Home / Chia Sẻ / CHIẾN ĐẤU VỚI TỘI LỖI (P1)

CHIẾN ĐẤU VỚI TỘI LỖI (P1)

 

CHIẾN ĐẤU VỚI TỘI LỖI

    Khi chúng ta đã thấy những phẩm tính tốt và những khiếm khuyết của các loại tính khí và hiểu rằng việc đào tạo cá tính trước hết là nhiệm vụ của mỗi người, thì chúng ta đã chuẩn bị để nghiên cứu vấn đề liên quan tới việc hoán cải và sự tăng trưởng nhân đức. Ngay từ đầu, chúng ta không thể quá nhấn mạnh đến ảnh hưởng mạnh mẽ của khuynh hướng thiên về điều thiện và điều ác đã bám rễ trong chính tính tình của cá nhân, nhưng đồng thời chúng ta cũng phải nhấn mạnh đến khả năng của mỗi người, nhờ ơn Chúa trợ giúp, có thể đạt tới sự hoàn thiện và trưởng thành Kitô Giáo cách viên mãn. Đáng tiếc thay, vì hậu quả của nguyên tội, chính bản tính chúng ta đã bị thương tích, như lời Kinh Thánh, khuynh hướng về sự xấu xem ra làm chúng ta hướng về tội lỗi ngay từ lúc còn niên thiếu. Do đó, căng thẳng và đấu tranh xảy ra giữa tình yêu Thiên Chúa dẫn tới sự hoàn thiện, và tình yêu bản thân làm ta quay về với chính mình, với một tình yêu vị kỷ không phù hợp với tình yêu quảng đại là đức ái.[1]

I. BẢN CHẤT CỦA TỘI LỖI

    Người ta đã đưa ra nhiều định nghĩa khác nhau để mô tả tội lỗi. Định nghĩa của thánh Augustin thuộc loại cổ điển : tội là bất cứ tư tưởng lời nói hay việc làm chống lại Luật Chúa. Cựu Ước gọi tội lỗi là ngoại tình thiêng liêng (huỷ bỏ giao ước với Thiên Chúa) một loại tôn thờ ngẫu tượng (phục vụ những thần dối trá của lòng tự ái), hay đơn giản là không tuân theo những đòi hỏi của tôn giáo và đức ái. Tuy nhiên, Tân Ước trong khi vẫn duy trì khái niệm về tội như là sự vi phạm giao ước giữa Thiên Chúa và con người, còn nhấn mạnh hơn đến tội lỗi như một sự thất bại trong tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân. Nó đem lại một nhãn quan mới về tội, nhấn mạnh đến tình bác ái huynh đệ (khía cạnh xã hội của tội), và cho thấy có một số tội gọi là tội quên sót hay bỏ không làm. Thánh Tôma Aquinô theo sát truyền thống Tin Mừng khi người khẳng định rằng: tội là sự xa rời cùng đích chân thật của con người, tội hình thành trong ý muốn, và do đó, mỗi tội dù với tên gọi là gì đi nữa, chủ yếu vẫn là một hành vi yêu mình đối nghịch với tình yêu Thiên Chúa[2].

    Hiện nay, người ta đã cố gắng trình bày một nền thần học mới về tội, không bắt nguồn từ Thiên Chúa nhưng từ con người. Thực ra, đối với nhiều người, thuật ngữ “nhân học” hầu như đã thay thế từ ngữ “thần học”. Nhưng tội, trong Thánh Kinh và thần học truyền thống chủ yếu vẫn là sự khiếm khuyết trong mối tương quan giữa con người với Thiên Chúa. Tuy nhiên, để hiểu tội theo thần học, nghĩa là từ quan điểm của Thiên Chúa, chúng ta phải chuyển nó qua những gì thuộc về kinh nghiệm của chúng ta. Đó là lý do chúng ta nói về tội như một thứ bệnh tật hay là sự chết.

    Điều khó khăn là có một số thần học gia dùng khoa nhân học để loại bỏ hoàn toàn tội lỗi; những người khác ngụ ý rằng khi một người, về cơ bản đã chọn Thiên Chúa, thì người đó không thể phạm tội trọng được, và kết quả là không thể không đạt được cùng đích của mình. Trong khi những người khác coi Thiên Chúa như là Đấng từ bi tuyệt đối, hoặc cho rằng bao lâu người ta còn yêu mến Thiên Chúa, thì không cần đến với bí tích Hoà Giải để được tha các tội trọng.[3]

    Cả ba quan điểm này đều sai lầm và phá huỷ mọi sự tiến bộ chân thật trong sự thánh thiện, làm mất sự hoán cải đích thực.

    “Theo quan điểm luân lý mới, nguyên tắc tuyệt đối duy nhất là yêu. Trong khi không có ý tranh luận về tất cả những phức tạp mà quan niệm này đưa ra, chúng ta có thể nhận thấy rằng đối với quần chúng, e rằng không còn những tiêu chuẩn luân lý khách quan và không có những hành động được coi là hoàn toàn có tội. Trong giáo lý về tội, điều này dẫn đến việc từ chối đề cập đến Mười Điều Răn hoặc chối từ chấp nhận bất cứ hành động tội lỗi khách quan nào… Người ta thường tuyên bố rằng: Kitô Giáo không phải là một bộ phậnluân lý mới, nhưng là một đời sống mới trong Chúa Kitô. Nhưng đó là một sự quá giản đơn có thể dẫn đến một sự buông thả về luân lý…Giáo lý về tội định rõ một số hành động nào đó đáng trách về phương diện luân lý, và đấy là một khía cạnh cần thiết trong việc trình bày Kitô Giáo”[4].

    Thiên Chúa là tình yêu, ngoài ra Người còn có nhiều phẩm tính khác nữa. Chẳng hạn sự tôn kính có thể được gọi cách chính đáng là giới luật đầu tiên buộc mọi tạo vật. Sự tôn kính hay, nếu bạn muốn, sự kính sợ này đặt nền tảng trên sự thánh thiện và uy quyền của Thiên Chúa. Nếu chúng ta nghĩ về Thiên Chúa chỉ như là Tình yêu, chúng ta sẽ rơi vào một thái độ tình cảm, qua đó, Thiên Chúa chấp nhận cái nhìn của chúng ta về sự vật. Chúng ta hướng dẫn Thiên Chúa thay vì Người hướng dẫn chúng ta. Thực sự chúng ta đang ấp ủ lòng tự ái và ý riêng dưới một sự trá hình thiêng liêng. Chúng ta làm cho Thiên Chúa trở thành một người Cha hay nuông chiều. Người yêu chúng ta quá nên đã làm hư chúng ta, nhưng Thiên Chúa đâu phải như vậy… Và cũng vì thế mà Người không thể từ bỏ một phần của chính Người là chân lý không bao giờ thay đổi để đáp ứng cách nhìn chủ quan và cách suy tư mơ mộng của chúng ta[5].

    Chúng tôi nhắc lại, yếu tố trọng tâm của đời sống mới trong Đức Kitô là tình yêu. Yêu Thiên Chúa, yêu mình và yêu tha nhân trong Thiên Chúa. Tội là sự từ khước, sự thất bại hay một sự bóp méo tình yêu là đức ái. Chúng ta thường phân biệt tội chủ quan và tội khách quan, thực sự tội luôn là tội của cá nhân. Hơn nữa, tội cá nhân đòi ý thức đầy đủ (cân nhắc kỹ lưỡng), tự do chọn lựa và hành động (tự nguyện). Sau cùng, tội có nhiều mức độ nghiêm trọng, vì thế chúng ta nói về những tội trọng (tội làm cho chết), và tội nhẹ (có thể tha thứ được). Những chi tiết thần học về tội như là những giới luật khác nhau buộc thành tội, những tội do việc làm hay bỏ không làm, và mức độ phạm tội, là những vấn đề dành cho các nhà thần học luân lý.[6]

II. TỘI TRỌNG

    Thành ngữ “tội trọng” (Mortal sin) vẫn còn là một thành ngữ hữu ích bởi vì nó định rõ tội là sự chết; tội tiêu diệt đời sống ơn thánh trong tâm hồn hay đào sâu hố ngăn cách cá nhân với Thiên Chúa. Do đó, tội trọng là kẻ thù xấu nhất của đời sống người Kitô hữu, và là điều duy nhất tách chúng ta khỏi Thiên Chúa do sự huỷ diệt đời sống ân sủng trong chúng ta. Nếu một tội trọng có thể gây ra những hậu quả phá huỷ như thế thì không khó gì để tưởng tượng ra tình trạng đáng thương của những người sống trong tội trọng thường xuyên. Cũng giống như tất cả các thói quen khác, có thể thói quen phạm tội đã trở thành bản tính thứ hai đối với tội nhân, nên khó trở lại với đời sống nhân đức. Đúng hơn, tư cách cá nhân sẽ được định rõ bởi một hay nhiều mối tội đầu như kiêu ngạo, tham ăn, dâm ô, tham lam, lười biếng, ghen tương, giận dữ.

    Nói chung, chúng ta có thể phân biệt bốn loại tội nhân, và sự phân biệt này thật hữu ích cho các vị giải tội và những vị giảng thuyết, khi họ ý thức về những sự khác biệt đó, để có thể dùng những phương pháp tốt nhất mà hướng dẫn tội nhân hoán cải.[7]

1. Người phạm tội do vô tri

    Chúng ta không nói đến sự vô tri bất khả thắng, là vô tri có thể bào chữa cho tội nhân hoàn toàn khỏi chịu trách nhiệm trước hành vi tội lỗi, nhưng chúng ta đề cập đến sự vô tri do một sự giáo dục quá thờ ơ, hoặc do môi trường không chấp nhận ảnh hưởng tôn giáo. Những người sống tong những hoàn cảnh như thế thường có một chút nhận thức về sự xấu xa của tội. Họ ý thức rõ ràng những hành động như thế không đúng với đạo dức, dần dần, họ cũng cảm thấy hối hận. Trong bất cứ trường hợp nào, họ đều có thể phạm tội trọng với sự cân nhắc.

    Đồng thời trách nhiệm của những người như thế được giảm đi phần lớn trước mặt Thiên Chúa: Nếu họ ác cảm với một điều có vẻ không chính đáng hay tội lỗi đối với họ; nên dù có những ảnh hưởng ngoại tại, họ vẫn giữ được sự ngay thẳng căn bản và nhất là trong giờ chết, nếu họ nâng tâm hồn lên tới Chúa, lòng đầy thống hối và tin tưởng vào lòng thương xót của Chúa, chắc chắn họ sẽ được phán xét với lòng từ bi nhân hậu. Nếu Đức Kitô khuyên chúng ta, kẻ xin nhiều sẽ được cho nhiều (Lc 12,48), thì thật có lý để nghĩ rằng những kẻ xin ít sẽ nhận được ít.

    Những tâm hồn như thế thường trở về với Thiên Chúa với một sự sẵn sàng tương đối khi có cơ hội. Bởi vì đời sống cẩu thả không phát sinh từ chính tính hiểm độc nhưng là do sự vô tri, bất cứ hoàn cảnh nào gây nên một ấn tượng cho tâm hồn và làm cho tâm hồn trở về với chính mình, hoàn cảnh ấy đủ để khiến họ trở về với Thiên Chúa. Cái chết của một thành viên trong gia đình, một bài giảng trong một dịp tĩnh tâm, hay gặp được một môi trường tôn giáo đủ để hướng dẫn những tâm hồn như thế đi đến những con đường ngay chính. Linh mục nào có nhiệm vụ coi sóc họ, phải tận tâm chu toàn việc huấn luyện về tôn giáo cho họ, kẻo họ lại trở về với tình trạng cũ.[8]

2. Người phạm tội do yếu đuối

    Loại tội nhân thứ hai gồm những người yếu đuối, thiếu sức mạnh ý chí, dễ hướng chiều về những thú vui nhục dục, tối dạ, lơ đễnh hoặc nhát đảm. Họ than khóc lỗi lầm của mình, họ khâm phục những người tốt và ước ao trở thành một trong những người đó, nhưng họ thiếu can đảm và nghị lực để thực hiện. Những tâm tình này không bào chữa cho họ khỏi tội; trái lại, họ đáng khiển trách hơn những người phạm tội vì không biết, vì họ phạm tội với sự hiểu biết rõ ràng hơn. Nhưng từ bản chất thì họ yếu đuối hoặc là độc ác. Người có nhiệm vụ về lợi ích thiêng liêng của họ, hướng dẫn họ lãnh nhận thường xuyên các bí tích, hồi tâm và tránh các dịp tội.[9]

3. Người phạm tội cách thản nhiên

    Loại tội thứ ba là những người phạm tội một cách thản nhiên, lạnh lùng không chút áy náy, họ thờ ơ đối với tiếng nói của lương tâm, họ khinh bỉ một cách có phương pháp đối với những lời khuyên bảo của những ai muốn giúp họ. Tất cả những điều này làm chai cứng con tim họ đến mức phải có một phép lạ thực sự của ân sủng thì họ mới trở về với con đường ngay thẳng.

    Có lẽ những phương tiện dẫn họ trở về với Thiên Chúa hữu hiệu nhất là khuyến khích họ tham dự vài hình thức linh thao với một nhóm người cùng nghề nghiệp hay cùng điều kiện xã hội; chẳng hạn tĩnh tâm, mục vụ giáo xứ, hay phong trào Cursillo. Thường đối với loại người này, việc cố gắng chân thành tham dự một hình thức linh thao, nhiều khi giúp họ nhận được nhiều hồng ân lớn lao của Chúa đang sẵn chờ họ ở đó, nhất là khi việc này được đề nghị cách tế nhị. Thỉnh thoảng xảy ra những cuộc trở lại gây kinh ngạc, những cuộc đổi đời tận căn và khởi sự một cuộc sống đạo đức, nhiệt thành nơi những người trước đây sống hoàn toàn quên Thiên Chúa. Vị linh mục nào có cơ hội trở thành khí cụ lòng thương xót của Thiên Chúa, phải lưu tâm đến hối nhân và với sự hướng dẫn khôn ngoan, thận trọng, cố gắng đảm bảo cho sự trở về với Thiên Chúa được dứt khoát và bền vững.[10]

4. Người phạm tội với sự hiểm độc tinh vi và cố chấp

    Loại tội nhân thứ bốn đáng trách nhất, những người này phạm tội với sự hiểm độc tinh vi và cố chấp quái gỡ. Khởi đầu, họ có thể là những tín hữu tốt nhưng dần dần, càng ngày họ càng sa đọa cho đến khi tâm hồn bị tội lỗi khuất phục hoàn toàn. Và rồi xảy ra những hậu quả không thể tránh được là phản bội và bỏ đạo. Những rào cản cuối cùng đã bị bẻ gãy và lúc này những người đó dễ mắc phải bất cứ loại hỗn loạn nào về đạo đức. Họ công kích tôn giáo và Giáo Hội, và có thể gia nhập bè phái không Công Giáo và nhiệt thành hăng say truyền bá giáo thuyết của nó nữa. Một người như thế đã chủ tâm đóng cửa lòng trước mọi khả năng trở về với Thiên Chúa, họ nói với bạn bè và thân hữu: “Nếu trong giờ chết tôi yêu cầu mời một linh mục giải tội, xin đừng mời ông ta đến, bởi vì tôi ở trong tình trạng mê sảng”.

    Cố gắng chinh phục những người này bằng sự thuyết giảng và khuyên bảo là điều vô ích. Sẽ không gây một ấn tượng nào trên họ lại còn có thể đem đến một hậu quả trái ngược. Phương pháp độc nhất phải dùng là phương pháp hoàn toàn siêu nhiên: cầu nguyện, giữ chay, kiên trì trông cậy vào Đức Trinh Nữ Maria. Sự trở về của họ cần có ơn đặc biệt của Thiên Chúa, mà Thiên Chúa không luôn luôn ban như thế, mặc dù có nhiều lời cầu nguyện và khẩn khoản van nài. Dường như những tội nhân này đã làm mất hết sự kiên nhẫn của Thiên Chúa và được tiền định trở nên bằng chứng sống động cho sự công bình nghiêm khắc của Thiên Chúa, bởi vì, họ đã lạm dụng lòng nhân từ của Người.[11]

    Chúng ta kết luận bằng một lời khẳng định của thánh Têrêsa về sự nghiêm trọng của tội nặng.

    “Có lần tôi đã nghe một vị linh hướng nói rằng, ngài không ngạc nhiên nhiều về một linh hồn mắc tội trọng đã làm, cho bằng về những gì họ đã không làm. Xin Chúa nhân từ cứu chúng ta khỏi sự dữ lớn lao ấy. Vì không có gì trong suốt cả cuộc sống chúng ta hoàn toàn đáng được gọi là sự dữ như sự dữ ấy, vì hậu quả của nó đem lại sự dữ đời đời”[12]

 (còn tiếp)

                                                        LM. Giuse Đỗ Văn Thụy

 


[1] Jordan Aumann, Spirirual Theology (thần học về đời sống tâm linh) tập I, p.232

[2] Tổng luận thần học I, 63; I-II, 21; 72.5; 74.1; 75.2-5;

[3] Jordan Aumann, Spirirual Theology (thần học về đời sống tâm linh) tập I, p.233-234

[4] Eugene Maly, Sin, các trang 27-33.

[5] Hoffman, Beginnings in spiritual life, các trang 36-38. Cha Hoffman đã viết hai tác phẩm khác để hoàn thành bộ sách của mình, đó là Marturing the Spirit và The Life Within.

[6] Jordan Aumann, Spirirual Theology (thần học về đời sống tâm linh) tập I, p.235-236

[7] Jordan Aumann, Spirirual Theology (thần học về đời sống tâm linh) tập I, p.236

[8] Jordan Aumann, Spirirual Theology (thần học về đời sống tâm linh) tập I, p.237

[9] Jordan Aumann, Spirirual Theology (thần học về đời sống tâm linh) tập I, p.238

[10] Jordan Aumann, Spirirual Theology (thần học về đời sống tâm linh) tập I, p.239

[11] Jordan Aumann, Spirirual Theology (thần học về đời sống tâm linh) tập I, p.239

[12] Thánh Têrêsa : “Lâu đài nội tâm”, tầng lầu thứ nhất, chương 2.

Xem thêm

mqdefault

Thánh lễ Kính Lòng Chúa Thương Xót hạt Gia Định, 18/12/2024 tại nhà thờ Thánh Nguyễn Duy Khang

BTT CĐLCTX TGP SG