Home / Chia Sẻ / BÀI 2: ƠN GỌI TRUYỀN GIÁO (P.2)

BÀI 2: ƠN GỌI TRUYỀN GIÁO (P.2)

II. SỨ VỤ TRUYỀN GIÁO VỚI GIÁO HỘI TOÀN CẦU

1. Sứ vụ “đến với muôn dân.

    Đức Giêsu đã sai các Tông Đồ đến với tất cả mọi người, mọi dân và mọi nơi trên trái đất. Qua các Tông Đồ, Giáo Hội đã đón nhận một sứ vụ phổ quát, không có biên giới, và liên hệ đến ơn cứu độ với tất cả sự phong phú của nó theo như đời sống dư tràn mà Đức Kitô đã mang lại cho chúng ta [Jn 10,10]: Giáo Hội đã được Đức Kitô sai đi trình bày và thông ban tình yêu Thiên Chúa cho hết mọi người, mọi dân tộc trên trái đất [RM 31].

    Sứ vụ này là duy nhất, vì chỉ có một nguồn gốc và một cùng đích nhưng lại bao gồm nhiều trách vụ và nhiều hoạt động khác nhau. Trước tiên, có hoạt động truyền giáo mà chúng ta gọi là “sứ vụ đến với muôn dân”, dựa trên từ ngữ được sử dụng trong sắc lệnh của Công Đồng. Đây là một hoạt động trọng yếu của Giáo Hội, thiết yếu và không bao giờ hoàn tất. Quả thực, Giáo Hội “không thể từ khước sứ vụ trường kỳ là mang Tin Mừng đến cho hàng triệu người nam cũng như nữ, chưa nhận biết Đức Kitô là Đấng cứu độ nhân loại; đây là công tác truyền giáo đặc trưng nhất mà Đức Giêsu đã và đang mỗi ngày trao phó cho Giáo Hội của Người [RM 31].

2. Khó khăn.

2.1. Những trở ngại bên ngoài.

    Cũng vậy, trải qua hai mươi thế kỷ, các thế hệ kitô hữu đã cứ từng đợt phải chạm trán với đủ thứ trở ngại đối với sứ mệnh truyền giáo.

2.1.1 Một số quốc gia cấm đoán hoặc ngăn cản việc loan báo Tin Mừng: Từ phía những người được Tin Mừng Hóa, có những sức chống cưỡng mà theo thường tình không thể chống lại được. Ngoài ra, chúng tôi buồn vì thấy rằng công cuộc Tin Mừng Hóa của Giáo Hội bị cản trở nặng nề, nếu không bị ngăn cấm. Kể cả ngày nay, có những người loan báo Lời Thiên Chúa bị tước đoạt các quyền lợi của mình, bị đe dọa, bị bách hại, bị loại trừ chỉ nguyên vì việc họ giảng truyền Đức Kitô và Tin Mừng của Người [EN 50].

2.1.2 Một số quốc gia cấm đoán các nhà truyền giáo đến xứ sở của mình; một số khác không chỉ cấm loan báo Tin Mừng, nhưng còn cấm cả những cuộc trở lại và cả phượng tự Kitô giáo [EN 35].

2.1.3 Trở ngại về phương diện văn hóa: Việc loan báo sứ điệp Tin Mừng bị coi như không có ích gì, hoặc là điều không thể hiểu được; việc trở lại bị coi là từ bỏ dân tộc và văn hóa của mình [RM 35].

2.2. Những khó khăn trong nội bộ.

2.2.1. Sự chia rẽ giữa các kitô hữu trong quá khứ và hiện tại, cũng là những trở ngại lớn cho tinh thần truyền giáo của Giáo Hội [RM 36].

2.2.2. Chính các người giảng truyền Tin Mừng bị cám dỗ viện cớ này cớ nọ để thu hẹp phạm vi hoạt động truyền giáo của mình [EN 50].

2.2.3. Không phải truyền giáo nữa, vì mọi người được cứu độ nhờ lòng dạ ngay thẳng?

Hoặc cho rằng người ta thừa rõ là thế giới và lịch sử tràn đầy “những hạt giống của Lời” : Vậy há không phải là ảo tưởng khi đòi đem Tin Mừng đến chỗ nó đang ở sẵn trong những hạt giống mà chính Chúa đã gieo kia hay sao ? [En 80].

2.2.4. Não trạng dửng dưng, thiếu nhiệt tâm với việc loan báo Tin Mừng: Thời đại chúng ta gặp rất nhiều trở ngại, chúng tôi chỉ muốn đề cập tới sự thiếu nhiệt tình. Nó càng trầm trọng bởi vì nó phát xuất từ bên trong, nó biểu lộ trong sự mệt mỏi và chán nản, sự làm lấy lệ và hờ hững, và nhất là thiếu niềm tin và hy vọng EN 80].

2.2.5. Sự sa sút tinh thần Kitô giáo trong một số quốc gia Kitô giáo, sự giảm sút ơn gọi Tông Đồ, các phản chứng của tín hữu và những cộng đoàn Kitô giáo không sống theo khuôn mẫu Đức Kitô trong đời sống của họ.[RM 36].

2.2.6. Một số ngụy biện mà người ta cho là có điểm tựa ở giáo huấn này hay giáo huấn nọ của công đồng. Chính như thế mà nhiều lúc người ta nghe nói dưới nhiều hình thức khác nhau rằng: áp đặt một chân lý, dù là chân lý Tin Mừng, áp đặt một con đường, dù là con đường cứu độ, đều chỉ có thể là vi phạm thô bạo tự do tôn giáo [EN 80 ].

2.3.Tất cả những luận điệu kể trên đều không đứng vững.

    Bất kỳ ai chịu khó đào sâu trong các văn kiện công đồng những vấn đề mà các lối ngụy biện kia vẫn kéo ra một cách nông cạn, thì sẽ có một cái nhìn khác hẳn về thực tại.

    Đã hẳn áp đặt bất cứ điều gì đi nữa cho lương tâm anh em của chúng ta là một sai lầm. Nhưng lại là một chuyện khác hẳn nếu chỉ đề nghị với lương tâm ấy chân lý Tin Mừng và con đường cứu độ trong Đức Giêsu Kitô một cách thật minh bạch và trong sự tôn trọng tuyệt đối những chọn lựa tự do của lương tâm ấy – nhờ biết tránh “mọi hình thức manh động có hơi hướng của sự bức bách hay sự thuyết phục gian xảo không mấy thẳng thắn” – Đây chẳng những không hề là xâm phạm tự do tôn giáo, mà còn là đề cao sự tự do này vì hiến cho nó cơ hội chọn lựa một con đường mà cả những người vô tín ngưỡng cũng nhận là cao thượng và đầy phấn khởi. Vậy phải chăng là một tội ác chống lại sự tự do của kẻ khác khi hân hoan công bố Tin Mừng mà mình vừa biết được nhờ lòng Chúa nhân từ? Và tại sao cứ chỉ riêng những gì dối trá và sai lầm, trụy lạc và khiêu dâm mới có quyền được đề nghị và nhiều khi, hỡi ôi, còn được áp đặt bởi việc tuyên truyền phá hoại của các phương tiện truyền thông đại chúng, bởi sự dung túng của pháp luật, bởi sự nhát sợ của những người tốt và sự táo bạo của những kẻ xấu ? Biết tôn trọng sự tự do của người khác mà đề nghị họ đón nhận Đức Kitô và Nước của Ngài không những là quyền mà còn là nghĩa vụ của người sứ giả Tin Mừng. Và những con người anh em của chúng ta cũng có quyền được chúng ta loan báo ơn cứu độ cho họ. Ơn cứu độ này, Thiên Chúa có thể thực hiện nơi những ai Ngài muốn và bằng những đường lối phi thường mà duy có Ngài biết được. Tuy nhiên, nếu Con của Ngài đã đến, thì chính để nhờ lời nói và đời sống của Người, mặc khải cho chúng ta những con đường bình thường của ơn cứu độ. Và Người đã dạy chúng ta phải truyền đạt mặc khải ấy cho kẻ khác với cùng một uy tín như Người. Sẽ không phải là vô ích nếu mỗi người Kitô hữu, mỗi sứ giả Tin Mừng vừa cầu nguyện vừa đi sâu vào tư tưởng này: Con người có thể được cứu độ bằng những đường lối khác, nhờ lòng nhân từ của Thiên Chúa, ngay cả trong những trường hợp chúng ta không loan báo Tin Mừng cho họ; nhưng còn chúng ta, chúng ta có thể được cứu rỗi không, nếu vì thờ ơ, vì sợ hãi, vì hổ thẹn – như Thánh Phao lô đã từng gọi là “đỏ mặt vì Tin Mừng” [Rm 1,16] – hay vì theo những ý kiến sai lầm mà chúng ta không Loan Báo Tin Mừng ? Vì như thế là phản bội lời kêu gọi của Thiên Chúa là Đấng muốn nhờ tiếng nói của những thừa tác viên Tin Mừng mà làm cho hạt giống nẩy mầm : Và hạt giống này có thành cây và sinh trái là tùy ở chúng ta [EN 80].

2.4 .Nhà truyền giáo luôn giữ cho mình tinh thần nhiệt thành loan báo Tin Mừng.

    Vậy chúng ta hãy giữ cho tinh thần được nhiệt thành. Chúng ta hãy giữ niềm vui dịu dàng và khích lệ trong công việc Loan Báo Tin Mừng, ngay cả khi phải gieo trong nước mắt. Ước gì đó là một nhiệt tình mà không ai và không gì có thể làm tắt được nơi chúng ta cũng như nơi Thánh Gioan Tẩy Giả, nơi Thánh Phêrô và Phaolô, nơi các thánh Tông Đồ khác, nơi vô vàn sứ giả Tin Mừng đáng khâm phục dọc suốt lịch sử Giáo Hội. Ước gì đó là niềm vui lớn lao cho những cuộc đời của chúng ta đã được hiến dâng. Và ước gì thế giới thời đại chúng ta đang tìm kiếm khi thì trong lo âu, khi thì trong hy vọng, có thể nhận được Tin Mừng, không phải từ những sứ giả Tin Mừng buồn rầu và chán nản, nôn nóng hay bứt rứt, nhưng là từ những thừa tác viên Tin Mừng có đời sống tỏa ấm nhiệt tình, đã nhận sẵn niềm vui của Đức Kitô trong bản thân mình và chấp nhận đánh đổi mạng sống mình lấy việc Nước Trời được loan báo và Giáo Hội được đưa vào giữa lòng thế giới [EN 80].

3. Thuận lợi.

3.1. Một thời điểm thuận lợi để các nhà truyền giáo dấn thân cho sứ vụ Loan Báo Tin Mừng.

    Nếu chỉ nhìn bề mặt thế giới, ngày nay sẽ bị giao động bởi rất nhiều sự kiện tiêu cực có thể đưa đến thái độ bi quan. Nhưng đó là một tâm tình không chính xác: Chúng ta tin vào Thiên Chúa là Cha và là Chúa, vào lòng nhân hậu và thương xót của Người, thì Thiên Chúa cũng đang chuẩn bị cho Kitô giáo một mùa xuân tươi sáng mà ta đã thấy ló dạng [RM 86].

3.1.1 Quả thế, dù sống trong thế giới ngoài Kitô giáo hay trong thế giới Kitô giáo kỳ cựu, các dân tộc đang có khuynh hướng tiến dần đến những lý tưởng và những giá trị mang tính Tin Mừng, khuynh hướng mà Giáo Hội đang ra sức cổ võ. Ngày nay, trong các dân tộc, đang có một sự hội tụ mới đối với các giá trị đó: Khước từ bạo lực và chiến tranh, tôn trọng nhân phẩm và nhân quyền, khát khao tự do, công lý và tình huynh đệ, khuynh hướng vượt lên trên chủ nghĩa chủng tộc và chủ nghĩa quốc gia, sự khẳng định về phẩm giá phụ nữ và đề cao giá trị của họ [RM 86].

3.1.2 Mặt khác, thời đại chúng ta đang đem lại cho Giáo Hội những động lực mới để hoạt động trong lãnh vực này: sự sụp đổ các ý thức hệ và các hệ thống chính trị đàn áp; các biên cương rộng mở và một thế giới hiệp nhất hơn được thiết lập, nhờ sự phát triển các ngành truyền thông [RM 3].

3.1.3 Một kiểu mẫu phát triển kinh tế và kỹ thuật, tuy vô hồn, nhưng đang mời gọi đi tìm chân lý về Thiên Chúa, về con người và về ý nghĩa cuộc sống [RM 3].

3.1.4 Thời đại chúng ta vừa bi thảm lại vừa hấp dẫn. Trong khi, một đàng, con người khao khát tìm kiếm sự thịnh vượng về mặt vật chất, và mỗi ngày ngụp lặn sâu hơn trong chủ nghĩa duy vật tiêu thụ, đàng khác, người ta lại thấy xuất hiện một sự khắc khoải tìm kiếm ý nghĩa, một nhu cầu hướng nội, một khao khát học hỏi những hình thức và phương pháp giúp tập trung và cầu nguyện [ RM 38].

3.1.5 Trong những nền văn hóa thấm nhuần tính tôn giáo, cả trong những xã hội bị tục hóa, người ta cũng tìm kiếm những chiều kích thiêng liêng của đời sống như phương thuốc giải độc do tình trạng phi nhân hóa. Hiện tượng “tái xuất tôn giáo” không phải là không mang tính hàm hồ, nhưng cũng hàm chứa một lời mời gọi [RM 38].

    Giáo Hội có cả một gia sản tinh thần lớn lao để cống hiến cho nhân loại trong Đức Kitô. Đấng xưng mình là “Đường, Sự Thật và Sự Sống” [Ga 14,6]. Đó chính là con đường của Kitô giáo đưa con người đến gặp gỡ Thiên Chúa, đến cầu nguyện, khổ chế, đến việc tìm ra ý nghĩa cuộc đời [RM 38].

3.2. Giáo Hội tha thiết kêu gọi mọi Kitô hữu hăng say mạnh dạn dấn thân vào công cuộc Loan Báo Tin Mừng.

    Vẫn còn vô số những người đang trông đợi Đức Kitô: Những lãnh vực nhân sinh và văn hóa rất rộng lớn chưa được loan báo Tin Mừng, hoặc tại những nơi đó, Giáo Hội vẫn còn hiện diện rất ít, Giáo Hội cần dốc toàn lực vào những lãnh vực đó. Chúng ta phải nuôi dưỡng đam mê làm việc tông đồ để loan truyền cho người khác ánh sáng và niềm vui của đức tin, đồng thời chúng ta phải đào luyện Dân Thiên Chúa theo lý tưởng đó [RM 86].

    Chúng ta không thể an tâm khi nghĩ đến hàng triệu anh chị em chúng ta, tuy chính họ cũng đã được máu Chúa Kitô cứu chuộc, nhưng lại đang sống hoàn toàn không biết gì đến Tình Yêu Thiên Chúa. Đối với mỗi cá nhân cũng như đối với toàn thể Giáo Hội, việc truyền giáo phải chiếm vị trí hàng đầu, vì liên quan đến vận mệnh vĩnh cửu của con người và đáp lại kế hoạch mầu nhiệm và yêu thương của Thiên Chúa [RM 86].

    Thiên Chúa đang mở ra cho Giáo Hội những chân trời của một nhân loại sẵn sàng hơn trong việc đón nhận hạt giống Tin Mừng. Tôi thấy rằng đã đến lúc dốc toàn lực trong Giáo Hội vào một cuộc Loan Báo Tin Mừng mới và vào sứ vụ “đến với muôn dân”. Không một ai trong những người tin vào Đức Kitô, không một tổ chức nào trong Giáo Hội được miễn khỏi trách vụ cao cả này: Đó là loan báo Đức Kitô cho mọi dân tộc [RM 3].

3.3.Thời đại chúng ta cần phải có một sự thôi thúc mới trong hoạt động truyền giáo của Giáo Hội.

    Thời đại chúng ta, khi nhân loại đang biến chuyển và tìm kiếm, đòi hỏi phải có một thôi thúc mới trong hoạt động của Giáo Hội. Các chân trời và các khả năng làm việc truyền giáo đang mở rộng, và chúng ta, những Kitô hữu, chúng ta được kêu gọi hãy có sự can đảm của người Tông đồ, dựa trên niềm tin tưởng vào Chúa Thánh Thần, Đấng chủ động trong sứ vụ truyền giáo [RM 30].

    Trong lịch sử nhân loại, có nhiều khúc quanh quan trọng đã kích thích năng động trong sứ vụ truyền giáo và Giáo Hội, được Chúa Thánh Thần hướng dẫn, đã luôn luôn quảng đại và biết tiên liệu để đáp ứng tính năng động đó. Và không phải là không có, nhiều kết quả. Mới đây, chúng ta đã kỷ niệm một ngàn năm truyền giảng Tin Mừng ở nước Nga và các dân tộc Slave, đồng thời cũng đang hướng tới ngày kỷ niệm năm trăm năm truyền giảng Tin Mừng ở Châu Mỹ. Gần đây, người ta cũng mừng một trăm năm truyền giảng Tin Mừng tại nhiều quốc gia Châu Á, châu Phi và Châu Đại Dương. Ngày nay, Giáo Hội đang phải đối đầu với những thách đố khác khi tiến tới những biên cương mới cả trong sứ vụ đến với muôn dân cũng như trong việc tái truyền giảng Tin Mừng cho các dân tộc đã nhận lời loan báo về Đức Kitô. Ngày nay, tất cả mọi Kitô hữu, các Giáo Hội địa phương cũng như Giáo Hội toàn cầu, đều cùng phải có cùng một lòng can đảm đã thúc đẩy các vị thừa sai thời trước, phải có cùng một thái độ dẵn sàng lắng nghe tiếng nói của Chúa Thánh Thần [RM 30].

    Tóm lại, ngày nay cũng như hôm qua, việc truyền giáo vẫn còn khó khăn phức tạp, ngày nay cũng như hôm qua, việc truyền giáo vẫn cần sự can đảm và ánh sáng của Chúa Thánh Thần [RM 87].

Lm. Giuse Đỗ văn Thụy

HỘI THỪA SAI VIỆT NAM

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …