Home / Liên Giáo phận / Giáo tỉnh Sài Gòn / Giáo phận Xuân Lộc / TIN HIỆP HỘI LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT GIÁO PHẬN XUÂN LỘC: SINH HOẠT ĐỊNH KỲ – THỨ SÁU ĐẦU THÁNG (6.2018) 

TIN HIỆP HỘI LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT GIÁO PHẬN XUÂN LỘC: SINH HOẠT ĐỊNH KỲ – THỨ SÁU ĐẦU THÁNG (6.2018) 

THÁNH THỂ – THÁNH TÂM BIỂU HIỆN LÒNG THƯƠNG XÓT

Tháng Sáu trong năm được Giáo hội dành riêng và kêu gọi con cái mình chiêm ngắm Thánh Tâm Chúa Giêsu, đón nhận Thánh Thể mỗi ngày.

HH.LCTX giáo hạt Hòa Thanh trong giáo phận Xuân Lộc và cộng đoàn đã cảm nghiệm tình yêu sâu thẳm từ trái tim Chúa và nhận ra lòng thương xót của Chúa qua chính bài học Thánh Thể. Cũng thế, lời kêu gọi của vị chủ chăn giáo phận – Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo, ngài đã huấn dụ và mời gọi từng con cái giáo phận, cụ thể nơi những hội viên LCTX phải thực sự nhận ra bài học cao quý này nơi Thánh lễ mỗi ngày. Nghĩa là cố gắng năng đến với Thánh lễ để rước Thánh Thể Chúa.

Chúng ta cùng chiêm ngắm qua những chia sẻ đơn sơ này.

THÁNH THỂ – giao ước biểu hiện lòng thương xót.

Tác giả sách Xuất Hành trình thuật ông Môisen đã lập bàn thờ để ký kết giao ước giữa Thiên Chúa và dân Do Thái trước khi vào Đất Hứa (x.Xh 24,3-8).

Nghi thức ký kết giao ước được thực hiện dưới chân núi Sinai và điều quan trọng hơn cả, giao ước này được ký kết trong máu của các con vật: một nửa phần máu được đổ trên bàn thờ, tượng trưng cho Thiên Chúa và một nửa phần máu được rảy trên dân chúng như một giao ước được ký kết song phương. Thế nhưng dân Do Thái đã hủy bỏ giao ước, không tuân giữ lời cam kết. Họ đã thờ các thần ngoại lai. Dù vậy, Thiên Chúa vẫn không từ bỏ dân Người. Người vẫn đi bước trước để tha thứ và lập lại giao ước với họ.

Thiên Chúa đã sai Con Một xuống thế gian để cứu độ nhân loại (x.Dt 1,1). Qua Chúa Giêsu, Thiên Chúa đã ký kết một giao ước mới với nhân loại. Giao ước đó không phải ký kết bằng máu các con vật, nhưng được ký kết trong máu Đức Kitô.

Như thế, giao ước cũ trên núi Sinai dùng máu của con vật. Còn giao ước mới Chúa Giêsu thiết lập dùng máu của chính Ngài. Máu luôn là biểu hiệu của sự sống. Vì thế, dùng máu để ký kết giao ước có nghĩa là lời cam kết hệ trọng như sự sống cần được bảo vệ, giữ gìn.

Tuy thế, con người vẫn luôn bất trung trước giao ước, cho dù giao ước đó được đóng dấu bằng máu Chúa Kitô. Giao Ước Mới như một “hợp đồng tình yêu” được chúng ta lặp lại trong mỗi Thánh lễ, để thấy rằng Chúa mãi mãi trung thành và yêu thương tha thứ cho ta. Ngài tiếp tục viết lời tha thứ vào tâm khảm chúng ta bằng chính Máu Thánh Ngài. Ngài tiếp tục chờ đợi chúng ta quay về với giao ước tình yêu được thực hiện trong Máu Thánh Ngài.

Truyện kể rằng:

Một ông lão ở Marocco đến gặp một nhà truyền giáo để tìm con đường cứu độ, vì ông biết mình chẳng sống bao lâu nữa.

Để giúp ông, nhà truyền giáo dùng một cuốn sách, trong đó trang 1 màu đen tượng trưng cho tội lỗi, trang 2 màu đỏ tượng trưng cho Máu Thánh Chúa Kitô, trang 3 màu trắng chỉ lương tâm trong sạch, trang 4 màu vàng chỉ vinh quang Nước trời .

Sau khi nhập đạo ít lâu, ông lão lâm cơn hấp hối. Bà vợ là người đạo Hồi khuyên ông kêu cầu Đức Mahômet, nhưng ông không chịu, bảo Chúa là Đức Kitô. Bà vợ nói: “vậy ông hãy lấy cuốn sách nhà truyền giáo cho, mở trang 3, hy vọng Chúa sẽ cho ông sạch tội và vào Thiên đàng”. Ông đáp: “không, hãy mở trang 2 cho tôi”. Và ông chết tựa đầu vào sách tượng trưng cho Máu Thánh Chúa Kitô.

Máu được tuôn trào ra từ trái tim và được lưu thông trong từng thớ thịt. Trái tim ấy phải đập nhịp nhàng để bơm máu đến các phần cơ khác trong thân thể.

Máu biểu tượng cho sức sống, tim biểu tượng cho tình yêu, thịt biểu tượng cho thân thể. Thân thể cần sống được là nhờ máu. Sống mà không tình yêu thì vô nghĩa. Sống có nghĩa là sống có tình yêu, và cần đến trái tim. Thế thì, tình yêu của Chúa với loài người chúng ta thế nào?

TRÁI TIM CHÚA VỚI CHÚNG TA.

Chúa Giêsu yêu chúng ta, không những Người để trong lòng, nhưng vì yêu ta quá đến nỗi không che giấu trong lòng nữa mà còn phơi bầy ra cho nhân loại thấy.

Ngày mà tình yêu của Người phải tỏ bầy cho nhân loại là ngày 27.12.1673 với thánh nữ Margarita. Trái tim của Người không còn ở trong lồng ngực nữa, mà vượt ra ngoài để tỏ cho nhân loại biết vẫn còn thật nhiều tình yêu đối với nhân loại.

Ôi! “Hữu ư trung, xuất hình ư ngoại”. Tình yêu của Người chất chứa trong lòng bao thế kỷ qua, nay đã “xuất hình ư ngoại” không còn ngôn từ nào mô tả, để ca ngợi khi trái tim của Người phải xuất hình ư ngoại. Ôi! Tình yêu Chúa, một lần nữa lại tỏ biểu cho nhân loại được tường tận. Trái tim của Người đã vượt ra khỏi lồng ngực đã hiển nhiên minh chứng cho tình yêu của Người.

Truyện: xuất hình ư ngoại

Năm 1597, lệnh bắt đạo trên đất Nhật thật gắt gao. Chỉ trong một tuần lễ, mọi cơ sở công giáo đều bị triệt hạ, giáo sĩ bị bắt gần hết, giáo dân bị phân tán và khủng bố tàn tạ.

Tại vùng Odawara, Kamakura, người ta bắt được hai Linh mục trẻ tuổi là Simauchi và Uzawa cùng nhiều ảnh tượng đưa về Tokyo. Quan đại thần Tsukamoto nhặt trong đống ảnh tượng một mẫu ảnh thật kỳ cục: người gì mà để trái tim ra ngoài!

Tsukamoto là một nhà nho uyên bác có óc thực tế, thích tìm hiểu. Ông cầm mẫu ảnh trái tim coi qua rồi vứt vào sọt rác, nhưng đến tối, ông nhớ lại và nghĩ bức ảnh kỳ lạ kia hẳn có một ý nghĩa nào đó. Ông lượm lại bức ảnh để trên bàn và suy nghĩ. Trời đã về khuya mà quan vẫn còn ngồi bất động một mình với bức ảnh trước mặt. Mãi đến gần một giờ sáng, vị đại thần mới thở ra nhẹ nhàng khoan khoái, tay cầm bút lông ghi dưới bức ảnh mấy chữ : “đối ngoại hữu kỳ tâm – đối nội vô tâm giả”.

Từ đó Tsukamoto đặt bức ảnh trái tim trên bàn làm việc một cách kín cẩn. Một hôm có ông bạn Osaki đến chơi, thấy vậy hỏi :

– Thế nào, bạn lại thích ảnh tượng của bọn tả đạo rồi sao?

– Đứng về mặt chính trị của triều đình thì tôi không dám phản kháng.

Nhưng về mặt văn hóa và nhân đạo thì tôi rất thích bức ảnh này. Phải chăng bức ảnh này đã nói lên chương trình và hành động cùng lối xử thế tổng quát của Kitô giáo. Để ông bạn coi: đối với thiên hạ, tha nhân bên ngoài thì “Hữu Tâm”, còn với bản thân mình thì “Vô Tâm”. Cho nên họ mới vẽ trái tim để ra ngoài… Nghĩa là phải đem hết trái tim của mình mà phục vụ xã hội, giúp ích cho đời; còn về phần mình thì hy sinh xả kỷ, đừng bao giờ lo riêng cho mình, phải diệt cái ngã vị kỷ. Đem hết trái tim ra giúp đời giúp người. Nội bức ảnh này tôi thấy đầy đủ hơn cả cái học Từ Bi của Phật, khoan dung hơn cái Nhân Thứ của Khổng, cao siêu hơn cái Vô Ngã của Lão, mạnh mẽ hơn cái học Dũng thuật của Thần Đạo Nhật bản vậy. Một tôn giáo dạy phụng sự nhân loại, yêu thương mọi người, không quan tâm đến tư lợi, thì quả là ngay chính của Thiên hạ vậy.

Osaki cảm phục sự diễn đạt của bạn. Không ngờ Đạo Công giáo lại hàm chứa một triết lý nhân sinh cao siêu như vậy. Từ đó hai ông trở nên những người bạn chí thân và đã âm thầm nhận phép rửa tội, đồng thời vận động triều đình thả hai linh mục… (Hồ bạc Xái, Hạt giống nảy mầm, CN B, tr 85-86).

Trái tim trong thân thể tuôn tràn máu và nước qua biểu hiện tia đỏ là máu, tia xanh nhạt là nước mà chính Chúa đã mạc khải cho nữ tu Maria Faustina. Chính thánh nữ cũng đã cảm nghiệm sâu xa về lòng thương xót của Chúa qua Thánh lễ và qua Thánh Thể.

Trái tim Chúa phải là sức mạnh cho chúng ta. Mỗi khi chúng ta thấy mệt mỏi, chán nản trên đường thiêng liêng, giao động trước những thử thách, hãy nhìn vào trái tim Chúa để múc lấy nguồn sức mạnh mà chiến đấu.

HÃY ĐẾN VỚI LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT

Chương trình Thánh lễ kính Lòng Thương Xót

Tại Gx. Kẻ Sặt, thứ Sáu, ngày 06/7/2018

(thứ Sáu sau CN XIII TN)

GIA ĐÌNH SỐNG LÒNG THƯƠNG XÓT

Chương trình tổng quát (chiều):

13g30’ – 14g00’: Đón tiếp

14g00’ – 14g45’: Giờ kinh LCTX

15g00’ – 15g45’: Bài chia sẻ của Đức Cha

16g00’ – 17g30’: Thánh lễ (Đức Cha chủ sự)

– Kết thúc.

Ban Tổ Chức xin trân trọng kính mời

Quý Đức Cha, Quý Cha, Quý Tu sỹ và cộng đoàn

Cố gắng và mau chân tiến về Gx. Kẻ Sặt tham dự buổi sinh hoạt này.

Hãy cảm nghiệm và loan báo Lòng Thương Xót của Chúa cho anh chị em.

Kính chúc quý vị sống đầy tràn ơn Chúa trong lòng thương xót của Chúa Giêsu.

Mart. Hoàng – Xuân Lộc

Xem thêm

ĐIỀU TRA DÂN SỐ TRÊN TOÀN CÕI ĐẤT

ĐIỀU TRA DÂN SỐ TRÊN TOÀN CÕI ĐẤT

“Điều tra dân số trên toàn cõi đất” (Lc 2:1).  Đây là bối cảnh Chúa …