Home / Thế Giới Nhìn Từ Vatican / Video: Giáo Hội Năm Châu 07 – 13/09/2015: Âu Châu trước lời kêu gọi cưu mang người tị nạn của Đức Thánh Cha

Video: Giáo Hội Năm Châu 07 – 13/09/2015: Âu Châu trước lời kêu gọi cưu mang người tị nạn của Đức Thánh Cha

 

1. Đức Thượng Phụ Bácthôlômêô chỉ trích thái độ của Tòa Thượng Phụ Chính Thống Giáo Mạc Tư Khoa

Đức Thượng Phụ Chính Thống Giáo Bácthôlômêô của thành Constantinople, cũng là Giáo Chủ danh dự chung của toàn Chính Thống Giáo đã nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ đại kết với Rôma, và chỉ trích sự chống đối của Giáo Hội Chính Thống Nga, trong một diễn từ hôm 29 tháng Tám khi 140 Giám Mục Chính Thống Giáo trên thế giới nhóm tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ để chuẩn bị cho Công đồng Liên Chính Thống giáo khai mạc vào lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống năm tới, 2016. 

Ngài nhấn mạnh tầm quan trọng của công cuộc đại kết, và tái khẳng định vai trò của ngài liên quan đến việc “bảo vệ sự thống nhất của toàn thể Giáo Hội Chính Thống.” Ngài nói những ai chống lại sự hiệp nhất Kitô Giáo tượng trưng cho một “xung động của ma quỷ”. 

Đức Thượng Phụ Bácthôlômêô nhấn mạnh rằng liên lạc tiếp tục của ngài với Tòa Thánh là một thành phần quan trọng của công cuộc đại kết. 

Ngài bày tỏ nhiệt tình của mình trước viễn ảnh của Công đồng Chính thống trên toàn thế giới, nhưng thừa nhận rằng ngài chưa được hài lòng hoàn toàn vì Công đồng Chính thống này khó có thể coi là một Công đồng đại kết “vì các Kitô hữu Tây phương không được mời tham gia.” 

Công đồng toàn Chính Thống giáo đã được đề nghị từ năm 1961, nhưng cho đến nay chưa tiến hành được. Vì nhiều tranh luận không được giải quyết, nên có nhiều người nghi ngờ không biết Công đồng dự kiến vào năm tới có thể tiến hành được không. Đức Thượng Phụ Bácthôlômêô rất muốn mời Tòa Thánh đến dự Công đồng này nhưng e sợ các chống đối có thể khiến Công đồng không thể tiến hành được.

Đức Thượng Phụ Bácthôlômêô đã thường xuyên tranh cãi trong những năm gần đây với các nhà lãnh đạo của Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa. Một đoạn trong diễn từ của ngài rõ ràng là nhằm chỉ trích các lãnh đạo Chính thống Nga khi ngài phê phán rằng trong Giáo Hội Chính Thống có các thể chế “duy trì một mối quan hệ mật thiết với nhà nước nhằm tận hưởng những hỗ trợ tài chính dồi dào,” và thúc đẩy các lợi ích chính trị của quốc gia mình.

2. Đức Hồng Y Müller: Quan điểm của một số nhà lãnh đạo Công Giáo Đức có nguy cơ gây chia rẽ trong Giáo Hội

Đức Hồng Y Tổng Trưởng Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin đã cảnh báo chống lại một sự chia rẽ trầm trọng trong Giáo Hội trước những vấn đề liên quan đến hôn nhân và tính dục của con người.

Phát biểu tại Regensburg, Đức Hồng Y Gerhard Müller cho biết rằng đường lối của các nhà lãnh đạo Giáo Hội tại quê hương Đức của ngài muốn có một vai trò lãnh đạo trong việc xác định chính sách đối với Giáo Hội phổ quát nên được phê phán một cách nghiêm túc, trước thực tại là làn sóng bỏ đạo ồ ạt trong Giáo Hội Công Giáo Đức.

Đức Hồng Y Müller nói rằng Giáo Hội không thể chấp nhận xu hướng tục hóa thể hiện rõ nhất ở Tây Âu, bởi vì dù xu hướng đó có mạnh mẽ đến đâu nó cũng không phải là một “quá trình tự nhiên không thể tránh khỏi.” Theo Đức Hồng Y, nhiệt tình loan báo Tin Mừng có thể chống lại xu hướng đó. Ngài nói: “Với niềm tin bạn có thể di chuyển núi non.”

3. Các Giám Mục Colombia, và Venezuela kêu gọi đối thoại

Trong khi tố cáo các tổ chức tội phạm, buôn người, và buôn bán ma túy diễn ra trên biên giới Colombia và Venezuela, các giám mục của hai quốc gia kêu gọi một tinh thần đối thoại giữa các nhà lãnh đạo của hai quốc gia trong bối cảnh một cuộc khủng hoảng chính trị đang leo thang.

Tổng thống theo khuynh hướng xã hội chủ nghĩa của Venezuela là Nicolás Maduro cáo buộc rằng các lực lượng bán quân sự Colombia đã tấn công vào lính biên phòng Venezuela. Đây là một tuyên bố bị tờ The Washington Post mô tả là “lố bịch”.

Chính phủ Venezuela đã viện cớ này để trục xuất những người di cư Colombia khỏi khu vực biên giới. Đây là một hành động mà các Giám Mục của cả hai quốc gia đã cảnh báo là sẽ gây nên những “hành vi bài ngoại.” khác nữa khiến tình hình trầm trọng thêm.

4. Rabbi trưởng của Anh ca ngợi Đức Thánh Cha Phanxicô

Hôm 3 tháng Chín, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp Rabbi trưởng Ephraim Mervis, là nhà lãnh đạo Do Thái Giáo trong Khối thịnh vượng chung.

Vị Rabbi trưởng và các giáo sĩ Do Thái Giáo đi cùng, đã được Đức Hồng Y Vincent Nichols của tổng giáo phận Westminster tháp tùng.

Rabbi trưởng Ephraim Mervis nói với Đài phát thanh Vatican rằng ông bày tỏ “lòng ngưỡng mộ của người Do Thái tại Anh đối với Đức Giáo Hoàng Phanxicô như là một lãnh đạo tinh thần thật sự nổi bật và đầy cảm hứng.”

5. Nhà nước Hồi giáo áp đặt thuế đối với các Kitô hữu tại các thành phố Syria mới chiếm được

Theo sau những báo cáo về khả năng sụp đổ của thủ phủ Abril nơi có tòa lãnh sự của Hoa Kỳ, chiều tối ngày 7 tháng 8 năm ngoái 2014, tổng thống Hoa Kỳ Obama đã ra lệnh không kích để chặn đường tiến công vũ bão của quân khủng bố Hồi Giáo IS và tuyên bố quyết tâm tận diệt đám khủng bố này.

Quyết tâm của tổng thống xem ra đã nhợt nhạt theo thời gian. Thật vậy, các cuộc không kích đã thưa dần đến mức bọn khủng bố Hồi Giáo IS có điều kiện để tập trung quân, xe tăng và các loại cơ giới tiến chiếm thị trấn al-Qaryatayn tại miền trung Syria vào đầu tháng 8 này.

Nay thì bọn khủng bố Hồi Giáo IS đã thiết lập guồng máy cai trị tại đây giữa những đồn thổi về những thỏa hiệp của các cường quốc và các nước dầu hỏa trong vùng muốn mượn tay quân khủng bố Hồi Giáo IS để thực hiện sách lược Hồi Giáo hóa khu vực.

Bọn khủng bố Hồi Giáo IS đã chiếm được al-Qaryatayn vào ngày 5 tháng 8 và sau đó tiến hành ngay việc phá hủy tu viện Thánh Elian có từ thế kỷ thứ năm, và mạo phạm thánh tích của thánh nhân.

Theo tin từ nhật báo Avvenire, của Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Ý, bọn khủng bố Hồi Giáo IS đã áp đặt thuế jizya, là loại thuế đặc biệt trên những cư dân không theo Hồi giáo.

Bên cạnh thuế jizya, quân khủng bố Hồi Giáo IS cũng áp đặt 13 điều kiện trên các Kitô hữu trong thị trấn, trong đó có lệnh cấm sở hữu vũ khí , và không được tụ tập tại các nhà thờ và tu viện.

6. Hàng ngàn người tị nạn bị lừa ở Hung Gia Lợi

Hàng ngàn người di cư qua ngã Hung Gia Lợi trong cố gắng đổ xô vào Tây Âu đã bị lừa thê thảm tại một nhà ga xe lửa ở thủ đô Budapest hôm 04 tháng Chín vừa qua. Họ cố gắng nhào lên một chuyến tàu chờ sẵn. Chuyến tàu sau đó rời ga, nhưng không đến biên giới với Áo nhưng dừng lại ở thị trấn Bitske, gần một trại tị nạn.

Phóng viên Stefan Bos của Radio Vatican cho biết anh chứng kiến tận mắt cảnh bị lừa của hàng ngàn người tị nạn này.

“Tại thời điểm này, tôi đang đứng ở phía trước một xe lửa màu xanh lá cây ở thị trấn Bicske không xa một trại tị nạn nơi các nhà chức trách Hung Gia Lợi muốn đưa những người này đến đây.

Họ đã bị nhồi nhét bên trong con tàu này suốt nhiều giờ trong đêm. Một số người vì quá mệt đành phải lên xe buýt vào trại tập trung, tuy nhiên hầu hết những người tị nạn tử thủ trong con tàu.

Họ muốn đi đến Đức, và ở phía trước của tôi, tôi có thể nhìn thấy những mảnh giấy nguệch ngoạc những dòng chữ “Xin giúp đỡ! ‘,’ Hãy để chúng tôi đi’, và ‘Chúng tôi muốn đến Đức’.

Bên trong con tàu là những người thuộc các tín ngưỡng khác nhau. Bên cạnh những Kitô hữu Syria cố gắng thoát khỏi đất nước nơi mạng sống của họ bị đe doạ nghiêm trọng; tất nhiên cũng có nhiều người Hồi giáo, và những người tìm kiếm tự do.”

Tuần qua, các ngoại trưởng của Liên minh châu Âu đã gặp nhau để thảo luận về những gì cần làm để đối phó với làn sóng người di cư chạy trốn chiến tranh và nghèo đói. 

Thủ tướng Victor Orban nói rằng Hung Gia Lợi không thể đối phó với vấn đề này như trong thời gian qua nữa. Quốc gia này đã chứa chấp khoảng 160,000 người nhập cư bất hợp pháp vào nước này trong năm nay.

Một số vị ngoại trưởng Liên minh châu Âu đã bày tỏ thất vọng to lớn với chính sách của thủ tướng Orban, bao gồm cả việc lừa gạt người di cư trên những con tàu như thế này và cả một chính sách gây tranh cãi là dựng một hàng rào dài 175 km dọc theo biên giới với Serbia.

Quốc hội Hung Gia Lợi trong ngày 04 tháng Chín cũng đã bỏ phiếu về việc gửi quân đội đến biên giới, có lẽ phải tới 3,000 quân. Ngoài ra, báo chí tại Hung cũng tường trình việc xem xét làm sao trừng phạt những người di cư nặng hơn nếu họ cố tình vượt qua hàng rào. Một mức án có thể lên đến 4 năm tù giam đối với những người làm như vậy đang được thảo luận tại Quốc hội.

7. Người Hồi Giáo bị loại khỏi cuộc tranh cử ở Miến Điện

Đối với nhiều người Miến Điện, Hồi giáo được xem là mối đe dọa cho tôn giáo và đất nước của họ. 

Wirathu là một trong những nhà sư nổi tiếng nhất của Miến Điện. Ông tự đặt cho mình một nghĩa vụ thiêng liêng là chống lại người Hồi giáo. Một trong những việc cụ thể nhất ông thực hiện trong những ngày này là tước bỏ quyền bầu cử và ứng cử của hàng trăm ngàn người Rohingya thiểu số trước cuộc bầu cử tháng Mười Một tới đây.

Ông nói:

“Các đảng chính trị của chúng tôi không chủ trương phân biệt đối xử. Nhưng người Hồi giáo không đáng tin cậy. Họ chỉ âm mưu sử dụng chính trị để chiếm nước này bằng mọi phương tiện.”

Vấn đề đã trở nên rất nhạy cảm mặc dù người Hồi giáo chỉ chiếm khoảng năm phần trăm dân số. Đảng cầm quyền và phe đối lập Aung San Suu Kyi bị cáo buộc là đã có chủ trương không tiến cử các thành viên Hồi giáo của đảng mình vào danh sách các ứng cử viên được đảng đưa ra tranh cử.

Bà Aung San Suu Kyi, lãnh tụ đối lập Miến Điện, nói rằng tôn giáo không phải là tiêu chí chính để lựa chọn.

“Chúng tôi chủ yếu cân nhắc xem một ứng cử viên có thể giành chiến thắng trong một đơn vị bầu cử nhất định hay không, đó là xem xét chính của chúng tôi.”

Những năm gần đây căng thẳng tôn giáo trên toàn quốc đã nổi lên từ những luật lệ của quân đội có tính kỳ thị người Hồi Giáo.

Rohingya Shwe Maung là một trong số ít các nhà làm luật Hồi giáo và đã là thành viên Quốc Hội của đảng cầm quyền trong năm năm qua.

Nhưng bây giờ người ta bảo anh rằng quốc tịch của cha mẹ anh có vấn đề và như thế có nghĩa là anh không thể ra tranh cử Quốc hội một lần nữa.

8. Ba nữ tu người Tây Ban Nha bị giết trong cuộc nội chiến Tây Ban Nha được tôn phong Chân Phước

Ba nữ tu người Tây Ban Nha bị giết chết trong cuộc nội chiến Tây Ban Nha vào năm 1936 đã được phong Chân Phước hôm thứ Bẩy 05 Tháng Chín.

Đức Hồng Y Angelo Amato, Tổng Trưởng Bộ Phong Thánh đã chủ sự lễ phong Chân Phước cho các Sơ Fidela Oller, Josefa Monrabal và Facunda Margenat tại nhà thờ chính tòa Girona, Tây Ban Nha. Trong bài giảng, ngài và lưu ý rằng “cả ngày nay, các Kitô hữu vẫn là thiểu số và vẫn bị bách hại nhất trên thế giới.”

Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 6 tháng 9, Đức Thánh Cha cũng đã nhắc đến sự kiện này. Ngài nói:

“Hôm qua, ở thành phố Girona bên Tây Ban Nha, có 3 nữ tu được tôn phong Chân Phước, đó là các sơ Fidelia Oller, Giuseppa Monrabal và Feconda Margenat, thuộc dòng thánh Giuse ở Girona, bị giết vì lòng trung thành với Chúa Kitô và Giáo Hội. Mặc dù bị ngăm đe dọa nạt, các phụ nữ ấy vẫn can đảm ở lại nhiệm sở để săn sóc các bệnh nhân trong niềm tín thác nơi Thiên Chúa. Ước gì chứng tá anh dũng của các chị, cho đến độ đổ máu đào, mang lại sức mạnh và hy vọng cho bao nhiêu người ngày nay đang bị bách hại vì đức tin Kitô. Và chúng ta biết rằng họ rất đông đảo.”

Trong cuộc nội chiến tại Tây Ban Nha kéo dài từ ngày 17/7/1936 đến 1/4/1939, 13 Giám Mục, 4172 linh mục triều và các chủng sinh, 2364 linh mục dòng và các nam tu sĩ cùng với 283 nữ tu đã bị Mặt Trận Bình Dân sát hại. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã tôn phong 233 vị tử đạo Tây Ban Nha. Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 tôn phong 498 vị. Ngày 13 tháng 10 năm 2013, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử Đức Hồng Y Angelo Amato thay mặt ngài tôn phong cho 522 vị tại Tarragonna. Như vậy, tính đến nay, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tôn phong cho 525 vị tử đạo Tây Ban Nha.

9. Đức Hồng Y Fernando Filoni thăm các nước Á Châu

Đức Hồng Y Fernando Filoni, Tổng trưởng Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc sẽ thăm mục vụ ba nước châu Á từ ngày 9 đến 19 tháng Chín. 

Từ ngày 09 đến 13 tháng 9, ngài sẽ thăm Bangladesh, nơi ngài sẽ chủ sự lễ kỷ niệm Năm Thánh của Giáo phận Rajshashi, và sẽ đến thăm một số trung tâm bác ái cho những người đau yếu, khuyết tật của Giáo Hội tại địa phương. Ngài cũng sẽ gặp gỡ các giám mục và các đại diện của hàng giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân, cũng như các chủng sinh.

Ngày 14 và 15 tháng 9, Đức Hồng Y sẽ thăm Tổng Giáo phận Calcutta, nơi ngài sẽ có cuộc gặp gỡ với các giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân trong khu vực. Một cuộc họp sẽ được dành cho việc đào tạo chủng sinh và các dự tập. Vào sáng ngày 15 tháng 9, ngài sẽ cử hành Thánh lễ tại ngôi mộ của Mẹ Teresa.

Trong phần cuối cùng của chuyến đi, tức là từ 15 đến 19 tháng Chín, Đức Hồng Y sẽ thăm Nepal, một đất nước bị tàn phá nặng nề bởi trận động đất ngày 25 tháng Tư vừa qua. Tại đây, Đức Hồng Y Filoni sẽ có một cơ hội để chứng kiến tận mắt tình hình hiện tại và gặp gỡ những người thiện nguyện, cũng như các linh mục, tu sĩ, giáo dân và một số tín hữu tại một số giáo xứ.

10. Hội Đồng Giám Mục Ý và Ba Lan lên tiếng ủng hộ lời kêu gọi của Đức Thánh Cha cưu mang người tị nạn

Đức Hồng Y Angelo Bagnasco, Tổng Giám Mục Genoa, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Ý, nói rằng lời kêu gọi mỗi giáo xứ châu Âu đón nhận một gia đình tị nạn của Đức Thánh Cha Phanxicô là một khích lệ cho “sự cam kết và nỗ lực mà tất cả các giáo phận Italia đã thực hiện được trong thời gian qua.”

Tưởng cũng nên nhắc lại, trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 6 tháng 9 tại quảng trường Thánh Phêrô trước hàng chục ngàn tín hữu và du khách hành hương, Đức Thánh Cha đã kêu gọi các giáo xứ và các tổ chức Công Giáo trên toàn Âu Châu đón nhận người tị nạn.

Ngài nói:

“Anh chị em thân mến, người ta nhận ra Lòng Thương Xót của Thiên Chúa qua các việc làm của chúng ta, như cuộc sống của chân phước Mẹ Têrêsa Calcutta mà chúng ta tưởng niệm ngày qua đời hôm 5 tháng 9 này.

Đứng trước thảm trạng hàng chục ngàn người tị nạn trốn chạy cái chết vì chiến tranh và đói và họ đang hành trình tiến về cuộc sống hy vọng, Tin Mừng kêu gọi chúng ta, yêu cầu chúng ta hãy trở thành “những người thân cận của những ngừơi bé nhỏ nhất và bị bỏ rơi, mang lại cho họ một niềm hy vọng cụ thể. Vì thế, nhân dịp Năm Thánh Lòng Thương Xót sắp đến gần, tôi kêu gọi các giáo xứ, các cộng đoàn dòng tu, các đan viện và Đền thánh ở toàn Âu Châu hãy biểu lộ sự cụ thể của Tin Mừng và đón tiếp một gia đình tị nạn. Đó là một cử chỉ cụ thể để chuẩn bị cho Năm Thánh Lòng Thương Xót. Mỗi giáo xứ, mỗi cộng đoàn dòng tu, mỗi đan viện, mỗi đền thánh ở Âu Châu hãy tiếp nhận một gia đình, bắt đầu từ giáo phận Rôma của tôi.

Tôi ngỏ lời với các anh em Giám Mục Âu Châu của tôi, là những chủ chăn đích thực, để các vị hỗ trợ lời kêu gọi này của tôi trong các giáo phận của các vị, nhớ rằng Lòng Thương Xót là danh xưng thứ hai của Tình Yêu: ‘Tất cả những gì các con làm cho một trong những người anh em bé nhỏ nhất của Thầy đây, là các con làm cho Thầy’ (Mt 25,40).

Trung tuần tháng 8 vừa qua, nhằm hỗ trợ các nhà chức trách dân sự địa phương, Đức Hồng Y Angelo Bagnasco của tổng giáo phận của Genoa, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Italia, đã ra lệnh mở cửa chủng viện của tổng giáo phận làm nơi tạm trú cho 50 người tị nạn.

Quyết định này đã được thực hiện “trong tinh thần Tin Mừng, trong sự hiệp thông với lời kêu gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô, và sự liên tục với tinh thần đoàn kết là một đặc trưng lâu đời của Giáo Hội tại Genoa,” Một tuyên bố của tổng giáo phận đã cho biết như trên.

Các tu viện, đền thờ, và các cơ sở Công Giáo khác của tổng giáo phận hiện đang có hơn 300 người tị nạn khác tá túc.

Đức Hồng Y nói thêm rằng Hội Đồng Giám Mục Italia đang gấp rút thực hiện lời kêu gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô, và ngài hy vọng rằng 27,133 giáo xứ tại Ý sẽ che chở cho hơn 108,000 người.

Trong khi đó, tờ Quan Sát Viên Rôma cho biết Đức Tổng Giám Mục Stanislaw Gadecki của tổng giáo phận Poznan, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Ba Lan, đã ra một thông cáo đặc biệt yêu cầu mỗi giáo xứ hãy bắt đầu chuẩn bị cho người tị nạn những nơi trú ẩn.

11. Nước Đức hào hiệp sẵn sàng đón nhận 500,000 người tị nạn mỗi năm trong vài năm

Thủ tướng Đức là bà Angela Merkel nói sự tràn ngập của người di cư đổ vào châu Âu đòi hỏi tất cả các nước thành viên Liên minh châu Âu phải can đảm gánh vác chung trách nhiệm trước thảm họa nhân đạo này. Bà kêu gọi các quốc gia phải chấp nhận một hạn ngạch nhất định dựa theo một thỏa thuận chung trong tinh thần liên đới giữa các quốc gia trong Liên minh châu Âu.

Bà Angela Merkel đã phát biểu như trên trong một cuộc họp báo hôm 8 tháng 9 tại Berlin với Thủ tướng Thụy Điển Stefan Löfven.

Thụy Điển và Đức đang thảo luận về một biện pháp với tinh thần trách nhiệm cao độ nhằm đề xuất một chính sách tị nạn chung có thể coi là khả thi tại châu Âu.

Theo bà Angela Merkel các hiệp ước quốc tế hiện nay quy định trách nhiệm của nước đầu tiên những người tị nạn đặt chân đến không còn hiệu lực, không giúp giải quyết tình hình, và trong thực tế không thể bắt Hy Lạp và Italia cưu mang tất cả những người vượt qua Biển Địa Trung Hải nhằm tìm kiếm một nơi dung thân.

Theo bà Angela Merkel, hạn ngạch đón nhận người tị nạn phải được phân chia một cách công bằng, không phải là đồng đều nhưng phù hợp với điều kiện thực tế của mỗi quốc gia. Một số quốc gia, đặc biệt là ở Đông Âu, đang chống đối bất cứ đề nghị đưa ra hạn ngạch nào với lập luận rằng họ thiếu các tài nguyên cần thiết.

Chính phủ của bà Merkel cho biết trong năm nay Đức có thể sẽ nhận 800,000 đơn xin tị nạn. Phó thủ tướng Sigmar Gabriel nói nước Đức sẵn sàng đón nhận 500,000 người tị nạn mỗi năm trong “nhiều năm”.

12. Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc tiết lộ: Trong tổng số 2.5 triệu người tị nạn Syria trong năm 2013, Hoa Kỳ chỉ nhận có 26 người!

Các cuộc nổi dậy tại Syria đã bắt đầu vào tháng 3 năm 2011, chủ yếu là những cuộc biểu tình bất bạo động nổ ra tại một loạt các thành phố nhằm chống lại chế độ tham nhũng, và bè phái của Tổng thống Bashar al-Assad. 

Chế độ Assad đáp lại những cuộc biểu tình trên đường phố bằng vũ lực. Cuối cùng, lẽ tự nhiên, nhiều người dân có lẽ đã cầm vũ khí để tự vệ. Tuy nhiên, nếu không có những can dự bên ngoài nhằm theo đuổi những toan tính kinh tế và chính trị trong vùng, nếu không có những nguồn tiếp liệu khí tài chiến tranh khổng lồ, những cuộc biểu tình đã không thể trở thành một cuộc nội chiến chỉ trong vài tháng sau đó.

Cuộc chiến leo thang rất nhanh chóng. Tháng 3 năm 2012, Liên Hợp Quốc ước tính có khoảng 9,000 người Syria người đã bị giết trong những cuộc giao tranh giữa quân chính phủ và phe nổi dậy. Vào tháng Giêng năm 2013, con số đã lên đến 60,000; sau đó 100,000 vào tháng Bảy cùng năm. Con số những người tị nạn Syria nhanh chóng lên đến 2.5 triệu người vào tháng Sáu năm 2013. Trong số những quốc gia chấp nhận đón người tị nạn Syria, Hoa Kỳ, siêu cường mạnh nhất hành tinh, đón nhận một con số rất đáng xấu hổ là 26 người tị nạn. Vấn đề chấp nhận người tị nạn là phức tạp và các quốc gia có quyền và bổn phận điều hòa các làn sóng di dân vào nước họ. Tuy nhiên, siêu cường mạnh nhất hành tinh, chỉ chấp nhận có 26 người tị nạn, so với nước Đức dám mở rộng vòng tay đón 500,000 người tị nạn mỗi năm thì con số này quả là khôi hài, ấy là chưa kể những trách nhiệm luân lý phát sinh từ cuộc xâm lược Iraq vào năm 2003.

Và trong khi cuộc xung đột vẫn đang diễn tiến, không biết đến khi nào kết thúc, Stephen O’Brien, phó tổng thư ký Liên Hợp Quốc về các vấn đề nhân đạo, cho biết cho đến tháng 8 năm 2015, hơn 250,000 người đã bị thiệt mạng trong cuộc xung đột bi đát này. Và trong khi cuộc chiến tranh vẫn tiếp diễn trong bối cảnh có những thoả thuận ngầm nào đó cho phép quân khủng bố Hồi Giáo IS có thể tập trung quân, chiến xa, và các loại xe cơ giới ngang nhiên chiếm hết thành phố này đến thành phố khác của Syria, chắc chắn trong tương lai gần hàng triệu người Syria và Iraq không thể quay trở lại ngôi nhà của mình.

Cho đến nay, tổng cộng, khoảng một nửa dân Syria đã bị bật gốc bởi cuộc chiến. Nhiều người trong số họ, không có chỗ nào để đi trừ ra những trại tạm cư ở các nước láng giềng như Li Băng, Thổ Nhĩ Kỳ và Jordan. 

Trong năm 2014 vừa qua, Thổ Nhĩ Kỳ đã trở thành quốc gia có đông người tị nạn nhất trên thế giới với hơn 2 triệu người tị nạn trong đó 1.8 triệu là người Syria. Li Băng đã mở rộng vòng tay đón tiếp 1,172,000. Đất nước chỉ có 4 triệu dân nay có tới hơn 6 triệu dân. Trong khi đó, 629,000 người Syria đã xin tị nạn tại Jordan và đang sinh sống trong những hoàn cảnh rất cơ cực. Ngay cả miền Iraq Kurdistan, bản thân hiện đang ở giữa một cuộc chiến tranh chống lại bọn khủng bố Hồi Giáo IS, vẫn phải cưu mang hơn 200,000 người Syria.

Tổ chức Ân xá Quốc tế, trích dẫn số liệu của Liên Hợp Quốc, báo cáo rằng “ít nhất 40% số người tị nạn ở Li Băng sống trong nơi không xứng với phẩm giá con người” trong khi Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn (UNHCR) cho biết ngân sách dành cho họ đã bị cắt giảm đến 3 tỉ Mỹ Kim trong tài khóa 2015-2016 mặc dù số người tị nạn không ngừng gia tăng. Trong tháng 12 năm 2014, Chương trình Lương thực Thế giới tuyên bố rằng họ đã phải ngừng cung cấp lương thực cho 1,7 triệu người tị nạn – bởi vì họ không có đủ tiền mặt. 

Trong tình cảnh đó, người tị nạn còn biết làm gì hơn là liều mình chấp nhận những chuyến đi nguy hiểm vào Âu Châu. Khoảng 332,000 người di cư đã vào châu Âu qua ngã Địa Trung Hải trong năm nay. Theo tổ chức Di cư Quốc tế của Liên Hợp Quốc khoảng một nửa số người di cư bằng cách vượt biển Địa Trung Hải là người Syria. Tổ chức Di cư Quốc tế ước tính khoảng 850,000 người tị nạn sẽ đổ vào Âu Châu từ đây đến cuối năm.

Hoa Kỳ, về phần mình, đã làm ngơ trước cuộc khủng hoảng nhân đạo này. Theo Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc, tính đến tháng 8 năm 2015, siêu cường mạnh nhất hành tinh chỉ chấp nhận cho tái định cư 1,434 người tị nạn Syria, và chỉ cam kết cho thêm một vài ngàn người nữa trong những năm sắp tới. Toàn bộ chương trình tái định cư tị nạn của Mỹ được giới hạn ở mức 70,000 người tị nạn trên toàn cầu một năm – một hạn ngạch giống nhau trong nhiều năm qua, bất chấp các cuộc khủng hoảng ngày càng tăng.

13. Đức Tổng Giám Mục Anthony Fisher kêu gọi chính phủ Úc đón nhận các Kitô hữu tị nạn Syria

Ngay sau khi Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi các giáo xứ tại Âu Châu đón nhận người tị nạn, Đức Tổng Giám Mục Anthony Fisher ra tuyên bố kêu gọi chính phủ Úc tăng hạn ngạch đón nhận người tị nạn và đặc biệt ưu tiên đón nhận các Kitô hữu vào Úc. 

Ngài nói các Kitô hữu phải được đối xử đặc biệt vì sinh mạng của họ bị đe dọa nghiêm trọng trong sách lược “xua đuổi các Kitô hữu ra khỏi Trung Đông”.

Đức Cha nói thêm:

“Các nhóm khác cũng đang phải gánh chịu những khó khăn nặng nề và bị đàn áp nhưng nhiều Kitô hữu Syria có người thân tại Úc này và có một mối quan hệ văn hóa với nền văn hóa Úc và chúng ta nên tôn trọng những mối quan hệ và kết nối này”’.

Tuyên bố của Đức Tổng Giám Mục cho biết:

“Ngày hôm nay các nhà lãnh đạo Giáo Hội đã viết thư cho Thủ tướng Tony Abbott và Bộ trưởng Nhập cư Peter Dutton bày tỏ sự sẵn sàng hợp tác với chính phủ trong bất kỳ cách thế nào có thể giúp tái định cư cho những người tị nạn”.

Tuyên bố cũng cho biết thêm những chi tiết sau:

“Do thiếu một giải pháp ngoại giao hay chính trị ngay lập tức để chấm dứt cuộc khủng hoảng tại Syria, chúng tôi mong chính phủ Úc vui lòng bổ sung cấp thời một hạn ngạch là 10,000 chỗ cho người tị nạn, đặc biệt cho những người chạy trốn khỏi Syria. Nếu được, thông qua Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc, chúng tôi mong những người này có thể đặt chân đến Úc trước Giáng Sinh này ‘

George Christensen, dân biểu vùng Dawson ở tiểu bang Queensland, lên tiếng ủng hộ cho ý kiến của Đức Tổng Giám Mục Anthony Fisher vào hôm thứ Ba.

“Kitô hữu thiểu số là những người bị chặt đầu trên các đường phố của Nhà nước Hồi giáo. Họ là những người bị đe dọa trực tiếp nhất, và họ phải được ưu tiên hàng đầu của chúng ta”.

Nguồn: Vietcatholic News

h2

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …