Home / Chia Sẻ / Khối Tình Si

Khối Tình Si

 

Khoi-Tinh-SiThánh Augustinô nói: “Có tình yêu thì không có nhọc nhằn, cho dù có nhọc nhằn thì nhọc nhằn này cũng bị tình yêu hóa lỏng. Cứ yêu đi rồi có thể muốn làm gì thì làm”. Đó là một dạng si tình.

Chúa Giêsu cũng chỉ vì quá đỗi yêu thương chúng ta, tức là Ngài si tình “tới bến” đến nỗi bị người ta coi là điên rồ, thế nên mới dám chết vì chúng ta: Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15:13). Thật chí lý với triết lý yêu của đại văn hào Victor Hugo: “Chết cho tình yêu là sống trong tình yêu”.

Trong cơ thể con người, đa số là nước, các chất khác không đáng kể, phân chất ra để bán thì không có gì đáng giá. Nhưng cái vô giá lại là máu. Gọi là máu vì có màu đỏ, khác nước, nhưng cũng đều là chất lỏng. Nước nhiều nghĩa là con người rất… “mềm”, có thể đồng nghĩa với rất yếu đuối! Thế nên thánh Phaolô đã “tự thú” chân thành: “Điều tôi muốn thì tôi lại không làm, điều tôi không muốn thì tôi lại làm” (Rm 7:19).

Não bộ là trung tâm điều khiển, nhưng trái tim mới chính là “trung tâm sự sống”, là nguồn sống. Những người bị điên khùng, bị thiểu não, hoặc bị bại não và sống thực vật, thậm chí là chết lâm sàng, nhưng họ vẫn sống nhờ trái tim hoạt động. Tim hoạt động nghĩa là máu còn lưu thông. Vậy MÁU rất quan trọng cho sự sống. Chúng ta thường nói người này hay người nọ “máu lắm” là vậy. Cũng chính vì máu đó mà Thánh Tâm Chúa Giêsu là “lò lửa yêu thương” hằng cháy bừng. Nhưng máu Ngài không bạo động, không thù hằn, không ghen ghét,… mà máu Ngài chỉ đầy chất YÊU. Chẳng vậy mà trước khi chết, Ngài còn “làm phép” để trao ban chính Máu Thịt Ngài làm thần lương nuôi sống chúng ta hằng ngày. Độc chiêu quá!

Đáng lẽ chúng ta, những tội nhân, phải bị Thiên Chúa trừng phạt vì đã phạm những tội quá kinh khiếp và tái phạm quá nhiều lần, tiếp tay với Giuđa và ăn chia với ma quỷ, đồng thời lại “rửa tay” như Philatô, nhưng Thiên Chúa đã bắt chính Con Yêu Dấu là Chúa Giêsu “phải” chịu hình phạt là chết thay cho chúng ta. Chúa Giêsu biết mình bị hàm oan nhưng Ngài hết lòng tuân phục Cha nên vui nhận cái chết nhục nhã ê chề nhất: “Đức Kitô đã cứu chuộc chúng ta khỏi bị nguyền rủa vì Lề Luật, trong khi vì chúng ta mà chính Người trở nên đồ bị nguyền rủa, vì có lời chép: Đáng nguyền rủa thay mọi kẻ bị treo trên cây gỗ!” (Gl 3:13).

Quả thật, Đức Kitô đích thực là một người si tình độc nhất vô nhị, chắc chắn từ hồng hoang tới tận thế cũng không thấy người thứ hai. Phàm nhân không đủ ngôn từ để diễn tả! Ngài si tình tới mức không muốn xa “người yêu” một giây nào, vì thế Ngài đã thiết lập Bí tích Thánh Thể để ở với chúng ta mọi ngày cho tới tận thế như và để hoàn tất lời Ngài đã hứa (Mt 28:20). Thật là kỳ diệu!

Nhưng cũng chưa thỏa trái tim si tình của Ngài, vì thế Ngài còn chết oan mọt cách nhục nhã ê chề chỉ vì yêu thương mỗi chúng ta, dù chúng ta chỉ là những kẻ bất xứng, là những tội nhân khốn nạn!

Có hai người, A làm lỗi, B không làm lỗi. Nhưng A cứ đổ tội cho B và cha mẹ cũng nhất quyết xử phạt B. Nếu chúng ta là B thì sao? Hẳn là chúng ta phản đối kịch liệt, cần thiết thì sẽ nhờ tòa án phân xử.

Còn Chúa Giêsu, Ngài “khác nào con chiên hiền lành bị đem đi làm thịt” (Gr 11:19), không hề ý kiến, không một lời than thân trách phận, và cũng không trách kẻ đã làm hại mình, thậm chí còn tha thứ cho kẻ dã tâm đó: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không hiểu việc họ làm” (Lc 23:24). Kẻ thủ ác cố ý mà Ngài vẫn nghĩ tốt cho họ, nói là “họ không hiểu”. Chúa quá “khác người” và “ngược đời” hết cỡ thợ mộc!

Tại sao Đức Kitô phải chết? Vì yêu thương chúng ta, yêu thật lòng, yêu hết mức, yêu tới nơi tới chốn, yêu như cuồng như dại, yêu đến cùng, tình yêu thương đó đã khiến Ngài chảy đến giọt máu và giọt nước cuối cùng.

Chúa Giêsu hành động chứ không nói để mà nói. Ngài làm trước và đòi buộc chúng ta cũng phải làm như Ngài: “Hãy yêu kẻ thù, hãy làm điều tốt cho người ghét mình” (Lc 6:27). Ngài không hưởng thụ mà toàn tâm toàn lực phục vụ: “Tôi đến để phục vụ chứ không để được phục vụ” (Mt 20:28).

Thánh Phanxicô Assisi, tác giả bản Kinh Hòa Bình nổi tiếng nhất, mơ ước: “Chỉ mong con yêu Ngài đến chết, bởi vì Ngài tự nguyện chết vì yêu con”. Còn Thánh Phanxicô Xaviê, nhà truyền giáo vĩ đại, nói: “Cần đốt lên lửa yêu thương, bởi vì có yêu thương thì tự nhiên sẽ đối đãi tốt với mọi người, luôn nói những lời yêu thương, và tâm hồn sẽ tự nhiên thu hoạch được rất nhiều kết quả”. Và Thánh Piô Năm Dấu: “Chúng ta là loại thụ tạo thấp hèn nên phải đem tất cả tình yêu dâng hiến cho Thiên Chúa, để nhờ tình yêu của Ngài mà tình yêu của chúng ta mới được vô hạn”.

Đó là một vài vị thánh điển hình về “khối tình si” dành cho Thiên Chúa. Đó là điều hoàn toàn hợp lý, vì chính Chúa Giêsu đã dạy: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi” (Mt 22:37). Khi chúng ta đã thực sự si tình, chúng ta khả dĩ nói như Thánh Phaolô: “Không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta” (Rm 8:39).

Lạy Chúa Giêsu, là Trưởng Tử, là Thầy, là Người Yêu và là Bạn Hiền của chúng con! Ngài ra đi để chuẩn bị cho chúng con sẽ theo Ngài về với Cha nay mai, kẻ trước người sau, xin giúp chúng con biết chết cho chính tội lỗi của mình để xứng đáng cùng Ngài phục sinh vinh quang. Chúa là Đấng hằng sống và hiển trị cùng Chúa Cha, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn đời. Amen.

TRẦM THIÊN THU

Xem thêm

21-11-2024 10-08-06 PM

Lời Chúa – Thứ Sáu Tuần XXXIII Mùa Thường Niên 22/11/2024

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN