Home / Chia Sẻ / Sự chết

Sự chết

 

Mỗi lần tham dự thánh lễ an táng của một ai đó, anh bạn tôi thường hỏi thăm – Tại sao chết? chết cách nào?. Câu trả lời đại loại như: Chết bệnh, chết vì tai nạn, chết vì  bất cẩn.vv… Dù chết bằng cách nào, anh bạn tôi cũng thầm mừng cho người chết, vì đã vượt qua được cái chết.

Người xưa đã nói: Sinh- lão- bệnh- tử và cho đó là quy luật, nhưng cũng có thể  chưa lão chưa bệnh mà đã tử. Ngày nay với những máy móc, xe cộ con người có những cái “tử” còn ghê gớm hơn nhiều, cả về số lượng và mức độ đau thương.

Những cái chết nhiều người.

Sự kiện ngày 11/9/2001, cả thế giới đã biết, trong vòng vài tiếng đồng hồ, đã có hơn 3500 người chết với đủ mọi cách: chết cháy, chết do ngạt khói, chết do tường đè, do nhảy xuống từ cửa sổ với hy vọng sống mong manh.

Năm 2004, một trận sóng thần ở Inđônêxia kéo dài đến Ấn Độ đã làm chết khoảng 230.000 người.

Năm 2011 sóng thần tại Nhật Bản cũng đã làm chết nhanh chóng 20.000 người,

Các tai nạn tàu bay, tai nạn xe cộ cũng đã làm chết rất nhiều người.

Tất cả cái chết trên đều rất đau thương.

Những cái chết lãng.

Có người chết do hóc xương gà: Bị xương gà ghim vào cuống họng và không chữa trị kịp thời, cuống họng sưng lên làm tắc đường thở.

Chết do nín tiểu: Ngồi xe nhiều giờ liền khiến bàng quang căng cùng với bước xuống xe hơi cao làm bàng quang bị ép và vỡ. và còn nhiều cách chết lãng khác.

Giờ chết.

Ngày nay người ta có thể biết được giờ sinh nhưng giờ tử thì chưa, trừ tự tử.

Tôi biết có ông 14 năm bệnh liệt giường đến nỗi người hàng xóm không biết là có sự hiện diện của ông trong nhà. Ông rất mong được chết, nhưng chết bằng cách nào đây khi ngày giờ chưa đến.

Chuyện khác. Người em họ của tôi, sau khi đự đám cưới về, không say xỉn, còn nằm hát ru cho con ngủ, khi vợ không thấy chồng hát nữa thì  la mắng “Lại ngủ, lỡ con té thì sao” Chạy lên xem thì hỡi ơi: Người em tôi đã chết.

Lo lắng cho sự chết.

Trên các trang mạng đăng tải tin tức và hình ảnh những cái chết rất đau đớn. Một người bị xe cán qua người, từ bụng trở xuống nát bét, từ bụng trở lên vẫn còn sống (đôi tay còn cử động). Một người khác nằm ngủ trưa dưới gầm xe lu (Xe lăn đường bánh sắt), một chiếc xe  lu khác vô tình đụng phải làm bánh xe chuyển dịch và cán lên người nằm ngủ.

Sự chết với người Công giáo.

Kinh thường ngày: Lạy Chúa tôi, Chúa tôi định cho tôi phải chết giờ nào cách nào và trong giờ chết tôi phải chịu phiền sầu đau đớn khốn cực bao nhiêu, thì nay tôi xin dâng cho Chúa tôi và vâng chịu như làm vậy.

Thứ sáu Tuần thánh, kỷ niệm Chúa chịu chết. Đứng trước cái chết, dầu là Con Thiên Chúa, Đức Giêsu vẫn lo lắng buồn sầu đau đớn. Không phải vì Ngài hèn nhát trước cái chết, nhưng vì tình yêu Ngài chịu mọi đau đớn khốn cực, tủi nhục để  được đền vì tội lỗi  do con người chúng ta gây ra.

Con người chúng ta ai cũng phải chết, không chỉ người có tuổi mới lo cho sự chết, mà tất cả già trẻ, gái trai đều phải suy niệm hàng ngày. Sự chết của chúng ta đã được Đức Giêsu Cứu Chuộc. Chúng ta chỉ chết đi phần xác tức là chúng ta bước qua sự sống mới, hoàn toàn khác lạ, nơi ấy không bao giờ có sự chết.

Lạy Chúa Giêsu Kitô, Chúa đã dùng Thánh giá mà chết thay cho chúng con. Chúng con cảm tạ Chúa.

Xin cho chúng con can đảm bước qua cái chết phần xác hay hư nát này để bước vào sự sống đời đời nơi có Đức Maria, Thánh cả Giuse và toàn thể các thánh. Amen.

Tôma Đỗ Lộc Sơn

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Xem thêm

20-1-2025 10-55-07 AM

Lời Chúa – Thứ Hai Tuần II Thường Niên Năm C | 20/01/2025

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN