Home / Chia Sẻ / Truyền giáo hay trở thành chứng nhân Tin mừng

Truyền giáo hay trở thành chứng nhân Tin mừng

 

Từ trước đến nay, có lẽ chúng ta đã quá quen thuộc với thuật ngữ truyền giáo, với những cụm từ như sứ mạng truyền giáo, công cuộc truyền giáo, khánh nhật truyền giáo, các nhà truyền giáo mà không bao giờ đặt lại vấn đề.

Truyen-giaoThật ra thuật ngữ này là một thuật ngữ gây tranh cãi, không được chấp nhận bởi một số chuyên gia Kinh Thánh, hay thần học gia công giáo tuy nó đã trở nên quá thông dụng trong ngôn ngữ nhà đạo. Bởi xét cho cùng nó không có nền tảng Thánh Kinh. Nó có lẽ xuất phát từ một sự chuyển ngữ hàm hồ tiếng La Tinh missio, có nghĩa một lời sai đi, một sứ mạng. Điều cần lưu ý ở đây, đó là khi dùng từ truyền giáo, người ta hiểu nó gần giống với tiếng propaganda, propagatio mà ta thường dịch là tuyên truyền, truyền bá. Và nếu hiểu theo nghĩa này, truyền giáo giống như thể là tuyên truyền, truyền bá một một tôn giáo, hay một giáo lý, mà ở đây là Kitô giáo hay Công giáo, thì quả thật là sai lầm và điều này sẽ gây ra một sự ngộ nhận nguy hiểm về sứ mạng mà Đức Giêsu Kitô giao cho các môn đệ của mình. Chính vì vậy, mà việc truyền giáo được chấp nhận một cách tự nhiên trong bối cảnh lịch sử Kitô giáo là một tôn giáo mới trong thế giới ngoại giáo hay đa tôn giáo của La Mã,  Châu Âu, Châu Á, hay tại Việt nam, với mục đích truyền bá một tôn giáo mới, hay cải đạo, và cũng chính vì cách hiểu hàm hồ và sai lầm này mà đã từng xảy ra trong lịch sử những cuộc ép buộc cải đạo, hay nói cách khác truyền giáo bằng gươm giáo, ở các châu lục mới khám phá, một trong những vết nhơ của Giáo hội trong lịch sử mà vì đó Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II sau này phải nhân danh toàn thể Giáo hội Công giáo xin lỗi toàn thể nhân loại. Ngày nay có lẽ không ít người Kitô hữu hay Công giáo chúng ta tự hào cho đến nay Kitô giáo, trong đó Công giáo chiếm đa số vẫn là tôn giáo có số tín hữu đông nhất, chiếm tỷ lệ phần trăm cao nhất trên thế giới, mà chẳng hề nghĩ con số đó đến từ đâu, nó có phản ảnh đúng số người có đức tin Kitô giáo hay Công giáo thực sự hay không, hay phần lớn trong con số đó cũng chẳng qua là con cái cháu chắt của những người thuộc về cái đạo ăn theo, theo vua chúa, quan quyền, theo cha mẹ dòng tộc, hay tệ hơn là của những người bị ép buộc phải theo đạo vì bị ép buộc. Và vì thế cũng chẳng có gì mà phải lấy làm lạ khi chứng kiến trong thời hiện đại này cũng có rất nhiều người công giáo chuyển đạo, hay bỏ đạo hàng loạt.

Thuật ngữ truyền giáo thực sự không có nền tảng Phúc Âm vì Chúa Giêsu không hề truyền lệnh hay kêu gọi các môn đệ của mình đi truyền bá một tôn giáo, hay một giáo lý mới, Người chỉ kêu gọi các môn đệ của Người ra đi làm cho muôn dân trở thành môn đệ của Người, làm phép rửa cho họ và dạy họ những gì Người đã truyền dạy cho họ (Mt 28, 17-2), “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16, 15).

Chúa Giêsu cũng truyền cho các môn đệ của Ngài ra đi loan báo Triều đại Thiên Chúa đã đến gần với việc chúc chào bình an, và chữa lành cho những người bệnh tật đau yếu trong trình thuật của thánh sử Luca như sau: 1Sau đó, Chúa chỉ định bảy mươi hai người khác, và sai các ông cứ từng hai người một đi trước, vào tất cả các thành, các nơi mà chính Người sẽ đến.2 Người bảo các ông: 3 Anh em hãy ra đi. Này Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói.4 Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép. Cũng đừng chào hỏi ai dọc đường.5 Vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói: “Bình an cho nhà này!“6 Nếu ở đó, có ai đáng hưởng bình an, thì bình an của anh em sẽ ở lại với người ấy; bằng không thì bình an đó sẽ trở lại với anh em.7 Hãy ở lại nhà ấy, và người ta cho ăn uống thức gì, thì anh em dùng thức đó, vì làm thợ thì đáng được trả công. Đừng đi hết nhà nọ đến nhà kia.8 Vào bất cứ thành nào mà được người ta tiếp đón, thì cứ ăn những gì người ta dọn cho anh em.9 Hãy chữa những người đau yếu trong thành, và nói với họ: “Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần các ông” (Lc 10, 1-9).

Không biết những “nhà truyền giáo” nơi một số châu lục mới, có đọc và nhớ những lời dặn dò này không mà lại làm những chuyện hoàn toàn ngược lại. Thay vì là chiên, ở giữa sói thì lại trở thành sói giữa chiên, thay vì chào chúc bình an thì gieo rắc sợ hãi kinh hoàng, thay vì chữa lành bệnh tật thì gây thương tích chết chóc…
Và trong cuộc gặp gỡ của Chúa Giêsu với các môn đệ của Người trước khi về trời, Chúa Giêsu đã truyền cho họ trở thành chứng nhân cho Tin Mừng phục sinh của Người: Khi hai môn đệ từ Emmau trở về còn đang nói với nhóm Mười Một, thì chính Ðức Giêsu đứng giữa các ông. Người bảo: “Khi còn ở với anh em, Thầy đã từng nói với anh em rằng tất cả những gì sách Luật Môsê, Các Sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm”. Bấy giờ Người mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh và bảo: “Có lời Kinh Thánh chép rằng: Ðấng Kitô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại, và phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giêrusalem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. Chính anh em là chứng nhân của những điều này…” (Lc 24, 46-53). Và mệnh lệnh này được Luca lặp lại rõ hơn trong Công vụ tông đồ: “Anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giê-ru-sa-lem, trong khắp các miền Giu-đê, Sa-ma-ri và cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1, 8).

Như vậy, Chúa Giêsu sai các môn đệ của mình ra đi không phải để truyền giáo, mà để loan báo Tin Mừng cho muôn dân, rao giảng cho muôn dân về việc Người phải chịu khổ hình, chết và phục sinh, làm chứng nhân cho Người về những điều đã nghe và thấy, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội, làm cho muôn dân trở thành môn đệ của Người.

Ngoài ra trong các Tin Mừng, chúng ta có thể thấy việc làm chứng nhân cho Chúa, cho Tin Mừng của Người, hay việc loan báo Tin Mừng còn là một hệ quả của việc gặp gỡ Người như việc Anrê giới thiệu Người với Phêrô, Gioan với Giacôbê, Philiphê với Natanaen, người phụ nữ Samaritanô với dân thành, người mù từ thuở mới sinh cho phe biệt phái và Pharisêu, hai môn đệ trên đường Emmau với Nhóm Mười một, Phaolô cho cả dân ngoại, hay những người đã nhận được lời rao giảng của Nhóm Mười Hai Phaolô như Mác-cô, Luca, Sila… với dân do Thái và dân ngoại.

Trước đây, và ngay cả bây giờ, có lẽ chúng ta thường nghe vào dịp Khánh nhật truyền giáo, hay vào những dịp kêu gọi truyền giáo, một số linh mục khởi đầu bằng việc so sánh lực lượng, tỷ lệ phần trăm của các tôn giáo trên thế giới ở Việt nam, con số ít ỏi của những người công giáo Việt nam so với tín hữu Phật giáo, hay thậm chí tỷ lệ gia tăng của những anh em Tin Lành để rồi kêu gọi đốc thúc người dân phải dấn thân hăng say truyền giáo, theo kiểu phát động một chiến dịch, một phong trào, rồi đâu lại vào đó, một cách hành xử theo thói đời như thể mang nặng não trạng cạnh tranh, thi đua, hoàn toàn xa lạ với niềm tin Kitô giáo. Trong khi loan báo Tin Mừng, mà ta thường gọi là truyền giáo thuộc về bản chất của Giáo hội Chúa Kitô vì chính điều này khai sinh Giáo hội trong biến cố lễ Ngũ Tuần, là sứ mạng của hội, và là hệ quả tất yếu của đức tin.

Hơn nữa, thuật ngữ truyền giáo lại càng không phù hợp trong bối cảnh xã hội hiện nay khi Giáo hội muốn thiết lập một mối tương quan đối thoại thực sự với các tôn giáo, mà ta gọi là đối thoại liên tôn, ở cấp độ quốc tế như vẫn thường được tổ chức tại Assisi, quê hương thánh Phanxicô khó khăn hằng năm, khởi đầu từ sáng kiến của thánh Phaolô II, và ở cấp độ quốc gia, nhất là tại Việt nam, một đất nước đa tôn giáo mà nơi đó, Kitô giáo vẫn chỉ là thiểu số. Giáo hội ngày nay kêu gọi phúc âm hóa hay tái phúc âm hóa thay vì truyền giáo.

 “Anh em sẽ trở nên những con người vẹn toàn của Thiên Chúa giữa một thế hệ gian tà, sa đọa. Giữa thế hệ đó, anh em phải chiếu sáng như những vì sao trên vòm trời, là làm sáng tỏ Lời ban sự sống…”. (Pl 2, 15-16). Lời kêu gọi Phúc âm hóa, hay Tái Phúc âm hóa không phải là lời hô hào mang tính cách phong trào, cũng không phải là một phương thế cạnh tranh tôn giáo nhằm chiêu dụ tín đồ hay để tồn tại, mà đúng hơn và trước hết là một lời kêu gọi trở về với bản chất, và nguồn cội của Kitô giáo: Phúc Âm hóa là bản chất và là sứ mạng của Giáo hội.

Và lời kêu gọi này vô cùng quan trọng vì nó nhắc nhở cho chúng ta điều quan trọng là phải sống Phúc Âm trước đã, mới có thể phúc âm hóa hay tái phúc âm hóa được chứ không phải là chỉ truyền bá cho kẻ khác cái tôn giáo hay đạo giáo của mình như thể thông truyền kiến thức, kỹ năng sống.

Ngày hôm nay người ta cứ thắc mắc vì sao công cuộc truyền giáo của Giáo hội gần như không có kết quả bao nhiêu tuy là ngày nay những nhà truyền giáo được đào tạo bài bản hơn, quỹ truyền giáo nhận được nhiều đóng góp hơn.

Phải chăng vì ngày nay người ta đào tạo những con người làm công việc “truyền giáo”, coi như thể một nghề chuyên môn?

Thật ra, từ đầu trong Giáo hội sơ khai, mọi Kitô hữu đều là “những nhà truyền giáo” kia mà.

Phải chăng ngày nay người ta hô hào “truyền giáo” vì người ta không còn sống Phúc âm nữa?

Việc “truyền giáo” hay đúng hơn việc loan báo Tin Mừng là bản chất của Giáo hội, là sứ mạng của mọi Kitô hữu hay nói khác hơn là điều chứng tỏ mình là Kitô hữu đúng nghĩa, vì Kitô hữu đúng nghĩa là người gặp gỡ Đức Giêsu. Và một khi gặp gỡ Đức Giêsu, người ta cảm thấy được thúc bách loan báo Tin Mừng của Người một cách tự nhiên, chứ chẳng cần ai truyền lệnh như chúng ta thấy từ đầu vì họ thực sự gặp gỡ Đức Kitô, không hẳn bằng xương bằng thịt như Phaolô, như những môn đệ của các tông đồ, môn đệ của Chúa.

Hỏi rằng những người được gọi là Kitô hữu, được lãnh nhận Bí tích rửa tội, có gặp gỡ được Đức Kitô chưa, hay đúng hơn là những người thợ truyền giáo, chỉ nghe nói về Người, truyền đạt như thể nghe gì nói thế, và chỉ được dạy các tín điều phải, những luật lệ, luân lý, điều răn… phải  giữ, chứ chưa bao giờ được thực sự cảm nghiệm gặp gỡ Đức Kitô và sống với Người thì lấy đâu ra mà đòi làm chứng cho Chúa, và nếu có truyền giáo đi chăng nữa thì cũng chỉ là truyền bá một giáo thuyết như vô vàn giáo thuyết khác trên đời này, chẳng biến đổi được ai, chẳng mang đến đến sự bình an cho ai mà thậm chí, tạo thêm một gánh nặng với biết bao gánh nặng trong đời, điều mà chính Đức Giêsu đã đến để giải thoát.

Chính vì thế việc hô hào”truyền giáo” chẳng bao giờ đưa đến việc “truyền giáo” cả vì bản thân những người hô hào và những người đón nhận việc hô hào đó có khi cảm thấy truyền giáo thật ra cũng chỉ là một phong trào phải phát động, phải tham gia, một gánh nặng nề phải vác, một nhiệm vụ phải trả nợ chứ không phải là một niềm vui. Đó mới chính là điều thật đáng buồn.

Như vậy, điều quan trọng là chính chúng ta cần phải có một cuộc gặp gỡ cá vị với Đức Kitô, chính chúng ta phải cảm nghiệm niềm vui gặp gỡ Người và niềm vui sống Tin Mừng thì mới mong có khao khát loan báo Tin Mừng như các tín hữu sơ khai trước đây, như Phaolô nói: Khốn cho tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng (cần phải hiểu là Phaolô cảm thấy bị thiêu đốt bởi khao khát loán báo Tin Mừng theo nghĩa ngài không thể giữ Tin Mừng cho riêng mình được chứ không phải sợ Chúa chúc dữ, hay phạt mình nếu mình không loan báo Tin Mừng).

Đúng như người ta nói: Tôi không thể cho người khác điều mà tôi không có. Nếu bản thân tôi không thực sự gặp gỡ Chúa, cảm nghiệm được niềm vui sống Tin Mừng, cảm nghiệm được Chúa cứu chữa và giải thoát, đổi đời thì làm sao tôi có thể có khao khát giới thiệu Chúa cho những người khác, làm sao tôi có thể trở nên chứng nhân cho Chúa và cho Tin Mừng của Người được?

Như thế, dù có phát động bao nhiêu chiến dịch, tổ chức những phong trào truyền giáo quy mô, rầm rộ, quyên tiền được nhiều đến đâu đi nữa, thì mọi sự cũng chỉ là công cốc mà thôi, và dù có làm cho ai cải đạo theo đạo đi nữa, thì đó cũng chỉ là thêm vào những con số, tăng thêm dân số Kitô giáo hay Công giáo chứ không phải thêm men, thêm muối cho đời, không phải làm cho đời thấm nhuần Tin Mừng, không phải là loan báo Tin Mừng, làm cho Đức Kitô được biết, được yêu và có thêm môn đệ thực sự, và càng không phải làm cho Tin Mừng của Người được sống.

Hơn nữa, một trong những lý do quan trọng nhất làm cho việc “truyền giáo” không thu lượm kết quả được bao nhiêu nếu xét về dân số Công giáo dậm chân tại chỗ, phải chăng là vì chính bản thân những người mang danh công giáo sống chẳng khác gì người khác, cũng tham sân si, cũng chỉ loay hoay lo cho bản thân và gia đình của mình chứ chưa thực sự dấn thân nhập cuộc biến đổi xã hội, chưa thật sự trở thành men cho đời, cho môi trường trong đó mình đang sống, chưa bao giờ chứng tỏ cho đồng loại của mình rằng Tin Mừng quả thực có sức mạnh biến đổi xã hội?

Gioakim Trương Đình Giai

Xem thêm

JOSEPHINE & NAPOLEON

Suy niệm Tin Mừng Thứ Sáu Tuần VII Phục Sinh, NĂM B, của Lm Minh Anh

TỘI LỖI CÓ THỂ TRỞ THÀNH ĐỘNG LỰC CHO TÌNH YÊU “Con có yêu mến …