Home / Chia Sẻ / Tìm hiểu và áp dụng thông điệp LAUDATOSI’

Tìm hiểu và áp dụng thông điệp LAUDATOSI’

  1. Tại sao thông điệp mang tựa đề LAUDATO SI’?

indexNhiều người tín hữu đặt câu hỏi này. Theo truyền thống của Hội Thánh Công Giáo, thường thì các Thông điệp của Đức Giáo hoàng luôn được gợi mở từ một câu nào đó bằng tiếng La Tinh lấy trong Kinh Thánh hay của các Thánh Giáo phụ. Lần này, Thông điệp của Đức Phanxicô được mở đầu bằng lời cầu của Thánh Phanxicô Assidi: “Laudato Si’ mí Signore“ nghĩa là ”Lạy Chúa của con, con xin chúc tụng Chúa”, chính vì thế bản văn được gọi là Thông điệp Laudato Si’ của Đức Giáo Hoàng về ”CHĂM SÓC NGÔI NHÀ CHUNG”

  1. Đâu là trọng tâm của Thông điệp?

“Loại thế giới nào chúng ta muốn chuyển lại cho những người đến sau chúng ta, cho các trẻ em đang lớn lên?”

 Câu hỏi này chính là trọng tâm thông điệp Laudatô Si’. Thông điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô mà người ta chờ đợi về việc săn sóc ngôi nhà chung. Ngài viết tiếp ”Câu hỏi này không phải chỉ liên quan đến môi trường mà thôi, vì ta không thể đặt câu hỏi một phần”, và điều này khiến ta tự hỏi về ý nghĩa cuộc sống và những giá trị làm căn bản cho đời sống xã hội: “Chúng ta đến trần thế này để làm gì? Chúng ta hoạt động và tranh đấu với mục đích nào? Tại sao trái đất lại cần chúng ta?”. Đức Giáo hoàng viết: ”Nếu chúng ta không đặt những câu hỏi căn bản ấy, thì tôi không thể tin rằng những quan tâm của chúng ta về môi trường có thể có những hiệu quả quan trọng“.

  1. Hoàn cảnh và lý do ra đời?

   – Hiện nay, tình trạng môi trường sinh thái của trái đất đã trở nên ô nhiễm. Tình trạng biến đổi khí hậu, mất cân bằng sinh học khiến cuộc sống con người bị suy giảm đe dọa đến sự tồn vong của con người, trái đất mà Đức Giáo hoàng gọi là  “ngôi nhà chung của mọi  người“.

   – Nguyên nhân chính là do con người dựa vào những tiến bộ của khoa học kỹ thuật cho là mình có quyền trên vũ trụ vạn vật để bóc lột, khai thác đến kiệt quệ tài nguyên thiên nhiên là công trình sáng tạo của Thiên Chúa khiến cho mọi mặt của cuộc sống con người từ kinh tế, văn hóa, chính trị, xã hội bị ảnh hưởng nặng nề.

   – Trái đất bị khủng hoảng đến mức báo động. Con người đã sử dụng vô trách nhiệm và lạm dụng của cải vật chất, tự xem mình là chủ nhân của trái đất nên đã khai thác cạn kiệt các nguồn tài nguyên khiến người “Chị trái đất” (Cách nói của Thánh Phanxicô Assidi) phải “rên xiết và quằn quại“. Được Thiên Chúa trao tặng món quà phong phú trong thiên nhiên, con người đã phạm sai lầm khi lạm dụng và không biết chia sẻ cho nhau quà tặng của tạo hóa. (x. LM Lê Quốc Thăng, Tài liệu thường huấn các Linh Mục TGP năm 2016).

  1. Đại ý và Bố cục của bức Thông điệp:

Thông điệp Laudato Si’ gồm phần dẫn nhập và 6 chương Phần dẫn nhập, Đức Thánh Cha  nêu hoàn cảnh và lý do ra đời như trên. Chương 1, Ngài mô tả tất cả những gì đang diễn ra trong ngôi nhà chung của chúng ta như sự ô nhiễm và biến đổi khí hậu, vấn đề “Nước“, việc mất dần sự đa dạng sinh học, sự suy giảm phẩm chất của cuộc sống và suy thoái của xã hội, sự bất bình đẳng toàn cầu về mặt xã hôi, sự yếu kém của các phản ứng và những ý kiến khác biệt.

Sau khi phác thảo vấn đề sinh thái ở Chương 1, Đức Phanxicô trình bầy mục đích căn bản của ngài ở Chương 2: “Tin Mừng Tạo Thế”. Ngài cho rằng dù vấn đề được mọi người quan tâm, nhưng Kitô Giáo có một điều đặc biệt để đề xuất trong cái hiểu của mình khi cho rằng thiên nhiên là một quà tặng tuyệt vời của Đấng Hóa Công hữu vị, và Đấng Hóa Công đã đặt con người trên quà tặng này để gìn giữ và phát triển nó cho các mục đích do chính Người truyền đạt. Đức Phanxicô nhấn mạnh rằng chỉ khi nào nhìn mình trong tương quan với Thiên Chúa, ta mới bắt đầu hiểu được quà phúc thiên nhiên này, ý nghĩa của nó, lòng biết ơn nó gợi ra, các các giới hạn và cùng đích nó đặt ra đối với việc quản lý của ta. Có thể nói chương 2 là cơ sở thần học của bức Thông điệp. Ngài viết “Tôi xin đưa ra những xác tín của niềm tin cho các kitô hữu và phần đông những người tin của các tôn giáo khác” và “… Chúng ta, những kẻ tin, biết rõ những việc dấn thân cho môi sinh phải xuất phát từ sự xác tín của chúng ta“.

Trong chương 3 và 4, Đức Phanxicô đề cập tới “Gốc Rễ Nhân Bản Của Cuộc Khủng Hoảng Sinh Thái” và giải thích về “Sinh Thái Toàn Bộ”. Như thế, các chương 2, 3 và 4 là trọng tâm của thông điệp. Ngài đưa ra các nguyên tắc căn bản trong cái hiểu của Công Giáo về Thiên Chúa, về thiên nhiên và về chúng ta; ngài mô tả mọi sự nối kết với nhau ra sao và giải thích điều này có nghĩa gì đối với các thái độ, mục tiêu và hành động của ta. Các chương này, vì thế, là một suy niệm Kitô Giáo sâu sắc và đầy gợi hứng về ý nghĩa của việc làm người trong một vũ trụ được quản trị bằng điều các vị tiền nhiệm của ngài gọi là “luật tặng phẩm”.

Đức Phanxicô nêu lên một số định hướng và hoạt động với chương nói về “Đường hướng tiếp cận và hành động”. Ngài đề nghị một cuộc đối thoại về môi trường trong chính trị toàn cầu, đối thoại về quan niệm chính trị mới thuộc quốc gia và địa phương. Sự đối thoại giữa các tôn giáo và các khoa học (chương 5) và chương cuối nói về “Giáo dục và linh đạo sinh thái”, nhìn nhận nhân loại phải tự thay đổi, phải ý thức về nguồn gốc chung, một thái độ hối lỗi về những hành vi tác hại đến môi trường, đồng thời đề ra quyết tâm “Hãy tiến bước trong tiếng ca vang! Ước gì cuộc chiến đấu của chúng ta cho hành tinh này, sẽ không cất đi khỏi chúng ta niềm vui của hy vọng“ (chương 6). Chương sau cùng này kết thúc với đoạn tuyệt vời nói về sự hiện diện có tính bí tích của Thiên Chúa nơi tạo dựng của Người, nhất là trong Thánh Thể.

Trong suốt thông điệp của ngài, Đức Phanxicô chỉ có hai yêu cầu. Một là đối thoại nhân bản hữu hiệu, lý tưởng là tích nhập các nguyên tắc ngài đã đưa ra, nhằm dần dần biến đổi cách ta tương tác với thiên nhiên, với nhau và với chính mình. Liên quan tới việc xuống cấp của môi sinh, dĩ nhiên ngài hy vọng cuộc đối thoại này sẽ đem lại một hành động có phối hợp và hữu hiệu. Đối với Đức Phanxicô, đối thoại hữu hiệu, trước nhất và trên hết, phải kết hợp mọi phía liên hệ. Các giải pháp có thực chất không thể phát sinh từ những áp đặt một phía nhằm mang lợi lại cho kẻ giầu có và người quyền thế.

Thứ hai, để kích thích việc phục hồi các thói quen thích đáng trong việc hành động qua lại với thiên nhiên, ngài yêu cầu mỗi gia đình có thói quen đọc kinh tạ ơn trước và sau mỗi bữa ăn.

Tóm lại, Đức Phanxicô muốn dùng thông điệp này để kích thích người ta suy nghĩ sâu xa và đổi mới trái tim họ, trái tim Kitô hữu, một trái tim “biết tiếp cận sự sống với một chú tâm thanh thản, một trái tim có khả năng hiện diện trọn vẹn với một ai đó mà không hề nghĩ điều gì sẽ xẩy ra sau đó…

“Dừng lại và tạ ơn Thiên Chúa trước và sau các bữa ăn là biểu hiện cho thái độ của trái tim đang sống mỗi giây phút như một quà tặng của Thiên Chúa, cần phải sống tràn đầy và trọn vẹn (số 226)… Tôi yêu cầu mọi tín hữu trờ về với thói quen tốt đẹp và đầy ý nghĩa này. Giây phút tạ ơn, dù vắn vỏi bao nhiêu, nhắc ta nhớ tới việc ta tùy thuộc Thiên Chúa mới có sự sống; nó tăng cường cảm thức biết ơn của ta đối với quà phúc tạo thế; nó nhìn nhận tất cả những ai, qua lao công của họ, đã cung cấp cho ta những thiện ích này; và nó tái khẳng định tình liên đới của ta với tất cả những ai đang hết sức thiếu thốn” (số227) (x VietCatholic.com).

  1. Hành động thực tiễn để bảo vệ môi trường

Đáp lại lời mời gọi của Thông điệp Laudato Si’, xin đề nghị những giải pháp cho việc bảo vệ môi trường bằng những hành động thiết thực hằng ngày với những từ khóa dễ nhớ, dễ áp dụng: Giảm bớt – tái sử dụng – tái chế – tiết kiệm.

Giảm bớt – Reduce

– Không mua nhiều hơn những gì chúng ta cần: mua quần áo, giày dép, thực phẩm đủ dùng, đừng để dư thừa.

– Chọn các sản phẩm ít bao bì: tận dụng lại những bao bì.

– Chọn các sản phẩm có thể tái chế: nên mua loại sản phẩm chứa trong chai nhựa thay vì chứa trong chai thủy tinh, chất liệu không thể phân hủy.

– Hạn chế dùng bao nilon.

– Chọn các sản phẩm tiết kiệm năng lượng và an toàn đến môi trường.

Tái sử dụng – Re-use

– Góp quần áo, đồ đạc, vật dụng để tặng.

– Sửa chữa hơn là bỏ đi.

– Dùng pin sạc hơn là pin dùng một lần.

– Tận dụng chai lọ, túi nilon.

– Sử dụng giấy 2 mặt.

Tái chế – Recycle

– Phân loại rác: Đồ nhựa, thủy tinh, giấy, rác phân hủy.

– Vận động bạn bè, gia đình, mọi người trong nhà, trường học, nơi làm việc tái chế các vật dụng.

Tiết kiệm

– Hạn chế sử dụng xe máy: Đi bộ, đi xe đạp rất tốt cho sức khỏe; sử dụng các phương tiện công cộng.

– Hạn chế sử dụng máy điều hòa: Để nhiệt độ vừa đủ: 22-26 độ vì tăng 1 độ sẽ giảm 10% điện năng.

– Dùng bóng đèn tiết kiệm điện, mua các sản phẩm tiết kiệm điện.

– Sử dụng các sản phẩm có thể tái sử dụng bao bì hoặc có thể tái chế được.

– Dùng ít nước nóng lại.

– Tắt đèn, quạt khi không cần thiết.

Thay lời kết

Có thể tổ chức các hội chợ đồ cũ trong giáo xứ để giáo dân chia sẻ những đồ vật không dùng đến. Nhắc nhở giáo dân ý thức không xả rác sau lễ, sau những sự kiện lớn. Không những nhắc nhở bằng lời nói mà phải hành động thực tế; chẳng hạn như trang bị những thùng rác, có người đổ rác và nhắc nhở trực tiếp những hành vi xả rác bừa bãi. Giữ gìn trật tự khi ra về sau Thánh lễ, lấy xe theo thứ tự, không lấn chiếm lòng lề đường… Có như thế việc giáo dục ý thức bảo vệ môi trường sẽ ngày càng hiệu quả hơn (Theo Fr Ngoạn).

Fx Đỗ Công Minh

 (Tổng hợp)

Xem thêm

CƠN SAY TỈNH TÁO

CƠN SAY TỈNH TÁO

Tội nghiệp Thánh Phêrô! Bài diễn văn Urbi et Orbi (có thể nói như vậy) …