Home / Chia Sẻ / CHIẾN ĐẤU VỚI TỘI LỖI (P.2)

CHIẾN ĐẤU VỚI TỘI LỖI (P.2)

III. TỘI NHẸ

1. Phân loại.

1.1. Phân biệt ba loại tội nhẹ.

    Để phân biệt với tội trọng thì tội nhẹ đơn giản là một sự trệch đường và không phải hoàn toàn đi ngược lại với những cùng đích tối hậu. Nó là một thứ bệnh tật nhưng không nguy tử. Người phạm tội trọng giống như một người lữ hành quay lưng lại với đích phải tới và bắt đầu đi về hướng đối nghịch; trong khi người phạm tội nhẹ chỉ ra khỏi con đường thẳng nhưng không bỏ cuộc hành trình tiến về đích phải đến của mình.

    Chúng ta có thể phân biệt 3 loại tội nhẹ:

– Những điều do chính bản chất của nó đã bao hàm một sự hỗn loạn hay trệch đường dù chỉ là một điều nhẹ, như một lời nói dối nhỏ mọn không làm thiệt hại ai.

– Những điều do sự nhỏ mọn của vấn đề chỉ tạo nên một sự hỗn loạn không đáng kể như ăn cắp một món tiền nhỏ.

– Những việc làm khi thiếu suy nghĩ chín chắn, hay thiếu ưng thuận hoàn toàn trong những vấn đề ở mặt khác là những tội trọng, như kêu danh Chúa cách vô cớ.[1]

1.2. Sự khác biệt giữa tội trọng và tội nhẹ.

    Có sự khác biệt sâu xa giữa sự dữ của tội trọng và tội nhẹ, vì tội nhẹ không tạo nên một sự xúc phạm thực sự chống lại Thiên Chúa. Thánh Têrêsa nói về điều này:

    “Tôi đã suy nghĩ kỹ, xin Chúa đừng bao giờ để chúng ta phạm tội, dầu nhẹ đến đâu cũng vậy. Phạm tội chống lại Đấng Siêu Việt vĩ đại như thế và nhận thức rằng Người đang nhìn xem chúng ta, đối với tôi, điều đó xem ra là một tội ác cố tình, dường như người ta muốn nói: ‘Lạy Chúa, mặc dù điều này làm mất lòng Chúa, nhưng con cũng sẽ làm điều đó. Con biết Chúa thấy điều đó và con biết Chúa không muốn con làm điều đó dù con hiểu như thế nhưng con muốn theo ý riêng và ước muốn của con hơn ý Chúa’. Nếu chúng ta phạm một tội như thế dù nhẹ, đối với tôi, sự xúc phạm của chúng ta không phải nhỏ nhưng rất lớn”[2].

    Do đó, cần phân biệt giữa tội nhẹ phạm vì yếu đuối, bất ngờ hay thiếu chủ ý và cân nhắc kỹ lưỡng với những tội phạm cách nhẫn tâm và hoàn toàn ý thức, chỉ có thứ tội này mới là điều làm mất lòng Chúa. Chúng ta không bao giờ có thể hoàn toàn tránh được những tội nhẹ do yếu đuối và Thiên Chúa, Đấng biết rất rõ nắm đất sét nhờ đó ta được tạo thành, Người sẵn sàng tha thứ cho chúng ta những tội phạm vì yếu đuối. Điều duy nhất một người có thể làm là cố gắng hết sức để giảm bớt số tội và tránh sự ngã lòng. Thánh Salêsiô nói về hoàn cảnh này:

    “Mặc dù việc cảm thấy chán nản và hối hận vì đã phạm bất cứ lỗi lầm nào là điều hợp lý, nhưng sự nản lòng này không được là sự chua chát, giận dữ, gay gắt hay cáu kỉnh, đây là khuyết điểm lớn của những người thấy mình nóng giận lại trở thành bất nhẫn với các tính thiếu kiên nhẫn của mình, và trở nên tức giận vì thái độ giận dữ của mình.

    Giống như sự quở trách thân ái và ngọt ngào của một người cha gây nhiều ấn tượng trên đứa con hơn là cơn thịnh nộ và giận dữ của ông ta. Cũng vậy, nếu chúng ta trách cứ con tim chúng ta khi nó phạm lỗi với sự quở trách êm đềm, ngọt ngào, cảm thông hơn là giận dữ, và thức tỉnh con tim để sửa chữa, thì chúng ta sẽ thành công trong việc khơi dậy một lòng thống hối sâu xa hơn là khơi dậy sự bực bội, giận dữ và băn khoăn. Do đó, hãy hết sức chê ghét những xúc phạm làm mất lòng Chúa, can đảm và tin tưởng vào lòng thương xót của người, và hãy bắt đầu lại việc thực hành nhân đức mà ta đã bỏ”[3].

    Nếu người ta hành động như thế, phản ứng mau lẹ chống lại những lỗi lầm do yếu đuối với một lòng thống hối sâu xa tràn đầy lòng hiền hoà, khiêm nhường và tin tưởng vào lòng nhân từ của Chúa, thì những yếu đuối này ít khi để lại dấu vết nào trong tâm hồn và chúng sẽ không tạo nên một chướng ngại trầm trọng trên con đường nên thánh của chúng ta. Nhưng khi phạm tội nhẹ cách nhẫn tâm, với suy nghĩ chín chắn và hoàn toàn ý thức thì chúng tạo nên một chướng ngại cho sự trọn lành.[4]

    Tu sĩ Dòng Tên người Pháp, Louis Lallemant nói: “Người ta ngạc nhiên thấy nhiều tu sĩ sau khi đã sống 40 năm hay 50 năm trong tình trạng ân sủng… nhờ đó, nhận được mọi hồng ân của Chúa Thánh Thần rất cao – Tôi nói, người ta ngạc nhiên khi thấy đời sống của họ hoàn toàn theo tự nhiên; khi được sửa dạy hay khi nản lòng họ tỏ ra phẫn uất… họ lưu tâm nhiều đến lời chúc tụng, sự tôn kính, tán thưởng của thế gian, họ cảm thấy hạnh phúc và yêu thích tìm kiếm sự yên ủi và những gì thoả mãn tình yêu vị kỷ của họ.

    Không có lý do gì đáng ngạc nhiên – Tội nhẹ phạm liên tục sẽ ngăn cản hồng ân của Chúa Thánh Thần và không có gì lạ khi họ không đạt được hiệu lực của ân sủng. Thực ra, những hồng ân này lớn lên cùng với đức ái theo tập quán trong con người thể lý của họ, nhưng lại không thực sự lớn lên trong hành động và trong sự hoàn thiện phù hợp với lòng bác ái nhiệt thành và tăng thêm công trạng trong chúng ta, bởi vì tội nhẹ đối nghịch với sự nhiệt thành của đức ái làm trở ngại sức hoạt động của ơn Chúa Thánh Thần.

    Nếu những tu sĩ này cố gắng đạt tới sự thanh khiết của tâm hồn, thì sự nhiệt thành của đức ái sẽ càng ngày càng tăng lên trong họ và những hồng ân của Chúa Thánh Thần sẽ hướng dẫn cách cư xử của họ, nhưng điều này là không bao giờ biểu hiện rõ ràng nơi họ, vì họ sống mà không hồi tâm, không lưu ý đến đời sống nội tâm, để cho khuynh hướng tự nhiên điều khiển và hướng dẫn mình, và chỉ tránh những tội trọng trong khi lại coi thường những điều nhỏ mọn[5].”

2. Hậu quả của tội nhẹ.

    Tội nhẹ có 4 hậu quả đặc biệt làm thiệt hại cho đời sống tâm linh:

2.1. Tội nhẹ tước đoạt nhiều ơn hiện sủng.

    Nó tước đoạt của ta nhiều ơn hiện sủng mà Thiên Chúa dành cho chúng ta. Sự thiếu ơn sủng này, đôi khi dẫn đến hậu quả là chúng ta bị rơi vào những cám dỗ mà ta có thể tránh được nhờ ơn hiện sủng. Khi khác, nó có thể gây ra hậu quả là đánh mất một bước tiến mới mẻ trong đời sống tâm linh. Chỉ trong ánh sáng vĩnh cửu – và không có cách nào khác, chúng ta mới nhận ra được những gì chúng ta đã mất vì hậu quả của những tội mọn cố tình.

2.2. Tội nhẹ làm giảm lòng nhiệt thành phụng sự Chúa.

    Nó làm giảm sự nhiệt thành của đức ái và sự quảng đại của con người trong việc phụng sự Chúa. Sự nhiệt thành và lòng quảng đại này giả định ước vọng chân thành đến sự trọn lành và cố gắng kiên trì để đạt được điều đó, những điều này không thể có nơi những người phạm tội mọn cố tình, bởi vì tội mọn cố tình bao hàm một sự từ bỏ lý tưởng cao cả và việc chủ tâm dừng lại trong khi chiến đấu để đạt tới sự thánh thiện ở bậc cao hơn.

2.3. Tội nhẹ làm gia tăng các trở ngại trong việc tập luyện các nhân đức.

    Nó làm tăng khó khăn trong việc luyện tập nhân đức. Đây là kết quả của hai hậu quả trên. Bị tước đoạt nhiều ơn hiện sủng cần thiết để chúng ta tiếp tục con đường hoàn thiện, và bị suy yếu về lòng nhiệt thành và quảng đại phục vụ Thiên Chúa, linh hồn càng ngày càng mất đi năng lực thiêng liêng. Việc thực hiện nhân đức trở nên khó khăn hơn, nỗ lực cần để trưởng thành trong sự thánh thiện ngày càng kém đi và kinh nghiệm của những thất bại đã qua làm cho linh hồn mất nhuệ khí.

2.4. Tội nhẹ dễ dàng đưa đến tội trọng.

    Đưa đến tội trọng. Điều này được chứng minh rõ trong Kinh Thánh: “ai bỏ qua điều nhỏ mọn thì dần dần sẽ bị tước đoạt trần trụi” (Hc 19,1).Kinh nghiệm cho thấy sự sa ngã cuối cùng của nhiều linh hồn đã khởi đầu bằng con đường này. Linh hồn hạ thấp hàng rào bảo vệ dần dần cho tới khi quân thù tiến vào chiếm lấy thành bằng một cuộc tấn công hung bạo.

    Để tránh tội và thói quen phạm tội nhẹ, người ta phải trung thành với việc xét mình – tổng quát và riêng biệt – tăng cường tinh thần hy sinh, trung thành với việc cầu nguyện, cẩn thủ sự trầm tĩnh nội tại và ngoại tại trong phạm vi mà bổn phận của bậc sống cho phép; vun trồn lòng sùng kính, hiếu thảo đối với mẹ Maria; nhớ đến gương các thánh. Tránh tội nhẹ không phải là việc dễ, nhưng dù khó khăn, cũng có thể đạt được nhờ sự đấu tranh kiên trì và nhờ lời cầu nguyện khiêm tốn.[6]

IV. KHUYẾT ĐIỂM

    Chúng ta đã bàn đến ý nghĩa thần học của những khuyết điểm và đã xác định khuyết điểm luân lý khác với tội nhẹ. Một hành động tự bản chất tốt thì không hết tốt, ngay cả khi nó có thể tốt hơn. Trái lại, tội nhẹ là một cái gì đó xấu tự bản chất, nhưng là một sự xấu nhẹ. Tuy nhiên, khuyết điểm làm thiệt hại cho đời sống tâm linh và ngăn cản tâm hồn bay bổng tới sự thánh thiện. Thánh Gioan Thánh Giá bàn về vấn đề này khi người phân biệt giữa tội nhẹ và khuyết điểm:

    “Một số thói quen phạm những khuyết điểm tự ý, nếu không được chế ngự hoàn toàn, thì không những chúng ngăn cản việc đạt tới sự kết hiệp với Thiên Chúa mà còn ngăn cản sự tiến bộ trên đường hoàn thiện nữa.

    Những khuyết điểm đã thành thói quen, chẳng hạn: thói quen nói nhiều hoặc đôi chút quyến luyến mà chúng ta không bao giờ muốn chế ngự… Nếu tâm hồn quen bị ràng buộc, dù chỉ một trong số các khiếm khuyết đó, cũng gây ra một sự thiện hại lớn cho việc phát triển và tiến tới trong đàng nhân đức, nói chi về những người hằng ngày sa ngã vào một số lớn những khuyết điểm và những tội nhẹ khác.

    Bao lâu còn trong tình trạng đó, sẽ không có khả năng tiến bộ trong sự hoàn thiện cho dù khuyết điểm đó hết sức sơ sài. Bởi vì, giống như một con chim dù bị buộc bởi một sợi dây mỏng manh hay bằng một sợi dây thừng chắc chắn, bao lâu nó chưa cắt đứt được sợi dây ấy, thì nó không thể bay lên được. và vì thế, dù đã có được nhiều nhân đức, nếu linh hồn còn bị ràng buộc với bất cứ một điều gì cũng sẽ không đạt tới sự tự do để kết hiệp với Thiên Chúa”[7].

    Đạo lý này được thánh Tôma xác nhận khi người bàn về sự gia tăng các tập quán. Theo thánh Tôma, Đức Ái và những tập quán phú bẩm khác chỉ tăng thêm do một hành động có cường độ mãnh liệt hơn do ơn hiện sủng đem đến, chính hành động đó tăng cường tập quán. Do đó, cầu nguyện hết sức quan trọng trong lãnh vực này, bởi vì phương thế độc nhất để chúng ta có thể lãnh nhận ơn hiện sủng là cầu xin tha thiết, vì hiện sủng không được ban do công trạng theo đúng nghĩa của từ này. Chính bản chất của khuyết điểm là một hành động hời hợt hoặc là cố ý khước từ một hành động mãnh liệt hơn. Do đó, nếu người ta không từ bỏ những khuyết điểm cố tình thường phạm thì không thể tiến tới trong sự hoàn thiện.

    Đây là lý do, tại sao trong thực tế có nhiều người có dư khả năng nên thánh mà lại thất bại, và đã có quá ít những vị thánh thực sự. Nhiều linh hồn sống thường xuyên trong ơn sủng của Chúa, không bao giờ phạm tội trọng và còn dùng mọi nỗ lực để tránh tội nhẹ. Tuy thế, họ vẫn đứng lì tại chỗ trong nhiều năm và không tiến bộ trong đàng thánh thiện. Chúng ta có thể giải thích hiện này thế nào? Câu trả lời là họ đã không nỗ lực tránh những khuyết điểm cố tình, họ không cố gắng chặt đứt sợi dây mỏng manh buộc chặt họ với thế gian và ngăn cản họ bay lên đỉnh cao.

    Do đó, cần tiến hành một trận chiến không ngừng để chống lại những khuyết điểm cố tình nếu chúng ta luôn muốn đạt tới hiệp nhất hoàn toàn với Thiên Chúa. Linh hồn phải luôn vươn tới sự hoàn thiện cao hơn và cố gắng làm mọi việc cách tích cực tối đa. Đương nhiên, chúng tôi không muốn nói rằng, chúng ta phải ở trong tình trạng căng thẳng liên tục. Chúng ta đặc biệt muốn nói tới sự hoàn thiện của những động cơ dẫn chúng ta đến hành động: làm mọi sự với ý hướng ngay lành nhất có thể, với ước muốn mãnh liệt làm vinh danh Chúa, với sự phó thác hoàn toàn cho Chúa để Chúa Thánh Thần có thể hoàn thành việc điều khiển tâm hồn chúng ta và cùng hành động với ta theo ý Người. Như vậy, mục tiêu của chúng ta là sự biến đổi hoàn toàn trong Đức Kitô, để có thể nói được như thánh Phaolô: “Tôi sống nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20).[8]

                                                                     LM. Giuse Đỗ Văn Thụy


[1] Jordan Aumann, Spirirual Theology (thần học về đời sống tâm linh) tập I, p.240

[2] “Đường hoàn thiện”, chương 41.

[3] Phanxicô Salêsiô, Introduction to the Devout life, bản dịch của John Không, Ryan, phân III, chương 11.

[4] Jordan Aumann, Spirirual Theology (thần học về đời sống tâm linh) tập I, p.241-142.

[5] The Spiritual Doctrine of Father Lallemant, Print. 4, c.3.a.3.

[6] Jordan Aumann, Spirirual Theology (thần học về đời sống tâm linh) tập I, p.244-245

[7] Thánh Gioan Thánh giá. The Ascent of Mount Carmel, quyển 1, chương 11.

[8] Jordan Aumann, Spirirual Theology (thần học về đời sống tâm linh) tập I, p.246-247

Xem thêm

LeVongChuaTT

Suy Niệm Tin Mừng THÁNH LỄ VỌNG CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG, của LM Antôn Nguyễn Văn Độ

CHÚA THÁNH THẦN, NGUYÊN LÝ SÁNG TẠO VÀ HIỆP NHẤT SUY NIỆM THÁNH LỄ VỌNG …