Home / Chia Sẻ / PHÂN ĐỊNH THẦN KHÍ TRONG ĐỜI TU (BÀI 1)

PHÂN ĐỊNH THẦN KHÍ TRONG ĐỜI TU (BÀI 1)

 

BÀI 1: DẪN NHẬP

 

H2aCuộc đời của mỗi chúng ta là một hành trình đi về phía trước. Cuộc sống phía trước muôn hình vạn trạng, có nhiều thứ đòi ta phải chọn lựa để sinh tồn… Nếu ta chọn đúng thì có thể ta hành động đúng, còn nếu ta chọn sai thì không thể hành động đúng được. Có những chọn lựa làm cho nhân cách và uy tín của ta trở nên tốt; cũng có những lựa chọn làm cho nhân phẩm của ta đi xuống; lại có những lựa chọn dẫn đến sai sót không đáng kể; nhưng có những lựa chọn đem lại hậu quả xấu khôn lường. Chọn sai một nghề, có thể làm lại. Đi sai đường có thể quay đầu và chuyển hướng đúng… Nhưng chọn một lý tưởng, một quan điểm sai để tiến bước thì có khi cả cuộc đời và đến khi nhắm mắt xuôi tay ta hối hận cũng không hết.

Trong đời sống tâm linh, việc chọn lựa là rất quan trọng. Tại sao vậy? Thưa! Vì nó đụng tới tận căn, gốc rễ của vấn đề. Cũng vậy, việc chọn Chúa và đi theo Chúa là một lựa chọn căn bản của mọi lựa chọn khác. Khi đã chọn Chúa làm gia nghiệp, nền tảng, ta có nguồn hy vọng hướng Thiện qua các chọn lựa kế tiếp, bởi vì các chọn lựa tiếp theo đều được xây dựng trên nền tảng khai nguyên này. Do đó, như một sự thất bại thê thảm nếu mọi suy nghĩ, hành động không do lý tưởng trên khai sáng!

Như thế, được sống mãi mãi hay trầm luân muôn thủa là do thái độ và sự chọn lựa của chúng ta hiện nay.

Trong đời tu cũng vậy. Việc chọn Chúa làm lý tưởng, làm lẽ sống và cùng đích của chúng ta là điều tối ưu tiên, từ đó phát sinh ra những hệ quả hay lối sống mang tính đặc thù của những người sống đời thánh hiến.

Đời sống tu trì là một cuộc sống rất ý nghĩa, bởi vì tự thân, nó luôn mang trong mình một lời giải đáp về cuộc sống mai hậu, về niềm hy vọng phục sinh và ơn cứu độ. Vì thế, đây là một ơn gọi cao quý. Tuy nhiên, trong đời tu, có người cảm thấy hạnh phúc, lại có người cảm thấy bất an! Nguyên nhân tại sao? Tại đâu? Và tại ai?

Để trả lời cho những câu hỏi này thật không dễ, bởi lẽ nó là những câu hỏi lớn mang tính vĩ mô của một đời người vốn có và tồn tại từ bao đời nay. Vì thế, những bài viết trong cuốn sách này sẽ không có tham vọng tầm nguyên, để rồi đi đến việc giải thích và đưa ra những kết luận hầu thỏa mãn sự hiếu tri cho câu hỏi “tại sao???”. Nhưng qua cuốn sách này, với sự khiêm tốn của một kẻ “tài thô, ý thiển”, tác giả muốn “hội bàn tròn”, hay nói đúng hơn là cùng với độc giả, những người sống đời thánh hiến, chúng ta cùng nhau tìm hiểu xem động lực mình đi tu là gì? Và đâu là điều khiến cho những người sống đời tu được hạnh phúc hay bất an?

Như vậy, qua toàn bộ bài viết này, người viết trưng ra vai trò của Thần Khí Thiên Chúa tác động trên cuộc đời của những người sống đời tận hiến. Tuy nhiên, song song với sự tác động của Thần Khí Thiên Chúa, thì cũng có các dạng thần khí khác cùng lúc hoạt động trên cùng một hữu thể, đó là thần khí của ma quỷ và thần khí của con người. Mỗi thần khí đều có những sức mạnh riêng, và có những cách thức tác động trên đối tượng tiếp nhận khác nhau. Và cũng như một lẽ tất yếu, nếu ta chịu sự tác động của Thần Khí Thiên Chúa thì kết cục cuộc đời ta sẽ hạnh phúc. Còn ta chịu sự tác động của thần khí ma quỷ và thuận theo thần khí của con người thì sẽ dẫn đến bất hạnh và mất luôn ý nghĩ của cuộc đời, sứ vụ và ơn gọi mà ta đang tiếp bước.

1.  Thần Khí (thần khí) là gì?

Thần khí là một nguồn lực vô hình, mắt thường không trông thấy như kiểu chúng ta nhìn thấy: người, đường, đồi núi, hay biển cả… Nó mang tính chất thiêng liêng và vượt lên trên không gian và thời gian, và như một sức mạnh tự thân có tính siêu phàm. Thần khí có thể tác động cả bên trong lẫn bên ngoài. Khi tác động vào nội lực hay ngoại tại của con người, nó có sức mạnh đẩy con người phải làm theo và có thể bị lệ thuộc hoàn toàn.

Thần Khí (viết hoa) cũng được dùng để chỉ đặc biệt về hoạt động của Chúa Thánh Thần. Khi phân tích Thần được chỉ là Đấng Thiêng Liêng; Khí là hơi thở. Cựu Ứớc dùng từ Thần Khí để chỉ sự hoạt động của Thiên Chúa (x. St 1, 2). Tân Ứớc cũng dùng từ này để chỉ riêng về Chúa Thánh Thần và các hoạt động của Người (x. Lc 4, 18)[1]. Người là “Spiritus”; “Spiritus Sanctus”. Thần Khí này ám chỉ đến sức mạnh biến đổi, thánh hóa của Chúa Thánh Thần, Người là Thần Khí sự thật, sự sống và tình yêu. Những ai được Thần Khí của Thiên Chúa chiếm hữu thì người đó trở nên đền thờ của Người, và sẽ làm được những điều kỳ diệu do Thần Khí Thiên Chúa thúc đẩy, tác động.

Tuy nhiên, cũng có những dạng thần khí xấu như của ma quỷ hay của con người. Khi hiểu theo nghĩa này thì từ “thần khí” gợi liên tưởng đến một số ý nghĩa không tốt, vì từ này còn có những ý nghĩa khác như:

1) Vẻ mặt, nét mặt;

2) Khoái chí, thoả mãn;

3) Ra vẻ, cao ngạo, vênh vang (ta đây);

(4) Nghênh ngang…[2].

Như một hệ lụy, nếu bị thần khí của ma quỷ chiếm hữu, thì người đó bị lệ thuộc vào nó và làm những việc xấu do nó thúc đẩy. Còn thần khí của con người thì quy chiếu về mình và từ đó làm mọi chuyện theo chủ quan của mình nhằm thỏa mãn mình theo tính xác thịt.

Như vậy, trong cuộc sống, không thiếu những dạng thần khí, và không phải thần khí nào cũng tốt. Vì thế, phải phân định để thấy được đâu là ý Chúa, đâu là do ma quỷ và đâu là chủ đích của con người.

(còn tiếp)

Jos. Vinc. Ngọc Biển


[1] Xc. Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin, Tiểu ban Từ Vựng, Từ Điển Công Giáo, 500 mục từ, hạn từ “Thần Khí”, Nhà Xuất bản Tôn giáo, năm 2011, tr. 321.

[2] Xc. Lm. Huỳnh Trụ, hạn từ “Linh Khí-Thần Khí”, đăng trên: http://www.conggiaovietnam.net/index.php?m=module2&v=detailarticle&id=120&ia=11690; truy cập ngày 16-12-2014.

Xem thêm

Lc 2, 1-14

SUY NIỆM TIN MỪNG LỄ ĐÊM GIÁNG SINH, CỦA LM ANTÔN NGUYỄN VĂN ĐỘ

Cửa Thánh mở – Niềm vui Chúa ra đời SUY NIỆM ĐÊM GIÁNG SINH (Lc …