Hãy Rửa Chân Cho Nhau
THÁNH LỄ TIỆC LY
(Ga 13, 1-15)
Hôm nay Thứ Năm Tuần Thánh, chúng ta kỷ niệm ngày đầu tiên trong Lịch sử, ngày Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta cùng với các môn đệ cử hành lễ Vượt Qua. Người đã kiện toàn Lễ Vượt Qua của Giao Ước mới, bằng việc tự hiến chính thân mình làm của lễ cứu độ chúng ta.
Chính trong bữa Tiệc Ly Thánh này, cùng một thể thức ấy, Chúa Giêsu đã thiết lập Thiên Chức Linh mục. Để qua các linh mục, Thánh lễ được tiếp tục cửa hành cho đến muôn đời. Kinh Tiền của Thánh Lễ làm phép Dầu sáng nay mạc khải đầy đủ cho chúng ta ý nghĩa ấy : “Chúa đã lấy tình huynh đệ tuyển chọn một số người, để họ tham gia thánh vụ của Người nhờ việc đặt tay. Cha muốn họ nhân danh Người tái diễn hy lễ cứu độ, dọn cho con cái Cha bàn tiệc Vượt Qua, lấy tình thương dẫn dắt, lấy lời Cha nuôi dưỡng và dùng các bí tích bổi bổ dân thánh của Cha“.
Và cũng chính ngày Thứ Năm này, Chúa Giêsu nói : “Anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13,34), như thế, giới luật yêu thương đã được Chúa ban truyền. Xưa kia, tình yêu dựa trên sự đổi trác, hoặc thặc hiện một khế ước nào đã được định trước. Giờ đây, tình yêu kitô giáo được đặt trên nền tảng là Chúa Kitô : “Người vốn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn đang ở thế gian, thì đã yêu thương họ đến cùng” (Ga 13,1). Người yêu thương chúng ta đến mức phải hy sinh mạng sống của chính mình: đây chính là thước đo tình yêu của người môn đệ đối với Thầy Giêsu và điều này cũng là dấu chỉ, đặc tính của sự nhận biết Kitô giáo : “Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13, 35).
Con người chúng ta không có khả năng yêu đến như thế. Tình yêu không đơn giản chỉ là kết quả nỗ lực của con người, nó là quà tặng của Thiên Chúa. Hạnh phúc thay, Thiên Chúa là Tình yêu, đồng thời Ngài cũng là nguồn mạch của tình yêu, trao tặng cho chúng ta nơi Bí tích Mình Máu Thánh Chúa, Bí tích Tình Yêu.
Sau cùng, hôm nay chúng ta tưởng nhớ tới việc Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ. Con Thiên Chúa làm người, là Đức Chúa, đã mặc lấy thái độ của người tôi tớ và quì xuống rửa chân cho các môn sinh của Người, đồng thời khuyên họ rửa chân cho nhau “Vậy nếu Ta là Chúa và là Thầy mà còn rửa chân cho các con, thì các con cũng phải rửa chân cho nhau. Vì Thầy đã làm gương cho các con để các con cũng bắt chước mà làm như Thầy đã làm cho các con” (Ga 13,13-14). Trong cử chỉ của Chúa Giêsu, Thầy Chí Thánh, chất chứa một bài học cao cả về sự khiêm nhường. Cử chỉ này báo trước sự tự hủy hoàn toàn trong cuộc Thương Khó mà Chúa Giêsu phải chịu để cứu độ thế gian.
Romano Guardini, một thần học gia nói rằng : “Thái độ của người tôi tớ quì gối trước ông chủ, đó không phải là khiêm tốn. Đơn giản là việc anh ta phải làm, hoàn toàn đúng. Một người xứng quì gối trước kẻ tiểu nhân mới là người khiêm nhường thật sự“. Chúa Giêsu một Vì Thiên Chúa đã làm như thế. Đó là lý do tại sao nói Chúa Giêsu là Đấng khiêm nhường tột độ. Vậy, đứng trước Chúa Giêsu Kitô, Đấng khiêm nhường này, các mô hình truyền thống bị phá vỡ. Chúa Giêsu đã đảo ngược các giá trị thuần túy của con người và mời gọi chúng ta noi gương Người để xây dựng một thế giới mới dựa trên sự phục vụ hy sinh. Vậy chúng ta hãy rửa chân cho nhau, nghĩa là phục vụ giúp đỡ nhau, giúp nhau cùng thăng tiến.
Chúng ta cầu xin Chúa cho Thánh lễ cử hành chiều hôm nay, đưa chúng ta vào trong mầu nhiệm của Bí tích Thánh Thể, mầu nhiệm của thiên chức Linh mục, và giới răn trọng nhất là bác ái yêu thương. Chúng ta cố gắng ghi nhớ những điều Chúa truyền dạy để đưa vào trong cuộc sống đạo hàng ngày của mỗi người chúng ta. Amen.
Thánh Thể, Thiên Chức Linh Mục
Và Giới Luật Yêu Thương
THÁNH LỄ TIỆC LY
(Ga 13, 1-15)
Phụng vụ chiều Thứ Năm Tuần Thánh, Giáo hội cử hành Bí tích Thánh Thể do Chúa Giêsu thiết lập vào sau bữa tối cuối cùng với các Tông Đồ trong nhà Tiệc Ly, trước Đêm Hấp Hối trong Vườn Cây Dầu, để muôn đời tưởng nhớ tới sự Hiện Diện Thực Sự của Người giữa chúng ta. Đây là Thánh lễ sau hết được cử hành trước Đêm Vọng Phục Sinh Thứ Bẩy Tuần Thánh. Vì là Lễ sau hết nên lúc hát Kinh Vinh Danh, các chuông nhà thờ reo lên, và sẽ chỉ reo lại vào đúng lúc hát Kinh Vinh Danh trong Đêm Vọng Phục Sinh. Sau Thánh lễ chiều nay, các khăn bàn thờ đều được lột sạch, các chân nến và thánh giá được cất đi, người ta không còn trưng hoa nữa để loan báo ngày đại tang của Giáo hội và cũng ngụ ý nói rằng, Giáo hội không cử hành lễ nào nữa cho đến ngày Chúa Kitô sống lại.
Cử hành Cuộc Khổ Nạn và Phục Sinh của Đức Kitô là mục đích của Tam Nhật Vượt Qua. “Chúng ta phải hãnh diện về thập giá Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Nơi Người, ta được giải thoát, được sống và được sống lại ; chính Người giải thoát và cứu độ ta” ( Ca nhập lễ ).
“Trước ngày Lễ Vượt Qua, Chúa Giêsu biết đã đến giờ Mình phải bỏ thế gian mà về cùng Chúa Cha, Người vốn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn đang ở thế gian, thì đã yêu thương họ đến cùng” (Ga 13,1-2). Chúa Giêsu đã yêu thương các môn đệ, thì Người đã yêu họ đến cùng một cách kinh ngạc. Thật không có hành động nào khác để diễn tả yêu thương cho bằng tình yêu. Cũng như các môn đệ, Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta đến nỗi không có ngòi bút nào trên trần gian này có thể diễn tả hoặc viết ra hết được tình yêu thương ấy, trong những ngày cuối đời của “kiếp người” lầm than và cay đắng. Vì yêu, Chúa Giêsu đã lập Bí tích Thánh Thể, lấy chính Thịt Máu Mình làm của ăn của uống nuôi dưỡng chúng ta. Để tiếp tục yêu thương và tha thứ, Chúa thiết lập thiên chức Linh mục đời đời. Và cũng chính hôm nay, Chúa truyền dạy chúng ta phải yêu thương nhau như Chúa đã yêu.
“Các con hãy lãnh nhận mà ăn, này là Mình Ta… Các con hãy cầm lấy mà uống, chén này là Tân ước trong Máu Ta” (1 Cr 11, 24-25). Thật không thể hiểu nổi, Thiên Chúa yêu nhân loại biết là chừng nào. Ngài đã yêu bằng một Tình Yêu trao ban, hy sinh và tận hiến. Khi lập Phép Thánh Thể, Chúa hiến chính thân mình làm lượng thực nuôi dưỡng chúng ta, ở với chúng ta mọi ngày cho đến tận thế. Không những thế, Chúa còn cho chúng ta tham dự vào sự sống của chính Chúa khi rước Mình và Máu Thánh Ngài, để được sống đời đời.
Thiết lập Bí tích Thánh Thể xong, Chúa Giêsu cũng lập luôn Bí tích Truyền Chức Thánh. Chúa nói với các Tông Đồ hiện diện : “Các con hãy làm việc này để nhớ đến Thầy” (Lc 22, 19 ;1 Cr 11, 24). Với lời trên, cho thấy Thiên Chúa tiếp tục yêu thương và tín nhiệm con người. Mặc dù phàm nhân bất xứng, Chúa vẫn ủy thác cho sứ mạng thay mặt Chúa hiện tại hóa Hy tế Thập giá trên bàn thờ mỗi ngày, tất cả chỉ vì yêu.
Sau khi rửa chân cho các môn đệ, một lần nữa, Người mời gọi chúng ta : “Thầy đã làm gương cho các con, để các con cũng bắt chước mà làm như Thầy đã làm cho các con” (Ga 13,15). Bằng cách này, Người thiết lập một sự liên kết thân mật giữa Bí tích Thánh Thể, Bí tích của quà tặng hy sinh và huấn lệnh yêu thương.
Hôm nay, kỷ niệm ngày Chúa Giêsu thiết lập thiên chức Linh mục, chúng ta có nhiều dịp nhắc đi nhắc lại một câu rất sâu sắc nhưng cũng cần phải tìm hiểu thêm : Không có Thánh Thể thì không có chức Linh mục – không có chức Linh mục thì cũng không có Bí tích Thánh Thể (chỉ một lần rồi thôi). Hai điều đó gắn chặt, liên kết với nhau nhờ đức bác ái. Không thể tham dự Thánh Thể nếu không có Tư Tế, nhưng cũng không thể tham dự Thánh Thể nếu không có đức bác ái và sự tha thứ. Trong Bí tích Thánh Thể, tất cả chúng ta đều tham dự vào một Mình Thánh, một Máu Thánh, trở nên một thì chúng ta không còn tách biệt được nữa.
Ai tham dự bàn tiệc của Chúa thì người đó không thể tách rời khỏi bổn phận yêu thương anh chị. Mỗi lần chúng ta tham dự bàn tiệc Thánh Thể, chúng ta cũng nói “Amen” trước Mình và Máu Thánh Chúa, như thế chúng ta cam kết thực hiện điều Ðức Kitô đã làm, là “rửa chân” cho anh chị em, trở nên một hình ảnh thực sự và tỏ tường của Ðấng “đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ”(Phil 2,7).
Tình yêu là di sản cao quý nhất mà Ðức Kitô để lại cho những ai được Người kêu gọi bước theo. Chính tình yêu của Người, được chia sẻ bởi các môn đệ, là điều được ban tặng cho tất cả nhân loại trong buổi chiều nay.
Thánh Thể là một ban tặng cao cả, nhưng cũng là một trách nhiệm lớn lao cho những ai tiếp nhận. Ðứng trước Phêrô, người đã từ chối không chịu để được rửa chân, Ðức Giêsu đã nhấn mạnh đến nhu cầu phải nên thanh sạch để có thể dự phần vào bàn tiệc Thánh Thể.
Nghi thức rửa chân nói lên sự khiêm tốn của mình đối với người khác, nhìn nhận rằng mình là người có tội, nếu có điều gì là do tôi chứ không phải do anh em, tha nhân thật sự là anh em của tôi. Bác ái không phải là chối từ việc người khác không có lỗi, nếu lỗi là có lỗi với Chúa. “Rửa chân cho nhau” chứ không phải rửa chân cho người trên hay cho người dưới, tất cả đều là tha thứ, yêu thương và giúp đỡ nhau.
Chúng ta cầu xin Chúa cho Thánh lễ cử hành chiều hôm nay, đưa chúng ta vào trong mầu nhiệm của Bí tích Thánh Thể, mầu nhiệm của thiên chức Linh mục, và giới răn trọng nhất là bác ái yêu thương. Chúng ta cố gắng ghi nhớ những điều này để đưa vào trong cuộc sống hàng ngày của mỗi người. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ