Home / Chia Sẻ / TÁI LẬP ĐỀN THỜ

TÁI LẬP ĐỀN THỜ

TÁI LẬP ĐỀN THỜCả bốn Tin Mừng đều kể về việc Chúa Giêsu dọn dẹp Đền Thờ. Tuy nhiên, Tin Mừng Thánh Gioan cung cấp chi tiết nhất về những gì đã diễn ra, làm chứng rằng thánh sử đã có mặt tại sự kiện này. (Ga 2:13-22) Chúa Giêsu lên Giêrusalem để cử hành Lễ Vượt Qua, lễ kỷ niệm việc dân Israel thoát khỏi cảnh nô lệ ở Ai Cập và giao ước mà Thiên Chúa thiết lập với dân Do Thái trong hoang địa.

Chúa Giêsu thấy trong Đền Thờ có những kẻ bán chiên, bò, bồ câu, và những người đang ngồi đổi tiền. Ngài liền lấy dây làm roi mà xua đuổi tất cả bọn họ cùng với chiên bò ra khỏi Đền Thờ; còn tiền của những người đổi bạc, Ngài đổ tung ra, và lật nhào bàn ghế của họ. Ngài nói với những kẻ bán bồ câu: “Đem tất cả những thứ này ra khỏi đây, đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán.”

Khi gọi Đền Thờ là “nhà Cha tôi,” Chúa Giêsu tiết lộ rằng ngài là Con của Chúa Cha. Là Con nhập thể của Chúa Cha, Chúa Giêsu là người trông coi Nhà Chúa Cha – ngôi đền nơi Chúa Cha ngự. Sự khác biệt rất đặc biệt của Ngài với tư cách là Con nhập thể của Chúa Cha đem lại cho Ngài quyền lực vô song đối với Nhà Cha, và do đó có quyền tẩy sạch Đền Thờ khỏi tất cả những gì vô đạo. Sau này các môn đệ nhớ đến câu Kinh Thánh: “Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa, mà con phải thiệt thân.” (Tv 69:10) Chúa Giêsu đã ứng nghiệm lời tiên tri đó.

Tuy nhiên, trước hành động của Chúa Giêsu, những người Do Thái sửng sốt và giận dữ đòi một dấu lạ chứng thực thẩm quyền của Ngài trong việc thực hiện một hành động chưa từng có như vậy, và Chúa Giêsu đáp lại: “Các ông cứ phá hủy Đền Thờ này đi; nội ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại.” Người Do Thái nói: “Đền Thờ này phải mất bốn mươi sáu năm mới xây xong, thế mà nội trong ba ngày ông xây lại được sao?”

Chữ “này” có ý nghĩa về mặt thần học. Một mặt, “đây” là ngôi đền đá ngay trước mặt họ. Mặt khác, đó là chính Ngài: “Đền Thờ Đức Giêsu muốn nói ở đây là chính thân thể Ngài. Vậy, khi Ngài từ cõi chết trỗi dậy, các môn đệ nhớ lại Ngài đã nói điều đó, họ tin vào Kinh Thánh và lời Đức Giêsu đã nói.”

Với tư cách là Con Thiên Chúa nhập thể, Chúa Giêsu là Đền Thờ mới và sống động, “nơi Ngài, tất cả sự viên mãn của thần tính hiện diện cách cụ thể.” (Cl 2:9) Trước sự hiện diện của Thiên Chúa, người ta không cần phải hành hương lên Giêrusalem và vào Đền Thờ nữa. Đúng hơn, Chúa Giêsu là Ngôi Lời nhập thể, và do đó, Thiên Chúa hiện là nhà tạm giữa loài người.

Chúa Giêsu là “Nhà Chúa Cha” mà Con Ngài đang ngự. Để hiệp thông với Chúa Cha, người ta phải ở trong Người Con nhập thể. Bây giờ Đền Thờ trở nên thừa. Đó là sự báo trước mang tính tiên tri về Sự Nhập Thể, và giờ đây, với sự xuất hiện của Chúa Giêsu, nó đã mất đi mục đích mà nó được xây dựng.

Hơn nữa, nếu Chúa Giêsu, với tư cách là Con Thiên Chúa nhập thể, là Đền Thờ mới và sống động, thì bây giờ Ngài phải dâng hy lễ Vượt Qua hoàn hảo, trong đó Ngài sẽ thiết lập một giao ước mới và vĩnh cửu. Tương tự, qua giao ước mới này, Chúa Giêsu phải tẩy sạch thế giới tội lỗi và loại bỏ sự chết, vì chỉ khi được tẩy sạch tội lỗi và lời nguyền chết chóc, nhân loại mới có thể bước sang một cuộc sống mới thánh thiện. Chúa Giêsu thực hiện điều này qua cái chết hy sinh và sự phục sinh vinh quang của Ngài.

Người Do Thái đã tiêu diệt Chúa Giêsu, Đấng là “Đền Thờ” này, bằng cách đóng đinh Ngài. Nhưng với tư cách là Đền Thờ sống động, Chúa Giêsu trở thành vị Thượng Tế hoàn hảo qua việc bị đóng đinh, người dâng hy lễ Vượt Qua hoàn hảo của giao ước mới. Việc hy sinh chính mình trong Lễ Vượt Qua có hiệu nghiệm được thấy ở việc Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết một cách vinh quang vào ngày thứ ba. Khi làm như vậy, với tư cách là Người Con phục sinh của Chúa Cha, Chúa Giêsu giờ đây trở thành Đền Thờ vinh hiển trên trời, là Nhà Mới của Chúa Cha, trong đó mọi người đều được đến với Cha trên trời của Ngài.

Thánh Phêrô trình bày một cách tuyệt vời về mối quan hệ giữa Chúa Giêsu là Đền Thờ phục sinh và những ai ở trong Ngài: “Anh em hãy tiến lại gần Đức Kitô, viên đá sống động bị người ta loại bỏ, nhưng đã được Thiên Chúa chọn lựa và coi là quý giá. Hãy để Thiên Chúa dùng anh em như những viên đá sống động mà xây nên ngôi Đền Thờ thiêng liêng, và hãy để Thiên Chúa đặt anh em làm hàng tư tế thánh, dâng những lễ tế thiêng liêng đẹp lòng Người, nhờ Đức Giêsu Kitô.” (1 Pr 2:4-5)

Chúa Giêsu phục sinh là viên đá sống động bị con người loại bỏ nhưng được Thiên Chúa chọn làm đá góc tường của Đền Thờ sống động và trao ban sự sống. Những ai ở trong Chúa Giêsu phục sinh cũng trở thành những viên đá sống động trong ngôi nhà thiêng liêng mới của Chúa Cha, vì họ đã trở thành những tư tế thánh thiện dâng hy lễ thiêng liêng nhờ, với và trong Chúa Giêsu Kitô phục sinh.

Là một phần của sự tàn phá thành Giêrusalem, “Đền Thờ này” cũng bị người La Mã phá hủy. Các môn đệ đã chỉ cho Ngài vẻ đẹp của Đền Thờ. Nhưng Ngài nói: “Anh em nhìn thấy tất cả những cái đó, phải không? Thầy bảo thật anh em: tại đây, sẽ không còn tảng đá nào trên tảng đá nào; tất cả đều sẽ bị phá đổ.” (Mt 24:2) Và điều đó đã xảy ra vào năm 70 sau Công Nguyên.

Hầu hết mọi người có thể cho rằng sự phá hủy đó chỉ là một sự kiện lịch sử đơn giản cần được ghi nhận. Tuy nhiên, nó không thể đứng vững được nữa, vì nếu nó vẫn còn, nó sẽ là một dấu hiệu đối lập với “Đền Thờ này” là Chúa và Đấng Cứu Thế phục sinh – Chúa Giêsu Kitô. Hiện nay, sự vắng mặt của nó vẫn là dấu hiệu cho thấy sự hiện diện của Đền Thờ sống động không thể phá hủy.

Trong sách Khải Huyền, Thánh sử Gioan có một thị kiến về Giêrusalem trên trời: “Trong thành, tôi không thấy có Đền Thờ, vì Đức Chúa, Thiên Chúa Toàn Năng, và Con Chiên là Đền Thờ của thành.” (Kh 21:22) Tại Giêrusalem trên trời, không cần có Đền Thờ, vì trên Trời người ta ở trọn vẹn, hiệp thông với Con Chiên hằng sống, trong Nhà Chúa Cha – ngôi nhà không bao giờ bị phá hủy.

THOMAS G. WEINANDY, OFM, CAP.

TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ TheCatholicThing.org)

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …