Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin mừng Chúa nhật 4 Mùa Chay, năm C, của Lm Giuse Đỗ văn Thụy

Suy niệm Tin mừng Chúa nhật 4 Mùa Chay, năm C, của Lm Giuse Đỗ văn Thụy

Dụ ngôn “Người con Hoang Đàng” 

I. MỘT TÍN HIỆU KHÔNG VUI

h5_resizeTừ ngoài đồng về, người con cả nổi giận, không chịu vào nhà, và người cha đã phải ra tận nơi để năn nỉ cậu.

Hai giả định được đặt ra ở đây :

  • Cậu hai có vào nhà không ?
  • Vào hay không vào, đàng nào tốt hơn ?
  1. Giả định một : không vào nhà, để rồi lại bỏ nhà ra đi.

Có người cho rằng anh không chịu vào nhà.

Anh không chịu vào, vì  anh không thể tha thứ cho người em.

Anh không chịu vào, vì sợ quyền lợi của anh bị xâm phạm, bị chia sẻ.

Anh không chịu vào, vì anh không hiểu được tấm lòng của người cha.

Hơn nữa, anh còn kết án người cha.

Anh kết án cha bất công và keo kiệt.

Kết án cha bất công khi anh nói: Cha coi, thằng con của cha đó, một thằng ăn chơi đàng điếm trở về thì cha lại ăn mừng.

Kết án cha keo kiệt khi anh phàn nàn: Cha chẳng cho con lấy một con dê con để vui với bạn bè, còn giờ đây cha lại cho giết cả một con bê béo để mừng thằng con bất hiếu trở về. Như vậy đủ lý do để chúng ta kết luận: Người con cả bỏ nhà ra đi.

Người con cả bỏ nhà ra đi,

nói lên “niềm vui của Thiên Chúa, hình như không có lúc nào được trọn vẹn

khi ở giữa Dân Người”

Một kết thúc làm cho chúng ta suy nghĩ :

Thiên Chúa là như thế đó,

nỗi khỗ tâm của Thiên Chúa là như thế đó.

  1. Giả định hai : Người con cả vào nhà và ở lại với người cha.

Một kết luận xem ra có hậu, nhưng thực sự có hậu không ?

Chúng ta trở lại với người con thứ, người con hoang đàng trong dụ ngôn.

Từ khi người con hoang đàng trở về, mọi sự đều thay đổi.

Những người làm công yêu cậu chủ,

yêu cậu chủ rồi yêu luôn cả công việc cậu chủ giao phó.

Vì yêu cậu chủ, nên yêu luôn cả ông chủ, vì khám phá ra lòng nhân hậu của ông chủ mà suốt cả bao năm dưới quyền người con cả, họ không thấy được điều đó.

Từ đây, những người làm công có một cái nhìn so sánh giữa người con thứ và người con cả.

Họ càng thương người con thứ bao nhiêu thì lại càng hận người con cả bấy nhiêu.

Đứng trước tình cảnh đó, người con cả sẽ phản ứng ra rao  ?

Liệu anh có thể kiềm chế được tính ghen tương đã nằm sâu trong lòng cậu không ?

Thật vô cùng khó !

Vì lúc đầu, chỉ có người cha vui mừng vì cậu em trở về mà anh đã tức điên lên rồi, phương chi, giờ đây người cha vui mừng không những vì cậu em trở về, mà cả những người làm công cũng trở thành những người con trong nhà, được hưởng những quyền lợi như một người con trong gia đình.

Như vậy, chắc chắn sự ghen tương sẽ bùng nổ và chúng ta biết hậu quả của ghen tương sẽ dẫn tới đâu.

Chuyện xảy ra vào thế kỷ 16 tại Ấn Độ:

Trong triều đình có hai viên quan, mỗi người một tính xấu.

Một người thì ganh tị, một người thì tham lam.

Ngày kia, nhà vua có một sáng kiến để sửa đổi những tính xấu đó.

Nhà vua cho triệu hai viên quan vào triều đình, cho biết sẽ trọng thưởng họ vì đã phục vụ lâu năm.

Hai ông có thể xin gì tùy thích,

nhưng người đầu tiên mở miệng xin, chỉ được những gì mình muốn.

Còn người thứ hai sẽ được gấp đôi.

Những giây phút nặng nề trôi nhưng không ai mở miệng trước.

Người tham lam nghĩ trong lòng rằng nếu tôi nói trước, tôi sẽ được ít hơn người kia.

Còn người ganh tị lý luận: thà tôi không được gì còn hơn mở miệng nói trước, để người kia được gấp đôi.

Vì thế không ai muốn lên tiếng trước.

Cuối cùng, nhà vua phải đề nghị người ganh tị nói trước.

Người ganh tị lẩm nhẩm: thà không được gì còn hơn để tên tham lam được gấp đôi, nên ông tâu với vua: tôi xin chặt đứt một cánh tay. Ông ta sung sướng với ý nghĩ: người tham lam sẽ bị chặt hai cánh tay.

Thật là ngớ ngẩn ! Hại ai không hại, lại hại chính thân mình. Kẻ ganh tỵ là như thế đó.

II. ĐIỂM DỪNG CỦA DỤ NGÔN

“NGƯỜI CON HOANG ĐÀNG” TRONG TIN MỪNG

Sau buổi tiệc hôm đó, cuộc sống của người con thứ sẽ ra sao ?

Phải chăng lại âm thầm tiếp tục như những ngày tháng trước khi bỏ nhà ra đi ?

Phải chăng câu chuyện dừng lại ở đây ?

Để trả lời câu hỏi này, chúng ta hãy đọc lại quyết tâm của cậu ta:

“Thôi ta đứng lên, đi về cùng cha và thưa với người :

“Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng được gọi là con cha nữa. Xin coi con như một người làm công cho cha thôi”

Một lời cầu xin ân huệ và cũng là một quyết tâm:

“Xin coi con như một người làm công cho cha thôi”.

Trở về và được phục vụ cha như một người làm công, được như thế cũng là mãn nguyện rồi.

Thế là từ nay các quyền lợi, các ưu đãi dành cho một người con trong nhà, anh không dám nghĩ tới nữa. Giờ đây chỉ còn một việc phải làm là phục vụ và phục vụ hết mình.

Quyết tâm này không những làm người cha xúc động, mà nó còn mang một ý nghĩa vô cùng lớn đối với những người làm công.

Với bao chua cay đau xót,

với bao tủi hổ ê chề, khi phải đi chăn heo cho người ngoại bang,

nhờ đó mà giờ đây anh có một cái nhìn khác về cuộc sống.

Nơi nhà cha cậu,

cậu luôn sát cánh bên cạnh những người làm công.

Cậu ân cần thăm hỏi từng người một.

Cậu đồng cảm với những hành vi, trong mỗi cái nhìn, cũng như những phản ứng của những người làm công. 

Nhất là cậu giúp những người làm công tìm được một ý nghĩa, một niềm vui trong cuộc sống.

Cuối năm đó tính sổ lại, người cha vô cùng ngạc nhiên,

tại sao cũng một thời gian như nhau,

với một số người làm công như nhau, mà hoa lợi lại tăng nhiều như vậy.

Người cha khám phá ra rằng: chính là do cậu chủ.

Cậu chủ thương mến những người làm công,

Và những người làm công thương mến cậu chủ.

Trước đây, khi làm việc,

những người làm công chỉ mong cho mau hết ngày để tính công,

nhưng giờ đây, họ cố làm cho hết việc chớ không phải hết giờ.

Và với số hoa lợi bỗng nhiên dư ra như vậy,

ông chủ lại chia sẻ cho những người làm công.

Được quan tâm,

được nâng đỡ, những người làm công lại mến chủ hơn.

Càng mến chủ, họ lại càng làm việc tích cực hơn,

và cứ như thế, ông chủ càng ngày càng vui hơn.

Vui hơn không phải vì tài sản càng ngày càng lớn hơn,

nhưng vui hơn, vì giờ đây,

nhờ chính đứa con đi hoang trở về,

anh đã cảm hóa, anh đã biến đổi

những người làm công trở thành những người con thực sự trong gia đình của người cha.

Đây mới là điểm dừng của dụ ngôn “người con hoang đàng”. Amen.

Lm Giuse Đỗ văn Thụy

 

Xem thêm

Ga 15,9-17b

Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật VI Phục Sinh, Năm B, của Lm Giuse Đỗ Văn Thụy

CN 6B PS Giới Răn Mới (Ga 15,9-17) I.TÀI LIỆU GỢI Ý Giới Răn Mới …