Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật XXXIV TN, Năm B, Của Trầm Thiên Thu

Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật XXXIV TN, Năm B, Của Trầm Thiên Thu

Lễ Thiên Vương Giêsu Kitô

Vua Chân Lý

 

Nam B - TN - CN 34 - LeKitoVua - VuaChanLyDanh nhân Mahatma Gandhi (1869-1948), chính khách chủ trương bất bạo động và nhà lãnh đạo tinh thần của dân Ấn Độ, nhận định: “Đức hạnh là nền tảng của mọi thứ và chân lý là bản chất của mọi đức hạnh”. Một câu nói rất thâm thúy, rất phù hợp với đạo làm người và cũng phù hợp với đạo giáo – đặc biệt là Công giáo.

Ông Gandhi còn xác định rạch ròi và chi tiết hơn: “Dù bạn có là thiểu số thì chân lý vẫn là chân lý. Công cuộc theo đuổi chân lý không cho phép bạo lực với đối phương. Sai lầm không trở thành chân lý vì lý lẽ của vô số cách tuyên truyền, chân lý cũng không trở thành sai lầm vì không ai thấy nó. Tôn giáo của tôi dựa trên chân lý và bất bạo động, chân lý là Chúa của tôi, bất bạo động là cách để nhận biết Người”. Cách sống của ông rất gần với giáo huấn yêu thương của Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa của chúng ta.

Thế mà, khi xét xử Chúa Giêsu, ông Philatô đã hỏi Ngài: “Sự thật là gì?” (Ga 18:38). Ông ta thực sự không biết hay là cố ý giả nai? Chúng ta có bao giờ “đặt vấn đề” như ông Philatô? Có đấy, nhưng với kiểu cách “tinh vi” hơn! Người Việt nói là “giả nai” hoặc “ngây thơ cụ”.

Theo chế độ quân chủ, vua là người có quyền tối thượng, cho sống thì được sống, bắt chết thì phải chết, thế mới là trung thần: “Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung”. Mọi thần dân đều vui nhận mọi mệnh lệnh của nhà vua, vì được nhận chiếu chỉ của vua là niềm hãnh diện, và người ta còn gọi chiếu chỉ là “thánh chỉ”, tất nhiên không loại trừ mệnh lệnh bắt phải chết.

Chúa Giêsu là Vua các vua, Chúa các chúa, tự hữu và hằng sinh, vua chúa trần gian chỉ là “hạt bụi” dưới chân Ngài mà thôi. Thế nhưng Ngài lại giàu lòng thương xót, thích tha thứ chứ không thích kết án ai. Thật lạ, khi Chúa Giêsu đứng trước Philatô, một người đầy uy lực, còn Chúa Giêsu khi đó chỉ như một tội đồ, thế mà Ngài vẫn thản nhiên nói thẳng với tổng trấn đó: “Ông không có quyền gì đối với tôi, nếu Trời chẳng ban cho ông” (Ga 19:11).

Trình thuật Ðn 7:13-14 cho biết một trong những thị kiến ban đêm của ngôn sứ Đa-ni-en: “Tôi mải nhìn thì kìa: có ai như Con Người đang ngự giá mây trời mà đến. Người tiến lại gần bên Đấng Lão Thành và được dẫn đưa tới trình diện. Đấng Lão Thành trao cho Người quyền thống trị, vinh quang và vương vị; muôn người thuộc mọi dân tộc, quốc gia và ngôn ngữ đều phải phụng sự Người. Quyền thống trị của Người là quyền vĩnh cửu, không bao giờ mai một; vương quốc của Người sẽ chẳng hề suy vong”.

Chỉ có hai câu, ngắn gọn nhưng súc tích nói rõ về Vua Chân Lý, cũng là Hoàng Tử Bình An, Vua Công Lý, Vua Tình Yêu, Chúa Tể Càn Khôn. Nhưng có điều đặc biệt, Vị Vua này là Hoàng-Đế-ba-không: KHÔNG đăng quang, KHÔNG ngai vàng, và KHÔNG được tiền hô hậu ủng. Chắc chắn không một vị vua chúa nào “độc đáo” như Ngài và cũng không có uy quyền như Ngài. Thật hạnh phúc khi chúng ta được nhận biết Ngài và tôn thờ Ngài!

Thật vậy, tác giả Thánh Vịnh xác định: “Chúa là Vua hiển trị, Chúa mặc oai phong tựa cẩm bào, Người lấy dũng lực làm cân đai. Chúa thiết lập địa cầu, địa cầu không lay chuyển. Ngai vàng Chúa kiên cố tự ngàn xưa: Ngài hiện hữu tự muôn ngàn đời” (Tv 93:1-2). Vâng, quả nhiên là chúng ta không thể không chia sẻ với người khác khi chúng ta có một Đức Chúa như vậy, ngay cả những vật vô tri cũng chợt nhận biết và rồi chúng không thể im lặng: “Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa, không trung loan báo việc tay Người làm. Ngày qua mách bảo cho ngày tới, đêm này kể lại với đêm kia” (Tv 19:2-3).

Thiên Chúa là Đấng siêu việt nên mọi thứ khác bởi Ngài cũng hoàn toàn siêu việt: “Lạy Chúa, thánh chỉ Ngài thật là bền vững, nơi đền vàng rực lên toàn thánh thiện triền miên qua mọi thời” (Tv 93:5). Đó là một sự thật minh nhiên, vĩnh hằng, không ai có thể chối cãi. Nếu có ai chối bỏ thì chỉ là tự lừa dối chính họ mà thôi.

Thiên Chúa quan tâm chăm sóc các thụ tạo của Ngài rất chu đáo, Ngài muốn chúng ta đồng hưởng vinh quang với Ngài đời đời. Tuy nhiên, trước đó thì chúng ta được “thanh luyện” trên thế gian với quyền tự do mà Ngài đã ban cho chúng ta. Vâng, chúng ta được hoàn toàn tự do chứ hề không bị ép buộc.

Thánh Gioan viết thư gửi bảy Hội Thánh Axia và đề cập việc làm chứng nhân của Đức Giêsu Kitô: “Xin Đấng hiện có, đã cóđang đến, xin bảy thần khí hiện diện trước ngai của Người, xin Đức Giêsu Kitô là vị Chứng Nhân trung thành, là Trưởng Tử trong số những người từ cõi chết chỗi dậy, là Thủ Lãnh mọi vương đế trần gian, ban cho anh em ân sủng và bình an. Người đã yêu mến chúng ta và lấy MÁU mình RỬA SẠCH tội lỗi chúng ta, làm cho chúng ta trở thành vương quốc và hàng tư tế để phụng sự Thiên Chúa là Cha của Người: kính dâng Người vinh quang và uy quyền đến muôn thuở muôn đời. Amen!” (Kh 1:5-6). Thiên Vương Giêsu Kitô không “hét ra lửa” như các vua chúa trần gian, nhưng Ngài lại có uy tín hơn bất cứ ai. Ngài trị vì cả vũ trụ hữu hình và vô hình, nhưng Ngài lại làm gương là hy sinh vì tình yêu đến tận cùng, đến chết.

Lần thứ nhất Chúa Giêsu Kitô đến thế gian như “con chiên hiền lành bị đem đi làm thịt” (Gr 11:19) và với tư cách là Vua Thương Xót, nhưng Ngài đến thế gian lần thứ hai như một Thẩm Phán Công Bình và với cương vị là Vua Công Lý. Ngày ấy đang đến rất gần rồi!

Thánh Gioan cho biết cách Thiên Vương Giêsu quang lâm: “Kìa, Người ngự đến giữa đám mây. Ai nấy sẽ thấy Người, cả những kẻ đã đâm Người. Mọi dân trên mặt đất sẽ đấm ngực than khóc khi thấy Người. Đúng thế! Amen!” (Kh 1:7). Đấm ngực là biểu hiện lòng sám hối, nhưng nếu đấm ngực mà không ăn năn thì có đấm mạnh đến nỗi đau tức ngực cũng chỉ là vô ích. Biết chuẩn bị đón Ngài bằng cách “đấm ngực chân thành” ở mọi nơi và mọi lúc thì chúng ta sẽ được Thiên Chúa khoan hồng, thậm chí là tha bổng, cho trắng án. Không ai xa lạ, chính “tướng cướp khét tiếng” Dismas đã nên thánh nhờ được diễm phúc đó (x. Lc 23:43), đúng như lời Chúa Giêsu đã hứa: “Ai đến với tôi, tôi sẽ không loại ra ngoài” (Ga 6:37).

Thiên Chúa là tất cả, mọi điều không thể sẽ hóa thành có thể, chỉ cần chúng ta thành tâm mà khiêm nhường sám hối, chứ Ngài không cần lễ vật chi cả (). Thật vậy, Ngài đã xác định rạch ròi: “Ta là An-pha và Ô-mê-ga, là Đấng hiện có, đã có và đang đến, là Đấng Toàn Năng” (Kh 1:8). Nhưng đừng quên điều này: “Thiên Chúa không thiên vị ai (Gl 2:6; Cv 10:34) và cũng không vị nể ai (1 Pr 1:17a; Mt 22:16), cứ theo công việc mỗi người mà xét xử.

Trình thuật Ga 18:33b-37 cho thấy cảnh người ta phải công nhận Ngài là Vua, một Vị-Vua-ba-không.

Sau khi bọn thủ ác bắt Chúa Giêsu và điệu Ngài tới cho tổng trấn Philatô luận tội. Lúc ông ta trở vào dinh, cho gọi Chúa Giêsu và hỏi Ngài: “Ông có phải là vua dân Do-thái không?”. Ngài không trả lời mà thản nhiên hỏi lại: “Ngài tự ý nói điều ấy, hay những người khác đã nói với ngài về tôi?”. Ông Philatô nói rằng ông là người Do-thái, mà chính dân chúng và các thượng tế đã nộp Ngài cho ông ta. Rồi ông ta hỏi Chúa Giêsu: “Ông đã làm gì?”. Chúa Giêsu không trả lời thẳng mà trình bày lý luận: “Nước tôi không thuộc về thế gian này. Nếu Nước tôi thuộc về thế gian này, thuộc hạ của tôi đã chiến đấu không để tôi bị nộp cho người Do-thái. Nhưng thật ra Nước tôi không thuộc chốn này”.

Có lẽ ông Philatô gần giống như “vịt nghe sấm”, chưa hiểu hết ý của Chúa Giêsu nên ông ta phải hỏi lại: “Vậy ông là vua sao?”. Chúa Giêsu vẫn không xác nhận mà lại nói: “Chính ngài nói tôi là vua. Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này: làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi”. Ai cũng thích sự thật, nhưng không dễ “đứng về phía sự thật”. Tại sao? Vì SỰ THẬT luôn THẲNG THẮN. Thế nên người ta dễ a dua, vì không có lập trường, sợ bị “lẻ loi”, như người ta vẫn nói đùa mà thật: “Ai làm sao, tôi làm vậy; ai làm bậy, tôi làm theo!”. Phải thực sự can đảm mới có thể dám “đứng về phía sự thật”.

Sự thật vốn dĩ dễ khiến người ta mất lòng vì sự thật thường mang tính phũ phàng. Tuy nhiên, sự thật là chân lý, mà chân lý không thể bị bóp méo hoặc bị xuyên tạc, nhưng chân lý đó phải thực sự là sự thật – tức là chân-lý-thật, chứ không thể là sự thật giả tạo, được ngụy biện hoặc được dàn xếp. Chính chân-lý-thật mới có khả năng kỳ diệu, dạng sự thật mà Chúa Giêsu đã đề cập và xác định: “Sự thật sẽ giải phóng quý vị” (Ga 8:32).

Ước gì không một ai trong chúng ta “ngây thơ cụ” như ông Philatô đã hỏi Chúa Giêsu: “Sự thật là gì?” (Ga 18:38).

Mừng kính lễ Thiên Vương Giêsu Kitô là dịp để chúng ta xét mình một cách nghiêm túc hơn, xem mình đã thực sự là tín dân của Ngài hay chưa. Và xin được kể vài chuyện có thật đã xảy ra với những kẻ vô thần, dám coi thường Thiên Chúa:

1. John Lennon, ca sĩ của ban nhạc nổi tiếng The Beatles của Anh quốc. Trong lúc được tạp chí American Magazine phỏng vấn, John Lennon nói: “Thiên Chúa Giáo sẽ không còn, sẽ biến mất. Tôi không có gì phải tranh cãi về điều đó. Tôi chăc chắn như thế. Ông Giêsu thì được, nhưng những kẻ theo Ông thì quá ngây ngô! (Ý muốn nói là bị Ông Giêsu lừa gạt). Ngày nay, chúng tôi, ban nhạc The Beatles nổi tiếng hơn Ông Giêsu” (1966). Sau khi John Lennon tuyên bố lời trên đây, hắn bị bắn sáu lần. Không biết sau đó hắn có ăn năn hay không, nhưng mọi người biết rõ là The Beatles đã “chết”.

2. Một nhà báo hỏi người thiết lập chiêc tàu Titanic về sự an toàn của chiếc tàu, hắn nói: “Ngay cả Thượng Đế cũng không thể đánh chìm được nó”. Kết quả ra sao, mọi người đã biết rõ: Vỡ đôi vì tảng băng ngầm vào sáng ngày 15-4-1912 tại Bắc Đại Tây Dương!

3. Marilyn Monroe, diễn viên điện ảnh. Trong một xuất trình diễn, cô được Billy Graham đến thăm. Bill Graham nói rằng Chúa Thánh Thần sai ông đến để nói với cô. Nghe xong, Marilyn Monroe nói: “Tôi không cần Giêsu của ông”. Một tuần sau, người ta thấy xác Marilyn chết cô đơn trong một chung cư.

4. Năm 1954, sau khi chiếm miền Bắc, một toán công an cộng sản vào nhà dòng kín Bùi Chu lục soát. Khi đến Nhà Nguyện, lúc các nữ tu đang chầu Mình Thánh, một tên cộng sản lớn tiếng la lối: “Chúa của các người ở đâu?”. Nữ tu chỉ Nhà Tạm trên bàn thờ, tên này lấy súng mang trên người nhắm Nhà Tạm. Hắn bắn vỡ chén thánh và Mình Thánh Chúa đổ ra vương vãi. Bắn xong, hắn vẫn đứng yên, chĩa súng vào Nhà Tạm như muốn bắn tiếp. Các nữ tu vô cùng đau lòng vì Mình Thánh Chúa bị xúc phạm, nên quỳ xuống, van xin anh đừng bắn nữa, nhưng khi chạm đến anh, các nữ tu mới biết linh hồn hắn đã lià khỏi xác từ lúc nào rồi: Hắn chết đứng!

5. Năm 1963, sau khi Tổng thống Ngô Ðình Diệm bị một số tướng tá phản bội lật đổ, một số người bên lương tràn vào Tòa tỉnh trưởng Thừa Thiên (Huế), đập phá “tàn tích gia đình trị”. Khi thấy bức tượng Thánh Gioan Tẩy Giả, quan thầy của Tổng thống Diệm, một thanh niên trèo lên vác búa đập vỡ mặt mũi bức tượng, nhưng hắn bị trật chân ngã xuống và chết ngay lập tức. Sự kiện này xảy ra trước mắt nhiều người chứng kiến.

6. Voltaire là bác học nhưng lại chống Thiên Chúa và phá Hội Thánh Công Giáo rất quyết liệt. Không một lời gian dối và vu oan nào mà ông tởm gớm. Ông chiêu tập một nhóm lấy tên là “Beelzebub” (Bê-en-dê-bun, tên của tướng quỷ). Năm 1753, ông đã lên án Thiên Chúa: “Hai mươi năm nữa Thiên Chúa về hưu, vì không còn ai phục vụ Ngài”. Đúng hai mươi năm sau, năm 1773, Voltaire tắt thở vì chết thê thảm. Ông đã thấy những hình ảnh làm ông run sợ và hét lên: “Một bàn tay đang kéo tôi xa Thiên Chúa… Qủy bắt tôi… Tôi trông thấy hỏa ngục”. Ông tru tréo như thú vật hung dữ. Ông lấy móng tay cấu xé thịt mình ra từng miếng. Một bà già thường giúp người hấp hối, sau khi chứng kiến cái chết của Voltaire, đã nói: “Khi ấy tôi ở gần giường của Voltaire đang hấp hối, tôi không muốn nhìn thấy một người vô đạo chết nữa”. Một người khác chứng kiến cái chết của Voltaire cũng nói: “Nếu quỷ có thể chết được, cũng không chết dữ như Voltaire”.

Lạy Thiên Chúa, xin thêm lòng Tin Cậy Mến cho con, vì con yếu đuối lắm. Xin đừng để sóng đời cuốn trôi con theo hướng vô định. Xin Thần Khí Chúa định hướng tâm linh để con tin nhận Đức Giêsu Kitô là Vua cai trị đời con mà vui nhận mọi mệnh lệnh của Ngài – Đấng cứu độ nhân loại, Đấng hằng sinh và hằng hữu, hiển trị cùng với Chúa Cha, và hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời. Amen.

TRẦM THIÊN THU

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …