Home / Suy Niệm Lời Chúa / SUY NIỆM TIN MỪNG LỄ HIỂN LINH A CỦA TRẦN ĐÌNH PHAN TIẾN

SUY NIỆM TIN MỪNG LỄ HIỂN LINH A CỦA TRẦN ĐÌNH PHAN TIẾN

 

ĐỨC GIÊSU – KITÔ, MẦU NHIỆM MỚI

tải xuốngHôm nay, Chúa nhật lễ Hiển Linh, hay được gọi là lễ Ba Vua, và được gọi là lễ Chúa Giêsu tỏ mình ra cho dân ngoại. Dân ngoại là tất cả mọi dân tộc, ngoài dân Do-thai.

Khởi đi từ Bài đọc I (Is 60, 1-6), chúng ta thấy hình ảnh của một Hội Thánh mới, một Giêrusalem mới, gọi là Hội Thánh Kitô.

Vâng, kính thưa quý vị! Tin Mừng (Mt 2,1-12) hôm nay trình thuật cho chúng ta sự tỏ lộ tình yêu trọn vẹn từ Thiên Chúa, là Đức Giêsu – Kitô, Con Thiên Chúa, và là Ngôi Lời của Thiên Chúa. Và như vậy, Đoạn Tin Mừng hôm nay chỉ cho chúng ta biết Đạo Công giáo không phải là Đạo của người Do-thai, mà ngày nay cũng còn nhiều người ngộ nhận. Kitô giáo nói chung và Công giáo nói riêng là một tôn giáo Mặc Khải, là một trong ba tôn giáo Độc Thần duy nhất: Do-thai giáo, Ki-tô giáo và Hồi giáo. Vì thế, Đạo Công Giáo không phải là đạo của người Do-thai, tức Do-thai giáo. Điều nầy được xác tín rõ ràng qua Kinh Thánh, như theo Bài đọc II (Ep 3, 2-3. 5 -6) hôm nay. Thánh Phao-lô đã xác tín mạnh mẽ và rõ ràng chân lý trên ở các câu (Ep 3, 3. 5 – 6).

Theo đó, Tin Mừng hôm nay, cho chúng ta biết mầu nhiệm về sự Mặc Khải nầy. Đó là sự tỏ mình ra của Đức Kitô cho ba nhà chiêm tinh, họ từ phương Đông tìm đến với Hài Nhi Giêsu để thờ lạy Người. Một dấu chỉ, một điềm lạ, một huyền nhiệm, một mầu nhiệm, nay đã được tỏ lộ, không còn giấu kín nữa. Như thế, mặc nhiên, Đức Giêsu – Kitô được gọi là ”Mầu Nhiệm Mới”.

Tất cả, mọi mầu nhiệm từ Thiên Chúa được gói gọn trong Đức Kitô – Giêsu, để từ nay không còn mầu nhiệm nào nữa, ngoài Người. Từ đó, chúng ta hiểu rằng Đức Kitô không phải chỉ là quá khứ, xuất hiện trên hai ngàn năm rồi, nhưng Đức Kitô cũng không phải là tương lai, vì Thiên Chúa đã thực hiện Lời Hứa của Ngài, mà Đức Kitô chính là hiện tại. Vì thế, nên người ta nói: Đức Kitô là một, hôm nay, hôm qua và ngày mai. Vì thế, Đức Kitô chính là khởi nguyên và cùng tận.

Trở về ý nghĩa Tin Mừng hôm nay, chúng ta thấy khi Đức Giêsu Giáng Sinh tại Bê-lem, xứ Giu-đê, thời vua He-rô-đê trị vì, có mấy nhà chiêm tinh từ phương Đông, đến Giêrusalem và hỏi: “Đức Vua dân Do-thai, mới sinh ra hiện ở đâu?…“. Tại sao, họ khẳng định Hài Nhi mới sinh là Vua dân Do-thai? Trong khi họ ở rất xa, và hoàn toàn lạ lẫm, không hề biết trước. Nhưng, họ tìm đến để bái lạy Hài Nhi, một hành động rất ngoạn mục. Theo tự nhiên tính, họ căn cứ vào khoa học, nhưng khoa học là kết tinh của vũ trụ, mà vũ trụ không thể tự nhiên mà có. Tin vào điềm lạ của khoa học, mà tìm đến với một Hài Nhi để tin rằng Hài Nhi đó là một Vị Vua, vì được sinh ra tại Do-thai, nên Vị Vua ấy, gọi là “Vua Dân Do-thai”. Họ căn cứ vào một điềm lạ, đó là “ngôi sao”, trên bầu trời có muôn nghìn ánh sao, nhưng bỗng nhiên có một Ngôi Sao lạ xuất hiện. Sao lạ có nghĩa là sao không bình thường, có kích cỡ lớn hơn, hoặc có ánh sáng rực rỡ hơn, có hình thù khác lạ hơn. Những điềm lạ xuất hiện trên bầu trời, đây đó, từ cổ chí kim vẫn luôn mang một bí ẩn của nó. Dù tin hay không, những dấu lạ ấy cũng vượt quá sự hiểu biết của con người, kể cả những nhà nghiên cứu, còn đối với người bình thường thì không thể nào hiểu nỗi, chẳng khác người khiếm thị đi đêm. Đó là nghĩa đen, còn về mặt tâm linh siêu nhiên thì vô cùng huyền nhiệm, vì thế, chúng ta rất cần sự soi sáng của Thiên Chúa, đó là ơn Mặc Khải. Vâng, chính vì thế, Thiên Chúa vào ngày viên mãn đã tự mặc khải chính mình cho thiên hạ, đó là Ngôi Lời đã làm Người.

Nhưng loài người không đón nhận cũng như không tìm đến sự thật đã được loan báo. Vương quyền trần thế luôn cạnh tranh với những gì đụng chạm đến vương quyền của họ. Dẫu rằng thế gian hữu hạn, vì chân lý là của Thiên Chúa, nhưng khi trần gian có vương quyền trong tay, thì họ không muốn Thiên Chúa can thiệp vào vương quyền của họ. Nhưng thế lực chính trị nào biết đón nhận Thiên Chúa, thì vương quyền của họ bền vững.

Chúng ta thấy, khi các chiêm tinh gia tìm đến với Hài Nhi Giêsu để thờ lạy, để nhìn nhận, để trân trọng một hiện tượng cao cả từ Vương Quyền của Thiên Chúa, thì họ rất bình an và được lưu truyền cùng với mầu nhiệm làm Người của Con Thiên Chúa. Các nhà chiêm tinh đã được mặc khải “Sao Lạ”, đó là Hài Nhi Giêsu, và qua dấu lạ, họ đã vượt qua những khó khăn về đường đi, về địa lý, về ngôn ngữ, về những nguy hiểm khác, để tìm gặp cho được “Vị Vua Do-thai” mới sinh, để thờ lạy, còn chúng ta, chúng ta đã được mặc khải chính Đấng Cứu Thế Giêsu- Kitô trong cuộc đời, chúng có biết vượt qua mọi trở ngại để trung tín với những điều mà chúng ta được ban tặng hay không? Các nhà Chiêm tinh khi đã được đặc ân mục kích Đấng Cứu Thế, họ đã dâng tiến Người lễ phẩm là VÀNG, NHỦ HƯƠNG và MỘC DƯỢC, tượng trưng cho sự tôn thờ đích thực.

–          Vàng: tượng trưng cho vương quyền của Thiên Chúa được trao cho Đức Kitô.

–          Nhủ Hương: tượng trưng cho sự phượng thờ đích thực, duy nhất là Đức Ktô.

–          Mộc Dược: tiên báo cuộc Tử Nạn của Đức Kitô để cứu chuộc nhân thế là những ai tin vào Người.

Như vậy, ba lễ phẩm mà các nhà chiêm tinh đã tiến dâng lên Đấng Cứu Chuộc là Lễ Vật trân trọng, chân thành và thờ phượng một Vị Thiên Chúa đã làm Người. Từ mỗi một người Kitô hữu có biết đón nhận Đức Kitô một cách trân trọng, chân thành và thờ phượng như tâm tình của ba nhà chiêm tinh hay không?

Lạy Hài Nhi Giêsu, Chúa chính là một Mầu Nhiệm Mới từ Trời cao. Và mãi mãi là như thế, hôm nay, chính Chúa đã tỏ ra cho ba nhà chiêm tinh đến thờ lạy Chúa. Họ đã đáp lại bằng cách bày tỏ chân thành, trân trọng và thờ phượng một cách hết lòng. Xin cho mỗi một người khi được mặc khải chính Chúa qua nhiều biến cố và hoàn cảnh cũng biết chân thành đáp lại một cách trung tín và phượng thờ hết lòng, hầu mang lại ơn cứu độ từ Chúa, vì từ Chúa là chính Ba Ngôi Cực Thánh đang Hiển Trị muôn đời./. Amen

05/01/2013

P.Trần Đình Phan Tiến

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …