Home / Chia Sẻ / Dấu Ấn

Dấu Ấn

 

Dau-AnTrong Việt ngữ, chữ DẤU và GIẤU có cách phát âm “na ná” nhau, nhưng sai một ly là… “đi đoong” luôn đấy! Tuy nhiên, đây cũng là hai từ thường bị lầm lẫn trong cách dùng, đôi khi còn thấy bị dùng sai ngay cả trên báo chí!

Có nhiều loại dấu: Dấu ấn, dấu vết, dấu chứng, dấu lặng, dấu nổi, dấu chìm, dấu to, dấu nhỏ, dấu vui, dấu buồn, dấu đẹp, dấu xấu, dấu lạ, dấu chỉ,… và có cả “con dấu” nữa. Dấu đó có thể tốt hoặc xấu, nếu DẤU đó tốt thì phúc thay! Nhưng nếu DẤU đó xấu thì người ta sẽ che GIẤU hoặc GIẤU giếm!

Chuyện kể rằng: Có một người ngủ mơ thấy mình đi trên một con đường, khi vui mừng thì người này thấy có hai dấu chân, nhưng khi sầu khổ thì anh ta chỉ thấy có một dấu chân.

Tuy anh ta không hiểu thế nào, nhưng anh ta có ý trách Chúa. Anh ta hỏi: “Chúa ơi! Khi con vui mừng, thành công và phấn khởi thì con thấy có hai dấu chân trên đường đời, nhưng khi con sầu khổ, cô đơn hoặc thất bại thì con chỉ thấy một dấu chân. Tại sao vậy? Có phải Chúa bỏ mặc con? Chúa có còn thương con không?”.

Chúa ôn tồn và nhẹ nhàng: “Con yêu dấu! Cha không bao giờ bỏ con, Cha vẫn yêu con từ ngàn xưa, và trước sau như một. Khi con vui, con thấy có hai dấu chân, đó là lúc Cha và con cùng song hành. Còn khi con sầu khổ, con chỉ thấy có một dấu chân, đó là dấu chân của Cha. Lúc đó Cha cõng con nên con không thể nhìn thấy hai dấu chân”.

Từ đó, niềm tin nhân lên, anh ta luôn cố gắng sống tích cực, dù khi vui mừng hoặc lúc sầu khổ. Quả thật là vậy, vì Chúa Giêsu đã xác định: “Không có Thầy thì các con không làm được gì” (Ga 15:5).

Thánh Têrêxa Avila nói: “Tin mình được Chúa thương thì không là kiêu ngạo, nhưng tưởng mình được Chúa thương thì là kiêu ngạo”. Giữa tình trạng “tin” và “tưởng” chỉ là một khe rất nhỏ, rất dễ lẫn lộn. Cần phải chân thành để Chúa Thánh Thần tác động. Phải cố gắng không ngừng để không bị ảo tưởng. Thánh Phaolô khuyên: “Dù thất vọng cũng đừng bao giờ tuyệt vọng” (x. 2 Cr 4:8). Và thánh Augustinô chia sẻ kinh nghiệm: “Ngài có đó khi ta tưởng mình đơn côi, Ngài nghe ta khi chẳng ai đáp lại, Ngài thương ta khi tất cả hững hờ”. Sự thật là thế: “Dù cha mẹ có bỏ con đi nữa, thì hãy còn có CHÚA đón nhận con” (Tv 27:10).

Thiên Chúa thật mầu nhiệm, dấu ấn Ngài thật sâu đậm, rõ nét muôn đời! Ngài được gọi bằng các danh xưng khác nhau: Tình Yêu Thiên Chúa, Thánh Tâm Chúa Giêsu, Lòng Chúa Thương Xót, Người Cha Nhân Hậu,… Tình yêu Ngài dành cho mọi người rất nhiều, vừa sâu vừa rộng, bao la vô tận, cao vời khôn ví, đến nỗi chấp nhận chết cho những tội nhân – là chúng ta, nhưng Ngài vẫn im lặng mà không so đo chi cả. Đứa con nào yếu thì cha mẹ càng yêu thương. Phàm phu tục tử còn vậy, huống chi Thiên Chúa. Thánh Phaolô đã cảm nghiệm: “Ở đâu tội lỗi đã lan tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội” (Rm 5:20).

Trong bài thánh ca “Chúa Không Lầm”, Lm Ns Kim Long xác tín: “Chúa không lầm khi Ngài dựng nên con, dù Lời Ngài con không giữ trọn, vì Chúa đã biết từ ngàn xưa rằng thân con bởi tro bụi và được cưu mang trong tội lỗi…”. Vâng, tư tưởng đầy chất thần học. Chắc chắn Chúa KHÔNG BAO GIỜ LẦM khi Ngài quyết định tạo dựng nên mỗi chúng ta nên giống hình ảnh Ngài, và đặt mỗi người ở một vị trí khác nhau, có lợi cho mục đích của Ngài – và cho chính mỗi chúng ta. Chưa có ai trong chúng ta có thể hiểu nổi. Ai cũng có một vị trí nhất định trong chương trình mầu nhiệm của Thiên Chúa, không ai hơn ai. Hãy hành động để sinh lời theo “số nén” Chúa đã trao, và phải làm sao cho Thánh ý Chúa nên trọn nơi mỗi chúng ta!

Thánh Phaolô phân tích rạch ròi các chi tiết: “Đừng đi quá mức khi đánh giá mình, nhưng hãy đánh giá mình cho đúng mức, mỗi người tuỳ theo lượng đức tin Thiên Chúa đã phân phát cho. Cũng như trong một thân thể, chúng ta có nhiều bộ phận, mà các bộ phận không có cùng một chức năng, thì chúng ta cũng vậy: tuy nhiều nhưng chỉ là một thân thể trong Đức Kitô, mỗi người liên đới với những người khác như những bộ phận của một thân thể. Chúng ta có những đặc sủng khác nhau, tuỳ theo ân sủng Thiên Chúa ban cho mỗi người. Được ơn làm ngôn sứ, thì phải nói sao cho phù hợp với đức tin. Được ơn phục vụ, thì phải phục vụ. Ai dạy bảo, thì cứ dạy bảo. Ai khuyên răn, thì cứ khuyên răn. Ai phân phát, thì phải chân thành. Ai chủ toạ, thì phải có nhiệt tâm. Ai làm việc bác ái thì vui vẻ mà làm. Lòng bác ái không được giả hình giả bộ. Anh em hãy gớm ghét điều dữ, tha thiết với điều lành; thương mến nhau với tình huynh đệ, coi người khác trọng hơn mình; nhiệt thành, không trễ nải; lấy tinh thần sốt sắng mà phục vụ Chúa. Hãy vui mừng vì có niềm hy vọng, cứ kiên nhẫn lúc gặp gian truân, và chuyên cần cầu nguyện. Hãy chia sẻ với những người trong dân thánh đang lâm cảnh thiếu thốn, và ân cần tiếp đãi khách đến nhà” (Rm 12:3-13).

Thế nhưng chúng ta thường “nhìn nhau” theo góc-độ-nhân-loại, thậm chí còn “coi thường” hoặc “khinh miệt” nhau – nguyên nhân do chúng ta “khinh suất”.

Ví dụ: Giáo hoàng HƠN Giám mục, Giám mục HƠN Linh mục (trong đó Giám mục chủ tịch HƠN các Giám mục khác), Bề trên HƠN bề dưới (trong một số Dòng còn có Bề trên nhất, nhì, ba,…), Linh mục HƠN Giáo dân (trong đó Linh mục Hạt trưởng HƠN các linh mục khác), Giáo dân cũng có mức độ HƠN nhau (Trùm trưởng, Chánh trương, người “thân quen” với Linh mục quản xứ,… thì HƠN người khác), và cứ thế… cứ thế… Cái vẻ “bề ngoài” xem chừng “vượt trội” hơn những thứ khác. Tại đầu óc trần tục “cục bộ” của chúng ta chứ Thiên Chúa không muốn như vậy!

Chắc chắn Chúa không bao giờ như vậy, vì Ngài là Thiên Chúa nhân từ (Tv 6:5; Tv 31:20; Tv 51:3; Tv 68:11; Tv 73:1; Tv 86:5 & 15; Tv 90:17; Tv 103:1 & 8; Tv 111:4), là Đấng giàu lòng xót thương (Lc 15:11-32; Tông thư “Misericordia in Dives” của Thánh GH Gioan Phaolô II ban hành ngày 30-11-1980).

Trước Tôn Nhan Thiên Chúa, mọi người đều bình đẳng, Thánh Phêrô nói: “Thiên Chúa là Đấng thấu suốt mọi tâm can đã chứng tỏ Người chấp nhận họ, khi ban Thánh Thần cho họ cũng như đã ban cho chúng ta. Người không phân biệt chút nào giữa chúng ta với họ, vì đã dùng đức tin để thanh tẩy lòng họ” (Cv 15:8-9). Chỉ tại phàm nhân chúng ta “bày vẽ” ra các cấp bậc để tự tôn mình và “đè bẹp” người khác đó thôi!

Các nữ tu rất “tội nghiệp”, phải làm đủ thứ việc nhưng vẫn bị “ăn hiếp”, chịu “lép vế” lắm. Ngày 11-10-2013, tại nữ tu viện Santa Chiara, ẩn mình trong thành phố Assisi (Ý), ĐGH Phanxicô nói: “Tôi thất vọng khi gặp các nữ tu không vui, những nữ tu có thể mỉm cười với nụ cười niềm nở của tiếp viên hàng không nhưng thiếu niềm vui thật sự từ trong tâm hồn. Các nữ tu cũng không nên quá thần thánh hóa cuộc sống nhưng nỗ lực tận hiến cho mọi người để đời sống tu trì không phải là nơi luyện tội. Học biết tha thứ, chịu đựng lẫn nhau vì ma quỷ luôn tận dụng mọi cơ hội để chia rẽ chúng ta. Dưỡng nuôi tình bạn với nhau và đừng khoe khoang!”. Lời này không chỉ nói riêng về các nữ tu mà là nói chung về mọi người.

Lời này có phần trách các nữ tu. Cũng có phần đúng, nhưng cũng là lời động viên các nữ tu nên “đứng thẳng người lên”, đừng “khom lưng” mãi. Vả lại, chúng ta rất cần thông cảm cho họ vì họ chịu đựng đủ thứ, mà nói thì chẳng “ông lớn” nào thèm nghe! Ví dụ: Các dòng nữ có cơ sở ở các giáo xứ, các nữ tu hoạt động tối mặt, được việc thì chẳng sao, một lời khen cũng không được, thế nhưng lỡ không xuôi xắn thì linh mục quản xứ chưởi rủa không tiếc lời! Đây cũng là một dạng “dấu ấn” cần nghiêm túc chấn chỉnh, cả trong đời thường và trong sinh hoạt tôn giáo.

Như đã nói, DẤU cũng có dấu tốt và dấu xấu. Và đây là “dấu buồn” thực tế: Đức TGM José Rodriguez Carballo, Tổng thư ký Thánh bộ các Dòng tu, cho biết rằng mỗi năm có hơn ba ngàn tu sĩ nam nữ trên thế giới xin tháo lời khấn trọn đời. Trong cuộc Hội thảo Gia đình Dòng Phanxicô, gồm các nhánh khác nhau ở Rôma hôm 29-10-2013, ngài cho biết rằng trong thời gian từ 2008-2012, Bộ các Dòng tu đã tháo lời khấn trọn đời cho 11.805 tu sĩ nam nữ. Ngoài ra, có một số tu sĩ khác được rời bỏ dòng được sự chuẩn chước của Bộ Giáo lý Đức tin, Bộ Giám mục và Bộ Giáo sĩ. Theo thống kê của Tòa Thánh, tính đến cuối năm 2011, Giáo hội Công giáo có 903.363 linh mục dòng, tu huynh và nữ tu. Theo Đức TGM José, một trong các nguyên nhân của sự rời bỏ dòng trên đây là do ảnh hưởng của nền văn hóa tân thời, thứ văn hóa tạm thời, khiến người ta khó giữ được lòng trung tín.

Có một “dấu ấn” khác có nét lạ: Ngày 7-10-2013, Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển (RSAS) đã tuyên bố trao giải Nobel Vật lý năm 2013 cho giáo sư Peter Higgs 84 tuổi, thuộc ĐH Edinburg (Scotland), và giáo sư Francois Englert 81 tuổi, thuộc ĐH Libre de Bruxelles (Bỉ) nhờ “nghiên cứu lý thuyết về nguồn gốc của khối lượng các hạt dưới nguyên tử” từ năm 1964. Hai khoa học gia này đã tiên đoán sự tồn tại của hạt Higgs – được mệnh danh là “hạt của Chúa”, loại hạt này đem lại khối lượng cho vật chất cơ bản để tạo thành các ngôi sao và hành tinh. Điều này xảy ra đúng như dự đoán của giới khoa học quốc tế.

Lạ thật, tại sao lại gọi là “hạt của Chúa” mà không gọi là hạt gì khác nhỉ? Sự thật mãi mãi là sự thật, dù người ta không muốn công nhận. Karl Marx (1818-1883) đã từng dõng dạc nói: “Phải xoá bỏ tôn giáo, coi đó là hạnh phúc ảo tưởng của nhân dân, là yêu cầu thực hiện hạnh phúc thực sự của nhân dân”. Thế nhưng vô ích, người ta càng tìm cách bách hại, càng cố triệt hạ, thì Đạo Chúa vẫn sống dai và sống mạnh. Khốn cho kẻ nào dám giơ chân đạp vào gai nhọn! (x. Cv 26:14).

Có những “dấu xấu” dễ dàng nhìn thấy, nhưng cũng có những “dấu ấn ma quỷ” rất khó nhận biết, vì nó có thể len lỏi vào bất kỳ nơi nào, kể cả trong các hoạt động tôn giáo. Pharisêu luôn hiện hữu ở mọi nơi, mọi lúc, mọi thời, và chúng rất tinh vi!

Dùng cách nói nặng lời, Thánh Phaolô cảnh báo: “Anh em hãy coi chừng quân chó má! Hãy coi chừng bọn thợ xấu!” (Pl 3:2). Cũng với cách nói nặng như vậy, sách Khải Huyền nghiêm khắc: “Những quân chó má, làm phù phép, gian dâm, sát nhân, thờ ngẫu tượng, cùng với mọi kẻ thích điều gian dối và ăn gian nói dối, hãy xéo ra ngoài” (Kh 22:15). Những lời như thế này “chói tai” lắm, thế nên ít người muốn đọc tới, chứ đừng nói chi là muốn nhớ, thậm chí người ta cũng không “ưa” trích dẫn những kiểu nói này vì sợ “đụng chạm” – “đụng” chính mình và “chạm” người khác!

Lạy Chúa, chúng con thấy “nhức đầu” lắm!

TRẦM THIÊN THU

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …