Home / Chia Sẻ / VÁC ĐỜI

VÁC ĐỜI

VÁC ĐỜI [1]Nói về Chúa-Giêsu-chịu-đóng-đinh, Thánh Phaolô đã xác định: “Chính Người đã khước từ niềm vui dành cho mình, mà cam chịu khổ hình thập giá, chẳng nề chi ô nhục, và nay đang ngự bên hữu ngai Thiên Chúa.” (Dt 12:2) Chúa Giêsu cũng nói thẳng, không úp mở, rằng “phải vác thập giá” nếu muốn đi theo Ngài. (Mt 10:38;Mt 16:24; Mc 8:34; Lc 9:23)

Thật chẳng thoải mái chút nào khi phải vác một vật nặng, chứ nói chi tới vác cái mà mình không thích. Chính sự miễn cưỡng cũng đủ làm khổ mình rồi, chưa kể thứ “của nợ” kia. Khổ hay không còn tùy ở thái độ của mình. Thánh Teresa Avila nói: “Thập giá vác trên vai thường nhẹ hơn thập giá kéo lê.”

Người ta vẫn nói: “Đời là bể khổ”. Đời là biển cả chứ không nhỏ như dòng sông, “nước khổ” lênh láng và tràn trề. Nỗi khổ như thủy triều, tùy theo con nước lớn hay nhỏ, có khi gặp nước ròng thì nước ngập kéo dài. Khổ trên từng cây số, người khôn là người biết chấp nhận “sống chung với lũ”.

Cuộc đời như bức tranh đa dạng và nhiều màu sắc. Bức tranh như vậy mới đẹp. Bức tranh cuộc đời cũng vậy, phải vẻ bằng những nét cọ của số phận. Thánh Teresa Lisieuxnói: “Sống tình yêu không phải là căng lều trên đỉnh Tabor, mà là cùng theo Chúa Giêsu lên đồi Canvê.”Lên đó để làm gì? Chịu đau khổ và chịu chết. Thật khôn ngoan khi Thánh Bernadette cầu xin: “Con không xin cho mình thoát khỏi đau khổ, nhưng chỉ xin Ngài đừng bỏ con trong khổ đau.”Chắc chắn Chúa Giêsu không bỏ mặc chúng ta đơn độc vác thập giá một mình.

Thật khâm phục những người chịu đau khổ, vì họ là những người thực sự mạnh mẽ và can đảm. Chắc chắn họ có ơn Chúa. Vả lại, Chúa biết rõ sức của mọi người, như Thánh Phaolô nói:“Không một thử thách nào đã xảy ra cho anh em mà lại vượt quá sức loài người. Thiên Chúa là Đấng trung tín: Người sẽ không để anh em bị thử thách quá sức; nhưng khi để anh em bị thử thách, Người sẽ cho kết thúc tốt đẹp, để anh em có sức chịu đựng.” (1 Cr 10:13)

  1. CHÚA VÁC THÁNH GIÁ

Chúa Giêsu vác Thánh Giá lên Đồi Sọ (Mt 27:27-32) để chịu đau khổ và cứu độ nhân loại. Suy niệm về hành trình khổ nạn của Ngài – Thứ Tư Mùa Thương, chúng ta cầu xin ơn vui lòng “vác Thánh Giá theo chân Chúa”.Ngàiluôn bảo chúng ta phải từ bỏ chính mình, từ bỏ mọi ý riêng, chỉ như vậy mới có thể đi theo Ngài, mà theo Ngài thì chắc chắn không được sung sướng, an nhàn, hoặc thảnh thơi, mà ngược lại, theo Ngài thì phải vác thập giá, nghĩa là luôn phải chịu thiệt thòi, luôn gặp khốn khó, xui tận mạng. Và không chỉ vác vài ngày, vài tháng, hoặc vài năm, mà phải vác triền miên suốt đời.

Trong lúcnhững kẻ thủ ác điệu Đức Giêsu đi, họ thấy Ngài đuối sức nên bắt một người từ miền quê lên, đó là ông Simôn, người Kyrênê, vác thập giá thay cho Ngài. Dân chúng đi theo Ngài rất đông, trong số đó có nhiều phụ nữ vừa đấm ngực vừa than khóc Ngài. Thấy vậy, Ngài quay lại và nói: “Hỡi chị em thành Giêrusalem, đừng khóc thương tôi làm gì. Có khóc thì khóc cho phận mình và cho con cháu. Vì này đây sẽ tới những ngày người ta phải nói: ‘Phúc thay đàn bà hiếm hoi, người không sinh không đẻ, kẻ không cho bú mớm!’. Bấy giờ người ta sẽ bắt đầu nói với núi non: ‘Đổ xuống chúng tôi đi!’, và với gò nống: ‘Phủ lấp chúng tôi đi!’. Vì cây xanh tươi mà người ta còn đối xử như thế, thì cây khô héo sẽ ra sao?”. (Lc 23:26-31)Chúa Giêsu cũng đang nói với chúng ta những lời tương tự, có thể như thế này: “Con hãy thật lòng than khóc vì tội con chứ Ta không cần con thương khóc gì Ta đâu!” Đúng thế, Ngài hoàn toàn vô tội. Còn chúng ta đếm không hết tội, vừa nhỏ vừa to.

Chúa Giêsu chấp nhận đau khổ thay cho chúng ta, chấp nhận gánh nặng vì thương xót chúng ta, tình yêu trọn vẹn của Ngài dành cho chúng ta vô điều kiện. Thập giá gồm hai thanh gỗ ghép lại, nặng cả trăm ký, kéo lê đi thì sức nặng cũng còn khoảng 80 kg. Không phải dễ vác đi lên đồi cao trên con đường gồ ghề như thế.

Trên đường từ dinh Philatô tới Đồi Sọ, Đức Maria chứng kiến nỗi đau khổ và nhục nhã mà Con Yêu phải chịu, thật là oan trái! Chúng ta có thể tưởng tượng đôi mắt và khuôn mặt của Đức Mẹ thế nào? Chắc chắn Mẹ đau đớn lắm. Cầu xin Thiên Chúa ban thêm sức để chúng ta đủ sức vác thập giá đời mình đến cuối đường trần, và cầu xin Đức Mẹ nâng đỡ chúng ta trên con đường thập giá trần thế này.

  1. CHÚA CHỊU ĐÓNG ĐINH

VÁC ĐỜI [2]Đỉnh cao đau khổ ở trên đỉnh đồi Canvê khi Chúa Giêsu bị người ta đóng đinh thân xác Ngài vào Thập Giá. (Mt 27:33-35; Ga 19:31-37; Lc 23:33-46) Thật kinh hoàng với những nhát búa chát chúa và màu máu đỏ tươi!

Suy niệm về “khoảng lặng tang tóc” này – Thứ Năm Mùa Thương, chúng ta cầu xin ơn biết “đóng đinh tính xác thịt vào Thánh Giá Chúa”. Tính xác thịt chính là “cái tôi” – thứ tồi tệ và xấu xa. Nó là một trong ba kẻ thù nguy hiểm nhất (xác thịt, thế gian, ma quỷ). Nhưng “tính xác thịt” nguy hiểm hơn, vì nó là chính chúng ta. Kẻ thù này ở gần nhất và dễ thấy nhất, nhưng lại là kẻ thù khó chiến thắng nhất. Nó là kẻ nội thù, là tên “đặc công” vô cùng nguy hiểm.

Làm sao tiêu diệt? Nó chỉ chết thật khi chúng ta dám “đóng đinh” nó vào Thánh Giá của Đức Giêsu Kitô. Ghim chặt được nó rồi cũng chưa an tâm, phải đợi cho nó chết thật thì chúng ta mới có thể thanh thản bước theo Thầy Chí Thánh Giêsu. Nó nhỏ mà to, bé mà sống dai. Nó có vẻ chẳng là gì nhưng nó có mãnh lực đủphá hủy mọi lâu đài mà chính chúng ta đã dày công xây dựng từ lâu, thậm chí là cả đời.Thật đáng sợ biết bao!

Qua trình thuật ngắn gọn Ga 19:25-27, Thánh sử Gioan cho biết:Đứng gần thập giá Đức Giêsu, có thân mẫu Người, chị của thân mẫu, bà Maria vợ ông Cơlôpát, cùng với bà Maria Mácđala. Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giêsu nói với thân mẫu: “Thưa Mẹ, đây là con của Mẹ”. Rồi Người nói với môn đệ: “Đây là Mẹ của anh”. Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình.

Thật đau buồn trong cảnh sinh ly tử biệt, nhưng lại rất tuyệt vời, bởi vì chúng ta được Chúa Giêsu giao phó Đức Mẹ, nghĩa là chúng ta được trở nên con cái của Đức Mẹ, đồng thời Ngài cũng muốn chúng ta gần gũi và thân mật với Đức Mẹ.Ngài muốn chúng ta với tư cách là con cái, hãy nắm chặt tay Đức Mẹ, và trao phó cuộc đời mình cho Đức Mẹ, để nhờ Mẹ mà chúng ta đến với Con Yêu Dấu của Mẹ là Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại – trong đó có mỗi chúng ta.

Đức Mẹ là Đấng Vô Nhiễm, tuyệt đối tuân phục và khiêm nhường, cầu xin Đức Mẹ giúp chúng ta đủ sức vượt qua chính mình và chiến thắng tội lỗi nhờ ơn Vô Nhiễm của Mẹ, và cầu xin Mẹ giúp chúng ta triệt tiêu thói kiêu ngạo nhờ đức khiêm nhường của Mẹ. Được như vậy thì chắc chắn chúng ta sẽ được ở bên Chúa Giêsu và thanh thản nghỉ ngơi trong Thánh Tâm của Ngài.

Lạy Thiên Chúa, xin giúp chúng con nhận diện chính mình, luôn tâm niệm “Per Crucem ad Lucem – Qua Thập Giá tới vinh quang” và “Ad Jesum per Mariam – Đến với Chúa Giêsu nhờ Đức Mẹ”. Amen.

TRẦM THIÊN THU

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …