Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin mừng Chúa nhật 32 Thường niên, năm B, của Lm Ernest Nguễn Văn Hưởng

Suy niệm Tin mừng Chúa nhật 32 Thường niên, năm B, của Lm Ernest Nguễn Văn Hưởng

 

(Mc 12, 38-44)

 

h2Hằng ngày khi đi trên đường phố chúng ta gặp không biết bao nhiêu người nghèo. Đồng thời những thông tin trên báo chí cũng cho thấy tại nhiều vùng trong nước Việt Nam, không thiếu những người nghèo có thu nhập hằng tháng rất kém. Thế nhưng qua báo chí, chúng ta cũng thấy có những người rất nghèo nhưng lại rất giàu tình thương, giàu can đảm. Có những người chết vì muốn cứu người khác khỏi chết. Thành ra cách đánh giá nghèo giàu chỉ qua thu nhập tức là số tiền thu được hằng tháng thì xem ra chưa đủ. Có cách đánh giá nghèo giàu theo kiểu khác và với cách đánh giá nầy có khi người giàu trở nên nghèo và người nghèo trở nên giàu. Đó là cách đánh giá của Chúa Giêsu trong bài Phúc âm hôm nay.

Khi nghe các bài Kinh thánh trong Chúa Nhật hôm nay chúng ta thấy người nghèo là điểm gặp nhau giữa bài đọc I và bài Phúc âm. Bài đọc 1 với khuôn mặt người phụ nữ Sarepta và bài Phúc âm với bà goá đang lên đền thờ cầu nguyện. Cả hai đều nghèo. Thực ra trong xã hội Do thái, chỉ nguyên rơi vào tình trạng goá bụa là đã rơi vào tình trạng nghèo. Một phụ nữ mất chồng cũng có nghĩa là mất nơi nương tựa và trở thành kẻ cô thân cô thế trong xã hội. Chính vì thế mà các goá bụa thường được xếp chung với trẻ mồ côi và khách kiều cư, những người dễ bị hà hiếp. 

Bài đọc thứ nhất cho thấy, khi Tiên tri Elia gặp bà goá Sarepta, bà đang trong tình cảnh tuyệt vọng, không còn tương lai vì bà đi “nhặt vài que củi về nướng chiếc bánh cuối cùng cho con ăn rồi chờ chết đói”. Còn tình trạng của bà goá mà Chúa Giêsu nhắc tới trong bài Phúc âm cũng không khá hơn bao nhiêu. Bà đã bỏ vào hòm tiền của đền thờ tất cả những gì bà có để nuôi thân và số tiền đó lại chẳng đáng là bao. 

Tương phản với cái nghèo tột cùng của các bà goá là sự phong phú giàu có của các người giàu. Kẻ nghèo thì nghèo đủ thứ, còn người giàu thì lại giàu đủ mặt. Giàu của cải, vật chất, lại còn giàu cả quyền thế. Đi đến đâu cũng được thiên hạ bái chào, giàu cả danh giá vì luôn được ngồi ghế nhất trong hội đường và đám tiệc như các luật sĩ.

Tuy nhiên, đối với Thiên Chúa thì hình như Ngài ưa những điều nghịch lý. Điều đó được chứng minh qua Đức Giêsu nhập thể. Người là Thiên Chúa giàu có đã nên nghèo khó. Người là vị Thiên Chúa toàn năng đã trở nên yếu đuối. Yếu đuối và nghèo khó nhưng thực ra lại có tâm hồn hết sức bao la, rộng mở cho mọi người. Thiên Chúa không từ chối điều gì với con người vì Đức Giêsu đã ban chính mình Người, ban chính mạng sống Người cho nhân loại. 

Vậy thì những ai nghèo mà có tâm hồn rộng mở thì giống với Đức Giêsu nhất. Đó chính là trường hợp của các bà góa nghèo trong các bài Kinh thánh hôm nay. Chính những người nghèo đó lại là những người giàu có nhất bởi vì dù nghèo về của cải vật chất nhưng lại có tâm hồn rộng mở. Đó là những người chỉ còn có tấm bánh cuối cùng cho sự sống nhưng vẫn dám cho đi, chỉ còn có một đồng xu dính túi mà vẫn không ngại dâng hiến tất cả. Cách làm của các bà goá nghèo cho thấy thế nào là sống hoàn toàn lệ thuộc vào Thiên Chúa. Họ đã trở nên gương mẫu cho những ai đặt trọn niềm tin nơi Thiên Chúa và chỉ khi nào cho đi như thế, thì người ta mới trở nên giống với Đức Kitô, và thực sự là người giàu có trước mặt Thiên Chúa. Bà góa Sarepta tiếp tục sống với hũ bột không cạn và bình dầu không vơi. Còn bà chỉ có tài sản là 2 đồng tiền lại được Chúa Giêsu khen ngợi là đã dâng cho Chúa nhiều nhất vì đã dâng hiến cả sự sống của mình.

Như thế phẩm tính đời sống con người và nhất là lòng đạo đức không thể được thẩm định bằng cách sống hình thức bên ngoài nhưng chính là bằng sự cố gắng và thành tâm bên trong. Chính Chúa Giêsu đã dạy: “Không phải kẻ chỉ kêu lạy Chúa mà vào được nước thiên đàng, nhưng là kẻ thực thi Thánh ý Chúa” (Mt 7,21). Vì thực thi Thánh ý Chúa mới là yêu mến Chúa thật: “Ai yêu mến Ta thì tuân giữ giới luật Ta” (Ga 14, 05). Trước mặt Thiên Chúa, những kẻ tự hào là giàu sang có khi chỉ là những kẻ đáng trách, bởi vì giàu có của cải nhưng lại nghèo tấm lòng, nên sự dâng cúng hay việc gọi là giữ đạo của họ chỉ còn là những nghi thức không hồn. Tệ hơn nữa nhiều khi lại còn trở thành phương thế trục lợi. 

Bậc thang giá trị của Thiên Chúa khác với con người. Con người nhiều khi dựa vào tài sản vật chất để đánh giá giàu hay nghèo còn bậc thang giá trị của Thiên Chúa lại khác. Thiên Chúa là Đấng sung mãn vô biên. Ngài không thiếu thốn nên không cần nhờ con người lấp đầy sự thiếu thốn của Ngài. Điều Thiên Chúa mong đợi chính là tấm lòng, là tình yêu mà con người tự nguyện hiến dâng.

Như thế Lời Chúa hôm nay dạy chúng ta điều mà người ta thường nói đó là tri hành hợp nhất tức là lời nói phải đi đôi với việc làm. Nhiều khi chúng ta khuyên bảo người khác hay làm việc bác ái mà thực chất trong lòng chúng ta không như vậy. Chúng ta nói mà không làm hay chúng ta làm những việc xem ra như bác ái mà thực chất lại đi tìm lợi lộc hay danh thơm tiếng tốt cho mình hay chỉ đơn giản là cho người khác cái chúng ta không còn xử dụng nữa, cho cái chỉ làm chật tủ, chật nhà chúng ta. Nhiều khi chúng ta lên án hay nói mạnh vấn đề nào thì chỉ vì khuynh hướng về nết xấu đó quá mạnh trong chúng ta. Như thế chúng ta đã đi vào đời sống giả hình mà không biết.

Qua Bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu đến với mỗi chúng ta qua dấu chỉ rất khiêm tốn là tấm bánh và chén rượu, nhưng lại chan chứa tình yêu dâng hiến. Đó là lời Chúa Giêsu kêu gọi mỗi người chúng ta. Tin Mừng thường xuyên làm đảo lộn bậc thang giá trị quen thuộc trong cuộc sống con người và mời gọi mỗi chúng ta trở về với cái thật của mình, làm nền móng cho mối quan hệ đích thật giữa con người với Thiên Chúa cũng như giữa con người với nhau. 

Vì thế hãy đến với Thiên Chúa và với nhau như hai bà goá trong các bài Kinh thánh hôm nay : đến với toàn thể con người, đến với hết cả tâm hồn, đến với lòng mến yêu nồng nàn nhất. Và điều đó làm cho công việc chúng ta làm hay những quà tặng lớn nhỏ của chúng ta chất chứa một giá trị đặc biệt trước mặt Thiên Chúa và là những hạt mầm xây dựng hạnh phúc vĩnh cửu cho mai sau.

Kinh thánh cho biết con người thì nhìn thấy bộ dạng bên ngoài, còn Thiên Chúa thì nhìn thấy tận cõi lòng. Vì thế xin Chúa giúp chúng ta biết sống thật vì chính đời sống ấy mới có giá trị trước mặt Thiên Chúa.

Lm Ernest Nguễn Văn Hưởng

 

Xem thêm

20-1-2025 10-55-07 AM

Lời Chúa – Thứ Hai Tuần II Thường Niên Năm C | 20/01/2025

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN