Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin mừng Chúa nhật 27 TNA của P.Trần Đình Phan Tiến

Suy niệm Tin mừng Chúa nhật 27 TNA của P.Trần Đình Phan Tiến

 

(Mt 21, 33- 43)

CHÚA GIÊSU ĐỨNG TRÊN MỌI QUYỀN LỰC

Thưa quý vị, thưa các bạn, Tin Mừng Chúa Nhật XXVII TN A hôm nay (Mt 21, 33-43) rất thú vị, dù nội dung dụ ngôn thật bất nhân, mang tính bất lương, mất nhân tính. Nhưng câu kết của Đoạn Tin Mừng hôm nay là một đoạn kết có hậu, đầy tràn sự nhân đạo, ôn hòa. Vì sao, thưa quý vị? Thưa vì, “CHÚA GIÊSU- ĐẤNG CỨU THẾ, ĐỨNG TRÊN MỌI QUYỀN LỰC”.

Theo đó, Đoạn Tin Mừng hôm nay, tuy có 11 câu, nhưng có thể chia làm 3 phần:

–         Phần 1: Nội dung dụ ngôn “Dụ ngôn vườn nho và những tên tá điền ác nhân“ (Mt 21, 33- 39)

–         Phần 2:  Vấn đề Chúa Giêsu đặt ra và sự trả lời của người Do-thai (Mt 21, 40 – 41)

–         Phần 3: Sự trả lời của Chúa Giêsu và ý nghĩa nhân hậu của vấn đề (Mt 21, 42 -43)

Như vậy, ý nghĩa đoạn Tin Mừng hôm nay cho chúng ta một bài học vô cùng cao siêu từ Thiên Chúa là Cha nhân hậu, giàu lòng xót thương, nhưng không nhu nhược. Bởi vì, Người đứng trên mọi quyền lực. Điều đó được biểu lộ tại câu 43 của Tin Mừng thánh Mat-thêu.

Qua đoạn nầy, chúng ta xem lại các đoạn (Mc 12, 1- 12 ); (Lc 20, 9-19), sẽ thấy điểm khác biệt của Tin Mừng Matthêu, thánh Mat-thêu thường sử dụng từ “Gia Chủ“ để chỉ về Thiên Chúa. Đây là từ ngữ được đặc trưng cho Matthêu, hầu đề cập đến một Nước Thiên Chúa siêu nhiên.

Khởi đi từ bài đọc I (Is 5, 1- 7), chúng ta thấy Thiên Chúa nhân từ yêu thương dân tộc Israel, chi họ Giu-đa. Hình ảnh vườn nho là một sự thân thương, một hoạt cảnh thiết thực trong đời sống dân Do-thai, được Thiên Chúa yêu thương, săn sóc, vỗ về.

Bài đọc II thánh Phao-lô (Pl 4, 6 – 9) chỉ dạy cho chúng ta biết, chúng ta đừng lo lắng, nhưng hãy cậy trông tin tưởng vào Thiên Chúa, vì bình an của Thiên Chúa vượt lên trên tất cả, sẽ dẫn đưa chúng ta đến với Đức Kitô – Giêsu. Vì những điều tốt là những điểm cần chú ý và đã được nhìn thấy từ thánh nhân thì nên thực thi.

Trở về Đoạn Tin Mừng hôm nay, tại câu 34, thánh Matthêu cho chúng ta thấy, Nước Thiên Chúa đang đến gần: “Gần đến mùa hái nho, ông cho đầy tớ đến gặp các tá điền để thu hoa lợi” (c34). Qua câu nầy, thánh Matthêu đã dùng một mệnh đề tạo hình dáng cho người đọc thấy được đặc tính Nước Thiên Chúa sắp đến gần. Điều nầy sẽ xuất hiện ở câu 43 là câu mấu chốt của vấn đề. Ở câu 35; Đánh đập các đầy tớ, đánh người nầy, giết người kia, thật là sát nhân. Điều nầy theo nghĩa bóng là giết hại các tiên tri, bất chấp sự giáo huấn của họ. Nhưng theo nghĩa đen, thì cảnh tượng nầy chính là nằm ở lòng tham của phàm nhân. Chúng ta thấy, hình ảnh nầy, theo nghĩa đen thì không xa lạ gì với tâm trạng tội lỗi của nhân loại. Người làm công và tá điền cũng thường dấy lên để chống lại chủ. Tuy nhiên cũng có những chủ nhân bất công, hà khắc, nhưng cũng có những chủ nhân tốt. Dù sao, tâm lý tá điền và người làm công, nếu như không có nhân đức, thì lòng tham dễ nổi lên. Thánh Matthêu đã đưa thêm vào so với Mc và Lc, là giết người và ném đá điểm nầy. Câu 36 -37, chúng ta thấy thánh Matthêu đã tóm tắt của Mc, loại bỏ tính từ “được yêu thương” dành cho “Người Con“ của ông chủ“… Ông sai chính con trai mình đến gặp chúng, vì nghĩ rằng: “chúng sẽ nể con ta” (c 37). Nhưng khi bọn tá điền vừa trông thấy người con trai thì hè nhau nói: “Nào đây, là đứa thừa tự đây rồi!”. “Chúng ta giết quách cho xong, và chiếm đoạt gia tài nó” (c 38 ). Và rồi chúng cũng giết luôn người con trai của ông chủ (c 39). Như vậy, chúng ta thấy sự tàn ác theo nghĩa đen là do của cải vật chất, sự ganh tỵ, sự ích kỷ, sự tàn ác chính là hệ quả của lòng tham.

Ở câu 39 thánh Matthêu đã đưa vào một ngụ ý là Chúa Giêsu sẽ chịu “tử nạn“ ở bên ngoài thành Giêrusalem “quăng ra bên ngoài vườn nho và giết đi”.

Câu 40 – 41, Matthêuu cho thấy cuộc đối thoại mà trong đó sự trả lời gay gắt, mạnh mẽ của các kinh sư, nhằm lên án sự ác nhân, thất đức của các tá điền bất lương. Chính là những hành động của dân Israel đã hành động đối với Thiên Chúa là Ông Chủ của họ. Về mặt nhân bản tự nhiên, khi nghe câu chuyện như vậy, con người vẫn tỏ thái độ phán xét vội vàng, tưởng chứng như một quan tòa chí công.Khi phàm nhân nghe thấy, hoặc chứng kiến một sự thiếu công bằng nào đó, họ dễ nổi giận ngay và đưa ra một “phán quyết”, nhưng Thiên Chúa thì không “trả đũa”.

Nhưng ở câu 42, được trích từ Thánh Vịnh 118, 22- 23, được Chúa Giêsu dùng để bảo họ. Các ông chưa từng bao giờ đọc câu nầy trong Kinh Thánh sao?: ta”. “Tảng đá bị thợ xây nhà loại bỏ, lại trở nên đá tảng góc tường. Đó chính là công trình của Chúa, công trình kỳ diệu trước mắt chúng ta”. Nhưng quan trọng là ở câu 43. “Bởi đó, Tôi nói cho các ông hay: Nước Thiên Chúa, Thiên Chúa sẽ lấy đi không cho các ông nữa, mà ban cho một dân biết làm cho Nước ấy sinh hoa lợi” (c 43).

Ý nầy chính là sự đóng góp quan trọng của thánh Matthêu, làm cho phần giải thích của dụ ngôn “vườn nho và những tá điền bất nhân” nầy thêm phong phú, nhằm hé mở ra một ngụ ý về lịch sử cứu độ của Thiên Chúa qua Đấng Cứu Thế. Những người được sai đến là các tiên tri, ngôn sứ, nhưng đều bị người Israel giết hại , cuối cùng lên đến cực điểm là chính Chúa “GIÊSU”, với tư cách là “người con trai“.

“Nước Thiên Chúa” có thể được hiểu như là một điều gì đó như một sở hữu hiện tại của sự bảo bọc và ân sũng bởi Thiên Chúa, nhưng những động từ ở quá khứ và tương lai có thể làm cho câu nầy trở nên một ý nghĩa như một “Lời Hứa” ban phước vào ngày thế mạt hco mọi dân tộc. Theo đó, nơi Thiên Chúa không có sự trừng phạt nào, bởi đã có Chính Đấng Cứu Chuộc. Điều nầy có thể được minh định bởi câu nói của Chúa Giêsu: “Ta đến không phải để lên án thế gian. Nhưng để cứu chuộc thế gian. Hầu thế gian nhờ Ta mà được sống. Sống dồi dào và sung mãn” (Ga 3, 17); ( Ga 12, 47); ( Ga 10, 10).

Từ “dân“ (c 43) ở đây chỉ Giáo Hội, được Matthêu đưa lên như là sự mở màn cho những người Israel có lòng tin và những người cải tà qui chánh, qui hồi về niềm tin, thức tỉnh, giác ngộ. Nhận ra Đức Kitô là Đấng Cứu Chuộc duy nhất. Những ai mà cùng nhau xây dựng dân tộc mới của Thiên Chúa. Như vậy, Giáo Hội Công Gíao là một tiêu biểu, một sự cứu độ phổ quát cho hết mọi người, đó là dân Do-thái thực thụ. (không hiểu như nghĩa đen).

Theo đó, sự kết luận của đoạn Tin Mừng hôm nay, thì ôn hòa hơn là nội dụng dụ ngôn. Nói cách khác là đoạn kết có hậu. Thiên Chúa không tiêu diệt kẻ gian ác, nhưng “Lời Hứa”  bị lấy đi ban cho người khác. Đó là cách xử lý của Thiên Chúa, còn chúng ta thì sao?

Lạy Chúa Giêsu, Đấng cứu độ trần gian,là Đấng chính Chúa Cha sai đến, Chúa là Đấng đứng trên hết mọi quyền lực. Nơi Chúa không có sự thua cuộc, không có hận thù, chỉ có tha thứ và yêu thương, vì đó là NƯỚC THIÊN CHÚA, nhưng Chúa sẽ lấy lại, nếu như kẻ lãnh nhận bất xứng, chứ Chúa không tiêu diệt. Vì sự trừng phạt của Chúa, chính là thu hồi “ân sủng” là “Lời Hứa “ yêu thương ngọt ngào như sữa và mật ong. Xin thương ban cho con người biết nhận ra chân lý ấy mà sám hối ăn năn, hầu đáng lãnh nhận ơn tha thứ./. Amen.

05/10/2014

P.Trần Đình Phan Tiến

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …