Home / Chia Sẻ / BÀI 3: ƠN GỌI TRUYỀN GIÁO (P.3)

BÀI 3: ƠN GỌI TRUYỀN GIÁO (P.3)

III. SỨ VỤ TRUYỀN GIÁO CỦA GIÁO HỘI TẠI CHÂU Á.

1. Thuận lợi.

1.1. Châu Á có một nền văn hóa, tôn giáo và truyền thống lâu đời.

    Châu Á là lục địa rộng nhất thế giới và là quê hương của gần hai phần ba dân số thế giới, trong đó Trung Quốc và Ấn Độ chiếm gần nửa dân số địa cầu. Nét đánh động nhất của lục địa này là sự đa dạng của các dân tộc, những người “thừa hưởng những nền văn hóa, tôn giáo và truyền thống xa xưa”. Chúng ta chẳng thể làm gì hơn, mà chỉ biết sững sờ trước con số khổng lồ của dân cư Á Châu và trước bức tranh ghép vô cùng phức tạp của biết bao nền văn hóa, ngôn ngữ, tín ngưỡng và truyền thống, làm nên một phần cơ bản của lịch sử và di sản của gia đình nhân loại [EA 6].

1.2. Châu Á là chiếc nôi của những tôn giáo lớn trên thế giới.

    Châu Á cũng là chiếc nôi của các tôn giáo lớn trên thế giới, như Do Thái Giáo, Kitô Giáo, Hồi Giáo và Ấn Độ Giáo. Đó là nơi khai sinh của nhiều truyền thống tâm linh như Phật Giáo, Lão Giáo, Khổng Giáo, Bái Hỏa Giáo [Zoroastrianism], đạo Giaina [Jainism], đạo Sikh và Thần Đạo [Shintoism]. Chưa kể hằng triệu người theo các tôn giáo truyền thống hay bộ tộc, có nghi thức qui củ và giáo lý chính thức ở những mức độ khác nhau. Giáo Hội hết sức kính trọng các truyền thống này và luôn luôn tìm cách đối thoại chân thành với các tín đồ ấy. Các giá trị tôn giáo mà các đạo ấy giảng dạy đang chờ được hoàn thành trong Đức Giêsu Kitô [EA 6].

1.3. Nhiều giá trị tinh thần sẵn có nơi những con người Châu Á.

    Người dân Châu Á rất tự hào về các giá trị tôn giáo và văn hóa của mình:

1.3.1 Quí trọng sự thinh lặng và chiêm niệm, sống giản dị, hòa hợp, từ bỏ, bất bạo động, làm việc chăm chỉ, có kỷ luật, sống thanh đạm, ham học hỏi và truy tầm triết lý.

1.3.2 Người Châu Á rất quí trọng các giá trị như tôn trọng sự sống, từ bi với mọi người, gần gũi với thiên nhiên, hiếu thảo với cha mẹ, người lớn và tổ tiên, ý thức rất mạnh về cộng đồng.

1.3.3 Người dân Châu Á thường được tiếng là có tinh thần bao dung và sống chung hòa bình. Tuy không phủ nhận những căng thẳng và xung đột gay gắt đã xảy ra, nhưng ta vẫn có thể nói Châu Á chứng tỏ mình có khả năng đáng kể về việc thích nghi và cởi mở một cách hết sức tự nhiên đối với việc giúp các dân tộc làm giầu cho nhau qua vô số tôn giáo và văn hóa khác nhau.

1.3.4 Ngoài ra, dù chịu ảnh hưởng của phong trào duy tân và tục hóa, các tôn giáo Á Châu vẫn chứng tỏ mình còn nhiều sinh lực và khả năng canh tân, như có thể thấy qua các phong trào cải cách ngay trong các tập thể tôn giáo khác nhau. Nhiều người, nhất là giới trẻ, có sự khát khao rất sâu sắc đối với các giá trị tâm linh, như sự xuất hiện các phong trào tôn giáo mới gần đây là một bằng chứng rõ ràng [EA 6].

    Tất cả những dẫn chứng trên đây đều cho thấy người Châu Á có một cảm thức bẩm sinh về tâm linh và có một nền minh triết về luân lý. Đó chính là cốt lõi mà xoay quanh đó ta có thể xây dựng một ý thức ngày càng đậm đà thế nào là “bản sắc Á Châu”. Ta sẽ khám phá và khẳng định “bản sắc Á Châu” không phải bằng cách đối chất và đối chọi nhau, nhưng bằng cách bổ sung và phối hợp hài hòa với nhau. Trong tinh thần bổ sung và phối hợp hài hòa ấy, Giáo Hội sẽ tìm cách giới thiệu Tin Mừng sao cho vừa trung thành với truyền thống của mình vừa không phản bội cái hồn Á Châu [EA 6].

2. Khó khăn.

2.1 Khó khăn về mặt tôn giáo.

2.1.1 Khó chấp nhận Đức Giêsu là vị Cứu Tinh duy nhất: Một số tín đồ của các tôn giáo lớn tại Châu Á không gặp vấn đề gì khi chấp nhận Đức Giêsu là hiện hình của Thần Minh hay Đấng Tuyệt Đối, hoặc như một Đấng “Giác Ngộ”. Nhưng thật khó cho họ khi phải coi Ngài là hiện thân duy nhất của Thần Minh. Thật ra, nỗ lực chia sẻ ơn đức tin đối với Đức Giêsu như là Vị Cứu Tinh duy nhất đã đụng phải những khó khăn về triết học, văn hóa và thần học, nhất là nhìn từ những niềm tin có trong các tôn giáo lớn của Châu Á, vốn quyện rất chặt với các giá trị văn hóa và các thế giới quan riêng biệt [EA 20].

2.1.2 Đức Giêsu thường được coi là xa lạ với Châu Á: Thật là nghịch lý khi đại đa số người Châu Á có khuynh hướng coi Đức Giêsu, một người sinh ra trên chính mảnh đất Á Châu, lại là một người tây phương hơn là Á Châu. Tin Mừng được loan báo bởi các nhà truyền giáo Tây Phương hẳn là không thể bị ảnh hưởng bởi những nền văn hóa xuất xứ của họ. Các nghị phụ nhìn nhận đây là một sự kiện không thể tránh được trong lịch sử truyền giáo tại Châu Á. Đồng thời các ngài cũng tận dụng cơ hội này để “bày tỏ một cách đặc biệt sự biết ơn của mình đối với các nhà truyền giáo, nam lẫn nữ, tu sĩ lẫn giáo dân, ngoại quốc lẫn bản địa, đã mang sứ điệp của Đức Giêsu Kitô và ơn đức tin đến. Các ngài cũng muốn có lời đặc biệt để để bày tỏ lòng biết ơn với tất cả các Giáo Hội đã gởi và còn tiếp tục gởi các nhà truyền giáo đến Châu Á. Các nhà rao giảng Tin Mừng có thể tìm được can đảm nhờ vào kinh nghiệm của thánh Phaolô, người đã tham gia đối thoại với các giá trị triết học, văn hóa và tôn giáo của người nghe [Cv 14, 13-17; 17, 22-31]. Ngay cả các công đồng chung của Giáo Hội từng đưa ra những giáo lý có sức ràng buộc Giáo Hội cũng như sử dụng các nguồn ngôn ngữ học, triết học và văn hóa có sẵn để làm việc ấy. Thế là, các tài nguyên này đã trở thành một tài sản chung của cả Giáo Hội, được dùng để diễn tả giáo lý về Đức Kitô một cách thích hợp và mang tính phổ quát. Chúng là một phần trong di sản đức tin cần phải thu dụng lấy rồi chia sẻ lại mỗi khi tiếp xúc với các nền văn hóa khác nhau. Thật là một thách đố vượt bậc khi tìm cách loan báo Đức Giêsu sao cho các dân tộc Á Châu có thể nhận ra Ngài, mà vẫn trung thành được cả với giáo lý thần học của Giáo Hội lẫn với gốc gác Á Châu của mình [EA 20].

2.1.3 Phải giới thiệu Đức Kitô theo những mô hình văn hóa và tư duy của người Á Châu.

    Đức tin mà Giáo Hội tặng cho con cái Á Châu không thể bị giới hạn trong khuôn khổ của sự hiểu biết và diễn tả thuộc về một nền văn hóa nhất định nào, vì đức tin ấy vượt lên trên tất cả những khuôn khổ ấy và thách thức mọi nền văn hóa dám vươn lên tới những đỉnh cao mới của sự hiểu biết và diễn đạt. Tuy vậy, các nghị phụ vẫn ý thức nhu cầu thúc bách của các Giáo Hội địa phương ở Châu Á là làm sao giới thiệu Đức Kitô cho dân tộc mình theo những mô hình văn hóa và theo những cách tư duy của họ. Các ngài đã chỉ ra rằng cuộc hội nhập văn hóa của đức tin trên lục địa này phải dẫn đến cuộc khám phá lại diện mạo Á Châu của Đức Giêsu, đồng thời phải tìm ra những phương cách mà nhờ đó các nền văn hóa Á Châu có thể nắm bắt được ý nghĩa cứu độ phổ quát của mầu nhiệm về Đức Giêsu và về Giáo Hội của Người [EA 20].

2.2. Khó khăn về mặt xã hội.

2.2.1.Hiện tượng đô thị hóa.

    Các nghị phụ đã nghĩ tới những thay đổi nhanh chóng đang diễn ra ngay trong chính các xã hội Á Châu, những khía cạnh tích cực và tiêu cực của những thay đổi này. Trong số đó, phải kể đến hiện tượng đô thị hóa và sự xuất hiện các đô thị khổng lồ. Các đô thị này thường có nhiều khu vực rộng lớn vẫn còn trong tình trạng trì trệ, trở thành nơi phát sinh các tội ác, chủ nghĩa khủng bố, mãi dâm và sự bóc lột các thành phần xã hội yếu kém [EA 7].

2.2.2. Hiện tượng di dân.

    Di cư cũng là một hiện tượng xã hội quan trọng, đặt hàng triệu người vào tình cảnh rất khó khăn về kinh tế, văn hóa và luân lý. Người di cư trong phạm vi Á Châu hay từ Châu Á sang các châu lục khác vì nhiều lý do, trong đó có lý do nghèo khổ, chiến tranh và xung đột các sắc tộc, sự phủ nhận các quyền của con người và những quyền tự do căn bản.

    Việc thành lập các tổ hợp công nghệ khổng lồ cũng là một nguyên nhân đưa tới sự di cư trong nội bộ Á Châu hay ngoài Á Châu, kéo theo những hậu quả tai hại cho đời sống và các giá trị gia đình. Các nghị phụ cũng nhắc tới việc thành lập các nhà máy năng lượng hạt nhân, chú ý tới giá thành và hiệu năng, nhưng lại ít quan tâm tới sự an toàn cho dân chúng và sự toàn vẹn của môi trưòng [EA 7].

2.2.3. Hiện tượng du lịch.

    Du lịch cũng là một điều đòi ta phải chú ý đặc biệt. Dù đó là một ngành công nghiệp hợp pháp mang những giá trị văn hóa và giáo dục riêng, nhưng trong một số trường hợp nó cũng tạo ra một số hính ảnh tai hại trên môi trường vật lý và luân lý của nhiều quốc gia Á Châu, như làm giảm giá trị nhiều thiếu nữ và trẻ em do dịch vụ mãi dâm. Công tác mục vụ cho người di cư cũng như cho người du lịch trở nên khó khăn và phức tạp, đặc biệt tại Châu Á, vì tại những nơi đó chưa có những cơ cấu hạ tầng cho việc này. Khi thành lập chương trình mục vụ ở mọi cấp, chúng ta cần cứu xét tới những thực tế này. Trong bối cảnh này, chúng ta không được phép quên những người di cư từ các Giáo Hội Công Giáo Đông Phương, đang cần sự chăm sóc mục vụ phù hợp với các truyền thống Giáo Hội của họ [EA 7].

2.2.4. Hiện tượng gia tăng dân số.

    Một số quốc gia Á Châu đang phải đối mặt với những khó khăn có liên quan với việc gia tăng dân số. Đây không phải chỉ là vấn đề dân số hay kinh tế, nhưng còn là một vấn đề luân lý. Rõ ràng vấn đề dân số có liên hệ mật thiết với vấn đề thăng tiến con người, nhưng những giải pháp sai lạc đe dọa tới phẩm giá và tính bất khả xâm phạm của sự sống ngày càng xuất hiện nhiều, tạo ra một thách đố đặc biệt cho Giáo Hội tại Châu Á. Ở đây có lẽ ta nên nhắc lại sự đóng góp của Giáo Hội vào việc bảo vệ và thăng tiến sự sống thông qua hệ thống chăm sóc sức khỏe, phát triển xã hội và giáo dục, làm lợi cho các dân tộc, nhất là những người nghèo. Hội nghị đặc biệt này cũng phải tuyên dương Mẹ Têrêxa quá cố của thành phố Calcuta, người nổi tiếng trên khắp thế giới vì đã chăm sóc những người nghèo nhất với lòng yêu thương và vị tha. Mẹ vẫn tiếp tục là biểu tượng cao cả của việc phục vụ sự sống mà Giáo Hội đang cống hiến tại Châu Á, chống lại những lực lượng đen tối đang hoạt động trong xã hội [EA 7].

2.2.5. Ảnh hưởng của truyền thông đại chúng.

    Nhiều hình thức ứng xử mới xuất hiện như một hậu quả của việc quá lệ thuộc các phương tiện truyền thông đại chúng và các loại sách báo, âm nhạc và phim ảnh đang tràn ngập lục địa. Tuy không phủ nhận các phương tiện truyền tin xã hội có thể là một lực lượng đáng kể phục vụ cho điều hay cái đẹp, nhưng chúng ta không thể bỏ qua tác động tiêu cực mà các phương tiện ấy gây ra. Nhiều khi những hiệu quả có ích của các phương tiện ấy có thể trở thành vô hiệu do cách thế kiểm soát và sử dụng các phương tiện ấy bởi những người theo đuổi những lợi ích chính trị, kinh tế và ý thức hệ rất đáng ngờ. Kết quả là những mặt tiêu cực của công nghệ truyền thông và giải trí ấy đã làm cho các giá trị truyền thống bị đe dọa, đặc biệt là tính thiêng liêng của hôn nhân và sự ổn định của gia đình. Các hình ảnh bạo lực, khóai lạc chủ nghĩa, cá nhân chủ nghĩa thái quá và duy vật chủ nghĩa đang đánh vào trung tâm của văn hóa Á Châu, tính tôn giáo của nhân dân, gia đình và xã hội. Đây là một tình huống đặt ra một thách thức lớn cho Giáo Hội và cho việc loan báo sứ điệp của Giáo Hội [EA 7].

2.2.6. Tình trạng nghèo đói.

    Tình trạng nghèo đói và việc bóc lột con người đang là những vấn đề cần khẩn thiết quan tâm. Tại Châu Á có hàng triệu người bị áp bức từ bao thế kỷ nay cứ phải đứng bên lề xã hội về mặt kinh tế, văn hóa và chính trị. Khi nghĩ tới tình cảnh của các phụ nữ thuộc các xã hội Á châu, các nghị phụ ghi nhận rằng : dù sự ý thức của các phụ nữ về phẩm giá và quyền lợi của mình là một trong những dấu chỉ thời đại, nhưng họ vẫn phải sống nghèo nàn và bị bóc lột, đó vẫn là một vấn đề nghiêm trọng trên khắp châu lục này. Tỷ lệ phụ nữ mù chữ cao hơn nhiều so với nam giới; trẻ gái có nguy cơ bị giết nhiều hơn khi còn là bào thai và thậm chí sau khi được sinh ra. Cũng còn hàng triệu người bản địa hay các bộ tộ trên khắp Châu Á phải sống cô lập về xã hội, văn hóa và chính trị đối lập với tập thể dân cư đang nắm quyền. Thật là khích lệ khi được nghe các giám mục tại Thượng Hội Đồng cho biết rằng các vấn đề trên đây đang nhận được nhiều sự chú ý hơn ở cấp quốc gia, khu vực và quốc tế, Giáo Hội cũng đang tích cực tìm cách quan tâm tới tình hình nghiêm trọng này [EA 7].

2.3 Khó khăn về mặt chính trị.

2.3.1. Ảnh hưởng của các chế độ.

    Giáo Hội luôn luôn cần phải có một sự hiểu biết đúng đắn về tình hình chính trị ở các quốc gia mà mình đang thi hành sứ mạng. Tại Châu Á ngày nay tình hình chính trị vô cùng phức tạp, với đủ mọi ý thức hệ từ những hình thức chính phủ dân chủ đến những hình thức cai trị thần quyền. Các chế độ độc tài quân sự và các ý thức hệ vô thần đang có mặt. Một số nước còn công nhận một tôn giáo chính thức cho quốc gia mình, chỉ cho các cộng đồng thiểu số và các tín đồ thuộc các tôn giáo khác rất ít hay không có chút tự do tôn giáo nào. Một số các quốc gia khác, tuy không công khai theo chế độ thần quyền, cũng đẩy các cộng đồng thiểu số xuống hàng công dân hạng hai, không được bảo vệ nhiều trong các quyền con người căn bản. Tại một số nơi, các Kitô hữu không được phép thực hành đức tin một cách tự do và không được phép giới thiệu Đức Giêsu cho người khác. Họ bị bách hại và không được dành cho một chỗ xứng hợp trong xã hội [EA 8].

2.3.2 Ảnh hưởng của tham nhũng.

    Trong khi đánh giá cao sự tiến bộ mà nhiều quốc gia Á Châu đã đạt được dưới những hình thức cai trị khác nhau, các nghị phụ cũng không quên lưu ý chúng ta về tình trạng tham nhũng phổ biến có mặt ở các cấp chính phủ lẫn xã hội. Dân chúng thường cảm thấy mình hoàn toàn bất lực không thể tự bảo vệ mình trước những nhà chính trị, những viên chức tòa án, các nhà quản trị và các công chức tham ô. Tuy nhiên, khắp nơi tại Châu Á, càng ngày người ta càng ý thức hơn rằng mình có khả năng thay đổi những cơ chế bất công ấy. Càng ngày càng có nhiều người đòi hỏi một sự công bằng xã hội lớn hơn, đòi hỏi được tham gia nhiều hơn vào chính phủ và đời sống kinh tế, được cơ hội đồng đều trong giáo dục và được phân chia công bằng các nguồn lợi quốc gia. Càng ngày người ta càng ý thức về nhân phẩm và nhân quyền hơn, cương quyết bảo vệ chúng nhiều hơn. Những tập thể thiểu số về văn hóa, xã hội và chủng tộc lâu nay “án binh bất động”, nay đang tìm cách làm chủ lấy sự thăng tiến xã hội của chính mình. Thánh Thần Thiên Chúa luôn giúp đỡ và hỗ trợ các nỗ lực của dân chúng muốn thay đổi xã hội nhằm thỏa mãn khát vọng của họ là được sống dồi dào hơn như Chúa hằng mong muốn [EA 8].

Lm. Giuse Đỗ Văn Thụy

HỘI THỪA SAI VIỆT NAM

Xem thêm

Chualentroi

Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật VII Phục Sinh- LỄ CHÚA GIÊSU LÊN TRỜI, của LM Antôn Nguyễn Văn Độ

Chúa lên Trời, việc dưới đất kết thúc, sứ mạng mới khai mào LỄ CHÚA …