Home / Giáo Dục Kito Giáo / Giáo dục Kitô giáo trong gia đình

Giáo dục Kitô giáo trong gia đình

“Hãy để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Thiên Chúa là của những ai giống như chúng. Thầy bảo thật anh em: Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa với tâm hồn của một trẻ em thì sẽ chẳng được vào. Rồi Người ôm lấy các trẻ em và đặt tay chúc lành cho chúng” (Mc 10, 13 – 16).

GD

Thực trạng xã hội báo động đỏ!

Tiêu cực có mặt khắp nơi. Chuyện tham nhũng, chiếm đoạt tài sản, ăn hối lộ, cướp giựt giết người, hành hung bạo lực thậm chí trong nhà trường, ngay trong gia đình, trở thành những chuyện quá đỗi bình thường đến độ càng ngày xã hội càng dửng dưng…

Đặc biệt chuyện trẻ em phạm pháp, nghiện ngập, ăn chơi sa đọa ngày càng gia tăng với thái độ dửng dưng vô tư. Tại sao con em chúng ta ra nông nổi này?

Trách nhiệm thuộc về ai?

Quen sống trong một xã hội mẹ chung không ai khóc, trách nhiệm tập thể, chối bỏ trách nhiệm cá nhân, chẳng ai chịu trách nhiệm về ai và về điều gì cả. Và rất có thể ta cũng bị cám dỗ chỉ than vãn oán trách và quy trách nhiệm chung chung cho xã hội.

Nếu khiêm tốn thành thật, chúng ta sẽ thấy rằng, tất cả thực trạng nói trên cũng phần nào đó là con đẻ của sự dửng dưng, vô trách nhiệm, chưa nói gương xấu của chính chúng ta, những người mang danh Kitô hữu, chịu trách nhiệm lãnh đạo, hướng dẫn, giáo dục giới trẻ.

Hậu quả của một nền giáo dục phản giáo dục

Phần lớn thực trạng hiện nay là hậu quả của “thượng bất chính hạ tác loạn”, của mốt lối sống đạo đức giả mang tính hệ thống: nói một đàng, làm một nẻo, của một nền giáo dục phản giáo dục, dối trá, hình thức, thương mại hóa, và chạy theo thành tích, điều mà chúng ta ít nhiều đều trải nghiệm với tư cách là tác nhân và/hay là nạn nhân, nhà giáo dục, cha mẹ, thầy cô, con cái, hay học sinh, sinh viên. Trường học lẽ ra là vườn ươm các giá trị nhân bản và đạo đức, thì ngày nay trường học có nguy cơ trở thành nơi truyền bá những giá trị giả dối, phù phiếm và độc hại.

Đứng trước thực trạng đó, là người lớn, chúng ta thường có khuynh hướng ta thán, trách móc trẻ em, con cái của mình mà không chịu tìm hiểu nguyên nhân sâu xa để cảm thông với chúng và để dấn thân thực sự vào cuộc, ngõ hầu có thể giải thoát chúng.

Đâu là nguyên nhân sâu xa?

Có hai lý do chính đưa đến tình trạng báo động này:

  • Sự dửng dưng, thiếu quan tâm, thiếu noi gương của những tác nhân giáo dục, đó là chưa nói đến chuyện những ảnh hưởng xấu và phản chứng xuất phát từ chính những tác nhân giáo dục, từ cha mẹ, thầy cô, các bề trên, các người lớn.
  • Sự tương phản hay đối chọi giữa những tác nhân giáo dục đặc biệt trong xã hội ngày nay.

“… Đức Giêsu nhìn chàng thanh niên và động lòng thương hại…”.

Phải chăng hơn bao giờ hết Đức Giêsu đang nhìn giới trẻ hôm nay với tâm hồn chạnh lòng thương xót?

Con cái của chúng ta chưa đủ khả năng biện phân, bị mất phương hướng, lung lạc niềm tin, không biết tin vào đâu, vào ai, mất đức tin, tương đối hóa mọi sự, bị cuốn theo chiều gió, lạc lõng giữa dòng đời, sống theo bản năng tự nhiên, buông thả, nổi trôi, buông xuôi… và từ đó đi vào con đường phạm pháp, nghiện ngập sa đọa là điều quá dễ hiểu…

Trước tình hình báo động trên đây, chúng ta phải nhập cuộc ngay không thể trì hoãn, để giải thoát con em chúng ta. Nếu không sẽ mất trắng, mất cả một thế hệ và không chỉ một mà còn nhiều thế hệ kéo theo đó.

Thói quen ứng xử của cha mẹ

Nhiều cha mẹ nghĩ chỉ cần làm sao kiếm nhiều tiền cho con ăn ngon mặc đẹp, gửi con vào học trường này trường nọ, hoặc mua sắm đủ thứ cho con cái, thậm chí còn nghĩ đến việc mua nhà cho con, chuẩn bị nghề nghiệp cho con. Phải chăng thế là đủ?

Thực tế đã chứng minh cho thấy con cái nhà giàu được ăn ngon mặc đẹp, con cái nhà quyền quý cho ăn học giỏi cũng hư. Vậy điều gì mới thực sự quan trọng?

Bổn phận của cha mẹ

Giáo dục con cái là nhiệm vụ hàng đầu và không thể thay thế của cha mẹ, chứ không phải là của linh mục tu sĩ, giáo lý viên, hay thầy cô.

Điều quan trọng nhất là cha mẹ phải là người đưa đò. Cha mẹ cần phải đóng một vai trò trung gian tích cực: Tạo điều kiện cho con cái chúng ta tiếp cận với một nền giáo dục thực sự, một nền Giáo dục Kitô giáo.

Qua lời nói, và chủ yếu qua gương sáng, cha mẹ cần phải truyền thông cho con cái sứ điệp mạc khải của Tin mừng, đức tin Kitô giáo, dẫn đưa con cái mình đến với Đấng Kitô, Người Thầy đích thực, Đấng là Đường là Sự Thật, và là Sự Sống, làm cho chúng thấm nhuần Tin Mừng của Đức Kitô, sống đúng phẩm giá của con người, theo khuôn mẫu Đức Kitô, trở nên đồng hình đồng dạng với Người.

Giáo dục Kitô giáo là gì?

Giáo dục Kitô giáo vừa là giáo dục đức tin Kitô giáo, vừa là giáo dục theo tinh thần Kitô giáo. Nghĩa là tuy vẫn tham chiếu mọi nền giáo dục của nhân loại, nhưng tiên vàn dựa trên nền tảng mạc khải Kitô giáo về con người và vũ trụ, theo Thánh Kinh, Thánh truyền, Giáo huấn của Giáo hội, lấy Đức Kitô và giáo huấn Tin mừng của Người làm chuẩn mực, làm quy chiếu; lấy Đức Kitô làm khuôn mẫu, động lực và cứu cánh.

  • Giáo dục không phải là áp đặt mà là khơi dậy, là giúp con cái phát sinh hạt giống Chúa gieo vào lòng chúng.
  • Giáo dục không chỉ là truyền đạt kiến thức mà còn là truyền cho đối tượng lòng yêu mến tìm kiếm sự khôn ngoan, hình thành nhận thức đúng đắn, biết biện phân tốt xấu, đúng sai, hay dở, chính phụ… có một thang giá trị rõ ràng trong cuộc đời.
  • Giáo dục không chỉ là giúp khám phá vũ trụ, những gì bên ngoài mình, mà trước tiên là khám phá chính bản thân mình, khám phá mục đích và ý nghĩa của cuộc đời.
  • Giáo dục không chỉ là tạo khả năng hành nghề sinh sống, tự lập giúp hiện thực hóa bản thân và đạt đến sự sống viên mãn theo ý định ban đầu của Thiên Chúa.
  • Giáo dục không chỉ là tạo điều kiện thành công mà quan trọng hơn là thành nhân, trở nên con người được tạo dựng theo hình ảnh Chúa, trở nên “đồng hình đồng dạng với Đức Kitô”.
  • Giáo dục không phải là giúp đạt được thành tích mà đúng hơn là đạt được cứu cánh của cuộc đời, đạt được ơn cứu độ.
  • Giáo dục không phải chỉ là tạo điều kiện biến đổi vũ trụ, mà trước tiên là biến đổi chính mình, biến đổi cái nhìn, và cuộc đời của bản thân mình.
  • Giáo dục không chỉ là mở đường dẫn lối cho chúng đi vào đời, mà trước tiên là dọn đường cho Đức Kitô đến với con cái của chúng ta và cho chúng đến với Đức Kitô.
  • Giáo dục không chỉ là mở ra những chân trời mới mà quan trọng hơn là mở cửa thiên đàng cho con cái theo cách nói của thánh Don Bosco.
  • Giáo dục còn là tạo điều kiện biến đổi, hoán cải, là cứu độ, cứu những gì đã hư mất.

Tuyên ngôn Giáo dục Công giáo

“Cốt yếu của giáo dục Kitô giáo là nhằm giúp mọi Kitô hữu ngày càng ý thức hơn về hồng ân đức tin đã nhận lãnh, trong khi họ được hướng dẫn để dần dần hiểu biết mầu nhiệm cứu rỗi, giúp họ biết cách thờ phượng Thiên Chúa Cha trong tinh thần và chân lý (x. Ga 4, 23), qua việc cử hành phụng vụ, cũng như huấn luyện họ biết sống theo con người mới trong công bình và thánh thiện của chân lý (Ep 4, 22-24). Nhờ vậy họ đạt tới con người hoàn thiện, tới tuổi sung mãn của Chúa Kitô (x. Ep 4, 13) và góp phần vào việc tăng trưởng của Nhiệm Thể và giúp cải tạo thế giới theo tinh thần Kitô giáo”.

Giáo dục là vun trồng và tập luyện

Một cách cụ thể, việc giáo dục của cha mẹ hệ tại ở việc:

  • Làm cho con cái biết yêu mến học hỏi Lời Chúa trong Kinh Thánh trong các sách đạo đức.
  • Dạy chúng bắt chước các gương lành đạo đức của các thánh nhân, các bậc hiền nhân.
  • Vun trồng cho chúng những giá trị nhân bản, giúp chúng phát triển các nhân đức.
  • Tập luyện những thói quen, sinh hoạt lành mạnh, thánh thiện.
  • Giúp chúng biết sống tốt mọi tương quan, với bản thân, tha nhân, vũ trụ và Thiên Chúa.

Hãy để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cản chúng!

  • Cha mẹ phải đưa con cái đến với Chúa, là nhà giáo dục đích thật và là Đấng duy nhất có thể mang đến cho chúng sự sống viên mãn thay vì giữ chúng lại cho mình vì chúng không phải là sở hữu của mình mà là của Chúa, vì chính Chúa tạo nên chúng (creator), cha mẹ chỉ là người cộng tác truyền sinh (procreator).
  • Chính vì thế cha mẹ phải hoàn trả con cái mình cho Chúa, nghĩa là không được khư khư giữ cho riêng mình, không được ngăn cản chúng đến với Chúa mà còn phải tạo điều kiện thuận lợi để chúng đến với Chúa bằng cách:

Đừng nên cớ vấp phạm cho con cái!

Trong thực tế, cha mẹ có thể ngăn cản con cái mình đến với Chúa, đến với Chân Thiện Mỹ, bằng phản chứng, hoặc vì sự dửng dưng, thiếu quan tâm giáo dục con cái, hoặc tệ hơn do gương mù gương xấu.

Trở nên cớ vấp phạm cho con cái là tội ác tệ hại nhất mà Tin Mừng đề cập đến: “Ai làm cớ vấp phạm cho một trong những trẻ nhỏ này thì thà buộc khối đá vào cổ người ấy mà quăng xuống biển còn hơn” (Mc 9, 42).

Khuyên răn sửa dạy cách khôn ngoan

Những bậc làm cha mẹ, đừng làm cho con cái tức giận, nhưng hãy giáo dục chúng thay mặt Chúa bằng cách khuyên răn và sửa dạy” (Ep 6, 4).

  • Nghiêm chỉnh nhưng cảm thông, dịu dàng nhưng cương quyết, từ tốn nhưng dứt khoát. Quan trọng nhất là nêu gương.
  • Tạo cảm thức về tội lỗi chưa đủ, phải cho chúng cảm nếm niềm vui của một đời sống thánh thiện và ân sủng.
  • Lưu ý cách ăn nói, vì trong giáo dục, nhiều khi cách mình nói cũng quan trọng như điều mình nói và có khi còn hơn nữa.

Tiếp đón và nâng niu con cái

  • Cha mẹ phải đón nhận và đối xử với con cái bằng tình thương và sự trìu mến, phải bảo vệ, che chở và cầu nguyện cho con cái. “Yêu trẻ không chưa đủ, phải làm sao cho chúng cảm thấy thực sự được yêu” (Don Bosco).
  • Cha mẹ phải tôn trọng, cung kính nâng niu con cái như linh mục nâng niu Chúa Giêsu Thánh Thể theo cách nói của mẹ Têrêxa Calcuta khi dạy các chị em dòng thừa sai bác ái của mình đối xử với những người nghèo hèn, bị bỏ rơi và loại trừ vì “Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là đón tiếp chính Thầy, và ai đón tiếp Thầy, là đón tiếp Đấng đã sai Thầy” (Mc 9, 37).

Hãy học nơi chính con cái!

Cha mẹ không chỉ có trách nhiệm giáo dục con cái mà còn phải nhìn con cái như thầy dạy của mình về đàng thiêng liêng, vì với tâm hồn đơn sơ và trong trắng, khiêm nhường, con cái là tấm gương để cha mẹ noi theo trong việc tiếp nhận Nước Trời như Lời Chúa nói “Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa với tâm hồn một trẻ nhỏ, sẽ chẳng được vào” (Mc 10, 15).

Nguyên tắc giáo dục: ý thức vai trò trung gian và tự giáo dục

  • Cha mẹ cần phải ý thức rằng vị Thầy thực sự, Nhà giáo dục thực sự là chính Chúa, là Thánh Thần, bản thân mình chỉ là trung gian. Vì thế, mình không được áp đặt ý muốn của mình trên con cái, mà phải khám phá thánh ý của Chúa trên con cái của mình.
  • Phải không ngừng tự giáo dục và rèn luyện bản thân mình vì “Không ai có thể cho kẻ khác điều mình không có”“Con người ngày nay tin vào chứng nhân hơn là thầy dạy” (Đức Giáo hoàng Phaolô VI).
  • Phải lấy Đức Kitô là mẫu mực. Cha mẹ noi theo Đức Kitô, nhà giáo dục mẫu mực, đóng vai trò vừa là người thầy khôn ngoan nhạy bén, vừa là người hướng đạo sáng suốt, kiên nhẫn, một người bạn thành thật và cởi mở, một người tôi tớ khiêm hạ, phục vụ, lắng nghe, khơi dậy, dẫn dắt, hướng đạo, giáo dục không chỉ bằng lời mà trước tiên bằng gương sáng.
  • Phải tìm hiêu tâm hồn của con cái mình bằng cách trở thành bạn đồng hành với con cái. Một cách trực tiếp hay gián tiếp, quan sát chúng từ xa và cận kề trong mọi sinh hoạt của chúng. Học biết chúng bằng cách trò chuyện; dùng ngôn ngữ và cung cách của chúng; và chơi với chúng, tạo bầu khí cởi mở, thoải mái; đặt mình vào vị trí của chúng để hiểu chúng thay vì áp dụng cách đánh giá của người lớn.
  • Hiện diện với chúng không chỉ bằng thân xác mà bằng cả tâm hồn, bằng cả con người.
  • Thích điều trẻ thích để từ đó làm cho trẻ thích điều ta thích (Don Bosco).
  • Cầu nguyện cho chúng và với chúng.
  • Chủ động tạo cơ hội và dẫn dắt.
  • Tạo cho chúng cảm tưởng vừa học vừa chơi, hay học dưới hình thức trò chơi.
  • Tận dụng mọi điều kiện, mọi cơ hội để giáo dục, từ những thực tế sinh động, qua lời nói, hành động, mọi hình thức sinh hoạt, chuyện kể, trò chơi, bài thơ, bài hát, sách báo, phim ảnh, kịch nghệ.
  • Chủ động, đừng bao giờ để mình bị tác động bởi những thái độ biểu hiện tiêu cực hay lèo lái của con cái, hướng chú ý của chúng đến điều mình muốn.

Nguyên tắc chỉ đạo

  • Thực hành một sự giáo dục mang tính toàn diện, thống nhất, mạch lạc, tiệm tiến xoắn ốc, phù hợp, ưu tiên.
  • Nghe nhiều hơn nói, nói ít hơn làm, bớt lời thêm gương.
  • Thay vì chỉ cấm đoán làm điều này điều nọ, hãy đề nghị với chúng điều gì lành mạnh nhưng hấp dẫn.
  • Thay vì chê trách, chỉ trích, bắt phạt, hãy tỏ ra thán phục, khen ngợi, khuyến khích, khen thưởng. Điều này sẽ giúp trẻ tự tin vượt qua chính mình. Tạo sự tự tin cho con cái là một trong những món quà lớn lao nhất mà cha mẹ có thể ban tặng cho con cái. Điều này tạo nên một động lực to lớn giúp chúng vượt qua chính mình, vươn lên không ngừng, có thể đạt được nhiều thành công to lớn trong cuộc đời.

Các điều nên tránh

  • Tránh dọa nạt, làm cho trẻ sợ hãi vì điều này gây nên sự sợ hãi gây nguy hại cho trẻ, hay làm cho trẻ chỉ làm theo ý mình, trở nên đạo đức giả vì sợ mà thôi, hoặc không còn tin lời cha mẹ nữa khi khám phá sự thật.
  • Tránh ứng xử bạo lực với trẻ. Người ta bảo: Thương cho roi cho vọt. Điều này phải được hiểu là biết nghiêm khắc sửa dạy khi cần, tốt nhất là dùng lời nói và ánh mắt, khi cần cũng có thể phải dùng đến roi vọt. Nhưng vấn đề dùng roi vọt phát xuất từ động cơ nào, và dùng roi vọt như thế nào. Không bao giờ đánh trẻ xuất phát từ sự tức giận (đấm, đá, tát..), điều này làm trẻ cảm thấy bị xúc phạm, cha mẹ không thương mình, và rồi sẽ ứng xử lại ý như thế với kẻ khác y như vậy khi tức giận. Khi cần dùng roi vọt, tốt hơn nên bắt trẻ nằm xuống, sau khi giải thích, đánh để nhắc nhở, chủ yếu là để gây ý thức.
  • Tránh quát nạt, hay xử phạt nặng nề trẻ khi chúng làm lỗi, điều này sẽ làm cho chúng vì sợ phạt, mà tránh né không nhận lỗi khi cần, hoặc vì sợ sệt không dám tâm sự với cha mẹ, tránh né cha mẹ, và như thế ta không thể giúp đỡ, can thiệp khi cần. Điều quan trọng là giúp cho trẻ có cảm thức về lỗi lầm, nhận ra và không tái diễn nữa mà thôi. Và ngay cả khi trẻ có tái phạm ta cũng phải tỏ sự cảm thông, một mặt điều này là công bằng và hợp lý vì bản thân ta cũng muốn Thiên Chúa và kẻ khác đối xử như thế, hơn nữa đó cũng là bài học giúp cho chúng cảm thông với người khác khi họ sai phạm hay tái phạm.
  • Tránh coi thường trẻ. Ví dụ bảo: “Đi ra ngoài, cút ra chỗ khác chơi đi!”. Điều này sẽ làm cho chúng bị hụt hẩng, và tránh xa cha mẹ chúng.
  • Tránh đưa ra những lời nhận xét về giá trị bản thân của trẻ khi chúng làm điều sai trái lầm lỗi mà chỉ nhận xét về sự việc mà thôi. Ví dụ nói: “Con làm điều này là sai rồi, là bậy lắm, nguy lắm”, chứ không nói: “Con thật xấu xa… Con thật tệ bạc!”. Điều này làm cho chúng bị tổn thương phẩm giá nặng, và nguy hại hơn nữa, là bị ám ảnh, mang mặc cảm tội lỗi xấu xa, không thể ngóc đầu lên, không thể cải thiện được.
  • Tránh dập tắt sự hiếu kỳ nơi trẻ thể hiện qua việc đặt những câu hỏi với ta, điều đó nói lên khát khao học hỏi khám phá của chúng. Ví dụ đừng trả lời: “Thôi im đi, mệt lắm rồi hỏi mãi!”. Điều này sẽ làm trẻ mất hứng trong việc học hỏi khám phá. Nếu ta chưa tiện trả lời, hay cảm thấy sự hiếu kỳ của trẻ chưa thích hợp với tuổi của chúng thì cũng phải liệu cách nói, dời lại, hay trả lời một cách khôn khéo thế nào đó.
  • Tránh nuông chiều, bao bọc trẻ quá đáng, điều này sẽ gieo mầm mống bất hạnh cho trẻ khi tạo cho nó cảm giác mình là cái rốn của vũ trụ, mọi người phải lo cho mình theo ý mình, để rồi hụt hẫng, khi ra đời, bước vào cuộc sống xã hội, gặp sự chống đối, bất đồng hay dửng dưng.
  • Tránh nói một đường làm một nẻo, vì điều này sẽ gây nguy hại vô cùng về đời sống đức tin và luân lý, làm cho trẻ chẳng những không còn tin cha mẹ, không còn tin vào người lớn, mà còn không tin vào những giá trị tốt đẹp, thậm chí không tin cả Chúa nữa.
  • Tránh bi kịch hóa, tỏ ra quá thương cảm đối với con cái khi chúng bị đau đớn vì điều này sẽ làm cho trẻ trở nên mềm yếu, hóa đau khổ vì thương hại tội nghiệp bản thân mình.
  • Tránh quan trọng hóa những tác động bên ngoài như tiếng ồn, những lời nói, cách cư xử phản ứng trái tai gai mắt của người khác vì điều này làm cho trẻ tự rước cái khổ vào tâm mình, không biết thích nghi với cuộc sống.

Ngoài ra, việc giáo dục là việc của cả cha, lẫn mẹ, chứ không phải chỉ của một người mà thôi, điều này tạo nên sự quân bình, hài hòa. Đương nhiên có lúc, một trong hai người đóng vai trò quan trọng hơn người kia. Và tùy khả năng thiên bẩm của từng người, mà cha hay mẹ có những quyết định quan trọng trong việc định hướng cho con cái. Điều quan trọng là phải có sự bàn bạc đi đến đồng thuận giữa hai người trong việc giáo dục con cái, tránh cảnh “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”, làm cho con cái không nghe ai, theo ai, chới với.

 “Lạy Chúa, xin cho chúng con biết yêu con cái chúng con với quả tim của Chúa và tạo mọi điều kiện thuận lợi, đặc biệt bằng gương sáng, để chúng có thể khám phá ra Chúa là Tình yêu, và đến với Chúa, Người Thầy đích thực, Đấng là Đường, là Sự Thật, và là Sự Sống”.

Câu hỏi gợi ý

1, Anh chị có cảm thấy hài lòng về sự giáo dục của cha mẹ mình không? Điều gì làm anh chị tâm đắc nhất và điều gì anh chị chưa hài lòng. Vì sao?

2, Với tư cách là cha mẹ, hay người hướng dẫn, đâu là những khó khăn mà anh chị đã và đang gặp phải trong việc giáo dục con cái, hay giới trẻ nói chung và theo tinh thần Kitô giáo nói riêng?

3, Theo anh chị, đâu là những giá trị giáo dục KTG cần phải nhấn mạnh trong thời đại ngày nay? Hãy sắp xếp theo thứ tự quan trọng.

4, Theo anh chị, là cha mẹ, cần phải làm thế nào để việc giáo dục đức tin KTG đạt được hiệu quả tốt nhất?

Gioakim Trương Đình Giai

Xem thêm

CHIỀU KÍCH HOÀN VŨ CỦA ƠN CỨU ĐỘ 

CHIỀU KÍCH HOÀN VŨ CỦA ƠN CỨU ĐỘ 

  Trước đó, ông Phê-rô cũng như các tông đồ khác đều hiểu ơn Cứu …