Theo ánh sao
Ngày nay gọi là lễ Hiển Linh, ngày xưa gọi là lễ Ba Vua. Thực ra không chỉ có 3 người mà nhiều người, họ không phải là những Quốc vương mà là các đạo sĩ, các nhà thông thái, các chiêm tinh gia, họ từ Đông phương xa lắc xa lơ đi theo dấu Ánh Sao Lạ dẫn đường đến Belem để diện kiến chính Vương Nhi Giêsu và Song Thân của Ngài. Ngôi Hai đã hóa thành nhục thể, làm người để chia ngọt sẻ bùi với thân phận con người của chúng ta. Quả thật, đó là “độc chiêu” mà Chúa dùng để tỏ mình ra cho muôn dân.
TÌM CHÚA
Thiên Chúa Cha đã hứa ban Ngôi Con từ mấy ngàn năm trước và nay đã hiện thực đúng lời hứa đó: Ngôi Hai làm người.
Chúng ta là những người nô lệ tội lỗi, nhưng “nô tì kiếp” của chúng ta được Đức Giêsu đến tháo gỡ mọi gông cùm của tội lỗi, được thừa nhận là con của Thiên Chúa, vì thế ngôn sứ Isaia kêu gọi: “Đứng lên, bừng sáng lên! Vì ánh sáng của ngươi đến rồi. Vinh quang của Đức Chúa như bình minh chiếu toả trên ngươi. Kìa bóng tối bao trùm mặt đất, và mây mù phủ lấp chư dân; còn trên ngươi, Đức Chúa như bình minh chiếu toả, vinh quang Người xuất hiện trên ngươi” (Is 60:1-2).
Thật hạnh phúc biết bao! Chúng ta không chỉ được giải thoát và trở nên con cái Thiên Chúa, mà chúng ta còn được Ngài quan tâm, chăm sóc và nâng niu: “Con trai từ phương xa tới, con gái được ẵm bên hông” (Is 60:4). Thế nên chúng ta không thể không vui cười hớn hở, mặt mày rạng rỡ, cõi lòng rạo rực, vui như ngày hội và vui như tết.
Hài Nhi sinh ra nơi hang chiên lừa hôi tanh trong đêm tối ở cánh đồng hoang vu Belem kia lại chính là Tân Vương Nhi, là Thái Tử của Thiên Hoàng. Ngài đến để giao hòa đất với trời, đồng thời cũng để “xét xử dân Ngài theo công lý, và bênh vực quyền lợi kẻ nghèo hèn” (Tv 72:6). Các vua chúa trần gian được tiền hô hậu ủng, kẻ hầu người hạ, nhưng Ông Vua Nghèo Giêsu lại đến để phục vụ chứ không được ai phục vụ, Ngài “đến không để kêu gọi người công chính mà để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn” (Lc 5:32), Ngài “đến để tìm và cứu những gì đã mất” (Lc 19:9), và Ngài “đến để cho con người được sống dồi dào” (Ga 10:10). Cách làm của Vua Nghèo quá “ngược đời”, nhân loại không thể hiểu hết, thậm chí là không muốn hiểu! Tại sao? Vì Chúa biết tỏng tư tưởng chúng ta thế nào, như Ngài đã nói “toạc móng heo”: “Tư tưởng của Tôi không phải là tư tưởng của quý vị, và đường lối của quý vị không phải là đường lối của Tôi” (Is 55:8).
Thế nhưng triều đại của Vua Nghèo lại “đua nở hoa công lý và thái bình thịnh trị tới ngày nao tuế nguyệt chẳng còn” (Tv 72:7), để rồi “mọi quân vương phủ phục trước bệ rồng, muôn dân nước thảy đều phụng sự” (Tv 72:11). Ngài là Vua các vua, là Chúa các chúa, nhưng Ngài vô cùng nhân từ, Ngài luôn theo sát đồng bào, Ngài luôn tận tụy với đám dân nghèo, Ngài cương quyết bảo vệ công lý, bảo vệ sự thật. Ngài không chỉ tay năm ngón, Ngài trực ngôn và hành động để “giải thoát bần dân kêu khổ và kẻ khốn cùng không chỗ tựa nương, chạnh lòng thương ai bé nhỏ khó nghèo. Mạng sống dân nghèo, Ngài ra tay tế độ” (Tv 72:12-13).
Các nhà hiền triết từ Đông phương thấy Ánh Sao Lạ, họ biết có một “dị nhân” vừa xuất hiện, thế là họ không quản ngại đường xa hiểm trở, mau mắn và quyết tâm lên đường tìm cho ra “dị nhân” kia. Và ánh sao dẫn đường đã dừng lại trên một hang chiên lừa hẻo lánh bốc mùi hôi tanh.
Thấy vậy, nếu là chúng ta, chưa chắc đã bước vào, thậm chí có thể kéo nhau quay về cho nhanh, thậm chí có thể “chạy mất dép” chứ chẳng chơi đâu! Các đạo sĩ là những người không chỉ thông thái, có học thức, mà còn giàu có nữa. Họ thấy Bé Giêsu oe oe ngọ nguậy trong máng cỏ, bên cạnh chỉ có hai Cô Chú “nhìn thấy thương”, nghèo kiết xác, và lũ chiên lừa “ngu ngơ” chẳng biết ất giáp gì, có lẽ mới đầu họ cũng “xì xầm” bàn tán với “mắt chữ O, miệng chữ A”, nhưng họ vẫn không hề thất vọng và tin thật rằng Trẻ Sơ Sinh kia là “dị nhân” mà họ muốn tìm gặp, rồi họ can đảm bước vào triều yết Hàn Vương và kính chào Hàn Phu Thê. Thật khó tin, y như cổ tích vậy. Tuy nhiên, đó lại là chuyện thật “chăm phần chăm”. Không chỉ vậy, các đạo sĩ còn dâng những lễ vật cao quý nhất mà họ đã chuẩn bị và đem theo.
Ngày nay, chúng ta được dạy cho biết đó là mầu nhiệm, không thấy cảnh Hàn Gia lúc đó nên chúng ta đã tin. Chứ nếu tận mắt chứng kiến thì chắc chúng ta không thể và không dám tin Em Bé có tên là Giêsu kia lại chính là Ngôi Hai Thiên Chúa giáng thế làm người. Vậy là chúng ta may mắn. Thánh Phaolô viết: “Về kế hoạch ân sủng mà Thiên Chúa đã uỷ thác cho tôi, liên quan đến anh em. Người đã mặc khải để tôi được biết mầu nhiệm Đức Kitô” (Ep 3:2-3). Thật đặc biệt, vì “Thiên Chúa đã không cho những người thuộc các thế hệ trước được biết mầu nhiệm này, nhưng nay Người đã dùng Thần Khí mà mặc khải cho các thánh Tông đồ và ngôn sứ của Người” (Ep 3:5). Thánh Phaolô giải thích: “Mầu nhiệm đó là: trong Đức Kitô Giêsu và nhờ Tin Mừng, các dân ngoại được cùng thừa kế gia nghiệp với người Do Thái, cùng làm thành một thân thể và cùng chia sẻ điều Thiên Chúa hứa” (Ep 3:5-6).
Một lần nữa, chúng ta lại thật may mắn và hạnh phúc vì được “thừa kế gia nghiệp” của Thiên Chúa, nên “một thân thể” và “cùng chia sẻ” với Thiên Chúa. Vì thế, mỗi chúng ta đều phải “xắn tay áo lên và hành động”. Đó là…
VÀO ĐỜI
Chúa Giêsu là Thiên Vương, tất nhiên Đức Maria là Mẫu Hậu và Đức Thánh Giuse là Phụ Vương – dù ngài là Dưỡng Phụ. Sắp lâm bồn mà tìm không ra chỗ trọ, Chồng đành đưa Vợ ra “cánh đồng hoang”, may còn có cái hang để chui vào. Không người thân thích, không ai giúp đỡ. Chồng vất vả lo cho Vợ từ A đến Z. Chồng không hề than thở, chỉ âm thầm hành động. Vợ sinh xong, được Mẹ tròn Con vuông là mừng húm rồi. Sau đó lại được đám mục đồng ghé thăm, rồi thêm mấy đạo sĩ ghé thăm. Cũng đỡ tủi thân và được an ủi phần nào nơi đất khách quê người. Thế nhưng chuyện đời chưa hết, bộ phim “khổ” kéo dài nhiều tập…
Thời đó là lúc vua Hêrôđê trị vì, thấy mấy nhà chiêm tinh vào hỏi thăm: “Đức Vua dân Do Thái mới sinh, hiện ở đâu? Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người” (Mt 2:1-2). Nghe vậy, vua Hêrôđê tá hỏa, xay xẩm mặt mày, cả thành Giêrusalem cũng xôn xao. Nhà vua sợ có kẻ nổi loạn để tiếm ngôi, ông liền triệu tập tất cả các thượng tế và kinh sư trong dân lại, rồi hỏi cho biết Đấng Kitô phải sinh ra ở đâu. Họ trả lời: “Tại Bêlem, miền Giuđê, vì trong sách ngôn sứ, có nói về miền đất Giuđa, nơi vị lãnh tụ chăn dắt Ítraen sẽ ra đời” (Mt 2:6). Thế là vua Hêrôđê bí mật vời các nhà chiêm tinh đến, hỏi cặn kẽ về ngày giờ ngôi sao đã xuất hiện, phái họ đi Bêlem và dặn: “Xin quý ngài đi dò hỏi tường tận về Hài Nhi, và khi đã tìm thấy thì về báo lại cho tôi, để tôi cũng đến bái lạy Người” (Mt 2:8).
Nghe nhà vua nói thế, họ an tâm ra đi mà không hề biết vua Hêrôđê “khẩu Phật, tâm xà”, mưu mô và thâm độc, chỉ muốn bảo vệ “cái ghế toàn năng” của mình thôi! Các đạo sĩ tiếp tục đi theo ngôi sao họ đã thấy ở phương Đông, dẫn đường họ đến tận nơi. Ngôi sao dừng lại, “họ vào nhà, thấy Hài Nhi với thân mẫu là cô Maria, liền sấp mình thờ lạy Người” (Mt 2:11). Rồi họ mở bảo tráp, lấy vàng, nhũ hương và mộc dược mà dâng tiến.
Sau khi “nựng” Bé Giêsu và trò chuyện với Song Thân của Bé, họ được báo mộng là đừng trở lại gặp vua Hêrôđê nữa, nên họ đã đi lối khác mà về xứ mình. Các đạo sĩ đã nỗ lực tìm gặp “dị nhân” Giêsu cho bằng được, gặp rồi thì họ tin, can đảm bước vào đời, họ tránh “ác nhân” Hêrôđê là cách hành động tích cực và sống tốt. Sống tốt không chỉ là “làm lành, lánh dữ” mà còn phải tích cực hành động để bảo vệ công lý cho tha nhân.
Lạy Thiên Chúa, xin giúp chúng con biết noi gương các đạo sĩ là miệt mài tìm Chúa và can đảm hành động. Xin “ánh sao” Ý Chúa luôn soi đường dẫn lối chúng con suốt hành trình trần thế, để chúng con thực hiện mọi sự theo đúng Tôn Ý Ngài trong từng nhịp thở. Lạy Mẹ Maria và Thánh Giuse, xin nguyện giúp cầu thay. Chúng con cầu xin nhân Danh Đấng Thiên Sai, Thiên Chúa của chúng con. Amen.