Người mù thành Giêricô
Giêricô là một trong những thành phố nổi tiếng nhưng cũng là một thành phố “thấp nhất” thế giới, vì thấp hơn mặt biển 250 mét. Nó nằm gần Biển Chết, nên cảnh vật hoang vắng, lúc nào cũng thấy thấp thoáng bóng dáng thần chết.
Bất cứ ai đi từ bên kia sông Giođan vào Israen đều phải đi ngang qua Giêricô.
Đức Giêsu trên đường đi Giêrusalem, nơi sẽ diễn ra cuộc khổ nạn cũng đi qua thành này.
Thật là trùng hợp một cách vô cùng ý nghĩa, vì chữ Giêricô trong tiếng Do Thái có nghĩa là “thành phố mặt trăng”.
Đây là một thành phố được dâng kính đặc biệt cho vị thần của ban đêm.
Nó lại càng mang một ý nghĩa hơn nữa khi Đức Giêsu làm một “dấu lạ” cuối cùng: Người đã tháo cởi tăm tối cho một người mù đáng thương.
Đức Giêsu đem lạ ánh sáng cho người mù thành Giêricô.
Đức Giêsu cũng mang lạ ánh sáng cho cuộc đời tăm tối của mỗi người chúng ta.
Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy, thánh Marcô đã kể lại một cách chi tiết:
“Khi Đức Giêsu cùng với các môn đệ ra khỏi thành Giêricô, thì có một người hành khất mù, tên là Bactimê, con ông Timê, đang ngồi bên vệ đường”.
Trong những xứ nghèo ở Phương Đông, thường có nhiều người mù.
Họ chẳng biết làm gì để kiếm sống ngoại trừ việc ngồi ăn xin trên các vệ đường.
Nhưng thật ngược đời, ở giữa đám đông những người sáng mắt rầm rộ theo Chúa Giêsu, anh mù lại là người duy nhất tỏ ra nhìn rõ. Tại sao?
Một câu chuyện kể rằng:
“Tại nhà ga Verona, nước Ý năm 1945, dân chúng đang chờ đợi các binh sĩ trở về từ các trại tập trung của Đức Quốc Xã.
Từ trên xe lửa những tấm thân tiều tuỵ bắt đầu bước xuống sân ga giữa tiếng cười pha lẫn tiếng khóc của người thân. Cuối cùng, một người lính trẻ mò mẫm bước đi từng bước. Anh từ từ tiến về phía một người đàn bà già yếu và chỉ đủ sức để thốt lên tiếng”Mẹ”. Hai mẹ con ôm chầm lấy nhau. Người mẹ già xót xa: “Làm sao một người mù như con lại có thể tìm đến với mẹ?”. Người lính mù ấy đáp: “Thưa mẹ con không nhìn thấy mẹ bằng đôi mắt, nhưng trái tim con đã hướng dẫn con”.
Quả thật, người ta không chỉ thấy bằng đôi mắt, nhưng còn bằng chính tâm hồn của mình. Người ta không những chỉ hiểu biết bằng lý trí, nhưng còn bằng con tim của mình nữa.[1] Chính con tim, lòng khao khát đã dẫn anh mù đến với Đức Giêsu và anh đã nhận ra Đấng đang đi qua là “con vua Đavit”, là Đấng Messia mọi người trông đợi.
J.Hervieux kết luận: “Ở đây nghệ thuật kể của thánh Maccô đạt đến đỉnh toàn hảo.
Hai hình ảnh thật trái ngược nhau:
hoàn cảnh bắt đầu của Bactimê (ngồi ở vệ đường, mù lòa, ăn xin)
và hoàn cảnh kết thúc (đứng dậy, đi trên đường, nhìn thấy và đem Tin Mừng).
Không còn nghi ngờ gì, tác giả đặt trình thuật này vào lúc Đức Giêsu lên Giêrusalem, dẫn theo bạn bè và đám đông dân chúng tiến về “ánh sáng” để thấy rõ hơn thân thế và sứ mạng của Người.
Câu chuyện này là một minh họa cho thấy nhờ đâu, người mù mới trở nên “người môn đệ đích thực”. [2]
Người môn đệ cần phải để Thầy mình dẫn đến sự giác ngộ đức tin.
Phép lạ chữa người mù ở Bétsaiđa đã thúc đẩy các môn đệ Đức Giêsu khám phá người là Đấng Messia.
Giờ đây, Đức Giêsu lại mời gọi họ – những kẻ muốn đi theo Người – và cũng mời gọi chúng ta – hãy mở rộng đôi mắt tâm hồn để đón nhận Đấng Messia đau khổ và khải hoàn trong đức tin như một sự kiện đã xảy ra tại Lộ Đức:
“…Trong muôn nghìn kỷ vật tạ ơn, người ta thấy có một bức tượng diễn tả một người mù vừa được chữa lành. Dĩnhiên, được sáng mắt là một trong những phép lạ đầu tiên được ghi trong sách những phép lạ tại Lộ Đức, nhưng bức tượng người mù sáng mắt ở đây lại là một bức tượng của một người tìm lại được ánh sáng đức tin.
Bức tượng này được một người phụ nữ quí phái cho dựng lên để ghi nhớ ánh sáng đức tin mà bà đã tìm lại được tại Lộ Đức. Tuy là người công giáo, nhưng kể từ khi chồng qua đời, người phụ nữ này không còn một chút tin tưởng gì nơi Thiên Chúa và Mẹ Maria nữa.
Rồi, một mùa hè nọ, trên đường đi đến một trung tâm nghỉ mát nổi tiếng ở phía Nam nước Pháp, người phụ nữ phải đi ngang qua Lộ Đức. Thấy đám đông tấp nập tại trung tâm Thánh Mẫu, bà ta tò mò dừng lại. Bà không ngờ rằng chính Chúa đang tìm kiếm và theo dõi bà. Từ thái độ bàng quang của một người hiếu kỳ, người phụ nữ đã tìm lại ánh sáng đức tin. Để tạ ơn Chúa và Đức Mẹ, bà đã cho xây một bức tượng người mù với hàng chữ như sau: “Tìm lại đức tin còn vĩ đại hơn cả một phép lạ được sáng mắt”. Amen.[3]
Lm. Giuse Đỗ Văn Thụy
[1] R.VERITAS, Lẽ Sống, trg.359
[2] J.Hervieux, CN 30 TN
[3] R.VERITAS, Lẽ Sống, trg.380