Home / Chia Sẻ / CHUYỆN ĐƯỜNG EMMAU

CHUYỆN ĐƯỜNG EMMAU

CHUYỆN ĐƯỜNG EMMAUBuổi sáng Phục Sinh, có hai môn đệ đang trên đường đi về Emmau. Rời Giêrusalem, họ chán nản và thất vọng về những gì đã xảy ra với Chúa Giêsu. Họ không hiểu câu chuyện của các phụ nữ nói rằng họ đã nhìn thấy Ngài vào sáng sớm hôm đó. Khi các môn đệ đang rời khỏi thành thánh, Chúa Giêsu đã đến và đi bên cạnh họ.

Cũng như những lần hiện ra khác sau phục sinh, các môn đệ không nhận ra Chúa Giêsu. Và cũng như những lần hiện ra khác, Chúa Giêsu không tỏ mình ra ngay lập tức. Thay vào đó, Ngài đi cùng hai môn đệ và trò chuyện với họ. Họ bày tỏ sự thất vọng và đau buồn về sự kiện Thứ Sáu Tuần Thánh.

Một trong hai người tên Clêôpát nói: “Chắc ông là người duy nhất trú ngụ tại Giêrusalem mà không hay biết những chuyện đã xảy ra trong thành mấy bữa nay.” Đức Giêsu hỏi: “Chuyện gì vậy?” Họ thưa: “Chuyện ông Giêsu Nadarét. Người là một ngôn sứ đầy uy thế trong việc làm cũng như lời nói trước mặt Thiên Chúa và toàn dân. Thế mà các thượng tế và thủ lãnh của chúng ta đã nộp Người để Người bị án tử hình, và đã đóng đinh Người vào thập giá. Phần chúng tôi, trước đây vẫn hy vọng rằng chính Người là Đấng sẽ cứu chuộc Israel. Hơn nữa, những việc ấy xảy ra đến nay là ngày thứ ba rồi.”

Tiếp tục, Clêôpát giải thích về lời khai của những người phụ nữ và mọi chuyện đã xảy ra kỳ lạ như thế nào. Chỉ nghe lời kể của các phụ nữ, các môn đệ không biết phải làm sao khi thi thể biến mất. Không ai hiểu sự sống lại từ cõi chết có nghĩa là gì.

Chúa Giêsu kiên nhẫn lắng nghe, nhưng thay vì gật đầu hiểu biết, Ngài lại đảo ngược nỗi buồn của họ, khiến họ sửng sốt và ngạc nhiên, khi nói: “Các anh chẳng hiểu gì cả! Lòng trí các anh thật là chậm tin vào lời các ngôn sứ! Nào Đấng Kitô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Ngài sao?” (Lc 24:25-26)

Chúa Giêsu giải thích rằng điều thực sự cần thiết là Đấng Mêsia phải chịu đau khổ và bị đóng đinh. Ngài làm điều này bằng cách dẫn dắt các môn đồ đi qua Cựu Ước. Thánh Luca cho biết: “Rồi bắt đầu từ ông Môsê và tất cả các ngôn sứ, Ngài giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh.” (Lc 24:27)

Tất nhiên, thời đó chưa có Tân Ước như ngày nay, thế nên “tất cả Kinh Thánh” được nhắc đến ở đây chỉ là Cựu Ước. Các tông đồ và môn đệ chỉ có Kinh Thánh Cựu Ước bằng tiếng Hy Lạp và tiếng Do Thái, cùng với kinh nghiệm của chính họ khi ở bên Chúa Giêsu và chứng kiến Ngài đau khổ và chết. Nếu không có sự giúp đỡ của Chúa Giêsu, họ không thể kết nối những gì đã xảy ra với Chúa Giêsu với những lời của Môsê và các tiên tri.

Điều Chúa Giêsu làm trên đường Emmau là giải thích Cựu Ước theo mối liên hệ của chúng với sự nhập thể, cuộc khổ nạn, sự chết và sự phục sinh của Ngài – tất cả đều ứng nghiệm Cựu Ước. Mọi sự đã được tiên đoán, và mọi điều xảy ra với Chúa Giêsu đều ở đó, mặc dù các môn đệ không thể hiểu được. Chúa Giêsu đã mở tâm trí họ để họ nhận thấy cuộc sống và cái chết của Ngài dưới ánh sáng Cựu Ước. Nếu không có Cựu Ước thì cuộc đời, lời dạy và cái chết hy sinh của Chúa Giêsu sẽ không thể hiểu được.

Giáo Hội ở mọi thời đại đã noi gương Chúa Giêsu trên đường Emmau, đề cao giá trị của các tác phẩm bằng tiếng Do Thái và tiếng Hy Lạp được linh hứng chuẩn bị cho sự xuất hiện của Chúa Giêsu. Các môn đệ đã truyền lại sự mặc khải trọn vẹn của Thiên Chúa bằng cách bày tỏ sự tôn kính đối với Cựu Ước, đồng thời soạn thảo các tác phẩm mà ngày nay chúng ta gọi là Tân Ước.

Cựu Ước là một phần của mặc khải của Thiên Chúa và được ứng nghiệm nơi Chúa Giêsu. Ngoài ra, có một nguyên tắc liên tục giữa Cựu Ước và Tân Ước khiến cả hai không bao giờ được tách rời. Từ Thánh Augustinô, Giáo Hội vẫn giữ câu châm ngôn kinh điển này: “Tân Ước ẩn giấu trong Cựu Ước và Cựu Ước được mặc khải trong Tân Ước.” Cả Cựu Ước và Tân Ước đều là lời của Thiên Chúa, tất cả đều là một phần mặc khải của Thiên Chúa, trong đó Ngài cho thấy Ngài là ai và chúng ta là ai trong mối quan hệ với Ngài. Chúa Giêsu đã dạy điều này trên đường đi Emmau, và việc Ngài giải thích Kinh Thánh đã đốt cháy trái tim các môn đệ.

Nữ Tu ANNA MARIE MCGUAN

TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ SimplyCatholic.com)

Xem thêm

Chữ TÍN

Chữ TÍN

Chữ Tín trong Việt ngữ chỉ ba mẫu tự nhưng ý nghĩa “đồ sộ” và …