Home / Chia Sẻ / THẦN TÍNH CỦA CHÚA GIÊSU TRONG SÁCH KHẢI HUYỀN

THẦN TÍNH CỦA CHÚA GIÊSU TRONG SÁCH KHẢI HUYỀN

THẦN TÍNH CỦA CHÚA GIÊSU TRONG SÁCH KHẢI HUYỀNHãy tưởng tượng cảnh này: Có người tới gõ cửa nhà bạn và hỏi bạn có tin Đức Giêsu là Thiên Chúa hay không. Bạn nói với họ rằng bạn tin. Sau đó họ yêu cầu bạn chứng minh điều đó từ Kinh Thánh. Bạn nên làm gì? Bạn nên trích dẫn câu Kinh Thánh nào? Đối với nhiều người trong chúng ta, bản năng đầu tiên có lẽ là chỉ đưa ra những câu rõ ràng có chữ “Thiên Chúa” để nói về Đức Giêsu, chẳng hạn: “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa.” (Ga 1:1) và “Thiên Chúa đã phán với ông Môsê: Ta muốn thương xót ai thì thương xót, muốn cảm thương ai thì cảm thương.” (Rm 9:5)

Nói chung, đó là những bằng chứng Kinh Thánh rõ ràng và thuyết phục nhất về thần tính của Ngài, nhưng nếu chúng ta tìm hiểu sâu hơn một chút thì hoàn toàn không như chúng ta tưởng.

Người ta thường biết về những đoạn văn đó và chuẩn bị đưa ra những lời giải thích thay thế về chúng – thường xoay quanh các kỹ thuật của ngữ pháp tiếng Hy Lạp cổ đại. Mặc dù bạn cố gắng đọc đi xem lại các bản dịch và ý nghĩa của các văn bản đó, nhưng đó không phải là lựa chọn duy nhất. Tân Ước cũng dạy về thần tính của Đức Giêsu theo những cách khác, tinh vi hơn nhiều, và người ta thường không được chuẩn bị kỹ càng. Trên thực tế, theo kinh nghiệm của tôi, các lập luận đó hiệu quả hơn nhiều so với các lập luận mà người ta thường sử dụng, vì vậy hãy xem xét một trong số trường hợp và xem sách Khải Huyền dạy về thần tính của Đức Giêsu một cách tinh tế mà dứt khoát như thế nào.

TÔN THỜ THIÊN CHÚA

Trong chương 4 của sách Khải Huyền, Thánh Gioan nhìn thấy mặc khải về sự tôn thờ khi thấy Thiên Chúa ngự trên ngai vàng và các sinh vật trên trời xung quanh ngai vàng tôn thờ Ngài không ngừng. (Kh 4:1-11) Sau đó, trong chương tiếp theo, Đức Giêsu xuất hiện, “một Chiên Con, trông như thể đã bị giết,” (Kh 5:6) và các thụ tạo tôn thờ Thiên Chúa trong chương trước, giờ đây đang phủ phục trước Đức Giêsu và thờ lạy Ngài. (Kh 5:8-12) Ở cuối chương này, Thánh Gioan thấy “mọi loài thụ tạo trên trời, dưới đất, trong lòng đất, ngoài biển khơi và vạn vật ở các nơi đó” cùng tôn thờ Thiên Chúa và Đức Giêsu: “Xin kính dâng Đấng ngự trên ngai và Con Chiên lời chúc tụng cùng danh dự, vinh quang và quyền năng đến muôn thuở muôn đời!” (Kh 5:13-14)

Ngay cả khi đọc lướt qua mặc khải này cũng cho thấy rõ rằng Đức Giêsu không chỉ là một người như thiên thần hoặc như chúng ta. Đúng hơn, chính Ngài thực sự là thần thánh, và một vài điều chứng minh điều đó. Để bắt đầu, Ngài nhận được sự tôn thờ như Thiên Chúa. Hãy xem hai lời này:

  1. “Con Chiên đã bị giết nay xứng đáng lãnh nhận phú quý và uy quyền, khôn ngoan cùng sức mạnh, danh dự với vinh quang, và muôn lời cung chúc.” (Kh 4:11)
  2. “Xin kính dâng Đấng ngự trên ngai và Con Chiên lời chúc tụng cùng danh dự, vinh quang và quyền năng đến muôn thuở muôn đời!” (Kh 5:12)

Hãy lưu ý rằng cả Đức Giêsu và Thiên Chúa đều được gọi là “xứng đáng,” và Đức Giêsu xứng đáng nhận mọi thứ mà Thiên Chúa nhận được: vinh quang, danh dự và quyền năng. Rõ ràng đây là hai trường hợp của cùng một cách tôn thờ, vì vậy rõ ràng Đức Giêsu thực sự là Thiên Chúa.

CÙNG ĐƯỢC TÔN THỜ

Nhưng đó không phải là tất cả. Hãy nhớ rằng, ngay sau đó, Thánh Gioan thấy Thiên Chúa và Đức Giêsu cùng được tôn thờ: Tôi lại nghe mọi loài thụ tạo trên trời, dưới đất, trong lòng đất, ngoài biển khơi và vạn vật ở các nơi đó, tất cả đều tung hô: “Xin kính dâng Đấng ngự trên ngai và Con Chiên lời chúc tụng cùng danh dự, vinh quang và quyền năng đến muôn thuở muôn đời!” Bốn Con Vật thưa: “Amen.” Và các Kỳ Mục phủ phục xuống thờ lạy. (Kh 5:13-14)

Có thêm một bước nữa. Đức Giêsu không chỉ được tôn thờ giống như Thiên Chúa, mà ngài còn được tôn thờ cùng với Thiên Chúa, và điều đó có khá nhiều dấu ấn đối với chúng ta. Bạn không thể tôn thờ Đức Giêsu theo cách giống như Thiên Chúa và cùng với Thiên Chúa mà lại không tin Ngài cũng là Thiên Chúa.

KHÔNG TÔN THỜ CÁC THIÊN THẦN

Nhưng ngay cả điều đó vẫn chưa phải là tất cả. Mặc dù những chương này tự nó đã khá quyết định, nhưng thần tính của Đức Giêsu càng trở nên rõ ràng hơn khi chúng ta đọc những điều đó trong bối cảnh của toàn bộ cuốn sách. Trong sách Khải Huyền, Thánh Gioan hai lần ấn tượng bởi sự uy nghiêm của một thiên thần đến nỗi ngài phải phủ phục trước thiên thần, và cả hai lần thiên thần đều bảo Gioan đứng dậy và chỉ được phép tôn thờ Thiên Chúa mà thôi. (Kh 19:10, 22:8-9)

Tất nhiên, điều này gợi lên một vấn đề. Nếu chúng ta phải tôn thờ Thiên Chúa hơn là các thụ tạo, tại sao không ai có vấn đề về việc Đức Giêsu được tôn thờ? Nếu Đức Giêsu không là Thiên Chúa, đó là sự giám sát lớn đối với mọi nhân vật trong sách Khải Huyền, từ Gioan cho đến chính Thiên Chúa. Mặt khác, nếu Đức Giêsu thực sự là thần thánh, điều đó hoàn toàn hợp lý. Chúng ta không thể tôn thờ các thụ tạo, nhưng chúng ta tôn thờ Đức Giêsu vì ngài là Thiên Chúa.

AI TÔN THỜ THIÊN CHÚA?

Nếu vẫn còn bất kỳ mối nghi ngờ nào, chúng ta hãy cân nhắc điểm cuối cùng. Điều quan trọng là phải để ý xem ai tôn thờ Chúa trong cảnh mở đầu đó. Trước hết, đó là các sinh vật trên trời đứng xung quanh ngai vàng của Ngài, (Kh 4:1-11) và sau đó là “mọi loài thụ tạo trên trời, dưới đất, trong lòng đất, ngoài biển khơi và vạn vật ở các nơi đó.” (Kh 5:13) Nhưng nếu chúng ta đọc kỹ đoạn văn, có một người vắng mặt đáng chú ý: Đức Giêsu.

Thật vậy, chúng ta thấy Thiên Chúa được tôn thờ nhiều lần trong suốt cuốn sách, (ví dụ, Kh 7:11-12, 11:16-18) nhưng Khải Huyền không bao giờ mô tả Đức Giêsu tôn thờ Ngài. Có những lúc Đức Giêsu được tôn thờ cùng với Thiên Chúa, và có những lúc các thụ tạo tôn thờ Thiên Chúa trước sự hiện diện của Đức Giêsu, (Kh 7:9-12) nhưng không có cảnh nào trong toàn bộ cuốn sách mà Đức Giêsu cùng họ tôn thờ Thiên Chúa.

Nếu Đức Giêsu chỉ là một sinh vật được tạo ra thì điều này rất khó hiểu. Tất cả các sinh vật phải tôn thờ người cai trị tối cao và người tạo ra tất cả những gì hiện hữu, vì vậy bạn sẽ mong đợi Đức Giêsu tham gia vào sự tôn thờ này ít nhất một lần. Nhưng Ngài không làm vậy, thế nên chỉ có một lời giải thích duy nhất có thể có ý nghĩa về sự bất thường rõ ràng này: Đức Giêsu không tôn thờ Thiên Chúa vì chính Ngài là một Ngôi Vị Thiên Chúa.

ĐỨC GIÊSU LÀ THIÊN CHÚA

Khi tổng hợp tất cả những điều này, chúng tôi thấy một điều gì đó đáng chú ý. Đây không chỉ là một đoạn Kinh Thánh mà người ta có thể dịch hoặc giải thích theo cách khác, mà đây là một chủ đề trải dài trong toàn bộ Tân Ước. Chúng tôi đã tìm hiểu sách Khải Huyền nói gì về sự tôn thờ và chúng tôi đã thấy nhiều cách diễn đạt về chủ đề đó. Chúng tôi đã xem xét ai tôn thờ và ai không tôn thờ Thiên Chúa, cũng như những ai chúng ta nên và không nên tôn thờ, mỗi bước trong cuộc hành trình của chúng tôi đều đưa ra cùng một kết luận: Đức Giêsu là Thiên Chúa.

Vì vậy, giống như một sợi dây thừng chắc hơn bất kỳ một tao dây đơn nào, lập luận này mạnh hơn nhiều so với chỉ một đoạn đơn lẻ. Ngay cả khi có thể giải thích một trong các yếu tố này, người ta không có cách nào để giải thích toàn bộ ngụ ý rõ ràng của chủ đề. Khi nói đến việc tôn thờ Thiên Chúa trong sách Khải Huyền, Đức Giêsu không đứng về phía thụ tạo, phía người tôn thờ. Không, Ngài ở phía được tôn thờ, vì vậy chúng ta có thể tin rằng Ngài thực sự là Thiên Chúa, như truyền thống Giáo Hội dạy suốt hai ngàn năm qua.

JP NUNEZ

TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ CatholicExchange.com)

Bát Nhật Phục Sinh – 2021

Xem thêm

20-1-2025 10-55-07 AM

Lời Chúa – Thứ Hai Tuần II Thường Niên Năm C | 20/01/2025

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN