Home / Thế Giới Nhìn Từ Vatican / Video: Suy Niệm với Đức Thánh Cha Phanxicô 06– 11/05/2016: Câu chuyện Khác Biệt Giữa Ngày Và Ðêm

Video: Suy Niệm với Đức Thánh Cha Phanxicô 06– 11/05/2016: Câu chuyện Khác Biệt Giữa Ngày Và Ðêm

1. Thầy chính là con đường

Đức Giêsu là con đường ngay chính và một điều quan trọng là cần phải không ngừng phản tỉnh xem các Kitô hữu có hoàn toàn bước đi trên con đường ấy không, hay kinh nghiệm đức tin của họ đã bị sai đường lạc lối hoặc đã dừng lại từ lâu rồi. Đây là nội dung bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô trong thánh lễ sáng thứ 3, 03.05, tại nguyện đường Thánh Marta.

Đời sống đức tin là một cuộc hành trình và trong suốt cuộc hành trình này người ta sẽ bắt gặp nhiều kiểu Kitô hữu khác nhau. Đức Thánh Cha đã liệt kê ra như: “ Có những Kitô hữu xác ướp, Kitô hữu đi lang thang, Kitô hữu cứng đầu, Kitô hữu nửa vời. Họ là những người bị quyến rũ trước những cảnh đẹp bên đường và chôn chân mình ở đó chứ không chịu bước tiếp. Cách này cách khác, người ta quên rằng chỉ có một con đường duy nhất. Trong bài Tin Mừng ngày hôm nay, Đức Giêsu cũng khẳng định với Tô-ma như thế: ‘Chính thầy là con đường. Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha.’

Xác ướp thiêng liêng

Một Kitô hữu không bước đi, không ở trên đường, thì không phải là một Kitô hữu. Chúng ta không biết gọi người đó như thế nào. Họ có một chút ‘ngoại giáo’. Họ ở lì một chỗ, không chịu tiến lên phía trước trong đời sống Kitô hữu, không sống các mối phúc, không thực hành những công việc của lòng bác ái… Họ đã đứng lại. Xin lỗi anh chị em, nhưng tôi muốn dùng một từ để mô tả những người này: Xác ướp, một xác ướp thiêng liêng. Có nhiều Kitô hữu là những xác ướp thiêng liêng. Họ dậm chân tại chỗ. Họ không làm gì xấu nhưng cũng chẳng muốn làm điều tốt.

Những Kitô hữu cứng đầu và đi lang thang

Lại có những người đi lang thang trong đời sống Kitô hữu. Họ hết rẽ sang bên này lại ngoặt sang bên khác, và chính vì thế mà đánh mất đi điều tuyệt vời khi được đến gần, tiếp chạm vào Đức Giêsu. Họ lạc đường, vì đi lòng vòng và rẽ vào quá nhiều ngõ ngách để rồi cuối cùng cuộc sống của họ không còn lối thoát nữa. Khi rẽ hết đường này lối nọ, người ta sẽ lạc vào mê cung và không còn biết làm thế nào để thoát ra. Họ không có la bàn để tiếp tục tiến bước. Cũng có những người lại bị quyến rũ bởi những cảnh sắc đẹp đẽ ven đường. Họ dừng lại ở những bóng mát đợi chờ hết lần này đến lần khác. Để rồi cuối cùng họ không đi được nữa. Họ bị cột chặt với những cái đẹp mà họ thấy, với những ý tưởng, với những gọi mời của cảnh sắc ven đường. Đời sống Kitô hữu không phải là điều gì đó đẹp đẽ hào nhoáng, quyến rũ nhưng là chân lý, là sự thật. Và đó chính là Đức Giêsu.

Ngày hôm nay chúng ta hãy dành thời gian để xét duyệt lại bản thân mình, trong vòng năm phút thôi. Chúng ta đang bước đi như thế nào trên con đường Kitô hữu? Chúng ta đã dừng lại, đã đi sai đường, thích rẽ trái rẽ phải, bị quyến rũ bởi các cảnh sắc bên đường hay được lôi cuốn bởi Đức Giêsu ‘Ta chính là con đường’? Chúng ta hãy nài xin Chúa Thánh Thần dạy dỗ chúng ta luôn biết bước đi trong cuộc hành trình tiến về quê trời. Khi chúng ta mệt mỏi, hãy nghỉ ngơi chút ít rồi lại tiếp tục tiến bước. Chúng ta hãy tha thiết xin ơn này.”

2. Kitô hữu không gây tê nỗi đau của mình nhưng sống nỗi đau ấy trong hy vọng

Trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Sáu mùng 6 tháng Năm tại nhà nguyện Santa Marta, Đức Thánh Cha nhận xét rằng Kitô hữu không gây tê nỗi đau của mình, không tìm cách làm mất đi cảm giác đau đớn nhưng sống nỗi đau ấy trong hy vọng rằng Thiên Chúa sẽ cho chúng ta một niềm vui không ai có thể cướp đi được.

Niềm vui và nỗi đau của một người phụ nữ sinh con

Lấy ý từ bài đọc trong ngày, trong đó Chúa Giêsu cảnh báo các môn đệ về một nỗi buồn đang ập đến, nhưng Chúa nói rằng nỗi buồn ấy sẽ được biến đổi sau này thành một tiếng reo vui, Đức Thánh Cha Phanxicô trình bày những suy tư về cách các Kitô hữu nên luôn luôn duy trì niềm vui và hy vọng của họ, ngay cả ở giữa những khổ đau. Ngài đã nêu ví dụ về người phụ nữ đang sinh con. Đức Thánh Cha nói: “Bà đau đớn khi thời khắc sinh em bé đến, nhưng bà quên đi những đau khổ.” Bà mang niềm hy vọng trong suốt thời kỳ đau đớn và sau đó bà vui mừng.

“Đây là tác động mà niềm vui và hy vọng có thể cùng nhau mang đến trong cuộc sống của chúng ta khi chúng ta đang đối mặt với đau khổ, khi chúng ta có vấn đề, khi chúng ta đang phải lao đao. Đó không phải là gây mê. Đau khổ là đau khổ nhưng nếu chúng ta sống với niềm vui và hy vọng, đau khổ sẽ mở ra cho anh chị em niềm vui của con người mới. Hình ảnh này của Chúa sẽ mang đến cho chúng ta niềm hy vọng lớn lao giữa những khó khăn của cuọc đời: khó khăn thường là khủng khiếp đến độ những khó khăn kinh hoàng ấy có thể làm cho chúng ta nghi ngờ đức tin của mình … Nhưng với niềm vui và hy vọng chúng ta tiến về phía trước bởi vì sau cơn bão này, một con người mới được nảy sinh, như trong trường hợp người phụ nữ sinh con. Và Chúa Giêsu nói với chúng ta đó là một niềm vui lâu dài và niềm hy vọng này sẽ không lụi tàn”

Niềm vui và hy vọng, không chỉ đơn giản là hạnh phúc hay lạc quan

Đức Thánh Cha giải thích rằng niềm vui và hy vọng của người Kitô hữu luôn gắn liền với nhau và chúng không thể bị lẫn lộn với thứ hạnh phúc đơn giản hay thái độ lạc quan.

“Một niềm vui mà không có hy vọng chỉ là một sự thích thú hay một cảm giác hạnh phúc tạm thời. Hy vọng mà không có niềm vui không phải là hy vọng, và nó không thể vượt xa hơn một thái độ lạc quan lành mạnh. Niềm vui và hy vọng luôn sánh bước bên nhau và cả hai đều tạo ra một sự bùng nổ mà trong Phụng Vụ Giáo Hội gần như reo lên – xin cho tôi nói từ này không chút xấu hổ: “Hãy mừng vui lên vì Giáo Hội của anh chị em! Mừng vui lên không màu mè hình thức! Bởi vì khi đó là một niềm vui mạnh mẽ, thì nó không cần hình thức bên ngoài, chỉ đơn giản là niềm vui.”

Đức Thánh Cha Phanxicô đã giải thích niềm vui và hy vọng phụ thuộc vào nhau như thế nào để phát triển; và các Kitô hữu được mời gọi để mở lòng ra ra đối với người khác với hai nhân đức này.

“Niềm vui củng cố hy vọng, và hy vọng nở hoa giữa niềm vui. Và chúng ta tiến về phía trước như thế. Nhưng cả hai nhân đức Kitô này, cùng với thái độ trong đó Giáo Hội muốn thấy nơi hai nhân đức ấy, chỉ cho chúng ta con đường mở lòng mình ra đối với tha nhân. Người vui mừng không đóng kín trong chính mình: hy vọng làm cho anh chị em mở lòng mình ra, nó giống như một mỏ neo trên bờ thiên đàng kéo chúng ta lên và ra ngoài. Mở ra khỏi chính mình, với niềm vui và hy vọng.”

Một niềm vui lâu dài

Đức Giáo Hoàng cũng lưu ý rằng niềm vui của con người có thể bị lấy đi bất cứ lúc nào trong khi Chúa Giêsu ban cho chúng ta một niềm vui lâu dài mà không ai có thể cướp đi khỏi chúng ta. Nó vẫn còn “thậm chí ngay cả trong khoảnh khắc đen tối nhất của chúng ta” giống như khi các tông đồ được trấn an bởi các thiên thần sau khi Chúa Giêsu lên trời đã trở về “tràn đầy niềm vui.” Đức Thánh Cha nói rằng các tông đồ có niềm vui “nhận biết rằng nhân loại được lên trời lần đầu tiên”, niềm hy vọng của sự sống và được hội ngộ với Chúa chúng ta. Điều này, ngài kết luận, đã trở thành “một niềm vui tràn ngập trong toàn thể Giáo Hội.”

3. Câu chuyện Khác Biệt Giữa Ngày Và Ðêm

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Một vị đạo sĩ Ấn Giáo nọ hỏi các đệ tử của ông như sau: “Làm thế nào để biết được đêm đã tàn và ngày bắt đầu?”

Một người đệ tử trả lời như sau: “Khi ta trông thấy một con thú từ đằng xa và ta có thể nói: đó là con bò hay con ngựa”.

Câu trả lời trên đây đã không làm cho nhà đạo sĩ ưng ý chút nào…

Người đệ tử thứ hai mới lên tiếng nói: “Khi ta thấy một cây lớn từ đằng xa và ta có thể nói nó là cây xoài hay cây mít”.

Vị đạo sĩ cũng lắc đầu không đồng ý. Khi các đệ tử nhao nhao muốn biết câu giải đáp, ông mới ôn tồn nói như sau: “Khi ta nhìn vào gương mặt của bất cứ người nào và nhận ra người anh em của ta trong người đó thì đó là lúc đêm tàn và ngày mới bắt đầu. Nếu ta không phân biệt được như thế, thì cho dù đêm có tàn, ngày có bắt đầu, tất cả mọi sự không có gì thay đổi”.

Ngày 25 tháng 12, lễ Thần Mặt Trời của dân ngoại đã được Giáo Hội chọn làm ngày sinh của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu quả thực là Mặt Trời Công Chính. Ngài xuất hiện để báo hiệu Ðêm đã tàn và Ngày Mới bắt đầu.

Nhân loại đã chìm ngập trong đêm tối của tội lỗi, đêm tối của trốn chạy khỏi Thiên Chúa và chối bỏ lẫn nhau giữa người với người. Chúa Giêsu đã đến để xóa tan đêm tối ấy và khai mở ngày mới trong đó người nhận ra người, người trở về với Thiên Chúa.

Quả thực, chỉ trong Ðức Giêsu Kitô, mầu nhiệm con người mới được sáng tỏ. Trong đêm tối âm u của khước từ Thiên Chúa và chối bỏ lẫn nhau, con người đã không biết mình là ai, mình sẽ đi về đâu. Trong ánh sáng của Chúa Giêsu Kitô, con người nhận dạng được chính mình cũng như nhìn thấy người anh em của mình.

Nhận ra người anh em nơi một người nào đó chính là nhìn thấy hình ảnh của Thiên Chúa nơi mọi người cũng như phẩm giá vô cùng cao quý của người đó.

Nhận ra người anh em nơi một người nào đó là nhìn thấy niềm vui, nỗi khổ, sự bất hạnh và ngay cả lỗi lầm của người đó như của chính mình.

Nhận ra người anh em nơi một người nào đó chính là sẵn sàng tha thứ cho người đó ngay cả khi người đó xúc phạm đến ta và không muốn nhìn mặt ta.

Nhận ra người anh em nơi một người nào đó cũng có nghĩa là không thất vọng về khả năng hướng thiện của người đó.

Nhận ra người anh em nơi một người nào đó cũng có nghĩa là muốn nói với người đó rằng, cách này hay cách khác, chính ta cần đến người đó để được sống xứng với ơn gọi làm người hơn.

4. Thiên Chúa luôn luôn hiện diện và không bao giờ bỏ rơi chúng ta trong những lúc khó khăn

Lúc 19:30 chiều thứ Năm 5 tháng Năm, lễ Chúa Lên Trời, tại Đền Thờ Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự buổi Canh Thức “Lau khô những giọt lệ”. Đây là một cử hành đặc biệt trong Năm Thánh Lòng Thương Xót dành cho tất cả những ai đang đau khổ và những người tìm kiếm sự ủi an.

Các thành viên của một gia đình và hai cá nhân đã trải qua những loại đau khổ khác nhau trong cuộc sống của họ đã làm chứng trước cộng đoàn về những trải nghiệm đau đớn của họ và cách họ được giúp đỡ để phục hồi từ những đau khổ này.

Sau chứng từ của họ, Đức Thánh Cha Phanxicô đã giảng như sau:

Thưa Anh Chị Em,

Sau những chứng từ đầy xúc động mà chúng ta đã nghe, và trong ánh sáng của Lời Chúa, là Lời đem lại ý nghĩa cho sự đau khổ của chúng ta, trước hết, chúng ta hãy xin Chúa Thánh Thần đến ở giữa chúng ta. Ngài có thể soi sáng tâm trí của chúng ta để tìm ra những từ thích hợp có khả năng mang lại niềm ủi an. Xin Ngài mở rộng tâm hồn chúng ta, để chúng ta xác tín rằng Thiên Chúa luôn luôn hiện diện và không bao giờ bỏ rơi chúng ta trong những lúc khó khăn. Chúa Giêsu đã hứa với các môn đệ rằng Ngài sẽ không để họ mồ côi, nhưng ở mọi thời điểm trong cuộc sống, Ngài sẽ luôn gần gũi với họ bằng cách gửi Thánh Thần của Người, Đấng An Ủi (x Jn 14:26) đến giúp đỡ, dưỡng nuôi và ủi an họ.

Vào những lúc buồn bã, đau khổ và bệnh tật, giữa những đau khổ của bách hại và buồn sầu, tất cả mọi người đều tìm kiếm một lời ủi an. Chúng ta cảm nhận một nhu cầu mạnh mẽ có ai đó gần gũi và từ bi đối với chúng ta. Chúng ta cảm nghiệm những gì là mất phương hướng, bối rối, chán nản, đau lòng hơn chúng ta tưởng. Chúng ta nhìn xung quanh chúng ta với sự hoài nghi, cố gắng để xem liệu chúng ta có thể tìm được một người thực sự hiểu được những nỗi đau của chúng ta. Tâm trí của chúng ta tràn ngập các câu hỏi mà chẳng có câu trả lời nào. Lý trí tự nó không có khả năng giải thích ý nghĩa của những cảm xúc sâu xa nhất của chúng ta, hiểu thấu những nỗi đau chúng ta cảm nghiệm và đưa ra các câu trả lời mà chúng ta đang tìm kiếm. Vào những lúc như thế, hơn bao giờ hết chúng ta cần những luận lý của con tim, là điều duy nhất có thể giúp chúng ta hiểu được mầu nhiệm bao trùm lên sự cô đơn của chúng ta.

Bao nhiêu nỗi buồn chúng ta thấy trên rất nhiều khuôn mặt xung quanh chúng ta! Bao nhiêu nước mắt đang đổ mỗi giây trên cõi đời này; mỗi giọt lệ tuy khác nhau nhưng cùng tạo thành, một đại dương hoang vu kêu đòi lòng thương xót, lòng từ bi, và sự ủi an. Những giọt nước mắt cay đắng nhất được hình thành từ sự độc ác của con người: những giọt nước mắt của những người đã phải chứng kiến một người thân yêu bị tách ly khỏi họ bằng bạo lực; những giọt nước mắt của ông bà, cha mẹ, và con cái; với đôi mắt cứ nhìn chằm chằm vào hoàng hôn và thấy thật khó khăn để nhìn thấy bình minh của một ngày mới. Chúng ta cần lòng thương xót, và sự ủi an đến từ Thiên Chúa. Tất cả chúng ta đều cần đến sự ủi an này. Đây là cái nghèo của chúng ta nhưng cũng là sự vĩ đại của chúng ta: đó là khẩn cầu sự ủi an của Thiên Chúa, Đấng trong sự dịu dàng của Ngài đến để lau những giọt lệ từ đôi mắt của chúng ta (x Is 25: 8; Rev 7:17; 21: 4).

Trong nỗi đau của chúng ta, chúng ta không đơn độc. Chúa Giêsu, biết rõ thế nào là khóc thương trước sự mất mát một người thân. Nơi một trong những trang cảm động nhất của Tin Mừng, Chúa Giêsu chứng kiến Maria khóc trước cái chết của em mình là Lazarô, Ngài đã không thể cầm được nước mắt. Ngài xúc động sâu xa và bắt đầu khóc (x Jn 11: 33-35). Thánh Sử Gioan, khi mô tả chuyện này, muốn cho chúng ta thấy Chúa Giêsu chia sẻ biết ngần nào nỗi buồn và sự đau khổ của bạn bè Ngài. Những giọt lệ của Chúa Giêsu làm bối rối biết bao các nhà thần học trong nhiều thế kỷ, nhưng những giọt lệ ấy đã tắm gội biết bao các linh hồn và là dầu chữa lành bao nhiêu những vết thương. Chúa Giêsu cũng tự mình cảm nghiệm nỗi sợ đau khổ và cái chết, sự thất vọng và chán nản trước sự phản bội của Giuđa và Thánh Phêrô, và đau buồn với cái chết của người bạn mình là Lazarô. Chúa Giêsu “không bỏ mặc những người mà Ngài yêu thương” (Augustinô, trong Joh., 49, 5). Nếu Thiên Chúa có thể khóc, thì tôi cũng có thể khóc, vì biết rằng Ngài hiểu tôi. Những giọt nước mắt của Chúa Giêsu có tác dụng như một liều thuốc giải độc cho sự thờ ơ của tôi trước những đau khổ của anh chị em mình. Những giọt lệ của Ngài dạy cho tôi biết biến những nỗi đau của người khác thành nỗi đau của chính mình, để chia sẻ sự chán nản, đau khổ của những ai đang trải qua những tình huống đau buồn. Những giọt lệ của Ngài làm cho tôi nhận ra nỗi buồn và tuyệt vọng của những người đã phải chứng kiến thi thể của một người thân yêu bị cướp đi khỏi họ, và những người không còn có một chỗ nào có thể tìm được sự ủi an. Những giọt lệ của Chúa Giêsu không thể tuôn ra mà không có một phản ứng nào từ phía những người tin vào Ngài. Như Ngài đã ủi an, chúng ta cũng được mời gọi để an ủi.

Trong lúc bối rối, thất vọng và nước mắt, trái tim của Chúa Kitô hướng đến Chúa Cha trong lời cầu nguyện. Cầu nguyện là phương thuốc thật sự cho những đau khổ của chúng ta. Trong lời cầu nguyện, chúng ta cũng có thể cảm thấy sự hiện diện của Thiên Chúa. Sự dịu dàng trong ánh mắt của Ngài an ủi chúng ta; sức mạnh của lời Ngài nâng đỡ chúng ta và cho chúng ta hy vọng. Chúa Giêsu, đứng trước mộ của Lazarô, cầu nguyện rằng: “Lạy Cha, con cảm tạ Cha vì đã nhận lời con. Con biết rằng Cha luôn luôn nhận lời con” (Ga 11: 41-42). Cả chúng ta cũng cần đến sự xác tín rằng Cha nhận lời chúng ta và đến trợ giúp chúng ta. Tình yêu của Thiên Chúa, đổ vào lòng chúng ta, cho phép chúng ta nói rằng khi chúng ta yêu thương, không có gì và không ai có thể tách chúng ta khỏi những người chúng ta yêu mến. Thánh Phaolô Tông Đồ nói với chúng ta điều này với những lời rất ủi an: “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo?.. Không. trong mọi thử thách ấy, chúng ta toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta. Đúng thế, tôi tin chắc rằng: cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta.” (Rm 8:35, 37-39). Sức mạnh của tình yêu biến đau khổ thành sự xác tín nơi chiến thắng của Chúa Kitô, và sự kết hiệp của chính chúng ta với Ngài, và với hy vọng rằng một ngày nào đó chúng ta sẽ một lần nữa được ở bên nhau và mãi mãi sẽ được chiêm ngưỡng thánh nhan Thiên Chúa Ba Ngôi, là suối nguồn vĩnh cửu của cuộc sống và tình yêu.

Dưới chân của mỗi thập giá, Mẹ Chúa Giêsu luôn luôn ở đó. Với vạt áo của Mẹ, Mẹ lau đi những giọt lệ của chúng ta. Với bàn tay duỗi thẳng, Mẹ giúp chúng ta đứng dậy và Mẹ đồng hành cùng với chúng ta trên con đường của hy vọng.

5. Bách hại – cái giá của việc làm chứng cho Chúa

Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta sức mạnh để trở nên những chứng nhân của Đức Giêsu ngay giữa những bách hại. Có những bách hại lớn đòi chúng ta phải hy sinh mạng sống mình, nhưng cũng có những bách hại nho nhỏ là những lời đàm tiếu, phê bình và chỉ trích. Đây là nội dung bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô trong thánh lễ sáng thứ Hai, 02.05, tại nguyện đường Thánh Marta.

Chúng ta đã đến gần Lễ Ngũ Tuần và các bài đọc trình bày cho chúng ta nhiều hơn về Chúa Thánh Thần. Sách Công vụ Tông Đồ thuật lại rằng có một bà tên là Ly-đi-a, quê ở Thy-a-ti-ra, chuyên buôn bán vải điều. Thiên Chúa đã mở lòng cho bà để bà chú ý đến những lời ông Phao-lô nói.

Người phụ nữ này đã cảm nhận được điều gì đó trong tâm hồn khiến bà cất tiếng nói: ‘Điều này thật đúng đắn! tôi đồng ý với những gì mà người ấy (Thánh Phao-lô) nói. Ông ấy đã làm chứng về Đức Giêsu Phục Sinh. Và những lời ông nói đều chân thật.’ Nhưng ai đã đụng chạm lay động trái tim của người phụ nữ này? Ai đã nói với bà: ‘Hãy lắng nghe, vì đó là sự thật’? Chính Chúa Thánh Thần đã làm cho người phụ nữ này nhận ra Đức Giêsu là Thiên Chúa; giúp bà khám phá ra ơn cứu độ ngang qua những lời mà Thánh Phao-lô rao giảng; và giúp bà lắng nghe được những lời chứng ấy. Chúa Thánh Thần đã làm chứng về Đức Giêsu. Mỗi lần chúng ta cảm thấy có điều gì kéo chúng ta lại gần với Giêsu, thì đó chính là Chúa Thánh Thần đang làm việc trong tâm hồn chúng ta.

Tin Mừng nói về một chứng tá kép: một là của Chúa Thánh Thần, Đấng làm chứng về Đức Giêsu; và hai là chính những lời chứng của chúng ta. Chúng ta là những chứng nhân của Thiên Chúa với sức mạnh của Thánh Thần. Đức Giêsu mời gọi các môn đệ đừng để mình bị vấp ngã, vì làm chứng sẽ dẫn đến những bách hại. Từ những bách hại nho nhỏ của những lời dèm pha, chỉ trích đến những bách hại lớn – đã xảy ra nhiều trong lịch sử Giáo Hội – khiến các Kitô hữu phải chịu cách lao tù hay thậm chí phải hy sinh cả mạng sống của mình.

Đó chính là cái giá của việc làm chứng cho Đức Giêsu: ‘Họ sẽ khai trừ anh em khỏi hội đường. Hơn nữa, sẽ đến giờ kẻ nào giết anh em cũng tưởng mình phụng thờ Thiên Chúa.’ Kitô hữu, với sức mạnh của Thần Khí, can đảm làm chứng rằng Đức Giêsu vẫn sống, Ngài đã phục sinh và luôn ở giữa chúng ta. Đức Giêsu sẽ cùng với chúng ta cử hành việc Ngài chịu chết và phục sinh mỗi khi chúng ta quây quần với nhau bên cạnh bàn thờ. Với sự giúp sức của Thần Khí, các Kitô hữu biết làm chứng tá cho Chúa ngay cả trong cuộc sống thường ngày ngang qua cách hành xử và làm việc của mình. Những lời chứng của các Kitô hữu vẫn còn tiếp tục. Nhưng chúng cũng gặp phải nhiều công kích, bách hại, khủng bố.

Chúa Thánh Thần làm cho chúng ta nhận biết Đức Giêsu. Ngài thôi thúc chúng ta nhận biết Giêsu không chỉ bằng những lời nói nhưng bằng chính chứng tá đời sống.

Như vậy, sẽ thật tốt đẹp nếu chúng ta biết nài xin Chúa Thánh Thần đến ngự trong tâm hồn chúng ta để giúp chúng ta làm chứng về Đức Giêsu. Chúng ta hãy thân thưa với Ngài: ‘Lạy Chúa, xin kéo con đến gần với Giêsu. Xin soi sáng cho con hiểu những gì mà Đức Giêsu đã dạy. Nhắc nhớ cho con tất cả những gì mà Đức Giêsu đã làm và giúp con dám can đảm làm chứng về tất cả những điều này. Xin gìn giữ con, để tinh thần thế gian, những việc dễ dàng thoải mái đến từ cha của sự dối trá, thủ lãnh thế gian này, là tội lỗi, không làm con xa lìa việc làm chứng cho Chúa.’”

Nguồn: Vietcatholic News

Xem thêm

21-11-2024 10-08-06 PM

Lời Chúa – Thứ Sáu Tuần XXXIII Mùa Thường Niên 22/11/2024

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN