Home / Chia Sẻ / THÁNH ANPHONGSÔ, CON ĐƯỜNG NÊN THÁNH

THÁNH ANPHONGSÔ, CON ĐƯỜNG NÊN THÁNH

AnphongsoThánh Anphong Đấng Sáng Lập Dòng Chúa Cứu Thế.  Tiến Sĩ Hội Thánh.  Bổn mạng các nhà luân lý Công giáo.  Bổn mạng các cha giải tội.

Anphong Maria de Liguori sinh năm 1696 trong một gia đình quý tộc và giàu có ở Napoli.  Cha ngài, Don Giuseppe là sĩ quan Hải quân Hoàng gia đầy nghị lực, ý chí và trách nhiệm.  Mẹ ngài là bà Anna Catarina Cavalieri danh giá và thùy mị.  Gia đình được tám người con, Anphong là con cả.

Với trí thông minh đặc biệt, lại được giáo dục trong một môi trường thuận lợi để phát triển mọi khả năng trong mọi lãnh vực triết học, toán học, khoa học, văn chương và nghệ thuật.  Vì vậy, khi chỉ mới 16 tuổi, Anphong đã xuất sắc đạt được cả hai bằng tiến sĩ ưu hạng về Giáo luật và luật dân sự.

Cả kinh thành Napoli ngưỡng mộ vị luật sư trẻ trung tài hoa với kỳ tích, trong vòng tám năm, từ năm 1715 đến 1723 ngài đã thắng tất cả các vụ kiện.

Con đường công danh trải thảm mượt mà dưới chân vị luật sư trẻ đầy tài năng, dẫn ngài đi tới hết vinh quang này tới vinh quang khác.  Nhưng Thiên Chúa đã có một kế hoạch khác cho ngài.  Với những ân sủng Thiên Chúa ban, cộng với tinh thần đạo đức sốt mến và lòng yêu thương người nghèo, nhất là những người nghèo bị bỏ rơi hơn cả, Anphong đã mau chóng nhận ra thánh ý Chúa định cho cuộc đời mình, và ngài đã cương quyết thi hành.

Năm 1723 trong một vụ kiện lịch sử, Anphong, với lương tâm trung thực và thanh liêm, nghĩ tưởng công lý nằm trong lẽ phải, nhưng ngài bàng hoàng khi thấy đồng tiền bẻ cong công lý, quyền lực giày đạp luật pháp dưới chân.  “Hỡi thế gian, ta biết ngươi rồi… Vĩnh biệt pháp đình” là câu nói cuối cùng của vị luật sư trẻ khi nhìn ra được bộ mặt gian xảo của thế gian.

Cắt hết mọi mối tương quan, chìm đắm trong cô tịch để làm lại cuộc đời, nhưng vẫn duy trì nếp sống đạo đức và viếng thăm bịnh nhân.  Ngày kia, một câu nói xoáy vào tâm hồn: “Hãy để thế gian lại đó và hiến mình cho Ta,” Anphong tỉnh ngộ chạy đến nhà thờ Đức Maria Chuộc Kẻ Làm Tôi, rút thanh gươm quý tộc đặt dưới chân Đức Maria và thưa: “Vĩnh biệt thế gian và của cải phù vân.  Lạy Chúa, đời con nay thuộc về Chúa.  Chức tước và của cải gia đình, con xin dâng làm lễ toàn thiêu cho Thiên Chúa và cho Mẹ Maria.”

Dù người cha phản đối kịch liệt và làm mọi cách lôi kéo Anphong về lại thế gian, nhưng ngài vẫn quyết tâm trở thành tôi tớ của Đức Kitô.  Được thụ phong linh mục vào năm 1726 tại Tổng giáo phận Napoli, lúc ấy còn nhập nhằng lem luốc với hàng giáo sĩ xa hoa và các vị thánh, những tu sĩ dốt nát, sân si bên cạnh những vị dấn thân cho việc thăng tiến con người, cho những giá trị Kitô giáo, những cha giải tội phóng khoáng bên cạnh những linh mục nghiêm khắc, phản ánh đàng sau đó là sự đối chọi của hai nền luân lý khắt khe của phái Jansenisme, và phóng khoáng của phái Laxisme.

Cha Anphong gia nhập Hội Tông Đồ Thừa Sai của Giáo Phận để rao giảng Tin Mừng và dạy giáo lý cho những người nghèo khổ, bần cùng, đa phần bị nhiễm các thói hư tật xấu, bị cả Giáo hội lẫn xã hội bỏ rơi ở Napoli.  Ngài nhiệt thành xây dựng đời sống đức tin cho họ, khích lệ họ cải thiện lối sống, và nhẫn nại dạy họ cầu nguyện.

Chính sự gần gũi với đoàn chiên không người chăn dắt, Giáo hội qua cha Anphong đã đến vùng ngoại vi của việc chăm sóc mục vụ, làm sáng lên vẻ đẹp vốn có của Giáo hội, phải lem luốc trên đường phố với người nghèo chứ không ẩn mình trong sự an toàn giả tạo.  Sáng kiến mục vụ và sự dấn thân của Cha Aphongsô đã đạt kết quả rất đáng khích lệ.

Trong những khu “ổ chuột” nơi đầy rẫy “những bọn cặn bã” của thành phố, hình thành những nhóm người đêm đêm qui tụ nhau trong các tư gia để cầu nguyện và suy niệm Lời Chúa, hình thành nên “những nguyện đường về đêm.”  Dưới sự hướng dẫn của ngài và những thiện nguyện viên, việc giáo dục đức tin, luân lý và sự tương thân tương ái vừa cải hóa tâm hồn con người, vừa giúp cải tạo môi trường xã hội, vừa đẩy lùi những tệ nạn xã hội.

Hành trình của vị mục tử đi tìm những con chiên lạc còn khám phá ra những vùng đất như thể “Đức Kitô chưa bao giờ đặt chân đến” trong vương quốc Napôli, khiến tâm hồn ngài rúng động trước những đám đông nghèo khó bị bỏ rơi, gồm những nông dân và những mục đồng còn chưa biết sống người cho ra người, nói gì đến việc sống đời Kitô hữu.  Năm 1732, sau bao khó khăn phải vượt qua, nhưng với xác tín mãnh liệt và được Thánh Thần soi sáng thúc đẩy, cha Anphong lập Dòng Chúa Cứu Chuộc Rất Thánh.

Các tu sĩ, dưới sự hướng dẫn của Cha Anphongsô, trở thành những vị thừa sai của Chúa Cứu Thế với con tim tràn ngập niềm vui, mạnh mẽ trong đức tin, phấn khởi trong đức cậy, sốt sắng bởi lòng mến, bừng cháy lòng nhiệt thành, trong sự khiêm hạ của tâm hồn và bền chí cầu nguyện; bỏ mình và luôn sẵn sàng đảm nhận những công việc khó khăn, tham dự vào mầu nhiệm của Đức Kitô và công bố mầu nhiệm ấy bằng đời sống và lối nói giản dị theo tinh thần Phúc Âm, hầu đem lại ơn Cứu Chuộc chứa chan cho con người (x.HP 20).  Nhân đức và lòng nhiệt thành tông đồ của cha Anphong lan tỏa khắp nơi.

Năm 1762 Cha được bổ nhiệm làm Giám mục Giáo phận Thánh Agata dei Goti.  Đến năm 1775, vì già cả, bệnh tật, ngài đã từ nhiệm.  Năm 1787, ngài được Chúa gọi về trong sự tiếc thương của mọi người: “Chúng ta đã mất một vị thánh.”  Năm 1839, Anphongsô được tuyên phong hiển thánh và năm 1871, Tòa Thánh tuyên dương ngài là Tiến Sĩ Hội Thánh vì đã đóng góp hữu hiệu cho nền Thần học Luân lý, và 1950 Đức Thánh Cha Piô XII công bố ngài là “Quan Thầy của tất cả các cha giải tội và của các nhà Thần học Luân lý.”

Thời thánh Anphong, phái Jansenisme chủ trương khắt khe đến nỗi, thay vì rao giảng sự xót thương của Chúa để kêu gọi lòng tín thác, họ lại trình bày khuôn mặt của một vị Thiên Chúa công minh lạnh lùng và hay trừng phạt, khiến người ta không dám xưng tội, vì sợ sẽ phạm tội lại.  Cha Anphong, với lương tâm người mục tử, đã viết một tác phẩm mang tựa đề “Thần học Luân lý”, mang tính quân bình và có sức thuyết phục giữa các đòi hỏi của lề luật Thiên Chúa, được ghi khắc trong con tim con người, được Đức Kitô mạc khải cách trọn vẹn và được Giáo Hội giải thích một cách có thẩm quyền, với các dạng thức của lương tâm và sự tự do của con người; chính trong việc gắn bó với chân lý và sự thiện mà người ta có thể đạt được sự trưởng thành và kiện toàn chính mình.

Công trình của thánh Anphong để lại cho Giáo hội một nền tảng vững vàng về Thần học luân lý vẫn còn hữu ích cho đến nay.  Ngài thường khuyên các mục tử hãy trung thành với giáo huấn luân lý Công Giáo với thái độ bác ái, cảm thông, dịu dàng để các hối nhân cảm thấy cha giải tội là người đồng hành, nâng đỡ và khích lệ trong đời sống đức tin.

Thánh Anphong luôn nhắc rằng, các linh mục phải phản ánh dung mạo của lòng Chúa xót thương, là Đấng luôn sẵn sàng tha thứ và kiên trì kêu gọi kẻ tội lỗi hoán cải và canh tân đời sống.  Bên cạnh các tác phẩm thần học, Thánh Anphong còn viết rất nhiều sách đạo đức thiêng liêng khác, với văn phong bình dân giản dị, nhằm đào tạo đức tin và lòng sùng mộ cho dân chúng.  Đáng kể là các tác phẩm đã được dịch ra nhiều ngôn ngữ khác nhau như, “Le Massime eterne” (Các châm ngôn vĩnh cửu), “Le glorie di Maria” (Vinh Quang Đức Maria), “La practica d’amore Gesù Cristo” (Thực hành lòng yêu mến Chúa Giêsu Kitô).  Đây là tác phẩm sau cùng vừa tổng hợp những suy tư, vừa nhấn mạnh đến sự cần thiết của việc cầu nguyện, vì nhờ đó, người ta mở lòng cho Ân Sủng, để chu toàn ý muốn của Thiên Chúa trong đời sống hằng ngày và đạt đến sự thánh hóa.

Thánh Anphong còn là tông đồ về cầu nguyện, Ngài viết: “Thiên Chúa không từ chối ơn thánh từ những lời cầu nguyện; với ơn thánh đó người ta được trợ giúp để vượt thắng mọi dục vọng và những cơn cám dỗ.  Tôi nói và tôi sẽ còn lặp lại mãi, bao lâu tôi còn sống, rằng tất cả ơn cứu độ của chúng ta là ở nơi việc cầu nguyện.”  Từ đó có phương châm: “Ai cầu nguyện, sẽ được cứu rỗi.”

Trong số các hình thức cầu nguyện, nổi bật là viếng Thánh Thể.  Ngài viết: “Chắc chắn trong tất cả các việc đạo đức thì đứng đầu, sau các Bí Tích, là việc thờ lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, là điều Chúa ưa thích và là điều sinh ích lợi cho chúng ta nhất…  Ôi, dịu ngọt biết bao khi hiện diện trước bàn thờ với đức tin… và dâng lên Chúa Giêsu Thánh Thể các nhu cầu của mình, như một người bạn làm với một người bạn với tất cả sự tín cẩn” Mầu nhiệm Nhập Thể và Thương Khó của Đức Giêsu cuốn hút Thánh Anphong trong việc suy niệm và giảng thuyết, vì chính ở điểm này, Đấng Cứu Thế trở nên quà tặng cho nhân loại, và “Ơn Cứu Chuộc nơi Người chứa chan.”  Đó chính là Linh đạo của Thánh Anphong, tập trung vào Chúa Kitô và Tin Mừng của Người.

Từ Tình yêu Chúa và công ơn Cứu Chuộc của Người, với lòng sùng kính Đức Trinh Nữ Maria, Thánh Aphongsô đã giải thích vai trò của Mẹ trong lịch sử cứu độ, với tất cả mọi danh hiệu và tước vị ngày nay người ta có thể thấy trong Kinh cầu Đức Bà.  Ngài còn quả quyết, những ai có lòng sùng kính đối với Mẹ Maria sẽ không bị hư mất, vì Mẹ là chốn nương ẩn cuối cùng, là niềm ủi an trong phút lâm chung.

Đối với Giáo hội nói chung và với Dòng Chúa Cứu Thế nói riêng, Thánh Anphong luôn là một tấm gương sáng về lòng nhiệt thành tông đồ, loan báo Tin Mừng cho mọi người, nhất là những người nghèo khó bị bỏ rơi, chuyên chăm cầu nguyện, sốt sáng cử hành các Bí Tích và một lòng sùng mộ Đức Maria.  Không một ai ở ngoài Ơn Cứu Chuộc của Chúa, vì Chúa luôn từ ái một niềm, vì Ơn Cứu Chuôc nơi Người chứa chan (Tv 129,7).

Lm. Giuse Ngô Văn Kha, DCCT

Xem thêm

26-12-2024 8-42-24 PM

Lời Chúa – Thứ Năm: Thánh Têphanô, Tử Đạo Tiên Khởi | 26/12/2024

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN