Home / Thế Giới Nhìn Từ Vatican / Video: Suy Niệm với Đức Thánh Cha Phanxicô 07/04– 13/04/2016: Câu chuyện Con Đường Emmaus

Video: Suy Niệm với Đức Thánh Cha Phanxicô 07/04– 13/04/2016: Câu chuyện Con Đường Emmaus

1. Giáo Hội đang cần những vị thánh và những vị tử đạo của ngày hôm nay

Họ là những vị thánh và là những vị tử đạo của cuộc sống thường ngày trong thời đại hôm nay. Nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần, họ giúp Giáo Hội không ngừng tiến lên qua những lời chứng mạnh mẽ và can đảm về Chúa Giêsu Phục Sinh. Đây là nội dung bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô trong thánh lễ sáng thứ Năm, ngày 07.04, tại nguyện đường Thánh Marta.

Kitô hữu là người có một đời sống chứng tá

Bài đọc một trích sách Công vụ Tông Đồ thuật lại lòng can đảm của Phê-rô. Sau khi chữa lành cho người bại liệt, Phê-rô đã công bố về sự phục sinh của Đức Giêsu trước Thượng Hội Đồng. Khi nghe những lời ấy, họ giận điên lên và muốn giết ông cùng các Tông Đồ. Mặc dù họ ngăn cấm không được giảng dạy về danh Đức Giêsu nhưng Phê-rô vẫn tiếp tục loan báo Tin Mừng, vì phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người phàm. Một Phê-rô can đảm như thế hoàn toàn khác với Phê-rô nhút nhát trong tối thứ Sáu Tuần Thánh, lúc ấy ông đầy sợ hãi đến nỗi đã chối thầy đến ba lần. Bây giờ, Phê-rô đã trở thành một chứng nhân can trường. Như vậy, những chứng nhân Kitô giáo bước đi trên cùng một quan lộ với Đức Giêsu, thậm chí sẵn sàng hy sinh mạng sống của mình. Cách này hay cách khác, Kitô hữu là người có một đời sống chứng tá cho sự thật.

Sự thống nhất giữa đời sống với những gì chúng ta đã thấy và đã nghe thực sự là khởi điểm của lời chứng. Nhưng có một nét đặc biệt nơi lời chứng tá Kitô giáo. Bởi vì lời chứng ấy không chỉ là làm chứng nhưng luôn có hai khía cạnh. Khía cạnh thứ nhất là chúng ta làm chứng về Đức Kitô Phục Sinh và khía cạnh thứ hai chính là Chúa Thánh Thần. Không có Thần Khí thì cũng không có lời chứng về Đức Kitô. Lời chứng và chính đời sống Kitô giáo là một ân sủng Thiên Chúa đã ban cho chúng ta nhờ Thần Khí.

Những vị tử đạo ngày nay

Không có Chúa Thánh Thần, chúng ta không thể là chứng nhân. Chứng nhân là người đồng nhất mình với những gì mình nói, mình làm và với những gì mình đã được nhận lãnh, đó chính là Chúa Thánh Thần. Đây chính là sự can trường Kitô giáo và đây cũng chính là một chứng tá. Chúng ta có rất nhiều chứng tá của các vị tử đạo ngày nay. Họ là những người bị đánh đuổi và phải trốn chạy khỏi quê hương đất nước. Họ bị cắt cổ, bị bách hại, bị giết chết. Và họ đã can đảm tuyên xưng Đức Giêsu cho đến những hơi thở cuối cùng. Chúng ta cũng có chứng tá của rất nhiều Kitô hữu ngày nay. Mặc dù phải sống trong hoàn cảnh khó khăn khắc nghiệt nhưng họ vẫn mạnh mẽ xác tín rằng: ‘Tôi không làm việc này. Tôi không thể làm điều xấu cho người khác. Tôi không thể gian dối. Tôi không thể sống một cuộc sống nửa vời hai mặt. Tôi phải làm chứng.’ Lời chứng đó chính là những gì mà với đức tin, họ đã được thấy và được nghe. Hay nói khác đi, với Thần Khí, Đấng mà họ đã được lãnh nhận như quà tặng của Thiên Chúa, họ mạnh mẽ làm chứng về Đức Giêsu Phục Sinh.

Những vị thánh trong đời sống hằng ngày

Trong những giai đoạn lịch sử khó khăn, người ta thường nghe nói rằng: ‘Tổ quốc đang cần những anh hùng.’ Điều này rất đúng và hoàn toàn chính đáng. Nhưng tôi tự hỏi: ‘Giáo Hội ngày hôm nay đang cần điều gì?’ Xin thưa: ‘Giáo Hội đang cần những chứng nhân, đang cần những vị tử đạo.’ Giáo Hội đang cần những chứng nhân, tức là những vị thánh, những vị thánh trong cuộc sống thường ngày. Họ là những người có một đời sống minh bạch, thống nhất với những gì họ nói, họ làm. Và họ sẵn sàng là những chứng nhân cho đến tận cùng, kể cả phải chết. Đây chính là những giọt máu sống động của Giáo Hội. Đây cũng chính là những người giúp Giáo Hội không ngừng tiến lên phía trước. Họ là những chứng nhân dám mạnh mẽ tuyên xưng Đức Giêsu đã phục sinh và Ngài đang sống. Họ đã làm chứng bằng chính đời sống tốt lành, thống nhất của mình, nhờ ơn của Chúa Thánh Thần, Đấng mà họ đã được lãnh nhận như một quà tặng của Thiên Chúa.

2. Kitô hữu sống sự hòa hợp của Thần Khí chứ không phải sự yên ổn do thỏa hiệp

“Không thể lẫn lộn sự hòa hợp ngự trị trong cộng đoàn Kitô hữu, là hoa trái của Thần Khí, với sự ‘yên ổn’ có được do dàn xếp, thương lượng thường che đậy đi những xung đột và chia rẽ bên trong. Một cộng đoàn được hợp nhất trong Đức Kitô cũng là một cộng đoàn tràn đầy sức mạnh và can đảm.” Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhấn mạnh như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ ba, ngày 05.04, tại nguyện đường thánh Marta.

Một lòng một ý, không ai phải thiếu thốn, mỗi người được phân phát tùy theo nhu cầu. Đó là bức tranh mà sách Công vụ Tông Đồ miêu tả lại. Từ bức tranh ấy, xuất hiện một từ có thể tổng hợp tất cả những tình cảm và lối sống của cộng đoàn Kitô hữu sơ khai, đó là: hòa hợp.

Tiền bạc – kẻ thù gây chia rẽ

Chúng ta có thể đồng thuận với nhau một tình trạng hòa bình nhất định nào đó. Nhưng sự hòa hợp là một ân sủng nội tâm chỉ có Chúa Thánh Thần mới thực hiện được. Và những cộng đoàn Kitô hữu sơ khai đã sống trong sự hòa hợp đó chứ không phải tình trạng yên ổn do thỏa hiệp. Có hai dấu hiệu của sự hòa hợp: không ai phải thiếu thốn và mọi sự đều là của chung. Điều ấy có nghĩa là gì? Họ sống với nhau chỉ có một lòng một ý, không ai coi bất cứ cái gì mình có là của riêng, nhưng đối với họ, mọi sự đều là của chung. Thật sự không ai trong số họ phải thiếu thốn. Sự hòa hợp đích thực của Chúa Thánh Thần lại có một sự liên hệ trái ngược rất mạnh mẽ với tiền bạc: tiền chính là kẻ thù của sự hòa hợp, tiền là sự quy kỷ. Vì thế, dấu hiệu của sự hòa hợp là mọi người biết cho đi tất cả những gì mình có, vì họ không còn thiếu thốn nữa.

Sự yên ổn do thỏa hiệp – một tình trạng mong manh

Sách Công vụ Tông Đồ kể lại rằng ông Banaba đã bán tất cả vườn tược của mình, lấy tiền đem đặt dưới chân các Tông Đồ. Nhưng ngay sau đó, câu chuyện thuật lại một chi tiết khác có phần trái ngược với lúc đầu. Chi tiết này không được nhắc đến trong bài đọc một hôm nay: Có một người tên là Khanania cùng với vợ là Xaphira bán một thửa đất. Hai ông bà giả vờ đã đưa tất cả số tiền cho các Tông Đồ, nhưng thật ra là giữ lại một phần tiền. Chọn lựa này đã khiến họ phải trả một giá rất cay đắng là cái chết. Thiên Chúa và tiền bạc là hai ông chủ mà những người tôi tớ phục vụ không được lẫn lộn. Và như thế, cũng rất có nguy cơ, người ta sẽ nhầm lẫn hòa hợp với sự yên ổn chóng qua do thỏa hiệp.

Một cộng đoàn có thể rất yên ổn, tốt đẹp; mọi sự đều suôn sẻ nhưng không hề có hòa hợp. Thật vậy, có lần tôi đã nghe được từ một vị Giám mục một điều khá lý thú: ‘Trong giáo phận, tình hình rất yên ắng. Nhưng nếu bạn chỉ cần đụng vào vấn đề này; vâng, chỉ cần đụng vào vấn đề này thôi, thì ngay lập tức chiến tranh sẽ bùng nổ.’ Đúng là một sự hòa hợp do thỏa hiệp! Và đó không phải là sự hòa hợp của Chúa Thánh Thần. Chúng ta gọi đó là sự hòa hợp giả tạo, giống như trường hợp của ông Khanania và vợ là bà Xaphira với tất cả những gì mà họ đã làm.

Thần Khí và ơn can đảm

Đức Thánh Cha kết thúc bài giảng bằng việc mời gọi mọi người cùng đọc lại sách Công vụ Tông Đồ về những Kitô hữu sơ khai và đời sống chung của họ: “Sẽ thật tốt nếu chúng ta biết cách để làm chứng tá trong những môi trường mà chúng ta đang sống. Sự hòa hợp của Chúa Thánh Thần mang lại cho chúng ta lòng quảng đại để không giữ bất cứ gì làm của riêng, cho dù có thiếu thốn. Sự hòa hợp ấy ban cho chúng ta một thái độ thứ hai: ‘Nhờ quyền năng mạnh mẽ Thiên Chúa ban, các Tông Đồ làm chứng Chúa Giêsu đã sống lại. Và Thiên Chúa ban cho tất cả các ông dồi dào ân sủng’. Điều này có nghĩa là các ông được ơn can đảm. Khi có sự hòa hợp trong Giáo Hội, trong cộng đoàn thì sẽ có sự can đảm, can đảm để làm chứng về Thiên Chúa Phục Sinh.”

3. Con Đường Emmaus

Nói đến những người không nhà không cửa, người ta thường nhắc đến cha Henri Groués quen được gọi tắt là cha Pierre, người đã sáng lập cộng đồng Emmaus nhằm giúp những người bần cùng tự tay xây dựng cuộc sống của họ.

Phong trào cộng đồng Emmaus khởi sự bằng một căn nhà đổ nát ở vòng đai của thành phố Paris vào hồi đệ nhị thế chiến. Những người khách đầu tiên của tổ ấm này là các thanh thiếu niên bụi đời, những người không nhà không cửa, hoặc các tù nhân vừa được phóng thích.

Câu nói đầu tiên của cha Pierre với những người mới đặt chân đến cộng đồng là: “Bạn không được may mắn, nhưng tôi cần bạn để giúp đỡ những người khác…”. Dù khổ sở đến đâu, ai cũng muốn người khác nhìn nhận giá trị của mình, ai cũng muốn trở thành hữu ích cho người khác. Ðó là niềm tin mà cha Pierre luôn khơi dậy nơi những người đã mất tất cả hy vọng.

Cha Pierre đặt tên Emmaus cho cộng đồng của Ngài là để nhớ lại câu chuyện của hai người môn đệ Chúa Giêsu trong buổi chiều Phục Sinh. Cũng như hai người môn đệ này, giữa lúc họ tưởng như mất tất cả, Chúa Giêsu đã hiện đến mang lại niềm tin cho họ. Cũng thế, cha Pierre và những người bạn đầu tiên của Ngài đã tìm gặp được hứng khởi, niềm tin yêu giữa những mất mát ê chề của cuộc sống.

Tạo lại niềm hy vọng vào cuộc sống đó là khẩu lệnh của cha Pierre, và xây dựng lại niềm hy vọng đó từ những đổ nát, mất mát. Chính vì thế mà cộng đồng Emmaus chủ trương đi thu nhặt lại các đồ phế thải, các vật dụng cũ kỹ để chế biến và bán lại, như một sản phẩm cho chính tay mình làm nên.

Hiện nay phong trào đã có mặt tại 50 quốc gia trên thế giới với khoảng 290 cộng đồng. Tất cả mọi người trong cộng đồng đều sống với niềm hy vọng từ những đổ nát và mất mát trong cuộc sống.

Tin Mừng của Thánh Luca thuật lại rằng, buổi chiều hôm đó, có hai người môn đệ của Chúa Giêsu lên đường đi Emmaus, trở về làng cũ của họ.

Cái chết của Chúa Giêsu là một chấm hết đối với họ: hết mộng công hầu khanh tướng, hết giấc mơ của một nước Israel thịnh vượng, hết mọi hy vọng. Trở về làng cũ tức là trở về với thất vọng ê chề. Nhưng cũng chính lúc đó, Chúa Giêsu đã hiện ra với họ, cái chết mang một ý nghĩa mới, mất mát đã trở thành khởi đầu của lợi lộc, thất bại trở thành khởi điểm của thành công, buồn phiền đã biến thành vui mừng hân hoan… Ánh sáng Phục Sinh của Chúa Giêsu đã mặc cho mọi biến cố của cuộc sống một ý nghĩa mới. Tin tưởng lạc quan đã trở thành nhân đức cơ bản của đời Kitô.

Ở bất cứ nơi đâu và ở bất cứ thời đại nào, sau một lần đổ nát, người ta thường hát lên điệp khúc: Hãy xây dựng lại từ đổ nát!

Ðó là niềm tin mà hơn bất cứ lúc nào chúng ta cần phải bám lấy… Bạn đang sầu khổ vì những mất mát ê chề trong cuộc sống ư? Bạn đang quằn quại trong đau khổ của thể xác và tinh thần ư? Bạn đang cảm thấy mình ở dưới vực thẳm của tội lỗi ư?

Chúa Giêsu của thành Emmaus đang nói với bạn: đừng thất vọng, Ngài đang đồng hành với bạn, và với Ngài, bạn có thể xây dựng được một cuộc sống tốt đẹp hơn.

4. Kitô hữu là người biết thưa tiếng ‘xin vâng’

“Hãy tự hỏi mình xem liệu tôi có phải là người biết thưa tiếng ‘xin vâng’ hay là người luôn quay mặt giả điếc làm không thèm trả lời.” Đây là một trong những thông điệp mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã chia sẻ trong bài giảng thánh lễ sáng hôm nay, thứ 2, ngày 04.04, tại nguyện đường Thánh Marta. Đây là thánh lễ đầu tiên của Đức Thánh Cha tại nguyện đường này sau thời gian nghỉ lễ Phục Sinh. Khởi đi từ Lễ Truyền Tin hôm nay, Đức Thánh Cha đã nhấn mạnh rằng: “Chính tiếng ‘xin vâng’ của Mẹ Maria đã mở ra cách cửa dẫn đến tiếng ‘xin vâng’ của Đức Giêsu.”

Áp-ra-ham đã vâng phục Thiên Chúa, đã thưa tiếng ‘vâng’ trước lời mời gọi của Chúa và sẵn sàng rời bỏ vùng đất bấy lâu nay đã sống để lên đường đi đến nơi ông không hề biết. Đức Thánh Cha Phanxicô đã tập trung bài giảng của mình vào ‘chuỗi dây của những tiếng xin vâng’, được bắt đầu với Áp-ra-ham. Khi đề cập trến biến cố Truyền Tin, Đức Thánh Cha chia sẻ rằng căn tính của con người, ngay cả của những người thời cổ xưa như Áp-ra-ham và Mô-sê, chính là biết đáp tiếng ‘xin vâng’ trước sự kỳ vọng của Thiên Chúa. Tuy nhiên, chúng ta cũng nghĩ đến Isaia, khi Thiên Chúa sai ông đi nói chuyện với dân chúng, dường như ông đã do dự và trả lời rằng ‘môi miệng ông ô uế’.

Tiếng ‘xin vâng’ của Mẹ Maria mở ra cánh cửa để dẫn tới tiếng ‘xin vâng’ của Đức Giêsu

Thiên Chúa thanh tẩy môi miệng của Isaia và ông đã thưa ‘xin vâng’. Điều này cũng xảy ra với tiên tri Giê-rê-mia khi ông nhận thấy mình không biết ăn nói, nhưng sau đó ông đã đáp ‘‘xin vâng’’ với Thiên Chúa. Ngày hôm nay, Tin Mừng nói với chúng ta điểm cuối cùng của chuỗi dây ‘xin vâng’ ấy, được bắt đầu từ một tiếng ‘xin vâng’ khác: đó chính là tiếng ‘xin vâng’ của Mẹ Maria. Với tiếng ‘xin vâng’ này, Thiên Chúa không chỉ còn là ghé mắt nhìn đến Dân Người, hay bước đi đồng hành với Dân Người nữa, nhưng Thiên Chúa đã thực sự trở nên một người trong chúng ta và mang lấy thân xác phàm nhân. Tiếng ‘xin vâng’ của Mẹ Maria đã mở ra cánh cửa dẫn tới tiếng ‘xin vâng’ của Đức Giêsu: ‘Con đến để thực thi ý Chúa.’ Đức Giêsu đã cùng với tiếng ‘xin vâng’ này bước trọn cuộc hành trình dương thế, đến tận cây Thánh Giá. Trong giây phút sắp phải chịu khổ hình, Đức Giêsu đã xin Cha cất chén đắng đi. Nhưng ngay lập tức, Ngài cũng thưa tiếng ‘xin vâng’, ‘một theo ý Cha, đừng theo ý con. Như vậy, nơi Đức Giêsu, có tiếng ‘‘xin vâng’’ của Thiên Chúa. Chính Ngài là hiện thân của sự vâng phục.

Trong tiếng ‘xin vâng’ của Mẹ Maria, có tiếng ‘xin vâng’ của tất cả lịch sử cứu độ

Hôm nay là một ngày tuyệt đẹp để chúng ra cảm tạ Thiên Chúa vì Ngài đã hướng dẫn chúng ta bước đi trên con đường ‘xin vâng’, và cũng là dịp thuận tiện để chúng ta suy nghĩ, phản tỉnh về đời sống của mình. Tất cả chúng ta, trong những ngày sống, cần phải nói ‘xin vâng’ hoặc ‘từ chối’, và đôi khi chúng ta nói ‘vâng’ hoặc nhiều lần chúng ta cúi thấp đầu xuống lẩn trốn như Adam và Eva, để không nói ‘từ chối’ khi phải làm điều gì đó ta không hiểu được. Điều chúng ta không hiểu là điều mà Thiên Chúa đòi hỏi. Hôm nay là ngày lễ ‘xin vâng’. Trong tiếng ‘xin vâng’ của Mẹ Maria, có tiếng ‘xin vâng’ của tất cả lịch sử cứu độ, và từ đó, tiếng ‘xin vâng’ cuối cùng của con người và của Thiên Chúa đã bắt đầu.

Chúng ta có là những người ‘xin vâng’

Với tiếng ‘vâng’ từ thủa ban đầu, Thiên Chúa đã tác tạo vũ trụ và con người. Đó là một công trình tạo dựng tuyệt đẹp. Và ngày hôm nay, cũng với tiếng ‘xin vâng’, Thiên Chúa đã tái tạo vũ trụ và tất cả chúng ta thành những thụ đạo đẹp đẽ nhất. Tiếng ‘xin vâng’ của Thiên Chúa, Đấng đã thánh hóa chúng ta, giúp chúng ta không ngừng tiến lên phía trước trong Đức Giêsu Kitô. Hôm nay là ngày để chúng ta tạ ơn Thiên Chúa và cũng để tự tra vấn mình: Tôi có phải là người biết thưa tiếng ‘xin vâng’ hay chỉ biết nói ‘từ chối’, hay tôi là người giả điếc làm ngơ không thèm trả lời? Xin Thiên Chúa ban cho chúng ta ân sủng để bước đi trên con đường của những người biết thưa tiếng ‘xin vâng’.

Sau bài giảng, các nữ tu Dòng Thánh Vinh Sơn đã lặp lại lời khấn. Các sơ cũng là những người phục vụ tại Nhà trọ Thánh Marta. Đức Thánh Cha chia sẻ rằng: “Các sơ thực hiện việc nhắc lại lời khấn đều đặn mỗi năm. Thánh Vinh Sơn rất khôn ngoan khi ngài biết bằng sứ vụ mà các sơ đảm nhận khó khăn vất vả. Bởi vậy, ngài muốn con cái của mình phải nhắc lại những lời khấn hứa ấy hằng năm.

Nguồn: Vietcatholic News

Xem thêm

21-11-2024 10-08-06 PM

Lời Chúa – Thứ Sáu Tuần XXXIII Mùa Thường Niên 22/11/2024

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN