Chúng ta được cung cấp linh khí và Giáo Hội để chiến đấu. Giáo Hội là Nhiệm Thể Đức Kitô, được Đức Kitô thiết lập làm phương tiện giúpcác linh hồn đạt được ơn cứu độ. Chính Đức Kitô là Đầu của Nhiệm Thể này, và các chi thể là mọi người đã được rửa tội. Giáo Hội được thiết lập để tiếp tục sứ vụ của Đức Kitô, niềm hy vọng của thế giới và của nhân loại. Vì thế, Giáo Hội của Đức Kitô trên thế gian này là Giáo Hội chiến đấu, chiến đấu với thế lực tăm tối để giải thoát các linh hồn và dẫn họ đến với Ơn Cứu Độ.
Giáo Hội được thiết lập để chống lại kẻ thù, ngăn chặn chúng làm cho chúng ta xa chính lộ và xa Ơn Cứu Độ, chính Đức Kitô đã chiến thắng chúng bằng Bửu Huyết của Ngài. Chắc chắn rằng công việc của Giáo Hội là ngăm đe – chống lại các thế lực vô hình, khôn ngoan hơn, sắc sảo hơn, kiên nhẫn hơn, và đặc biệt là mạnh mẽ hơn. Vì thế, Chúa Giêsu không sai các môn đệ đầu tiên đi chiến đấu ngay sau khi Ngài sống lại, cũng chưa sai họ đi khi Ngài về trời, mà Ngài bảo họ “không được rời khỏi Giêrusalem, nhưng phải ở lại mà chờ đợi điều Chúa Cha đã hứa” (Cv 1:4). Ngài biết tính phức tạp và khó khăn của sứ vụ. Do đó, Ngài không sai Giáo Hội sơ khai đi chiến đấu trước khi được trang bị đầy đủ để đủ sức chiến đấu với kẻ thù tinh ranh và mạnh mẽ.
Giáo Hội là chiếc rìu chiến (battle-axe) của Đức Kitô và tiếp tục chống lại quyền lực tối tăm. Vì thế, Chúa Giêsu cần ban cho Giáo Hội sức mạnh và quyền thế tinh tuyền qua việc trao ban Chúa Thánh Thần để làm cho Giáo Hội sẵn sàng chiến đấu. Với thể thức đó, Chúa làm cho Giáo Hội có bản chất ngăn chặn các thế lực của bóng tối. Kẻ thù có thể mạnh mẽ, tinh ranh, sắc sảo, lì lợm, xảo quyệt, nhưng Giáo Hội được Thiên Chúa trao quyền trong ngày Lễ Ngũ Tuần và sẽ trổi vượt hơn kẻ thù về mọi phương diện.
Trong ngày Lễ Ngũ Tuần, tay của các tông đồ được xức dầu để chuẩn bị chiến đấu (x. Tv 144:1). Quyền thừa kế này rất mạnh mẽ. Ngày nay, những người đã được rửa tội đều được tham dự vào sự chết và sự phục sinh của Đức Kitô, là chi thể trong Nhiệm Thể Đức Kitô, và được thông phần quyền này. Nói cách khác, đó là quyền của những người tin vào Đức Kitô Giêsu.
Thời Giáo Hội sơ khai, người ta có những cách thể hiện được lãnh nhận Chúa Thánh Thần. Rất nhiều người đã trở lại. Các chứng cớ tỏ tường về việc chữa bệnh, làm phép lạ, và các cách biểu hiện khác, xác định rằng Đức Kitô là Đầu Nhiệm Thể– Giáo Hội của Ngài. Họ sẵn sàng đổ máu chứ không sợ chết, hoàn thành sứ vụ mà Thầy Chí Thánh đã giao phó: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28:19–20). Họ bị bách hại nhưngkhông bao giờ sợ hãi. Họ trải qua những cơn bão rất dữ dội, nhưng họ vẫn duy trì ánh sáng đức tin. Họ không bao giờ đầu hàng. Càng bị bách hại, họ càng yêu mến và hăng say hoàn thành sứ vụ được ủy thác. Họ được phong phú nhờ tin yêu như Thiên Chúa mong ước.
Ngài chúc lành cho nỗ lực và sự kiên trì của họ. Có cả nam và nữ, những người gieo hạt giống Tin Mừng bằng mồ hôi và máu. Nhiều người gặp khó khăn về ngôn ngữ, văn hóa, tôn giáo, khí hậu…nhưng họ đã có thể làm được tất cả vì Thầy Chí Thánh. Hiện tượng đó chứng tỏ rằng “Lời Thiên Chúa là lời sống động, hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi: xuyên thấu chỗ phân cách tâm với linh, cốt với tuỷ; lời đó phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người” (Dt 4:12). Quyền được trao cho Giáo Hội được các tín nhân sử dụng để chứng tỏ cách thể hiện tuyệt vời của Chúa Thánh Thần luôn hoạt động trong Giáo Hội.
Khi chúng ta nhận ra sự khôn ngoan của Giáo Hội, ngọn lửa truyền giáo sẽ bùng cháy. Giáo Hội không bao giờ là căn phòng lạnh lẽo, mà luôn ấm áp và thoải mái. Khi lòng nhiệt thành của các tông đồ hăng hái, những con ruồi bọ sẽ phải bay đi chỗ khác hoặc bị chết cháy.
VENATIUS OFORKA
TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ CatholicExchange.com)
Đại Lễ Nhị Vị Tông Đồ Phêrô và Phaolô, 29-6-2018