“Con phải làm gì, Ôi lạy Chúa”. Có một ca khúc của Linh mục Xuân Đường được mở đầu bằng câu hỏi rất thực tế. Trong tâm tình của Mùa Vọng, chúng ta suy nghĩ một chút dựa theo câu hỏi trên và xin được diễn dịch thêm : “Con phải làm gì để đón Chúa đến ?”
Thực ra, Chúa đã đến rồi hơn 2000 ngàn năm qua trong lịch sử dân tộc Israel, nhưng Ngài sẽ đến trong ngày cuối cùng của lịch sử. Giữa hai lần đến đó, Chúa đang đến với chúng ta trong mọi nỗi buồn vui của cuộc đời. Chúa ban cho chúng ta mọi sự, nhưng ta lại không nhận ra ân huệ của Ngài. Chúng ta cứ nghĩ bởi tài năng, sức khỏe và sự khôn khéo của mình mà tôi có được nhà cao cửa rộng, công việc làm ăn ổn định và đang ngày càng phát đạt, tôi có nhiều mối quan hệ ban bè thân quen xa gần.
Thời gian của Mùa Vọng và Giáng sinh mời gọi chúng ta khám phá sự hiện diện đầy tình yêu thương của Thiên Chúa trong cuộc đời.Con Thiên Chúa đã đến trong trần gian,Ngài vẫn còn tiếp tục hiện diện với chúng ta,nếu chúng ta biết mở lòng ra tiếp nhận Ngài.Tất cả những chuẩn bị,những trang hoàng,đèn sao lấp lánh,màu sắc rực rỡ cho ngày lễ Giáng Sinh sẽ trở nên vô nghĩ, nếu cuộc đời chúng ta vắng bóng Thiên Chúa.
Có lẽ, giờ đây Thiên Chúa cũng đang ngậm ngùi đắng cay như Tin Mừng theo Gioan ghi nhận : “Người ở giữa thế gian và thế gian đã nhờ Người mà có, nhưng lại không nhận biết Người, Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận”(Ga 1.10-11)
Một cách nào đó, chúng ta cũng là “người nhà” của Người, chúng ta được nhắc nhở, được Mẹ Giáo hội dạy dỗ qua việc học hỏi giáo lý, lãnh nhận các bí tích, nhưng xem ra chúng ta chẳng vui vẻ mấy khi Ngài ngự đến.
Trái lại, chúng ta đang đón tiếp ai đó, rất có thể là tiền bạc, danh vọng, hay “cái tôi” tự cao tự mãn của chính mình, cái tôi khoe khoang với những việc mình đã làm, khoe khoang ngay cả những việc đạo đức như đọc kinh, tham dự thánh lễ, tham gia các sinh hoạt hội đoàn…
Tiếp tục với lời ca khúc “Con phải làm gì”, chúng ta thấy tác giả liệt kê những việc phải làm như sau:
“Con phải làm gì, ôi lạy Chúa. Khi tim con mây mù giăng lối. Khi hồn này còn lắm lo toan. Con phải làm gì, thì lạy Chúa xin Ngài phán đi.
Con phải làm gì, ôi lạy Chúa, khi nhân gian phủ đầy gian dối, khi cuộc đời còn lắm oan khiên.
Hãy chỗi dậy mà đi, vì Thiên Chúa đang chờ mong con. Hãy chỗi dậy mà đi, trọn con tim dâng về Thiên Chúa. Hãy chỗi dậy mà đi, rồi con sẽ trở thành chứng nhân, loan Tin Mừng bình an của Thiên Chúa đến trong trần gian”.
Cuối cùng, chúng ta lại được nhắc nhở “hãy chỗi dậy mà đi”, nghĩa là cứ mạnh dạn ra đi làm chứng nhân cho Tin Mừng, đừng lo sợ phiền muộn trước con người và cuộc đời đầy gian dối điêu ngoa. Và ngay cả con tim chúng ta còn bị “mây mù giăng kín” và “lắm lo toan”, chúng ta vẫn ra đi loan báo Tin Mừng.
Cho dù thuận tiện hay không thuận tiện,Chúa vẫn muốn chúng ta ra đi mang ánh sáng Tin Mừng đến mọi nơi,chiếu tỏa và len lỏi vào mọi ngõ ngách của cuộc đời.
Vì thế,trở thành chứng nhân Tin Mừng là cùng với Chúa chúng ta luôn tận tình chăm lo cho anh chị em,từ cơm áo vật chất đến tinh thần,và còn cho họ “ăn” món ngon bổ dưỡng thiêng liêng chính là Lời Chúa.
Đó là cách thức chúng ta thực hành đức bác ái yêu thương với mọi người cách vô điều kiện, như Thiên Chúa đã yêu thương con người, trao ban Con Một của Ngài cho nhân loại. Quả thật, Tình yêu thương Thiên Chúa dành cho con người là “tình cho không biếu không”, và chúng ta có bổn phận chia sẻ tình yêu thương ấy với tha nhân.
Trong bài Tin Mừng Chúa nhật III Mùa Vọng, Phụng vụ năm C, chúng ta nghe Thánh Luca kể lại nơi chương 3.10-18 :
“10 Đám đông hỏi ông rằng: “Chúng tôi phải làm gì đây? “11 Ông trả lời: “Ai có hai áo, thì chia cho người không có; ai có gì ăn, thì cũng làm như vậy.”12 Cũng có những người thu thuế đến chịu phép rửa. Họ hỏi ông: “Thưa thầy, chúng tôi phải làm gì? “13 Ông bảo họ: “Đừng đòi hỏi gì quá mức đã ấn định cho các anh.”14 Binh lính cũng hỏi ông: “Còn anh em chúng tôi thì phải làm gì? ” Ông bảo họ: “Chớ hà hiếp ai, cũng đừng tống tiền người ta, hãy an phận với số lương của mình.”15 Hồi đó, dân đang trông ngóng, và trong thâm tâm, ai nấy đều tự hỏi: biết đâu ông Gio-an lại chẳng là Đấng Mê-si-a!16 Ông Gio-an trả lời mọi người rằng: “Tôi, tôi làm phép rửa cho anh em trong nước, nhưng có Đấng mạnh thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần và lửa.17 Tay Người cầm nia rê sạch lúa trong sân: thóc mẩy thì thu vào kho lẫm, còn thóc lép thì bỏ vào lửa không hề tắt mà đốt đi.”18 Ngoài ra, ông còn khuyên dân nhiều điều khác nữa, mà loan báo Tin Mừng cho họ.
Bối cảnh câu chuyện, ông Gioan Tẩy Giả đang làm phép rửa sám hối ở sông Giođan, dân chúng lũ lụơt kéo đến với ông. Họ cũng đặt vấn đề : Tôi phải làm gì. Trong số đó có những người thu thuế, binh lính, với mỗi người Gioan Tẩy giả lại có lời khuyên nhủ khác nhau.
Đến đây, chắc mỗi người đã nhận biết : Tôi là giáo viên. Tôi là bác sĩ. Tôi là chị bán hàng bữa ăn sáng,…thánh Gioan Tẩy Giả có câu trả lời riêng cho tôi, theo bậc sống, chức vụ và nghề nghiệp của tôi. Ngài nhắc nhở tôi chu toàn bổn phận của mình, sống theo lẽ công bình và bác ái với người khác, đừng chèn ép bắt nạt ai, đừng làm ăn gian dối,lừa lọc nhau.
Thành phố Sài Gòn, không khí Giáng sinh đang tràn về, người ta gọi mùa Giáng sinh là mùa an lành yêu thương. Tháng 12 cỏ vẻ như nhộn nhịp, vào khoảng trung tuần, các bạn trẻ rủ nhau đi xem hang đá trên những con đường xóm đạo. Cả con đường Phạm Thế Hiển ở quận 8 xưa nay vào những ngày này, xe và người nô nức chen nhau dạo phố, các bạn trẻ vui vẻ chụp hình “tự sướng”, lưu lại những khoảnh khắc tuyệt đẹp bên hang đá máng cỏ và cây thông.
Không khí ấy thật vui và tưng bừng ! Từ đó, chúng ta cảm nghiệm lễ Giáng sinh như ngày lễ của mọi người, kể cả những anh chị em không phải là Công Giáo. Trong ngày lễ Giáng sinh, người Công Giáo chúng ta phải cố gắng mang một chút bình an và niềm vui của Chúa đến cho những người chung quanh.Thiên Chúa thật là Đấng tạo thành vũ trụ, Đấng giàu có và cao sang vô cùng đã chấp nhận đi vào cuộc đời đầy lấm lem này. Ngài cũng muốn chúng ta “nhập cuộc” vào cuộc đời, với những anh chị em nghèo khó, những số phận hẩm hiu bi đát nhất trong cuộc đời. Đó là chúng ta đang sống theo Tin Mừng, “vui với người vui, khóc với người khóc”.
Nhưng trước hết chúng ta phải xác định, chia sẻ niềm vui với mọi người chứ không phải “nhập cuộc” với những cuộc chơi thâu đêm suốt sáng, bê tha trong rượu bia, thuốc lắc trong những nhà hàng quán bar, chạy theo những cuộc chơi “ngông” của bạn trẻ, càng không phải tụ tập hát karaoke gây tiếng ồn ào làm hàng xóm cả đêm không ngủ được.
Niềm vui lễ Giáng sinh của chúng ta sâu xa hơn, niềm vui có Chúa, niềm vui Chúa đang đến, cảm thấy mình được Thiên Chúa yêu thương, và nhận ra Đấng Emmanuel Thiên Chúa làm người và đang ở giữa chúng ta.
Bởi vì, chính Con Thiên Chúa nhập thể làm người là Tin vui vĩ đại nhất, Ngài mang đến cho con người một cuộc sống mới, thiếp lập những bậc thang giá trị mới của Nước Trời.
Ở đời, người ta ca tụng và khen ngợi những kẻ lắm của nhiều tiền, những kẻ nắm giữ chức quyền trong xã hội, thì Tin Mừng lại đề cao những anh chăn chiên nghèo khổ đang co ro giữa trời đêm đông giá rét. Họ hân hoan ra đi tìm đến với Hài Nhi Giêsu. Họ là những tâm hồn đơn sơ bé nhỏ được Thiên Chúa mặc khải mầu nhiệm cứu độ.
Tin Mừng cũng đề cao một gia đình nghèo với hai vợ chồng trẻ Giuse và Maria. Hai người bị các chủ nhà trọ từ chối không cho vào ở, khi người vợ đang chuyển dạ sinh con. Đó là một gia đình kiểu mẫu biết đón nhận Thánh Ý Thiên Chúa vào tâm tư của mình, dù đang đối diện với những khó khăn thử thách.
Thật sự trong tình cảnh khó khăn dễ gì chúng ta nhận ra niềm vui, niềm hân hoan, nhất là khi đứa con của mình được chào đời nơi chuồng súc vật lanh tụng hôi thối. Dễ gì chúng ta ca mừng tạ ơn Thiên Chúa được, khi chúng ta bị rơi vào tình cảnh éo le thất vọng.
Những ngày gần đây, trên mạng xã hội người ta đang phê bình Giáo hội Việt Nam mắc bệnh hình thức bên ngoài, lễ hội rầm rộ, với những cuộc rước linh đình chỉ để quay phim chụp hình đưa lên mạng toàn cầu.Thật tình chúng tôi không dám bình luận, nhưng qua đó cũng là lời nhắc nhở mỗi người tín hữu càng ý thức hơn về “chất Tin Mừng”. Chúng ta cũng đừng thi đua nhau tổ chức lễ hội giáng sinh sao cho hoàng tráng nhất to, giáo xứ mình tổ chức lễ lớn hơn giáo xứ bên cạnh, nhưng chúng ta cùng nhau suy niệm và sống mầu nhiệm Con Thiên Chúa làm người.
Như vậy, đón mừng lễ Giáng sinh, chúng ta làm mới lại các tương quan, cho thêm gia vị đậm đà của tình yêu thương, khởi đi từ trong mái ấm gia đình, giữa vợ chồng với nhau, giữa cha mẹ và các con. Trong cộng đoàn giáo xứ, Giáng sinh về, làm sao chúng ta nhận ra Chúa nơi anh chị em mình, Chúa đang đến với những gia đình gặp khó khăn, những gia đình rối, đã bỏ đạo lâu năm và ngại đi lễ nhà thờ. Chỉ bằng một chút chia sẻ, lời động viên, những thăm hỏi nhẹ nhàng ân cần sẽ làm cho lòng người thêm ấm áp và bình an đến lạ thường.
Làm sao cho tất cả mọi người trên thế giới đều hưởng được bình an và niềm vui của lễ giáng sinh, khi người ta đón nhận Con Thiên Chúa làm người, người ta cũng đón nhận cả những khác biệt của nhau về tôn giáo, chính trị, ý thức hệ và quan điểm sống.
Điều mà các thiên thần ca mừng trong Đêm giáng sinh năm xưa mong sao trở thành hiện thực ở mọi nơi trên thế giới “Vinh danh Thiên Chúa trên trời. Bình an dưới thế cho người thiện tâm”.
Xin kết thúc bài viết bằng một câu chuyện để mỗi người chúng ta nhận thấy rằng; Giáng sinh về, người ta đến với nhau bằng hơi ấm tình người, người ta cũng bỏ đi sự lạnh lùng vô cảm, nhưng biết chạnh thương với những người nghèo khổ bên cạnh mình. Như thế, Giáng sinh ngày lễ của tình yêu Thiên Chúa đến trong trần gian, nhưng cũng là tình yêu thương người ta xích lại gần nhau hơn, yêu thương nhau nhiều hơn.
Người viết xin cầu chúc và ước mong như vậy cho mọi người mọi nhà được hưởng bình an và niềm vui của Con Thiên Chúa giáng sinh làm người.
Wally là mnột đứa trẻ vụng về và nhút nhát trong câu lạc bộ những đứa trẻ ở nhà thờ. Mỗi khi đêm Giáng sinh đến gần, nhà thờ lại tổ chức một buổi tiệc với vở kịch do chính các em nhỏ tham gia. Giáo viên đã phân vai cho những em nhỏ ưu tú, nhưng còn Wally, cậu bé nên đảm nhận vị trí nào?
Sau một hồi cân nhắc, người giáo viên quyết định trao cho Wally vai diễn ông chủ nhà trọ. Đây là một vai diễn quan trọng, nhưng yêu cầu lại vô cùng đơn giản: Wally chỉ cần đứng lắc đầu và lặp đi lặp lại lời thoại này: “Xin lỗi, nhưng chúng tôi đã hết phòng rồi”. Gương mặt Wally trở nên rạng rỡ khi cậu bé được phân vai. Cậu bé hồi hộp đếm từng ngày chờ đợi buổi biểu diễn chính thức bắt đầu. Cuối cùng, ngày ấy cũng đến. Vở kịch được tiến hành đúng như kế hoạch: Đức Mẹ Maria và Thánh Giuse tới thăm thành phố Bethlehem và ghé vào quán trọ của Wally. Giuse gõ cửa: “Xin hỏi, chúng tôi có thể đặt phòng tại đây không?” Wally lắc đầu trả lời rằng: “Xin lỗi, thưa ngài, nhưng chúng tôi đã hết phòng rồi”.
Theo đúng kịch bản, Giuse và Maria sẽ chào tạm biệt trước khi quay về từ nhà trọ của Wally. Nhưng người đóng vai Giuse là một cậu bé tự tin và đặc biệt lém lỉnh. Giuse quyết định tăng thêm phần kịch tính cho vở kịch. “Thưa ngài”, Giuse nói với ông chủ nhà trọ, “vợ tôi đang mang bầu và chúng tôi cần có phòng để nghỉ lại qua đêm. Ngài có thể vui lòng tìm cho chúng tôi một căn phòng nào đó không?” Khuôn mặt Wally bỗng sững lại – điều này không có trong kịch bản, cậu phải làm sao đây? Wally ngập ngừng một chút trước khi lặp lại dòng hội thoại: “Xin lỗi, nhưng chúng tôi đã hết phòng rồi”.
“Nhưng thưa ngài”, Giuse lại nói, “chúng tôi đã phải đi một chặng đường rất dài và giờ đây chúng tôi không còn nơi nào khác để đi nữa. Vợ tôi cũng mệt lắm rồi… Chúng tôi không còn lựa chọn nào khác, nhất định phải có một căn phòng…” Wally cúi gầm mặt xuống, lắc đầu, và trả lời: “Nhưng chúng tôi không còn phòng nữa”.
Tỏ ra thất vọng, Giuse và Maria quay gót ra về. Còn Wally, cậu bé như đã nhập tâm vào vai diễn của mình, cảm thấy vô cùng xấu hổ và buồn bã. Một giọt nước mắt lăn dài trên má. Rồi cậu gọi to lên: “Đợi đã, xin hai người quay lại. Các bạn có thể sử dụng phòng của tôi!”
Giuse Nguyễn Bình An