Home / Chia Sẻ / Ai là Ai ?

Ai là Ai ?

 

Ai la AiKhi được giới thiệu với một người nào đó, chúng ta thường muốn biết rõ: “Người đó là ai? Người đó như thế nào?”. Khi gặp một người chưa quen biết, chúng ta cũng thường hỏi: “Bạn là ai?” hoặc “Ai đây?”. Chúa Giêsu cũng đã có lần hỏi các môn đệ: “Người ta nói Thầy là ai?” (8:27). Không phải là Ngài không biết, vì Ngài là Ngôi Hai Thiên Chúa, Đấng “thấu suốt mọi sự” (Mt 6:4; Mt 6:6; Mt 6:18; Lc 2:23; Cv 1:24; Cv 15:8; Rm 8:27; 1 Cr 2:10). Ngài hỏi là để chúng ta thật lòng tự nói ra mà thôi.

Một họa sĩ nọ vẽ một bức tranh lớn và treo trước một nhà thờ lớn, nơi có đông dân cư và sinh hoạt sầm uất, cũng là để cho mọi người cùng thưởng ngoạn kiệt tác tôn giáo. Bức họa vẽ Chúa Giêsu đứng trước Đền Thờ Giêrusalem. Nhiều người và đủ hạng người qua lại, nhưng không ai quan tâm để có thể nhìn thấy Ngài đang đứng đó…

Nghệ sĩ đi qua nhưng bận suy nghĩ tìm tứ thơ, ý nhạc, cách vẽ, hướng điêu khắc,…; bác học đi qua nhưng bận suy nghĩ về các phản ứng trong ống nghiệm; y sĩ và bác sĩ đi qua nhưng bận suy nghĩ về thuốc men và bệnh nhân; doanh nhân đi qua nhưng bận toan tính những vụ làm ăn lớn; nông dân đi qua nhưng bận lo lắng về vụ mùa; học sinh và sinh viên đi qua nhưng bận lo lắng về kỳ thi sắp tới.

Người “ngoan đạo” đi qua nhưng bận lo tổ chức giờ kinh hoặc đi xin tiền cho chuyến đi từ thiện tuần tới; giáo sĩ đi qua nhưng viện cớ công tác mục vụ; tu sĩ đi qua nhưng bận đi công tác mà bề trên giao; người già đi qua nhưng bận nghĩ về con cháu; người trẻ đi qua nhưng bận rủ nhau đi chơi hoặc hẹn hò yêu đương; ngay cả trẻ em cũng đi qua nhưng bận chơi đùa với nhau. Nói chung, mỗi người mỗi vẻ, mỗi người có lý do riêng, mỗi người một cách nghĩ, mỗi người một dạng lo lắng, không ai quan tâm tới Chúa Giêsu là ai.

Bạn có thấy mình oan không? Chắc hẳn bạn sẽ kêu oan thật to, chí ít cũng gãi đầu và biện hộ cho mình đủ cách. Tùy mỗi người, nhưng sự thật vẫn là sự thật mà thôi!

Bức hình của họa sĩ nọ mang ý nghĩa thật thâm thúy, diễn tả một thực tế của mọi thời, mỗi thời mỗi kiểu. Và Chúa Giêsu vẫn mình ên, cô đơn giữa đám đông, lạc lõng ngay giữa chúng ta ngày nay. Ngài cũng đang hỏi mỗi chúng ta: “Phần con, con bảo Thầy là ai?”. Liệu chúng ta sẽ trả lời ngay được không? Và chúng ta trả lời thế nào?

Là nghệ sĩ, có thể họ sẽ nói: “Chúa là nguồn cảm hứng vô tận để con làm nên các tác phẩm nghệ thuật”; là bác học, có thể họ sẽ nói: “Chúa là người giúp con tìm ra các định luật, các khám phá lý thú”; là y bác sĩ, có thể họ sẽ nói: “Chúa là người dẫn đường cho nhiều bệnh nhân tìm đến để con điều trị, để con bán thuốc được nhiều”; là doanh nhân hoặc tiểu thương, có thể họ sẽ nói: “Chúa là vị thần tài mà con luôn rất cần”; là nông dân, có thể họ sẽ nói: “Chúa là những cơn mưa thuận, gió hòa, để con có vụ bội thu”; là học sinh và sinh viên, có thể họ sẽ nói: “Chúa là ‘chiếc phao’ khi con đi thi”.

Là người “ngoan đạo”, có thể họ sẽ nói: “Chúa là vị thần hộ mệnh để con được bình an mà làm tốt việc từ thiện”; là giáo sĩ, có thể họ sẽ nói: “Chúa là sứ vụ của con, Ngài đã giao trách nhiệm cho con nên tôi phải cố hoàn tất, bận rộn tối ngày thôi”; là tu sĩ, có thể họ sẽ nói: “Chúa là nhiệm vụ của con, Ngài đã chọn con nên con phải lo giữ các lời khấn và đọc kinh nhật tụng hằng ngày”; là thanh niên, có thể họ sẽ nói: “Chúa là người con vẫn nhớ tới khi con rảnh, vì công việc làm ăn tối mắt tối mũi, đi lễ trễ nên con phải ngồi ngoài sân hoặc ngoài cổng, vả lại con nghiện thuốc lá nữa, con đứng ngoài cho tiện”; là doanh nhân có thể họ sẽ nói: “Chúa vị thần tài giúp con làm ăn được trót lọt”; là người già, có thể họ sẽ nói: “Chúa là nơi con cậy nhờ, vì tuổi cao, sức yếu, nhưng con cũng thương cháu nhớ con lắm, chúng nó không ở gần con”; là trẻ em, có thể họ sẽ nói: “Chúa là niềm vui của con, cho con vô tư và hồn nhiên hằng ngày”.

Cứ thế, và cứ thế… Cách nói có khác nhau về lời lẽ, tử số khác nhau đôi chút nhưng mẫu số chung hoàn toàn giống nhau: Bận rộn với ý riêng!

Trình thuật Mc 8:27-35 (tương đương Mt 16:13-20; Lc 9:18-21) cho chúng ta biết rằng chính Chúa Giêsu đã trực tiếp hỏi các môn đệ: “Người ta nói Thầy là ai?”. Các ông đáp: “Họ bảo Thầy là ông Gioan Tẩy Giả, có kẻ thì bảo là ông Êlia, kẻ khác lại cho là một ngôn sứ nào đó”. Rồi Ngài hỏi chính họ: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?”. Ông Phêrô trả lời: “Thầy là Đấng Kitô”. Lời tuyên xưng thật đáng khen. Nhưng Thánh Mátthêu cho biết chi tiết hơn, lúc đó Chúa Giêsu nói: “Này anh Simôn, con ông Giôna, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời” (Mt 16:17).

Đức tin rất quan trọng. Nhưng đức tin không thể là lời nói suông. Thánh Giacôbê lý luận rất độc đáo: “Đức tin không có hành động thì quả là đức tin chết. Đàng khác, có người sẽ bảo: ‘Bạn, bạn có đức tin; còn tôi, tôi có hành động’. Bạn thử cho tôi thấy thế nào là tin mà không hành động, còn tôi, tôi sẽ hành động để cho bạn thấy thế nào là tin” (Gc 2:17-18). Một cách lý luận rất tuyệt vời!

Cuối cùng, Chúa Giêsu nói về các điều kiện để theo Ngài: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi và vì Tin Mừng thì sẽ cứu được mạng sống ấy”. Nghe chừng là nghịch lý, nhưng thực ra lại là thuận lý. Kỳ lạ thật!

Chúa Giêsu đã xác định: “Ai tin và chịu phép rửa sẽ được cứu độ; còn ai không tin thì sẽ bị kết án” (Mc 16:16). Chắc chắn đức tin vô cùng cần thiết, nhưng cách tin còn quan trọng hơn. Nghĩa là không thể chỉ “nói tin” mà phải chứng minh bằng hành động cụ thể. Thánh Gioan nói rõ rằng “ai đón nhận Chúa Giêsu, tức là những ai tin vào danh Người, thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa” (Ga 1:12) và được sống đời đời (Ga 3:15-16).

Và ngay bây giờ, Chúa Giêsu muốn mỗi chúng ta thật lòng trả lời câu hỏi của Ngài đặt ra: “Phần con, con bảo Thầy là ai?”. Trả lời được Ngài là ai thì chúng ta sẽ biết mình là ai. Nhưng trả lời Ngài rồi cũng chưa xong, mà còn phải chứng minh bằng hành động cụ thể!

TRẦM THIÊN THU

Chúa Nhật XXIV thường niên, năm B, 13-9-2015

Xem thêm

1B

Tài Liệu Học Tập Lòng Chúa Thương Xót số 05/2024