Home / Chia Sẻ / Tinh thần thượng võ

Tinh thần thượng võ

h1Khoảng thời gian giữa năm thường có các sự kiện thể thao quan trọng – đua xe đạp hoặc mô-tô, tennis, bóng rổ, bóng chuyền, bóng ném, bóng chày,… và đặc biệt nhất là môn túc cầu – cách gọi bình dân là “bóng đá”.

Thiên Chúa vui thích ở giữa dân của Ngài, vì thế Giáo hội cũng không bàng quan trước niềm vui của Dân Chúa, cụ thể là các sự kiện thể thao. Giáo hội muốn chúng ta cầu cho các môn thể thao luôn là cơ hội gặp gỡ thân tình giữa các dân tộc và đem lại hoà bình cho thế giới.

Giáo hội cũng muốn chúng ta hiệp thông cầu cho các Kitô hữu luôn biết sống theo Tin Mừng để làm chứng về niềm tin, lòng ngay chính và tình yêu thương tha nhân trong cuộc sống đời thường hằng ngày.

Thiên Chúa luôn cao thượng, tất nhiên Giáo hội của Ngài cũng noi gương sống cao thượng của Ngài, vì Ngài là Đấng giàu lòng thương xót. Trong thể thao, sự cao thượng được gọi là “tinh thần thượng võ”. Kinh Thánh không nói đến tinh thần thượng võ nhưng luôn đề cập tình yêu thươnglòng tha thứ. Đó là “tinh thần thượng võ” về tâm linh, dạng “cao cấp” hơn nhiều.

THƯỢNG VÕ ĐỜI THƯỜNG

Thượng võ (尚 武) là gì? Là có khí phách và hào hiệp. Trong Hán tự có hai chữ thượng. Chữ “thượng” này: 上, có nghĩa là ở trên, trước; là hoàng đế, vua; là đi, đến, lên cao, bù vào; chỉ chỗ trung gian – như “bán lộ thượng” (tức là giữa đường), chỉ phương diện – như “lý luận thượng” (về phương diện lý luận) v.v… Đôi khi chữ “thượng” này được đọc là “thướng” tức là “lên như cánh thướng nhất tằng lầu”. Chữ “thượng” trong “thượng võ” nói ở đây là chữ thượng này: 尚, có nghĩa là đề cao, coi trọng, tôn sùng, yêu chuộng – như “thượng đức”, tức là đề cao những giá trị đạo đức tốt đẹp, chuộng sự thanh tao, cao đẹp. Xưa nay có nhiều người giải thích về cụm từ này nhưng không rõ ràng, có lẽ do nhầm lẫn ở hai chữ thượng.

Tinh thần thượng võ là sự tôn sùng võ thuật, đề cao võ thuật, yêu chuộng cách hành xử cao cả của giới võ hiệp. Chức năng của võ thuật là để “đánh nhau” nhưng “tôn sùng” võ thuật, “đề cao” võ thuật, nhưng không có nghĩa là “tôn sùng sự đánh nhau” hoặc “sự hiếu chiến”, mà là tôn sùng và đề cao những giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp có sẵn trong võ thuật, nhờ rèn luyện võ thuật mà đạt được. Thượng võ được biểu hiện qua thái độ, hành vi cách ứng xử hằng ngày.

Trước tiên là tinh thần Tôn Sư Ái Hữu. Đó là tôn kính người dạy mình, coi thầy như cha như mẹ: “Sự sư như sự phụ” và “sư hữu sự, đệ tử phục kỳ nan” (chia sẻ mối ưu tư của thầy). Ngược lại, người thầy cũng phải tôn trọng và yêu quí học trò của mình: “Ái đồ như ái tử” – coi học trò như con như con cháu trong nhà. Phải kính trên nhường dưới, hữu hảo với đồng môn, có tinh thần tương thân tương ái, biết chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau trong học tập, lúc ốm đau, khó khăn và hoạn nạn.

Tinh thần thượng võ trong võ thuật phải được hiểu cao hơn dạng “thượng võ” kia. Ví dụ: “Thượng võ” chỉ dừng lại ở hành vi là không dồn đối phương (cừu nhân) vào đường cùng, vào chỗ chết, nhưng tha cho được sống, để mặc cho đi. Còn cái “tinh thần thượng võ” lại là tiến lên đỡ cừu nhân đứng dậy, bắt tay hóa giải sự hận thù, kết nghĩa huynh đệ, thậm chí còn thương nhau hơn anh em ruột thịt. Đây chính là cái kết rất “có hậu”, đậm “tính nhân đạo”, đầy “tính nhân văn” của giới võ thuật vẫn thường thấy được đề cao trong các tác phẩm văn học nghệ thuật.

Trong xã hội nhiễu nhương, đề cao vật chất như ngày nay, có lẽ “tinh thần thượng võ” ít khi được người ta thể hiện, nhưng như vậy không có nghĩa là không còn hoặc không cần. Tinh thần thượng võ chính là tinh thần fairplay, là tính “nhân văn” trong võ thuật, là lối “chơi đẹp” trong cuộc sống đời thường.

Ngày xưa, Tề Hoàn Công không câu nệ nên đã tha tội chết cho Quản Trọng, kẻ đã từng bắn vào bụng mình, và cuối cùng, nhờ Quản Di Ngô mà làm nên nghiệp bá. Hoặc như Lạn Tương Như không câu chấp lỗi của Đại tướng Liêm Pha nên đã khiến quân chư hầu mấy chục năm không dám xâm phạm bờ cõi. Thành ngữ “phụ kinh thỉnh tội” do điển tích này mà có.

Về “tinh thần thượng võ” của tiền nhân Việt Nam, chúng ta đã từng nghe: “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân, Quân điếu phạt trước lo trừ bạo” (Bình Ngô Đại Cáo). Nguyễn Trãi đúc kết thật tuyệt vời!

Tư tưởng đó là chân lý, là nền tảng của mọi suy nghĩ, hành động, chiến lược, chiến thuật và tinh thần quyết chiến, quyết thắng của quân dân ta trong cuộc kháng chiến chống kẻ thù xâm lược phương Bắc. Nguyễn Trãi đã thấm nhuần quan điểm tiến bộ của Nho giáo, lấy dân làm gốc (dân vi bản), coi ý dân là ý Trời. Ông cho rằng bất cứ triều đại nào muốn tồn tại lâu dài và vững mạnh đều phải dựa vào dân, đặt mục đích “an dân” lên hàng đầu, bởi vì dân có yên lành thì đất nước mới thịnh vượng.

Từ triết lý nhân nghĩa thủy chung, Nguyễn Trãi đã cụ thế hóa nó một cách rõ ràng và dễ hiểu. An dân là thế nào? Đó là mọi đường lối chính sách của triều đình phải phù hợp với ý nguyện của dân, cốt làm cho dân được an sinh trong cảnh thanh bình, ấm no, hạnh phúc, không chỉ nơi phố thị mà cả chốn hang cùng ngõ vắng cũng không còn tiếng oán than ưu sầu. Quả đúng là “quan nhất thời, dân vạn đại”.

Khi Lê Lợi phất cao cờ khởi nghĩa đất Lam Sơn để chống quân xâm lược nhà Minh, tư tưởng nhân nghĩa được biến thành hành động cụ thể và thiết thực là đánh đuổi giặc thù ra khỏi bờ cõi để cứu dân khỏi cơn binh đao, tang tóc. Người “anh hùng áo vải” này đã viện dẫn chứng cứ lịch sử để khẳng định rằng những kẻ cố tình đi ngược lại đạo lý nhân nghĩa đều phải chuốc lấy tai họa: “Lưu Cung tham công nên thất bại, Triệu Tiết thích lớn phải tiêu vong”. (*)

Tinh thần thượng võ cần phải có trong mọi người, cả người lãnh đạo lẫn người dân, cả bề trên lẫn bề dưới, bất kể là nam, phụ, lão, ấu.

THƯỢNG VÕ TÂM LINH

Đó là tinh thần tha thứ. Có yêu thương thì mới khả dĩ tha thứ. Tha thứ là hóa giải sự hận thù, là “tinh thần thượng võ” của các Kitô hữu theo lời dạy của Thầy Chí Thánh Giêsu về việc tha thứ cho nhau.

Một hôm, ông Phêrô đến hỏi Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không?”. Đức Giêsu đáp: “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy” (Mt 18:22).

Chắc hẳn Chúa Giêsu không muốn nói tới số lần tha thứ, nghĩa là phải tha thứ mãi mãi, tha thứ bất cứ lúc nào, tha thứ cho bất kỳ đối phương là ai. Và còn hơn thế nữa, Chúa Giêsu bắt buộc chúng ta “phải yêu kẻ thù”, có vậy mới xứng đáng là con cái và đệ tử của Ngài.

Thật vậy, Chúa Giêsu đã phân tích và lý luận: “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thùcầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính. Vì nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình thì anh em nào có công chi? Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao? Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi thì anh em có làm gì lạ thường đâu? Ngay cả người ngoại cũng chẳng làm như thế sao? Vậy anh em hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5:43-48; Lc 6:27-28, 32-36).

Là phàm nhân, nhưng sử gia Thomas Fuller (1608-1661, người Anh) vẫn có nhận xét thú vị và chí lý: “Cách trả thù cao thượng nhất là tha thứ”. Văn sĩ trào phúng Mark Twain (1835-1910, người Mỹ) cũng có nhận định tuyệt vời: “Sự tha thứ là mùi hương mà đóa hoa violet để lại nơi gót chân đã giẫm nát nó”. Hay quá, rất hợp với tinh thần Kitô giáo, tất nhiên là rất đẹp lòng Thiên Chúa – Đấng giàu lòng thương xót (2 Mcb 11:9; Ep 2:4).

Tha thứ là yêu thương, tha thứ là thương xót. Ai thương xót người khác thì được Thiên Chúa xót thương (Mt 5:7), đó là một trong Bát Phúc mà Chúa Giêsu đã giáo huấn trong Bài Giảng Trên Núi – cũng gọi là “Hiến Chương Nước Trời”.

Ký giả Jonathan Lockwood Huie (1932-2010, người Mỹ), đã từng có mặt tại Việt Nam trước năm 1975, vừa lý luận vừa so sánh: “Tha thứ cho người khác không phải vì họ xứng đáng được tha thứ mà vì chính mình xứng đáng được thanh thản”. Tuyệt vời lắm! Thật vậy, giữ lòng hận thù chỉ là tự làm khổ mình, tự đày đọa mình mà thôi. Sống “tinh thần thượng võ” là tha thứ, khi tha thứ cho người khác là tự giải thoát mình khỏi mọi vướng mắc trần gian. Hiểu được như vậy thì chẳng khó gì mà không thể tha thứ cho nhau.

Hằng ngày chúng ta cầu nguyện bằng Kinh Lạy Cha: “Xin tha tội cho chúng con NHƯ chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con” (Mt 6:12). Chữ “như” ở đây thực sự quan trọng. Chữ “như” nhắc chúng ta nhớ rằng chúng ta tha thứ cho tha nhân thế nào thì Ngài cũng tha thứ cho chúng ta như vậy. Chúng ta đong cho tha nhân loại đấu nào thì Ngài cũng đong cho chúng ta loại đấu đó (Mt 7:2; Mc 4:24; Lc 6:38).

Thật vậy, Chúa Giêsu cũng đã xác định: “Nếu anh em THA LỖI cho người ta thì Cha anh em trên trời cũng sẽ THA THỨ cho anh em. Nhưng nếu anh em KHÔNG THA THỨ cho người ta thì Cha anh em cũng sẽ KHÔNG THA LỖI cho anh em” (Mt 6:14-15). Rất rõ ràng. Rất sòng phẳng. Rất công bằng.

Trong dụ ngôn “con nợ không biết xót thương” (Mt 18:23-35), Chúa Giêsu kết luận: “Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em KHÔNG HẾT LÒNG THA THỨ cho anh em mình”. Thật đáng sợ biết bao!

Tha thứ là sống công bình, có công bình thì mới có hòa bình đích thực. Tha thứ cho nhau là thể hiện tinh thần thượng võ với nhau trong đời sống hằng ngày, và đó cũng là biết động lòng trắc ẩn theo tinh thần Năm Thánh Lòng Thương Xót: “Hãy có lòng nhân từ như Cha anh em là Đấng nhân từ” (Lc 6:36).

Trầm Thiên Thu

——————–

(*) GHI CHÚ:

  1. Lưu Cung (? – 184 TCN), vị Hoàng Đế thứ ba của nhà Tây Hán của Trung quốc, kế vị Hán Huệ Đế. Lưu Cung là con trai của Hán Huệ Đế, bị bức tử với một bà phi và bà mẹ. Trước khi lên ngôi, ông đã được phong làm Thái Tử. Sau khi vua cha là Hán Huệ Đế qua đời, Lưu Cung lên ngôi, lấy hiệu là Hán Tiền Thiếu Đế. Bà nội của ông là Lã Hậu công khai cai quản hết việc triều chính. Lưu Cung nhận ra việc Lã Hậu hại mẹ ông nên ông nói ra ý định lúc lớn lên và hứa sẽ xử lý Lã hậu. Biết được điều này nên Lã Hậu bí mật sai người giam ông trong cung và công bố ông bị bệnh tâm thần, rồi thông báo cho bá quan rằng ông không thể cai quản triều chính và cần phải phê ngôi. Lưu Cung đã bị bỏ chết rũ tù. Em trai ông là Lưu Nghĩa lên kế vị, lấy hiệu là Hán Hậu Thiếu Đế.
  2. Triệu Tiết (1026-1090), tên tự là Công Tài, người Y Chánh, Cung Châu, là tướng lĩnh và quan viên nhà Bắc Tống của Trung quốc. Triệu Tiết từng làm Chiêu thảo phó sứ, theo Chiêu thảo sứ Quách Quỳ xâm lược Đại Việt. Gần trọn sự nghiệp của mình, Triệu Tiết bảo vệ biên giới phía Tây, chống lại Tây Hạ, chủ trương chiêu dụ dân chúng vùng biên, lấn dần sang đất địch, luôn phản đối việc gây chiến tranh.

Xem thêm

T3T31TN

Suy niệm Tin Mừng Thứ Ba Tuần XXXI Thường Niên, Năm Chẵn, của Lm Minh Anh

  TIỆC BẤT TẬN “Phúc thay ai được dự tiệc trong Nước Thiên Chúa!”. “Thiên …