Home / Thế Giới Nhìn Từ Vatican / Video: Suy Niệm với ĐTC 12/11/2018: Phép lạ Lộ Đức mang lại đức tin cho một nhà khoa học đoạt giải Nobel

Video: Suy Niệm với ĐTC 12/11/2018: Phép lạ Lộ Đức mang lại đức tin cho một nhà khoa học đoạt giải Nobel

1. Đừng biến nhà thờ thành nơi chợ búa kinh doanh

Các thánh đường phải được tôn trọng một cách xứng hợp như là “nhà Chúa” và không được biến thành nơi chợ búa kinh doanh hoặc những nơi tụ họp ngoài đời bị chi phối bởi những sự “thế gian”. Đức Thánh Cha đã đưa ra lời kêu gọi trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Sáu 9 tháng 11 tại nhà nguyện Santa Marta. Ngài cũng cảnh báo rằng thánh đường có nguy cơ bị biến thành những nơi các bí tích, lẽ ra phải được trao ban cách nhưng không, lại được rao bán.

Ngày thứ Sáu 9 tháng 11 là ngày Giáo Hội kính nhớ việc cung hiến Đền Thờ Thánh Gioan Latêranô, là một trong bốn đại Vương Cung Thánh Đường ở Rôma, và cũng là nhà thờ chánh tòa của Đức Giáo Hoàng trong tư cách là Giám Mục Rôma.

Mở đầu bài giảng, Đức Thánh Cha đã trình bày những suy tư của ngài về Tin Mừng trong ngày tường thuật việc Chúa Giêsu đánh đuổi những người mua bán trong đền thờ Giêrusalem, và cảnh cáo họ không được biến ngôi nhà của Cha mình thành nơi chợ búa kinh doanh.

Chúa Giêsu đã lưu ý rằng đền thờ đầy chật những kẻ tôn thờ ngẫu tượng. Họ là những con buôn sẵn sàng phục vụ “thần tài” thay vì Thiên Chúa. Đức Thánh Cha nói: “Đằng sau tiền có một ngẫu tượng,” và cảnh cáo thêm rằng các ngẫu tượng luôn luôn nô dịch con người.

Ngài tự hỏi liệu chúng ta có xem “các đền thờ, các thánh đường của chúng ta” như là nhà của Chúa, nhà cầu nguyện, một nơi gặp gỡ Chúa hay không; và liệu các linh mục có đối xử với những nơi này như thế không.

Đức Thánh Cha đã nhắc nhớ các trường hợp trong đó người ta đưa ra một bảng giá cho các bí tích mà lẽ ra phải được trao ban miễn phí. Đối với những người biện minh rằng đó là một sự dâng cúng, Đức Thánh Cha nói, dâng cúng thì phải được đặt một cách kín đáo vào trong thùng tiền của nhà thờ mà không ai biết đến. Ngài cảnh báo rằng chuyện rao bán các bí tích không phải là chuyện của quá khứ, sự nguy hiểm này vẫn còn cả cho đến ngày hôm nay.

Đức Thánh Cha Phanxicô thừa nhận Giáo Hội cần phải được nâng đỡ bởi các tín hữu để có thể duy trì được nhưng điều này cần phải được thực hiện qua các thùng tiền dâng cúng trong nhà thờ, chứ không phải qua một bảng giá.

Một nguy cơ khác mà Đức Thánh Cha cảnh báo là sự cám dỗ của tinh thần thế gian. Ngài lưu ý rằng trong một số lễ kỷ niệm hoặc tưởng niệm trong Giáo hội, người ta không phân định nổi thánh đường là nhà của Thiên Chúa, là một nơi thờ phượng hay là một nơi tụ họp ngoài đời.

Ngài nói rằng một số cử hành trong nhà thờ đã trượt vào tinh thần thế gian. Các cử hành phải huy hoàng nhưng không xa hoa thế gian, bởi vì, theo Đức Thánh Cha, xa hoa thế gian phụ thuộc vào thần tiền. Ngài gọi đây là sự tôn thờ ngẫu tượng và nói rằng điều này phải khiến chúng ta suy nghĩ về lòng nhiệt thành của mình đối với các thánh đường và sự kính trọng cần phải có khi chúng ta bước vào nhà Chúa.

Đức Thánh Cha sau đó đã hướng cộng đoàn chú ý đến Thư thứ nhất của Thánh Phaolô gởi cho dân thành Côrinhtô trong đó mô tả tâm hồn chúng ta như là đền thờ của Thiên Chúa. Bất kể tình trạng đầy tội lỗi của chúng ta, mỗi người chúng ta nên tự hỏi liệu trái tim của mình có đầy “tinh thần thế gian và ngẫu tượng” hay không.

Đức Thánh Cha nói rằng đó không phải tự vấn xem tội lỗi của chúng ta là những tội nào, nhưng tìm ra xem trong lòng chúng ta có ông thần tài hay không. Nếu chúng ta có tội, chúng ta đã có Chúa, Thiên Chúa của lòng thương xót, là Đấng sẽ tha thứ cho chúng ta nếu chúng ta chạy đến với Ngài. Nhưng nếu trong lòng chúng ta có một chúa tể khác, thần tài chẳng hạn, thì chúng ta là một người tôn thờ ngẫu tượng, một kẻ băng hoại, chứ không đơn thuần là một người tội lỗi.

Đức Thánh Cha kết luận rằng cốt lõi của băng hoại chính xác là sự tôn thờ ngẫu tượng, trong đó chúng ta bán linh hồn mình cho thần tiền, cho thần quyền lực.

2. Phép lạ Lộ Đức mang lại đức tin cho một nhà khoa học từng được giải Nobel

Trên tờ Aleteia số ra ngày thứ Năm 8 tháng 11 vừa qua, cha Robert Spitzer có kể về gương hoán cải của nhà khoa học Alexis Carrel là người đã từng đoạt giải Nobel về Y Khoa về những phát minh tiên phong trong kỹ thuật khâu mạch máu.

Từ lần xuất hiện đầu tiên của Đức Mẹ với sơ Bernadette Soubirous, nước từ hang đá Lộ Đức đã là một nguồn chữa lành kỳ diệu, cả cho những người đã đến thăm Lộ Đức lẫn những người đã sử dụng nước này ở những nơi xa xôi. Kể từ thời sơ Bernadette đến nay, hơn 7,000 trường hợp khỏi bệnh cách lạ lùng đã được báo cáo cho Ủy ban Y Khoa Lộ Đức bởi những người hành hương viếng thăm thánh địa này. Con số 7,000 phép lạ này không bao gồm những phép lạ đã xảy ra bên ngoài Lộ Đức.

Từ năm 1883 đến nay, chỉ có 69 trường hợp được công nhận là “phép lạ” theo các tiêu chuẩn rất nghiêm ngặt của Ủy ban Y Khoa Lộ Đức. 

Bác sĩ Alessandro di Franciscis, giám đốc Ủy ban Y Khoa Lộ Đức cho biết: 

“Một trường hợp khỏi bệnh được công nhận là phép lạ nếu nó diễn ra tức khắc, bệnh tật được chữa khỏi vĩnh viễn, và không thể giải thích được về mặt khoa học”.

69 trường hợp được Ủy ban Y Khoa Lộ Đức xác nhận đã được kiểm tra bởi một số lượng lớn các bác sĩ và các nhà khoa học, và không một trường hợp nào có thể gây ra tranh cãi.

Giáo sư Sarah Goldingay của Đại Học Exeter, một thành viên trong Ủy ban Y Khoa Lộ Đức cho biết:

“Điều này không có nghĩa là 7,000 trường hợp khác không phải là các phép lạ. Những trường hợp này chỉ đơn giản là chúng tôi không có các phương tiện điều tra đến nơi đến chốn như các bệnh nhân ở quá xa, hay người ta có thể giải thích ít nhiều một cách khoa học mặc dù sự lành bệnh là tức khắc, và thật sự là ngoại thường”.

Một trong những trường hợp quan trọng nhất là sự chữa lành cho Marie Bailly. Trường hợp của cô đã được chứng kiến tận mắt bởi tiến sĩ Alexis Carrell, và cuối cùng đã mang lại cho ông ơn hoán cải.

Năm 1902, một bác sĩ bạn của tiến sĩ Carrell đã mời ông cùng đi chung để giúp chăm sóc một bệnh nhân bị bệnh đang được vận chuyển trên một chuyến tàu từ Lyons đến Lộ Đức. Carrell, vào thời điểm đó, là một người vô thần không tin vào phép lạ, nhưng đồng ý giúp đỡ, không chỉ vì tình bạn, mà vì ông lấy làm lạ trước làn sóng khách hành hương tuôn đến Lộ Đức.

Trên tàu, ông gặp Marie Bailly. Cô bị viêm phúc mạc cấp tính; bụng cô bị sưng lên rất lớn. Mặc dù Marie Bailly vẫn còn nửa tỉnh nửa mê, Carrell tin rằng cô sẽ qua đời trước khi đến được Lộ Đức. Các bác sĩ khác trên tàu cũng đồng ý với chẩn đoán này.

Trái với dự đoán của các bác sĩ, Marie Bailly đến được Lộ Đức và có phần bớt mệt hơn.

Tiến sĩ Carrell ghi lại diễn tiến việc Đức Mẹ chữa lành cho cô Marie Bailly như sau:

“Khi xe lửa đến Lộ Đức, Marie được đưa đến hang đá, nơi ba bình nước được đổ lên bụng bệnh nhân. Sau lần rót đầu tiên, bệnh nhân có vẻ đau đớn, nhưng sau lần rót thứ hai, cơn đau có vẻ dịu đi, và sau lần đổ thứ ba, gương mặt bệnh nhân ánh lên một cảm giác dễ chịu. Khối u ở bụng cô bắt đầu xẹp dần và nhịp tim của cô trở lại bình thường.”

“Tôi đứng ngay cạnh Marie cùng với các bác sĩ khác và ghi chú cẩn thận những phản ứng khi nước được đổ lên bụng cô. Trong vòng 30 phút khối u đã biến mất hoàn toàn bất kể là không hề có sự bài tiết nào được từ cơ thể bệnh nhân được ghi nhận.”

Marie sau đó ngồi dậy đi ăn tối, và tự mình ra khỏi giường và mặc quần áo vào ngày hôm sau. Sau đó, cô lên tàu, đi trên băng ghế cứng về đến Lyons như một con người mới. 

Khi Carrel chứng kiến phép lạ nhanh chóng và không thể giải thích được về mặt y khoa này, ông tin rằng mình đã thấy một thứ gì đó giống như phép màu, nhưng là một khoa học gia vô thần sống trong chủ thuyết bất khả tri thâm căn của mình – ông vẫn chưa trở về đức tin Công Giáo thời thơ ấu của mình.

Mãi về sau này, sau khi chứng kiến thêm các phép lạ khác nữa, vào năm 1942, tiến sĩ Carrel mới công bố chính thức rằng ông tin nơi Thiên Chúa, tin sự bất diệt của các linh hồn, và các giáo huấn khác của Giáo Hội Công Giáo.

3. Đưa ra chứng tá Kitô chứ đừng rù rì bỏ nhỏ 

Đức Thánh Cha cảnh báo chống lại tội “rù rì”, là một phần trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, và nhắc nhở chúng ta rằng luận lý của Tin Mừng trái ngược với luận lý của thế gian. Làm chứng, phàn nàn, đặt câu hỏi là ba từ mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã tập trung vào trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Năm 8 tháng 11 tại nhà nguyện Santa Marta.

Đức Thánh Cha đã trình bày các suy tư của ngài về bài Tin Mừng trong ngày (Lc 15: 1-19), bắt đầu bằng chứng tá của chính Chúa Giêsu: Ngài đã ăn uống với những người thu thuế và những người tội lỗi đến với Ngài và lắng nghe Ngài.

Từ đầu tiên, là “chứng tá” của Chúa Giêsu, mà theo Đức Thánh Cha “là một điều mới lạ vào thời điểm đó, bởi vì đi với những người tội lỗi làm cho ta ra ô uế, như chạm vào một người phong cùi vậy.” Vì lý do này, các thầy thông luật tránh xa họ. Đức Thánh Cha Phanxicô lưu ý rằng việc làm chứng chưa bao giờ “là một điều dễ dàng, cho cả các chứng nhân – là những người thường phải trả giá cho chứng tá của mình bằng việc tử đạo – và cho cả những kẻ quyền thế.”

Đưa ra chứng tá là phá vỡ một thói quen, một lối sống. .. Phá vỡ nó, thay đổi nó để hướng đến điều tốt hơn. Vì lý do này, Giáo Hội thăng tiến nhờ các chứng tá. Điều lôi cuốn [mọi người] là chứng tá. Chứ không phải là những lời nói, tuy cũng giúp [làm thăng tiến Giáo Hội], nhưng chứng tá là điều hấp dẫn, và là điều làm cho Giáo Hội phát triển. Đó là một điều mới mẻ, nhưng không hoàn toàn mới lạ, bởi vì lòng thương xót của Thiên Chúa đã có trong Cựu Ước. Tuy nhiên, các thầy thông luật này không bao giờ hiểu được ý nghĩa của từ ngữ: ‘Ta muốn lòng nhân chứ không cần của lễ’ Họ đã đọc về lòng thương xót, nhưng họ không hiểu nó là gì. Và Chúa Giêsu, qua cách hành động của Ngài, tuyên bố lòng thương xót này với chứng tá sống động của Ngài.

Đức Thánh Cha lặp lại rằng chứng tá “luôn luôn phá vỡ một thói quen,” và cũng “đặt anh chị em vào tình trạng hiểm nghèo.”

Đức Thánh Cha nhận xét rằng chứng tá của Chúa Giêsu khiến mọi người thì thầm với nhau. Những người Pharisêu, các kinh sư và các thầy thông luật than phiền về Ngài. Họ rù rì với nhau rằng: “Người này đón tiếp những quân tội lỗi, và ăn uống với chúng.” Họ không nói, “Hãy xem, người này thật nhân lành vì ông ấy tìm cách hoán cải những người tội lỗi.” Đức Thánh Cha cảnh cáo rằng đố kỵ thường là phản ứng đầu tiên của con người trước một việc thiện. Thái độ đó luôn bắt đầu bằng cách đưa ra những nhận xét tiêu cực “nhằm tiêu diệt một chứng nhân.” Tội rù rì bỏ nhỏ nói xấu người khác là một phần của cuộc sống hàng ngày, với các quy mô lớn nhỏ. Trong cuộc sống của chính chúng ta, chúng ta có thể thấy mình đang lẩm bẩm “bởi vì chúng ta không thích cái này, cái kia”; và thay vì đối thoại, hoặc “cố gắng giải quyết một tình huống xung đột, chúng ta bí mật rù rì bỏ nhỏ, luôn bằng một giọng thì thầm, bởi vì chúng ta không có can đảm để nói rõ ràng.”

Và điều đó xảy ra, ngay cả trong các xã hội nhỏ hơn, “trong các giáo xứ.” Đức Thánh Cha đặt thẳng câu hỏi “Trong giáo xứ anh chị em biết bao nhiêu lần người ta thì thầm với nhau?” Đức Thánh Cha chỉ ra rằng bất cứ khi nào “Tôi không thích điều này, hay tôi không thích người kia, rù rì bỏ nhỏ ngay lập tức nổ ra.”

Và trong các giáo phận? ‘Xung đột giữa các giáo phận với nhau’… xung đột trong nội bộ giáo phận. Anh chị em biết rõ điều này. Và điều đó cũng xảy ra trên trường chính trị. Và đó là một điều xấu. Khi một chính phủ không trung thực, nó tìm cách làm bôi nhọ đối thủ của mình với những tin đồn thất thiệt. Luôn luôn có những chuyện phỉ báng, vu khống, luôn tìm kiếm điều gì đó [để chỉ trích]. Và anh chị em biết rõ các chính quyền độc tài, bởi vì anh chị em đã có kinh nghiệm. Điều gì tạo nên một chính phủ độc tài? Trước hết là kiểm soát các phương tiện truyền thông bằng một sắc luật, và từ đó, nó bắt đầu thì thầm, chê bai tất cả mọi người mà nó coi là một mối nguy hiểm cho chính phủ. Rù rì là cơm bữa của chúng ta, ở mọi cấp độ từ cá nhân đến gia đình, giáo xứ, giáo phận, và xã hội.

Đức Thánh Cha nhận xét tiếp rằng: rù rì bỏ nhỏ là tìm cách “không nhìn vào thực tại, không cho phép mọi người suy nghĩ.” Chúa Giêsu biết điều này, nhưng Chúa là Đấng nhân lành, và “thay vì lên án họ đang lẩm bẩm với nhau”, Ngài đặt ra một câu hỏi. “Ngài sử dụng phương pháp mà họ sử dụng.” Họ đặt ra những câu hỏi với ý định xấu xa, để thử thách Chúa Giêsu, “làm cho Ngài sa bẫy”; chẳng hạn như họ hỏi Ngài về việc có nên nộp thuế cho Cêsarê hay không, có được rẫy bỏ vợ mình không. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu hỏi họ: “Người nào trong các ông có một trăm con chiên mà bị mất một con, lại không để chín mươi chín con kia ngoài đồng hoang, để đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất?” Đó là một điều bình thường những người chăn chiên vẫn làm như thế, còn họ thì tính toán “Tôi còn tới 99 con, mất một con thì đã sao?”

“Chúng ta cứ để kẻ này hư mất, và tính toán thiệt hơn thì chúng ta sẽ cứu được những người này.” Đây là luận lý của các thầy thông luật. “Người nào trong các ông?” Và lựa chọn của họ đối lập với lựa chọn của Chúa Giêsu. Vì lý do đó, họ không đến với những người tội lỗi, họ không đến với những người thu thuế, họ không đi bởi vì ‘tốt hơn là đừng để dơ bẩn bản thân mình với những người đó, đừng dây với hủi. Chúng ta hãy tự cứu lấy mình.” Chúa Giêsu thật thông minh khi hỏi họ câu hỏi này: Ngài biết quỷ kế của họ, nhưng đặt họ vào một vị trí trái ngược với những gì là đúng. “Người nào trong các ông?” Và không một ai trong số họ nói, “Vâng, đúng là phải như thế”, nhưng tất cả họ đều nói, “Không, không, tôi sẽ không làm điều đó.” Và vì lý do này, họ không thể tha thứ, không thể thương xót, không thể đón nhận.

Để kết luận, Đức Thánh Cha đã tóm tắt ba “từ” trọng điểm mà ngài đã xây dựng bài suy niệm của mình xung quanh ba từ ấy. Thứ nhất là “chứng tá”, đó là một lời mời gọi đầy thách thức nhưng làm cho Giáo Hội phát triển. Thứ hai là “rù rì”, nó giống như “người phòng ngự cho nội tâm của tôi khiến cho tôi dửng dưng trước các chứng tá”. Cuối cùng là câu hỏi của Chúa Giêsu. Đức Thánh Cha thêm vào một từ nữa là niềm vui, bàn tiệc, mà những thầy thông luật này không biết: “Tất cả những ai đi theo con đường của các thầy thông luật, không biết niềm vui của Tin Mừng”. Và Đức Thánh Cha kết thúc bài chia sẻ Tin Mừng của ngài với lời cầu nguyện sau: “Cầu xin Chúa cho chúng ta hiểu được luận lý này của Tin Mừng, là điều trái ngược với tư duy của thế gian.”

4. Chúa Giêsu mời chúng ta đến bàn tiệc Thiên quốc

Nước Thiên Chúa thường được ví như một bữa tiệc. Chúa Giêsu mời chúng ta đến cùng Ngài trong bữa tiệc này – nhưng, Đức Thánh Cha nhận xét rằng biết bao lần chúng ta viện hết lý do này đến lý do khác để từ chối lời mời của Ngài! Chúa Giêsu, là Đấng nhân lành, Ngài cho chúng ta hết cơ hội này đến cơ hội khác, nhưng Ngài cũng rất công minh. Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Ba 6 tháng 11 tại nhà nguyện Santa Marta.

Bài Tin Mừng trong ngày xoay quanh một bữa tiệc được tổ chức bởi một trong những người Pharisêu có thế giá trong dân, và Chúa Giêsu đã được mời đến dự. Tin Mừng cho thấy tại bữa tiệc, Chúa Giêsu đã chữa lành một người bệnh ra sao, và Ngài đã quan sát thấy nhiều vị khách đã cố tìm cách chiếm giữ chỗ nhất trong bàn tiệc. Chúa nói với người chủ nhà rằng ông ta nên mời những người nghèo khó nhất, những người không thể đáp lễ.

Chúa phán cùng người chủ nhà rằng: “Khi ông đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù. Họ không có gì đáp lễ, và như thế, ông mới thật có phúc: vì ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành sống lại.” (Lc 14: 13-14)

Nghe vậy, một trong những kẻ đồng bàn nói với Đức Giêsu: “Phúc thay ai được dự tiệc trong Nước Thiên Chúa!” 

Chúa Giêsu liền đưa ra dụ ngôn này: “Một người kia làm tiệc lớn và đã mời nhiều người. Đến giờ tiệc, ông sai đầy tớ đi thưa với quan khách rằng: ‘Mời quý vị đến, cỗ bàn đã sẵn’. Bấy giờ mọi người nhất loạt bắt đầu xin kiếu. Người thứ nhất nói: ‘Tôi mới mua một thửa đất, cần phải đi thăm; cho tôi xin kiếu’. Người khác nói: ‘Tôi mới tậu năm cặp bò, tôi đi thử đây; cho tôi xin kiếu’. Người khác nói: ‘Tôi mới cưới vợ, nên không thể đến được’.”

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhận xét một cách cay đắng rằng biết bao lần chúng ta đã tìm cách đưa ra hết lý do này đến lý do khác để thoái thác lời mời gọi của Chúa. “Luôn luôn có một cái cớ nào đó để thoái thác”, Đức Thánh Cha nói. “Họ xin lỗi. Xin lỗi là từ lịch sự mà chúng ta sử dụng để khỏi phải nói: ‘Tôi từ chối.’” 

Bấy giờ chủ nhà nổi cơn thịnh nộ bảo người đầy tớ rằng: “Mau ra các nơi công cộng và đường phố trong thành, đưa các người nghèo khó, tàn tật, đui mù, què quặt vào đây.”

Bình luận về đoạn này, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng khi ai đó từ chối Chúa Giêsu, “Chúa chờ đợi họ, cho họ cơ hội thứ hai, thậm chí thứ ba, thứ tư, thứ năm. .. nhưng cuối cùng, đến lượt Ngài từ chối họ”.

Và sự từ chối này khiến chúng ta nghĩ về chính mình, đến những lần Chúa Giêsu mời gọi chúng ta cử mừng với Ngài, kề cận bên Ngài, để thay đổi cuộc sống của chúng ta. Chúng ta hãy suy nghĩ đến việc Chúa Giêsu tìm kiếm những người bạn thân thiết nhất của Ngài và họ từ chối! Rồi Ngài tìm đến những người tàn tật, đui mù, què quặt. .. và họ đến; nhưng có lẽ một số cũng từ chối. Đã bao nhiêu lần chúng ta nghe tiếng kêu của Chúa Giêsu đến với Ngài, để làm một công việc bác ái, cầu nguyện, gặp gỡ Ngài, và chúng ta nói: ‘Xin lỗi Chúa, con bận quá, không có thời gian. Vâng, ngày mai thì may ra chứ hôm nay thì không được đâu. ..” Và Chúa Giêsu vẫn ở đó.

Đức Thánh Cha cũng yêu cầu chúng ta hãy suy nghĩ về việc chúng ta thường xuyên thoái thác những lời mời gọi của Chúa để gặp gỡ Ngài, trò chuyện với Ngài. Đức Thánh Cha nhận xét: “Cả chúng ta, chúng ta cũng từ chối Ngài”

Mỗi người chúng ta nên suy nghĩ: Trong cuộc đời, bao nhiêu lần tôi cảm nhận được nguồn cảm hứng của Chúa Thánh Thần để thực thi các công việc bác ái, gặp gỡ Chúa Giêsu trong các việc lành phúc đức, cầu nguyện, thay đổi cuộc sống của mình trong những lãnh vực chưa hay, chưa tốt? Và tôi luôn tìm ra lý do để thoái thác, để từ chối.

Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng, cuối cùng, những người không chối bỏ Chúa Giêsu, và không bị Ngài từ chối, sẽ được vào Nước Thiên Chúa. Nhưng Đức Thánh Cha cảnh cáo rằng chúng ta chớ nên nghĩ rằng “Chúa Giêsu thật nhân lành, cuối cùng Ngài sẽ tha thứ hết mọi sự”.

Vâng, Ngài tốt lành, Ngài thương xót – Ngài rất từ bi, nhưng Ngài cũng rất công thẳng. Và nếu anh chị em đóng cửa trái tim mình từ bên trong, Ngài không thể mở nó, bởi vì Ngài rất tôn trọng trái tim chúng ta. Từ chối Chúa Giêsu là đóng cửa từ bên trong, và Ngài không thể vào được.

Cuối cùng, Đức Thánh Cha đã suy ngẫm về một điểm cuối cùng: Chính Chúa Giêsu là Đấng trả mọi chi phí cho bàn tiệc. Trong bài đọc một, Thánh Phaolô cho chúng ta thấy giá phải trả của bàn tiệc: Chúa Giêsu “đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự.” Qua đó, Đức Thánh Cha nói, Chúa Giêsu “trả mọi chi phí cho bàn tiệc bằng cuộc sống của Ngài.” 

“Nhưng tôi lại nói,‘Tôi không thể đến được’”. 

Đức Thánh Cha kết luận bài giảng của ngài với lời cầu nguyện. “Xin Chúa ban cho chúng ta ân sủng để hiểu được mầu nhiệm về sự chai cứng của con tim, sự bướng bỉnh, sự khước từ của chúng ta và ban cho chúng ta ân sủng để biết khóc.”

5. Đố kỵ và ưa chuộng hư danh phá hủy các cộng đồng

Đức Thánh Cha Phanxicô đã cảnh báo rằng “đố kỵ và ưa chuộng hư danh” có sức mạnh phá hủy nền tảng của các cộng đồng bằng cách gieo rắc chia rẽ và xung đột. Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Hai 5 tháng 11 tại nhà nguyện Santa Marta.

Phân tích bài Tin Mừng trong ngày, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng giáo huấn của Chúa Giêsu thật là rõ ràng: “đừng làm những gì chỉ vì tư lợi”, đừng kết bạn nhằm thủ lợi cho riêng mình.

Đức Thánh Cha cảnh giác rằng luận lý dựa trên cơ sở “lợi lộc” cho chính mình là “một hình thái ích kỷ, phân biệt đối xử và tự tư tự lợi” trong khi thông điệp của Chúa Giêsu “hoàn toàn ngược lại”.

Đề cập đến bài đọc một, trích từ thư Thánh Phaolô gởi dân thành Philípphê, ngài khích lệ các tín hữu “đừng làm những gì chỉ vì lòng ích kỉ hay thói chuộng hư danh” nhưng hãy khiêm nhường xem những người khác quan trọng hơn chính bản thân mình.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha cũng đề cập đến những tác động tiêu cực của tin đồn, mà theo ngài, bắt nguồn từ thái độ đố kỵ và được sử dụng để tiêu diệt những người khác.

“Đố kỵ là một thái độ xấu xa: anh chị em có thể phạm vào điều này một cách công khai, huỵch tẹt, hoặc tế nhị lịch sự hơn một chút. Nhưng nó luôn nhắm đến việc hủy diệt người khác và ‘tự nâng cao bản thân mình lên’ bằng cách kéo người khác xuống. Thái độ đố kỵ, theo Đức Thánh Cha, bắt nguồn từ tâm lý tự tư tự lợi.

Đức Thánh Cha nói tiếp rằng một mối nguy khác cho các cộng đoàn là thái độ kênh kiệu, tự hào coi mình trỗi vượt và đáng được ưu tiên hơn những người khác.

Thái độ này phá hủy các cộng đồng và gia đình: “Anh chị em hãy suy nghĩ về sự cạnh tranh giành giật gia tài giữa anh chị em ruột với nhau chẳng hạn”, đó là điều chúng ta thấy mỗi ngày.

Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng các Kitô hữu phải noi theo gương của Con Thiên Chúa và rèn luyện “sự nhưng không”, nghĩa là làm điều thiện mà không mong hồi báo, gieo trồng hiệp nhất và từ bỏ “thói đố kỵ và ưa chuộng hư danh”.

Đừng cho đó là những chuyện nhỏ vì “xây dựng hòa bình với những cử chỉ nhỏ mở ra một con đường hòa hợp trên toàn thế giới”, Đức Thánh Cha nói.

Để kết luận, Đức Thánh Cha nhắc nhở những người hiện diện rằng:

“Khi chúng ta nghe tin tức về các cuộc chiến, về nạn đói của trẻ em ở Yemen gây ra bởi cuộc xung đột ở đó, chúng ta nghĩ rằng “chỗ đó xa lắm, tội nghiệp mấy đứa trẻ. .. sao chúng lại không có thức ăn như vậy?”

“Chiến tranh tương tự như thế đang được tiến hành ngay tại nhà chúng ta và ngay trong các tổ chức của chúng ta xuất phát từ thói đố kỵ với nhau: đó là nơi chiến tranh bắt đầu! Và đó là nơi hòa bình phải được thực hiện: trong gia đình, trong giáo xứ, trong các tổ chức, tại nơi làm việc, chúng ta phải luôn tìm kiếm sự đồng tâm nhất trí và hài hòa chứ không phải những mối quan tâm của riêng mình.”

Nguồn: VetCatholic News

Xem thêm

VIRGIN MARY

Suy niệm Tin Mừng Lễ Đức Mẹ Dâng Mình, Thứ Năm Tuần XXXIII Thường Niên, của Lm Minh Anh

  TÒNG THUỘC “Chúng sẽ thành dân thánh của Ta, và Ta sẽ cư ngụ …