Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy Niệm Tin mừng Chúa nhật XII Thường niên, năm B, của LM Ernest Nguyễn Văn Hưởng

Suy Niệm Tin mừng Chúa nhật XII Thường niên, năm B, của LM Ernest Nguyễn Văn Hưởng

 

 

Trong bài Phúc Âm hôm nay, Chúa Giêsu ngồi trên thuyền để chứng tỏ quyền lực của Người trên sức mạnh thiên nhiên. Như thế, Chúa Giêsu không những giảng cho dân chúng nghe về uy quyền của Nước Thiên Chúa, Người còn thể hiện quyền đó để người ta thấy mà tin, thể hiện qua việc chữa lành, thể hiện qua việc làm bánh ra nhiều, thể hiện qua những lời giảng một cách có uy quyền.
Việc Chúa Giêsu khiến biển yên lặng như muốn nói với các Kitô hữu rằng : họ phải hoàn toàn tin tưởng vào Đức Kitô ngay cả khi chịu gian nan thử thách. Thái độ ngỡ ngàng sửng sốt trước điều lạ lùng thì chưa đủ. Kitô hữu phải là người được ơn hoán cải sâu thẳm trong nội tâm trước sự lạ lùng đó. 
Chúa Giêsu đã làm một việc mà Người đã nói tới đó là trở nên ngọn đèn sáng, ngọn đèn phải được để trên giá và soi sáng cho mọi người. Chúa Giêsu là ngọn đèn sáng, nhưng ngọn đèn chỉ có thể phát huy nhờ vào việc người nghe biết tiếp nhận ánh sáng của nó. Người nào tiếp nhận ánh sáng thì cũng giống như những hạt giống tốt, nó có thể nhân lên gấp ba mươi, gấp sáu mươi hoặc gấp một trăm. Tất cả tùy ở người nghe biết đón nhận và làm cho hạt giống được nảy nở. Người nghe tựa như thửa đất tốt trên đó hạt giống sinh hoa kết quả. 
Tác giả Tin Mừng như muốn nói với chúng ta là Kitô hữu rằng : Một khi biết Chúa Giêsu đã sống ở trần gian, đã chết nhưng đã sống lại, thì chúng ta phải hoàn toàn phó thác, tin tưởng vào Người khi trải qua mọi gian nan thử thách của cuộc đời. Thái độ ngỡ ngàng sửng sốt trước điều lạ lùng xảy đến trong đời sống hàng ngày mà thôi thì chưa đủ. Kitô hữu phải là người được ơn hoán cải sâu thẳm trong nội tâm. Lúc nào người đó cũng có thể đến với Chúa và phó thác bản thân cho Chúa để được bình an. 
Cuộc hoán cải ấy là cuộc hoán cải của Simon Phêrô và các bạn một khi nhận biết quyền năng của Thiên Chúa nơi Đức Giêsu Phục Sinh. Họ đã hy sinh cả mạng sống mình để phục vụ Nước Thiên Chúa. Họ đã thực sự trở nên cột trụ của Hội Thánh Chúa nhờ tin vào quyền năng của Thiên Chúa nơi Đức Giêsu. 
Người ta kể lại câu chuyện một sinh viên y khoa tên là Pedro Arrupe, người Tây Ban Nha, đi viếng trung tâm hành hương kính Đức Mẹ tại Lộ Đức. Ở đại học Madrid, người sinh viên này đã từng nghe các giáo sư vô thần nói về Lộ Đức như là nơi xuất phát ra những thứ mê tín dị đoan. Thế nhưng trong ba tháng ở tại Lộ đức, anh đã chứng kiến phép lạ và anh đã thực sự hoán cải. Anh thuật lại chuyện ấy như sau : “Đến lúc Đức Giám Mục sắp ban phép lành Mình Thánh cho chàng thanh niên bại liệt. Khi ấy chàng thanh niên nhìn thẳng mặt nhật đựng Mình Thánh Chúa. Đó xem ra là cách anh biểu lộ niềm tin của anh. Thế rồi khi Đức Giám Mục ban phép lành với dấu thánh giá, cậu thanh niên bại liệt liền chỗi dậy, ra khỏi xe lăn, hoàn toàn khỏi bại liệt ! 
Chàng thanh niên nói tiếp : « Nhờ có giấy phép đặc biệt, tôi được chứng kiến những xác minh tiếp theo để thấy quả thật, Chúa đã chữa lành người thanh niên. Tôi không thể nào diễn tả hết được những điều tôi cảm nhận và tâm trạng tôi lúc đó… Ba tháng sau đó tôi nhập Tập Viện Dòng Tên. Đó là ngày 15 tháng 1 năm 1927.” Pedro Arrupe suốt đời không bao giờ quên được phép lạ Chúa làm trước mắt anh. Vào ngày 22 tháng 5 1965, Pedro Arrupe được bầu làm Tổng Quyền thứ 29 Dòng Tên ở Nhật, 
Như thế, những người chứng kiến dấu lạ Chúa trở nên những người dấn thân hết mình để phục vụ Nước Thiên Chúa vì phép lạ Chúa làm không phải chỉ để thỏa mãn tính tò mò mà thôi nhưng còn là phục vụ cho Nước Thiên Chúa. 
Cuộc đời chúng ta cũng có thể nhìn thấy những dấu lạ. Vấn đề là chúng ta có nhìn ra những đấu lạ đó không ? Dấu lạ đó có khi là chính cuộc đời của mình. Tôi đã đảm nhiệm đời sống gia đình, đời sống tu cho đến ngày nay. So với nhiều người đây thực sự là chuyện lạ nhưng đối với tôi đó có là chuyện lạ không ? Nếu tôi thực sự sống đời thinh lặng, đi vào chiều sâu của đời sống nội tâm, phải chăng đó là dấu lạ trong thời đại bùng nổ thông tin ngày nay, trong thời đại mà người ta cho thấy càng nhiều thông tin càng nhiều hiệu quả.
Như thế chúng ta cần nhận ra sự hiện diện của Chúa nhất là trong những cơn gian nan thử thách nhất là khi thử thách ấy đến từ việc chúng ta theo Chúa. Khi chúng ta vượt qua những thử thách như vậy phải chăng nó trở nên phép lạ cho chúng ta. Nếu tôi có dịp ôn lại những năm vừa qua với biết bao biến cố tưởng chừng như không thể vượt qua nổi. Vậy mà chúng ta vượt qua được. Phải chăng đó là nhờ bàn tay Chúa nâng đỡ chở che.
Vì thế Thánh lễ hôm nay quả thật là thánh lễ tạ ơn. Tạ ơn vì chúng ta đã nhận được những ơn trực tiếp từ nơi Thiên Chúa. Tạ ơn vì nhiều khi ơn Chúa ban qua trung gian một con người, …
Tạ ơn không chỉ bằng lời nói. Nhiều khi nói nhiều lời tạ ơn lại là một cách vô ơn. Nói để xóa ơn, để không còn mang ơn nữa. Vì thế cách tạ ơn đúng đắn của chúng ta là phải diễn tả trong đời sống lời tạ ơn đó. Đối với Chúa, đời sống tạ ơn là đời sống kết hợp với Chúa, vâng nghe theo Lời Chúa. Đồng thời đối với những người làm ơn cho chúng ta, chúng ta dùng đời sống phục vụ của mình để tạ ơn. Phải chăng sống được cuộc đời như vậy là một phép lạ. Phép lạ ấy có sức làm cho người khác tin vào Chúa. Nói khác đi, đó là đời sống truyền giáo.

LM Ernest Nguyễn Văn Hưởng

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …