phần thưởng (x. Mt 5,12), nhưng trước hết, thiên đàng là cùng đích cuộc đời chúng ta. Nếu con người sống mà không hướng về Thiên Chúa thì cuộc đời của họ sẽ vô nghĩa. Chúng ta làm lành để biểu lộ lòng yêu mến Thiên Chúa ở đời này giống như người gieo hạt giống tốt, và đương nhiên sẽ gặt được hoa trái là hạnh phúc thiên đàng đời sau.

b)Một số người lại tưởng tượng ra hạnh phúc thiên đàng theo sở thích của mình: Là nơi không còn phải ưu phiền thử thách, khỏi bị đau khổ, nhưng được sung sướng khoái lạc, được nhìn thấy những phong cảnh đẹp chưa từng được thấy, được nghe những điệu nhạc du dương chưa từng được nghe ở trần gian…

Thực ra, hạnh phúc Thiên Đàng trước hết là hạnh phúc siêu nhiên tinh thần, thỏa mãn được những như cầu của linh hồn chúng ta, được hưởng kiến tôn nhan Thiên Chúa “diện đối diện” như lời thánh Phao-lô dạy: “Bây giờ chúng ta thấy lờ mờ như trong một tấm gương, mai sau sẽ được mặt giáp mặt” (1 Cr 13,12).

c)Có người lại quan niệm thiên đàng theo kiểu tình cảm trần gian. Theo họ: khi lên thiên đàng chúng ta sẽ được gặp lại những người thân của mình trươc đây, được nối lại tình xưa nghĩa cũ, vợ chồng con cái, cha mẹ anh em sẽ sống quây quần bên nhau như ở trần gian…

Thực ra, thiên đàng không phải chỉ là nơi để gặp gỡ các người thân của mình. Thiên Đàng tuy là một gia đình, nhưng là một gia đình thiêng liêng, là nhà của Thiên Chúa là Cha chung, trong đó mọi người đều là anh chị em với nhau.

2)Vậy hạnh phúc thiên đàng thực sự thế nào ? : Hiện nay chúng ta không thể diễn tả hạnh phúc Thiên Đàng như thế nào, vì chưa có ai được lên đó. Muốn hiểu hạnh phúc ấy, ta nên dựa vào Lời Chúa như sau:

a)Theo sách Khải huyền: “Rồi tôi nghe từ phía ngai có tiếng hô to: ‘Ðây là nhà tạm Thiên Chúa ở cùng nhân loại, Người sẽ cư ngụ cùng với họ. Họ sẽ là dân của Người, còn chính Người sẽ là Thiên Chúa ở cùng họ. Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt họ. Sẽ không còn sự chết; cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa, vì những điều cũ biến mất” (Kh 21.3-4).

b)Thánh Phê-rô cũng khuyên các tín hữu: “Được chia sẻ những đau khổ của Đức Ki-tô bao nhiêu, anh em hãy vui mừng bấy nhiêu, để khi vinh quang Người tỏ hiện, anh em sẽ được vui mừng hoan hỷ” (1 Pr 4,13).

c)Thánh Phao-lô đã viết về hạnh phúc Thiên đàng như sau: “Điều mắt chẳng hề thấy, tai chẳng hề nghe,  lòng người không hề nghĩ tới. Đó lại là điều Thiên Chúa đã dọn sẵn  cho những ai mến yêu Người” (1 Cr 2,9).

3)Sự tiếp nhận hạnh phúc thiên đàng nhiếu ít là do phấn đấu của mỗi người:

a)Ơn cứu độ được ban cho hết mọi người: Trong dụ ngôn “Những người thợ đi làm vườn nho”, nhiều người đi làm vườn nho vào những thời điểm khác nhau trong ngày, nhưng đến cuối ngày, mọi người đều được chủ trả lương một đồng bằng nhau (x. Mt 20,1-15). Qua đó cho thấy: Người ta được ơn cứu độ là do tinh thương bao dung của Thiên Chúa, hơn là do công sức riêng của bản thân mình.

b)Tuy nhiên, mọi người không được hạnh phúc bằng nhau: Mỗi người được hưởng kiến tôn nhan Thiên Chúa nhiều ít tùy theo công việc tốt đã làm khi còn sống ở trần gian. Ai yêu mến và làm các việc lành theo thánh ý Thiên Chúa nhiều thì ở đời sau sẽ được hưởng hạnh phúc nhiều hơn. Còn người yêu mến ít và làm ít việc lành khi còn sống, nên đương nhiên sẽ được hưởng hạnh phúc ít hơn trên thiên đàng.

b)Đây cũng là điều hợp lý và phù hợp với đức công bằng vô cùng của Thiên Chúa. Thánh Kinh đã đề cập về vấn đề này như sau:

-Đức Giê-su đã nói với các môn đệ: ”Lòng anh em đừng xao xuyến. Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy. Trong nhà Cha của Thầy có nhiều chỗ ở. Nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi. Vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em. Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy sẽ trở lại và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu anh em cũng ở đó” (Ga 14,1-3).

-“Vậy ai bãi bỏ dù chỉ là một trong những điều răn nhỏ nhất ấy, và dạy người ta làm như thế, thì sẽ bị gọi là kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời. Còn ai tuân hành và dạy làm như thế, thì sẽ được gọi là lớn trong Nước Trời” (Mt 5,19).

-Thánh Phao-lô trình bày về hạnh phúc thiên đàng khác nhau như sau: “Ánh mặt trời thì khác, ánh mặt trăng thì khác, ánh tinh tú thì khác, bởi vì ánh sáng tinh tú này khác với ánh sáng tinh tú kia. Việc kẻ chết sống lại cũng vậy: gieo xuống thì hư nát, mà trỗi dậy thì bất diệt; gieo xuống thì hèn hạ, mà trỗi dậy thì vinh quang; gieo xuống thì yếu đuối, mà trỗi dậy thì mạnh mẽ, gieo xuống là thân thể có sinh khí, mà trỗi dậy là thân thể có thần khí” (1Cr 15,39-44).

-Về sau, Công đồng Florence (1414 -1418) cũng đã khẳng định: “các Đấng Thánh tùy theo công trạng khác nhau sẽ được thấy Chúa khác nhau, người này hoàn hảo hơn người kia”.

-Tuy không bằng nhau, nhưng sẽ không có phân bì ganh ghét, vì mỗi người đều được tràn đầy hạnh phúc, đều ý thức rõ ràng tình yêu và sự công bằng vô cùng của Thiên Chúa. Ta có thể ví hạnh phúc Thiên Đàng giống như nước được đổ vào các đồ chứa mỗi người mang theo lên thiên đàng. Ai ở trần gian làm được nhiều việc lành giống như người sắm cho mình một chiếc chậu to, đang khi người khác làm ít việc lành lại chỉ có được một chiếc tô hay chén nhỏ… Vì ai nấy đều được Chúa đổ đầy ân sủng, nên tuy được hưởng hạnh phúc nhiều ít khác nhau, nhưng không có sự phân bì ganh ghét lẫn nhau.

4)Thiên đàng là nước tình yêu của Thiên Chúa:

a)Người tín hữu sống trên trần gian hướng về Thiên Chúa bằng ba nhân đức đối thần là Tin, Cậy, Mến:

Đức Tin làm cho ta thấy Chúa hiện diện trong mọi tạo vật để ngợi khen cảm tạ Chúa.

Đức Cậy làm cho ta vững lòng cậy trông để cầu xin Chúa ban ơn cứu độ.

Đức mến làm cho ta yêu mến Chúa trên hết mọi sự và tìm cách đáp lại tình yêu ấy.

b)Nhưng ở trên Thiên Đàng thì khác:

Đức tin không còn cần thiết vì ta đã được nhìn thấy Thiên Chúa “diện đối diện”.

Đức cậy cũng không còn, vì ta luôn có Chúa và không sợ phải lìa xa Chúa bao giờ.

Chỉ có đức mến sẽ tồn tại mãi mãi.

Các thánh trên thiên đàng sẽ luôn yêu mến Thiên Chúa vả yêu mến nhau, nên các ngài luôn được hưởng hạnh phúc viên mãn.

c)Thiên Đàng là Nươc Tình Yêu: Các Thánh sẽ không ngừng yêu mến Thiên Chúa, và nhờ tình yêu sẽ có tất cả như thánh Phao-lô đã viết: “Hiện nay, đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại. Nhưng cao trọng hơn cả là đức mến” (1 Cr 13,13). Các tín hữu đang sống ở trần gian vẫn có thể được hưởng hạnh phúc thiên đàng khi biết loại khỏi lòng trí các tội lỗi và các thói hư, để luôn sông tình mến Chúa yêu người. Khi sống trong tình yêu thương là chúng ta sẽ  được sống trong Thiên Chúa, hưởng được niềm vui và sự bình an trong tâm hồn, được hưởng hạnh phúc ngay từ đời này và sẽ kéo dài hạnh phúc ấy mãi mãi trên thiên đàng đời sau.

LM ĐAN VINH – HHTM

Xem thêm

images

Bài 40: Tìm Hiểu Tông Chiếu Dung Nhan Lòng Xót Thương

Dẫn vào Tiếp theo bài trước – vẫn là số 4 Tông chiếu Dung Nhan …