Home / Thế Giới Nhìn Từ Vatican / Video: Suy Niệm với Đức Thánh Cha Phanxicô 25/02– 02/03/2016: Kitô hữu phải sống chân thực

Video: Suy Niệm với Đức Thánh Cha Phanxicô 25/02– 02/03/2016: Kitô hữu phải sống chân thực

1. Người nghèo chính là Thiên Chúa đang gõ cửa tâm hồn chúng ta

“Lòng tin đích thật sẽ giúp chúng ta nhìn thấy những người nghèo khổ. Chính ở đó, Đức Giêsu đang gõ cửa tâm hồn chúng ta.” Đức Thánh Cha Phanxicô đã chia sẻ như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ 5, ngày 25 tháng 02, tại nguyện đường thánh Marta.

Trong bài Tin Mừng theo thánh Luca, Đức Giêsu đã nói với người Pha-ri-sêu dụ ngôn về một ông nhà giàu mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình và ông không nhận ra có một người nghèo khó tên là La-da-rô, mụn nhọn đầy mình, đang nằm trước cổng nhà ông. Khởi đi từ bài Tin Mừng đó, Đức Thánh Cha mời gọi mỗi người hãy tự hỏi mình xem: “Tôi là một Kitô hữu đang bước đi trên con đường giả dối, chỉ biết nói suông, hay tôi là một Kitô hữu đang bước đi trên con đường sự sống, tức là con đường của hành động, của thực hành?’ Ông nhà giàu kia chắc chắn đã tuân giữa tất cả mọi giới răn, mỗi ngày sa-bát đều đến hội đường và mỗi năm một lần đều lên đền thờ. Chắc chắn ông là một tín hữu sùng đạo.

Nhưng ông lại là một người khép kín, tự khóa mình trong một thế giới nhỏ bé riêng tư – thế giới của những ngày yến tiệc linh đình, của lụa là gấm vóc, của những phù phiếm sa hoa – một con người khép kín trong những bong bóng phù vân. Ông không có khả năng nhìn thấy những điều khác nhưng chỉ bó hẹp trong thế giới riêng của mình. Ông không nhận thấy những gì đang diễn ra bên ngoài thế giới đóng kín của ông, không nghĩ đến nhu cầu của rất nhiều người và sự cần kíp của biết bao kẻ đang ốm đau, bệnh tật. Ông chỉ nghĩ đến mình, đến sự giàu sang và cuộc sống êm ấm của mình.

Đức Thánh Cha nói thêm:

Ông nhà giàu rõ ràng là một tín hữu mộ đạo, nhưng lại không nhìn thấy những con người khốn khổ xung quanh. Bởi vì ông đóng kín trong chính mình. Có những người đang ở ngay trước cổng nhà nhưng ông không hề nhìn thấy. Ông đã bước đi trên con đường dẫn đến sự giả dối, vì ông chỉ tin tưởng vào chính mình, vào của cải của mình chứ không hề đặt niềm tin tưởng nơi Chúa. Như thế, ông chẳng để lại cho đời được gia sản gì. Và một điều khiến chúng ta tò mò là ông không hề có tên tuổi. Tin Mừng chỉ đề cập đến ông bằng một tính từ chung chung: ‘ông nhà giàu kia’. Như thế, tên tuổi của chúng ta cũng sẽ tiêu tan đi, chỉ còn là một tính từ mô tả nếu chúng ta mất đi căn tính và sức mạnh nội tâm của mình.

Ông nhà giàu là hình ảnh tượng trưng cho những người giàu có, quyền lực, có thể làm được mọi chuyện. Ông cũng là hình ảnh của những linh mục chức nghiệp, của những giám mục chức nghiệp. Nhiều lần trong đời, có những người xuất hiện với chúng ta chỉ bằng những tính từ mô tả chứ không phải bằng tên, vì họ không còn căn tính nữa, giống như ông nhà giàu trong Tin Mừng. Nhưng tôi tự hỏi: ‘Thiên Chúa là Cha nhân từ có dủ lòng thương xót ông nhà giàu này không? Thiên Chúa có gõ cửa đánh động tâm hồn ông không?’ Tôi nghĩ là có. Ngay trước cửa nhà ông, Chúa đã gởi đến La-da-rô, một người có tên tuổi. Anh La-da-rô với những khó khăn, thiếu thốn và bệnh tật chính là Thiên Chúa đang gõ cửa nhà ông. Nếu ông biết mở cửa, lòng thương xót Chúa sẽ đi vào. Nhưng không! Ông đã không nhìn thấy anh La-da-rô khốn khổ này. Ông đã đóng kín mình lại. Đối với ông, bất cứ ai, bất cứ điều gì ở bên ngoài cánh cửa thì chẳng là gì hết.

Chúng ta đang ở trong Mùa Chay Thánh. Và thật là hữu ích nếu chúng ta cũng biết hỏi mình rằng: ‘Tôi đang bước đi trên con đường sự sống hay con đường dẫn tới giả dối? Đã bao nhiêu lần tôi đóng cửa tâm hồn mình lại? Đâu là niềm hoan lạc của tôi: nói suông hay hành động? Tôi có dám bước ra khỏi chính mình để gặp gỡ và giúp đỡ tha nhân không? Bởi vì đó chính là hành vi của lòng thương xót. Hay niềm vui của tôi là tất cả mọi sự đã được định sẵn rồi và tôi tự đóng kín trong chính mình?’

Chúng ta hãy nài xin Thiên Chúa ban cho chúng ta ơn được nhìn thấy những La-da-rô trong cuộc đời hiện tại của chúng ta, đang nằm trước cửa nhà chúng ta. Những anh La-da-rô ấy đang gõ cửa tâm hồn chúng ta. Và nếu chúng ta biết mở cửa và bước ra khỏi chính mình với lòng quả đại và thái độ cảm thương, thì lòng thương xót của Thiên Chúa sẽ đi vào tràn ngập tâm hồn chúng ta.”

2. Câu chuyện: Vàng Bạc Trong Tro Bụi

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Trong kinh điển Phật giáo, có ghi lại câu chuyện ngụ ngôn như sau:

Có một người giàu có và tham lam nọ bỗng thấy tiền bạc của cải của mình biến thành tro bụi. Người đó đau buồn đến độ không còn thiết gì đến ăn uống nữa. Hay tin ông đau liệt, một người bạn tìm đến thăm. Sau khi đã tìm ra nguyên nhân của căn bệnh, người bạn đã nói như sau: “Anh đã không biết sử dụng của cải của anh. Chính vì thế mà anh càng thu tích, thì của cải của anh càng trở thành tro bụi. Xin anh hãy nghe lời khuyên sau đây của tôi: anh hãy đưa cả đống tro bụi vào hiệu buôn của anh. Anh ngồi trên đó và rao bán cho mọi người”.

Người giàu có làm theo lời khuyên của người bạn. Ông ngồi trên đống tro và rao hàng. Có người hỏi tại sao ông bán tro, ông trả lời như sau: “Ðây là tất cả tài sản của tôi”.

Một ngày kia, có một em bé gái mồ côi đi qua trước cửa hiệu. Em nghèo nhưng trong lòng không hề vương vấn đối với của cải. Thấy người giàu có ngồi trên đống tro, em bé mới nói: “Thưa ngài, ngài không biết là ngài đang bán vàng và bạc đó sao?”. Ngạc nhiên trước lời nói chân thành của em bé, người đàn ông mới thành khẩn van xin: “Xin cháu hãy chỉ cho chú biết đâu là vàng, đâu là bạc trong đống tro này?”. Ðứa bé đưa tay bốc lên một nắm tro. Tức khắc vàmg hiện lên trên đôi tay em trước sự ngạc nhiên của người giàu có.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Sự vật luôn có hai mặt. Kẻ tham lam nhìn vào chỉ thấy tro bụi và những của cải chóng qua ở đời này, trái lại người có tâm hồn trong sạch sẽ nhìn thấy được những giá trị vĩnh cửu. Kẻ bi quan nhìn vào sự vật sẽ chỉ nhìn thấy bóng tối, nhưng người lạc quan lại nhìn thấy ánh sáng và vẻ cao đẹp của sự vật. “Hãy thử nghĩ đến những sự vật trên trời”: đó là lời khuyên vàng ngọc của Thánh Phaolô. Tưởng nghĩ đến những sự trên trời không có nghĩa là sống trong thế giới của mơ mộng, ảo tưởng mà trái lại là sống tích cực trong thế giới này, sống bằng đôi mắt luôn tỉnh thức để nhìn ra chiều kích vĩnh cửu của cuộc sống, sống bằng tâm hồn trong sạch để nhận ra được những giá trị cao đẹp của cuộc sống. “Ðầu đội trời nhưng chân đạp đất”: đó là thế đứng đích thực của con người. Cắm rễ trong lòng cuộc sống này, nhưng vẫn luôn hướng nhìn về trời cao. Sống một cách trọn hảo trong từng phút giây của cuộc sống. Sống với tất cả trân trọng từng sinh hoạt hằng ngày. Sống với cái thường nhật của tất cả tin yêu, cảm mến… Ðó chính là cách sống của người có niềm tin.

3. Thiên Chúa chân thực nhưng nhiều Kitô hữu lại giả dối

“Kitô giáo là một tôn giáo chân thực, thi hành những công việc tốt lành chứ không phải là một tôn giáo chỉ biết nói suông, làm những việc giả hình và tìm kiếm hư danh.” Đây là nội dung bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô trong thánh lễ sáng thứ Ba, 23 tháng 02, tại nguyện đường thánh Marta.

Đời sống Kitô là một điều chân thực. Thiên Chúa cũng hết sức chân thực. Nhưng có nhiều Kitô hữu lại giả dối và ăn nói ba hoa chứ không hề dấn thân lãnh trách nhiệm; thích tìm kiếm hư danh chứ không khiêm nhường phục vụ những người nghèo hèn nhất.

Khởi đi từ bài đọc một trích sách Isaia và bài Tin Mừng theo thánh Mathêu, một lần nữa, Đức Thánh Cha giải thích về mối biện chứng Tin Mừng giữa lời nói và việc làm. Đức Thánh Cha cũng nhấn mạnh đến những lời của Đức Giêsu khi Ngài vạch trần bộ mặt giả hình của các kinh sư và người Pha-ri-sêu, đồng thời mời gọi các môn đệ và đám đông dân chúng hãy làm tất cả những gì họ nói, còn những việc họ làm thì đừng có làm theo.

Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng:

“Thiên Chúa dạy cho chúng ta cách thức để hành động. Nhiều lần ta đã thấy người này người kia, và ngày cả chúng ta, nói rằng: ‘Ồ, tôi là người Công Giáo. Đạo gốc ấy!’ Nhưng thực tế họ đã làm gì? Họ đã đã sống như thế nào? Có nhiều bậc cha mẹ miệng thì nói mình là người Công Giáo nhưng thực tế lại chẳng có thời gian để trò chuyện với con cái, để chơi đùa với chúng và để lắng nghe những tâm tình của chúng. Có nhiều người con đã gởi gắm cha mẹ mình vào viện dưỡng lão, và bận rộn đến nỗi chẳng còn thời gian để có thể thăm viếng cha mẹ nữa. Họ bỏ mặc cha mẹ trong cô đơn buồn tủi. Trên môi miệng, họ có thể nói mình là người Công Giáo, và thuộc về Giáo Hội. Nhưng thực chất, thứ Giáo Hội mà họ thuộc về là một tổ chức chỉ biết nói suông mà thôi: ‘Tôi nói tôi là người Công Giáo như thế này như thế kia, nhưng thực tế tôi lại hành xử theo tinh thần thế gian.’

Nói mà không làm là dối trá. Những lời của tiên tri Isaia đã chỉ cho chúng ta thấy Thiên Chúa yêu thích điều gì: ‘Đừng làm điều ác nữa. Hãy tập làm điều thiện. Sửa phạt người áp bức, xử công minh cho cô nhi, biện hộ cho quả phụ.’ Những lời này cũng đồng thời diễn tả lòng thương xót vô cùng vô tận của Thiên Chúa, vì quả thực Ngài đã nói với con người rằng: ‘Hãy đến đây, ta cùng nhau tranh luận. Tội các ngươi, dầu có đỏ như son, cũng ra trắng như tuyết.’

Lòng thương xót của Thiên Chúa sẽ tuôn trào ra với những ai có can đảm để tranh luận với Chúa, nhưng tranh luận phải dựa trên sự thật, dựa trên những gì mà tôi đã làm hoặc không làm, để nhờ đó mà tôi được sửa đổi. Và đây cũng chính là lòng yêu thương hải hà của Thiên Chúa, trong mối tương quan biện chứng giữa lời nói và việc làm. Là một Kitô hữu có nghĩa là làm, là thi hành ý muốn của Thiên Chúa. Trong ngày cuối cùng – tất cả chúng ta đều sẽ có ngày đó – ngày mà chúng ta sẽ phải trả lẽ trước mặt Thiên Chúa, Ngài không hỏi chúng ta đã nói với người khác điều gì về Ngài hay giảng dạy điều gì nhưng là hỏi chúng ta đã làm gì.

Lúc ấy Thiên Chúa sẽ hỏi từng người về những gì họ đã làm hoặc không làm cho những người đói khát, bị cầm tù, đau yếu và bị bỏ rơi. Đời sống Kitô là biết làm những điều cụ thể nho nhỏ nhưng tốt lành. Trái lại, lời nói suông chỉ mang lại hư danh, phù phiếm và đó là một thứ Kitô hữu nửa vời, giả bộ; chứ không phải một Kitô hữu đích thật.

Xin Thiên Chúa ban cho chúng ta ơn khôn ngoan để có thể hiểu đâu là sự khác biệt giữa nói và làm, và cũng xin Chúa dạy cho chúng ta cũng biết làm, biết thi hành, vì lời nói suông sẽ biến chúng ta thành những kinh sư và người Pha-ri-sêu giả hình thích ngồi trên tòa cao, đeo những hộp kinh thật lớn và mang những tua áo thật dài. Họ nói thật nhiều, giảng thật hay nhưng lại không buồn động ngón tay vào lay thử. Thái độ đó không am hợp với Tin Mừng. Xin Chúa dạy mỗi người chúng ta hãy biết làm, biết thực thi thánh ý Chúa.”

Nguồn: Vietcatholic News

Xem thêm

20-1-2025 10-55-07 AM

Lời Chúa – Thứ Hai Tuần II Thường Niên Năm C | 20/01/2025

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN