Home / Thế Giới Nhìn Từ Vatican / Video: Thế Giới Nhìn Từ Vatican 26/02 – 04/03/2015: 50 năm thánh lễ đầu tiên bằng tiếng địa phương

Video: Thế Giới Nhìn Từ Vatican 26/02 – 04/03/2015: 50 năm thánh lễ đầu tiên bằng tiếng địa phương

 

1. Kỷ niệm 50 năm thánh lễ đầu tiên bằng tiếng địa phương

Ngày 7 tháng Ba năm 1965, Chân Phước Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục đã cử hành Thánh Lễ đầu tiên bằng tiếng Ý tại giáo xứ Ognissanti, nghĩa là Các Thánh, ở Rôma. 

Mở đầu thánh lễ ngài nói:

“Hôm nay chúng tôi khai mạc hình thức mới của Phụng vụ trong tất cả các giáo xứ và nhà thờ trên toàn thế giới, trong tất cả các Thánh Lễ có giáo dân tham dự. Đây là một sự kiện lớn sẽ được nhớ đến như là sự khởi đầu của một cuộc sống thiêng liêng trăm hoa đua nở, và như một nỗ lực mới để tham gia vào các cuộc đối thoại tuyệt vời giữa Thiên Chúa và con người “.

Năm mươi năm đã trôi qua kể từ ngày lịch sử này. Để kỷ niệm biến cố đó, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ cử hành thánh lễ vào lúc 6 giờ chiều ngày thứ Bảy tới, 7 tháng Ba, tại đúng giáo xứ này. 

Nhân dịp này một hội nghị mang tên “Hiệp Nhất Trong Lời Tụng Ca” cũng sẽ được tổ chức bởi Giáo phận Rôma, dòng Chúa Quan Phòng Don Orione và Học Viện Giáo Hoàng về Phụng vụ ở Rôma là ngôi trường này nằm ngay bên cạnh giáo xứ Ognissanti.

Diễn giả chính là cha Flavio Peloso, bề trên tổng quyền dòng Chúa Quan Phòng Don Orione, Đức Giám Mục phụ tá Giuseppe Marciante của giáo phận Rôma, và Đức Tổng Giám Mục Francesco Pio Tamburrano, là Giám Mục hiệu toà của Foggia-Bovino.

2. Đức Thánh Cha và giáo triều Rôma kết thúc tuần tĩnh tâm Mùa Chay 

Sáng thứ Sáu 27 Tháng Hai, Cha Bruno Secondin dòng Cát Minh đã trình bày bài suy niệm cuối cùng của ngài trước Đức Thánh Cha và giáo triều Rôma tại nhà nguyện Divin Maesto (Thầy Chí Thánh) ở Ariccia, một thị trấn cách Vatican 30km về phía Nam.

Trong lời cám ơn trước khi chia tay, Đức Thánh Cha nói:

“Thay mặt cho tất cả mọi người, kể cả tôi, tôi muốn cảm ơn Cha vì công việc của cha với chúng tôi trong kỳ tĩnh tâm này. Thật không phải là dễ dàng để hướng dẫn các linh mục trong những buổi tĩnh tâm! Chúng ta đều là một chút phức tạp, nhưng cha đã cố gieo chút gì đó. Xin Chúa làm cho những hạt giống mà cha đã gieo cho chúng tôi phát triển. Và tôi cầu chúc cho bản thân mình và cầu chúc cho tất cả chúng ta có thể rời khỏi đây với một mảnh nhỏ của vạt áo của Êlia, trong tay và trong tim của chúng ta. Xin cảm ơn cha “.

Điểm dừng chân cuối cùng của hành trình suy tư và cầu nguyện do cha Secondin đề xuất đã được tập trung vào câu chuyện Kinh Thánh trong sách Các Vua quyển thứ hai (2: 1-14) trong đó mô tả cảnh tạm biệt cuối cùng giữa tiên tri Êlia và môn đệ mình là ông Elisha khi Chúa đem ông Êlia lên trời trong cơn gió lốc.

Tiên tri Êlia với bản tính cứng rắn đã có chút mủi lòng trước tình cảm lưu luyến và sự nhẫn nại của người đệ tử mình. Cha Secondin gợi ý cả chúng ta ngày nay cũng nên học theo tiên tri Êlia để mang lại không chỉ niềm hy vọng nhưng còn là sự dịu dàng.

Tuần tĩnh tâm tập trung vào tiên tri Êlia, đã diễn ra từ ngày 22 đến 27 Tháng Hai, tức là Tuần Thứ Nhất Mùa Chay.

Tuần tĩnh tâm năm nay có chủ đề là “Tôi Tớ và các Ngôn Sứ của Thiên Chúa hằng sống”. Vị giảng tĩnh tâm là cha Bruno Secondin, 75 tuổi, dòng Cát Minh, nguyên là giáo sư tu đức thuộc Đại học Giáo Hoàng Gregoriana ở Roma và hiện là cố vấn tại Bộ các dòng tu. Các bài suy niệm của cha trình bày về Ngôn Sứ Elia dưới khía cạnh mục vụ.

3. Số tiền Giáo Hội Sri Lanka quyên góp cho qũy bác ái Đức Giáo Hoàng sẽ được phân phối cho người nghèo ở nước này

Đức Hồng Y Ranjith của thủ đô Colombo đã trao cho Đức Thánh Cha số tiền 8,760,690 rupee khi Đức Thánh Cha kết thúc chuyến viếng thăm nước này hôm 15 tháng Giêng. Số tiền tương đương với khoảng 66,000 Mỹ Kim này là tiền các tín hữu Công Giáo nước này quyên góp cho qũy bác ái Đức Giáo Hoàng. Tuy nhiên, Đức Thánh Cha đã không nhận số tiền này vì thực ra Sri Lanka cũng là một nước nghèo cần đến sự giúp đỡ của Giáo Hội Hoàn Vũ.

Hội Đồng Giám Mục Sri Lanka đã quyết định phân phối số tiền này trong 12 giáo phận để đáp ứng nhu cầu của người nghèo. Cha Cyril Gamini Fernando, phát ngôn viên của Hội Đồng Giám Mục Sri Lanka đã cho biết như trên hôm thứ Tư 25 tháng Hai.

4. Đức Thánh Cha lên tiếng kêu gọi hòa bình cho Syria, Iraq và Venezuela

Trong buổi đọc Kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 1 tháng Ba, Đức Thánh Cha đã nhắc đến tình hình thê thảm tại Syria và Iraq, là những nơi vẫn chưa chấm dứt bạo lực. Ngài nói:

“Anh chị em thân mến, rất tiếc là từ Syria và Iraq vẫn không ngừng có những tin tức bạo lực kinh khủng, những vụ bắt cóc người và đàn áp gây hại cho các tín hữu Kitô và những nhóm khác. Chúng tôi muốn đoan chắc với những người ở trong những tình trạng ấy rằng chúng tôi không quên họ, nhưng gần gũi họ và kiên trì cầu nguyện để sớm chấm dứt bạo lực không thể dung thứ mà họ đang phải chịu. Cùng với các thành viên của Giáo triều Roma, tôi đã dâng thánh lễ cuối cùng trong cuộc tĩnh tâm sáng thứ Sáu vừa qua 27 tháng Hai để cầu nguyện cho ý chỉ đó. Đồng thời tôi xin tất cả mọi người, theo khả năng của mình, hãy hoạt động để thoa dịu đau khổ của những người đang ở trong thử thách thường vì đức tin mà họ tuyên xưng”.

Mọi người hiệp với Đức Thánh Cha cầu nguyện trong thinh lặng một lát và ngài nói tiếp:

“Tôi cũng muốn nhắc đến nước Venezuela lại phải sống những căng thẳng cực độ. Tôi cầu nguyện cho các nạn nhân, và đặc biệt cho thiếu niên 14 tuổi bị giết cách đây vài ngày tại thành phố San Cristobal. Tôi nhắn nhủ tất cả mọi người hãy từ bỏ bạo lực và tôn trọng phẩm giá của mỗi người, tôn trọng tính chất thánh thiêng của sự sống con người và tôi khuyến khích mở lại hành trình chung để mưu ích cho đất nước, mở lại cuộc gặp gỡ và đối thoại chân thành và xây dựng. Tôi phó thác đất nước Venezuela yêu quí cho sự chuyển cầu từ mẫu của Đức Mẹ Coromoto”.

5. Đức Hồng Y George Pell nói về hôn nhân, ly dị và vua Henry Đệ Bát

Đức Hồng Y George Pell đã đưa ra một lập luận ngắn, gọn, nhưng rất mạnh mẽ chống lại những đề nghị thay đổi kỷ luật của Giáo Hội về việc cho những người đã ly dị và tái hôn được rước lễ trong một bài bình luận đăng trên tờ The Catholic Thing.

Sau khi đề cập đến các huấn lệnh rõ ràng trong Kinh Thánh, đến sự “nhất trí gần như hoàn toàn trong suốt hai ngàn năm lịch sử Công Giáo”, và sự thành công mà Giáo Hội được hưởng trong thời gian kỷ luật nghiêm khắc, Đức Hồng Y tổng trưởng bộ kinh tế Tòa Thánh kết thúc bằng một câu hỏi hùng hồn:

“Chẳng nhẽ những quyết định đã được đưa ra sau vụ ly hôn của Henry VIII là hoàn toàn không cần thiết sao?”

Toàn văn bài viết của ngài như sau:

“Điều thú vị là giảng dạy cứng rắn của Chúa Giêsu rằng ‘những gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân ly’ (Mt 19: 6) đã được Ngài đưa ra không lâu sau khi chính Chúa đã nhấn mạnh với Thánh Phêrô về sự cần thiết của sự tha thứ (xem Mt 18: 21-35).

Đúng là Chúa Giêsu đã không lên án người phụ nữ ngoại tình, là người đã bị đe dọa ném đá cho tới chết, nhưng Ngài cũng không nói với cô ấy rằng hãy cứ tiếp tục công việc của mình, cứ tiếp tục sống như đã từng sống không cần thay đổi gì hết. Không, Ngài bảo cô ta đừng phạm tội nữa (xem Ga 8: 1-11).

Một rào cản không thể vượt qua đối với những người ủng hộ một học thuyết và một đường hướng kỷ luật mục vụ mới về việc cho rước lễ là sự nhất trí gần như hoàn toàn trong suốt hai ngàn năm lịch sử Công Giáo về điểm này. Đúng là Chính Thống Giáo có một truyền thống lâu đời và khác biệt với chúng ta về điểm này nhưng là vì lúc ban đầu họ bị ép buộc bởi các đại đế Byzantine. Cho người ly dị và tái hôn được rước lễ chưa bao giờ là một thực hành Công Giáo.

Người ta có thể cho rằng các kỷ luật về sám hối trong những thế kỷ đầu, trước Công Đồng Nicaea là quá cứng rắn khi các nghị phụ tranh luận xem liệu Hội Thánh có nên cho những kẻ phạm vào những tội như giết người, ngoại tình, hoặc bỏ đạo có thể được hòa giải với các cộng đồng địa phương một lần duy nhất – hay không. Các nghị phụ luôn thừa nhận rằng Thiên Chúa có thể tha thứ, ngay cả khi Giáo Hội không nhận lại những tội nhân này vào cộng đồng của mình.

Sự cứng rắn như thế là chuẩn mực vào thời điểm khi Giáo Hội được mở rộng về số lượng, bất chấp những bách hại. Những lời dạy của Công Đồng Trentô hay của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI về hôn nhân cũng không thể bị bỏ qua. Chẳng nhẽ những quyết định đã được đưa ra sau vụ ly hôn của Henry VIII là hoàn toàn không cần thiết sao?”

6. Tòa Thánh xác nhận và cho biết thêm chi tiết về một người vô gia cư đã được mai táng trong nghĩa trang Teutonic

Hôm thứ Năm 26 tháng Hai, phòng báo chí Tòa Thánh đã đưa ra những chi tiết sau chung quanh việc mai táng cho một người vô gia cư. 

Cha Federico Lombardi, giám đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh, xác nhận rằng với sự giúp đỡ của một số anh chị em giáo dân người Đức, Tòa Thánh đã chôn cất một người đàn ông vô gia cư tại nghĩa trang Teutonic trong nội thành Vatican. 

Ông Willy là một người đàn ông vô gia cư sinh trưởng ở miền Bắc nước Bỉ. Người ta đoán ông ta khoảng 80 năm tuổi nhưng không ai rõ chính xác tuổi ông cụ. Ông cụ qua đời vào ngày 12 tháng 12 năm ngoái và được chôn cất tại nghĩa trang trong khuôn viên Tòa Thánh vào ngày 09 tháng Giêng năm nay.

Willy là một gương mặt quen thuộc với nhiều người trong khu vực quảng trường Thánh Phêrô. Ông tham dự Thánh Lễ hàng ngày tại giáo xứ Sant’Anna ở Vatican, là nhà thờ Đức Thánh Cha đã cử hành thánh lễ sau khi được bầu vào ngôi Giáo Hoàng, và dành cả ngày lẫn đêm trên các đường phố xung quanh Quảng trường Thánh Phêrô, Borgo Pio và Via di Porta Angelica.

Trong lễ Giáng Sinh vừa qua, cha Bruno Silvestrini, là cha sở nhà thờ Sant’Anna ở Vatican, đã có sáng kiến để hình ông Willy bên cạnh các mục đồng trong máng cỏ Giáng sinh của giáo xứ như một cử chỉ vinh danh người vừa qua đời. Ông thích cầu nguyện, ông có một trái tim nhân hậu, tham dự thánh lễ sáng tại St. Anna mỗi ngày và luôn luôn ngồi ở cùng một chỗ.

Cha Silvestrini nói với Đài phát thanh Vatican như sau:

“Trong hơn 25 năm qua, ông đã đều đặn tham dự mọi Thánh Lễ 7 giờ sáng. Ông ấy rất cởi mở và có rất nhiều bạn. Ông đã nói chuyện rất nhiều với những người trẻ tuổi, ông đã nói chuyện với họ về Chúa, về Đức Giáo Hoàng, và mời họ cử hành Thánh Thể. Ông là một người giàu có về đức tin. Cũng có các giám mục gởi tặng thức ăn cho ông vào những ngày nhất định. Sau đó, đột nhiên chúng tôi không thấy ông ta đâu. Rồi thì chúng tôi được báo cho biết về cái chết của ông. Tôi chưa bao giờ thấy nhiều người gõ cửa nhà tôi để hỏi khi nào đám tang được cử hành, họ có thể giúp đỡ cách nào để ký ức về người đàn ông thánh thiện này sống mãi… Ông không bao giờ đòi hỏi cái gì, thay vào ông là một trong những người mở đầu câu chuyện với mọi người và thông qua những câu hỏi về đức tin, ông đề nghị một con đường tâm linh cho những người mà ông được tiếp xúc”.

Willy đã chết trong bệnh viện Thánh Linh, nơi ông đã được đưa vào bằng xe cứu thương trong một buổi tối tháng mười hai lạnh giá. Cái lạnh đã khiến ông ngã gục và một số người qua đường đã gọi dịch vụ khẩn cấp. Ông qua đời vào ngày 12 tháng 12, nhưng cơ thể của ông phải lưu lại tại nhà xác bệnh viện vì vô thừa nhận.

Khi những người thường thấy ông trên đường phố bắt đầu nhận ra sự vắng mặt của ông, họ bắt đầu tìm kiếm ông, và cuối cùng họ tìm được ông trong bệnh viện Thánh Linh ở Lungotevere bên bờ sông Tiber.

Các chi phí tang lễ của ông được trang trải bởi một gia đình nói tiếng Đức, và đám tang được tổ chức tại nhà nguyện của nghĩa trang Teutonic, và Willy đã được chôn cất tại nghĩa trang người Đức cũ, trong nội thành Vatican.

7. Một linh mục Dòng Tên được Taliban trả tự do nhưng bị cấm quay lại A Phú Hãn

Một linh mục Dòng Tên được trả tự do trong tuần này sau 8 tháng bị giam cầm ở A Phú Hãn đã tiết lộ rằng những kẻ bắt cóc ngài nói ngài sẽ bị giết nếu bị bắt một lần nữa tại A Phú Hãn.

Cha Alexis Prem Kumar, một linh mục người Ấn Độ đang phục vụ tại A Phú Hãn là người đứng đầu cơ quan Các Dịch Vụ Trợ Giúp dòng Tên, đã bị bắt cóc hồi tháng Sáu năm ngoái. Ngài nói với các phóng viên rằng những kẻ bắt cóc đã không hành hạ ngài, và ngài không bao giờ lo sợ cho cuộc sống của mình. 

Nhưng khi trả tự do cho ngài, những kẻ bắt cóc nói họ sẽ bắn chết ngài nếu ngài cố gắng quay lại A Phú Hãn.

8. Phiên tòa ở Hương Cảng cho thấy tình cảnh bi đát của di dân không có tay nghề Á Châu

Một phụ nữ Hương Cảng có hai đứa con đã phải ngồi tù sáu năm sau phán quyết của tòa án tại đây đưa ra hôm thứ Sáu 27 tháng Hai vì tội bạo hành người giúp việc Nam Dương trong một trường hợp đã làm dấy lên sự phẫn nộ rộng rãi vì sự tàn bạo của bà. 

Bà Law Wan-tung, 45 tuổi, đã tỉnh bơ sắc mặt lạnh lùng khi chánh án Amanda Woodcock truyền rằng “sự nghiêm trọng của các cáo buộc và hoàn cảnh của những tội phạm đòi hỏi phải có một án tù dài hạn”.

Bà Law Wan-tung đã bị kết án về tám tội hành hung, gây thương tích trầm trọng và đe dọa mạng sống đối với người giúp việc là Erwiana Sulistyaningsih 24 tuổi trong một trường hợp cho thấy các lỗ hổng trong các luật lệ bảo vệ những người di cư làm việc tại gia ở khắp châu Á và Trung Đông. 

Trường hợp của cô Erwiana chỉ được đưa ra ánh sáng sau khi những hình ảnh của cô với khuôn mặt đầy những vết thương được công bố tại Nam Dương. Cô Erwiana đã bị bà Law bỏ đói, không trả lương, bị đánh gãy răng, bị đấm vào đầu, vào mặt, khắp mình mẩy đầy những thương tích và đã phải trải qua nhiều trò bạo hành dã man khác của bà Law. 

Hương Cảng hiện có 330,000 di dân là người giúp việc trong gia đình, trong đó hơn một nửa là người Nam Dương. 

9. Đức Thánh Cha cảm ơn các Giáo Hội ở Bắc Phi vì lòng dũng cảm 

Trong buổi tiếp các Giám Mục thuộc Hội Đồng Giám Mục Bắc Phi, gọi tắc là SERENA, bao gồm Morocco, Algeria, Tunisia và Libya hôm thứ Ba 3 tháng Ba, Đức Thánh Cha Phanxicô đã lộ vẻ xúc động và ưu ái đặc biệt của ngài với các Giám Mục đang hiện diện trong một vùng đất rất nguy hiểm đối với người Công Giáo.

Các Giám Mục thuộc SERENA được Đức Thánh Cha tiếp kiến đang về Rôma viếng mộ hai thánh Tông Đồ Phêrô, Phaolô và thăm các cơ quan trung ương Tòa Thánh.

Đức Thánh Cha nói: “Anh em ở một trong những vùng ngoại vi của thế giới và anh em chính là bộ mặt và trái tim mà Thiên Chúa vươn tới cho các dân tộc trong vùng ngoại vi này”.

Trước năm 670, người Kitô hữu chiếm đa số trong toàn vùng Bắc Phi nhưng các quốc gia này lần lượt rơi vào tay quân thánh chiến Hồi Giáo và người Kitô hữu bị tận diệt. Tỷ lệ các Kitô hữu (đa số là Công Giáo) chưa đến 1% dân số trong toàn vùng.

Đức Thánh Cha nhận xét rằng trong những năm qua Bắc Phi đã trở thành một vùng đất trong đó người dân đấu tranh quyết liệt cho tự do lương tâm và nhân phẩm. Tuy nhiên, nơi đây cũng là một bãi chiến trường trong đó các phe phái áp đặt những thay đổi bằng vũ khí và bạo lực dã man. Ngài cám ơn các Giáo Hội trong vùng vì “sự can đảm, lòng trung thành và sự bền đỗ” thể hiện bởi các giáo sĩ, những người thánh hiến và anh chị em giáo dân là những người thường xuyên đối mặt với nguy hiểm. Họ là những chứng nhân đích thực của Tin Mừng.

Trong bài diễn từ của ông Đức Giáo Hoàng cũng nhấn mạnh đến sự cần thiết của những sáng kiến đối thoại liên tôn “nhằm xây dựng hơn tiêu diệt”.

10. Quốc hội Áo thông qua tu chính án cấm tài trợ nước ngoài cho các đền thờ Hồi Giáo

Hôm thứ Tư 25 tháng Hai, Quốc Hội Áo đã thông qua một tu chính án nhằm sửa đổi một đạo luật đã có từ năm 1912 về Hồi giáo. Với tu chính án này quốc hội Áo cấm tất cả các nguồn tài trợ nước ngoài dành cho hầu hết các đền thờ Hồi giáo và yêu cầu các Imam phải nói được tiếng Đức.

“Mục tiêu của chúng tôi là phải có Imam người Áo riêng của chúng tôi,” Ngoại trưởng Áo đã cho biết như trên. Ông bày tỏ hy vọng rằng luật này sẽ thúc đẩy hình thành một điều ông gọi là “Hồi giáo với các tính cách châu Âu” mà theo ông đó là một trong những cách thức hay để chống lại chủ nghĩa cực đoan Hồi Giáo.

Ông nói thêm: “Điều cần thiết là chúng ta phải nhìn thấy những người trẻ tuổi Hồi Giáo ở quốc gia này có thể vừa có một niềm tin Hồi giáo và đồng thời lại có thể tự hào rằng mình là một người Áo”.

11. Cụm từ “chiến tranh huynh đệ tương tàn” làm tổn thương tình cảm của người dân Ukraine

Nhấn mạnh rằng Ukraine không phải đang trải qua “một cuộc xung đột nội bộ, nhưng đang gánh chịu một cuộc tấn công từ bên ngoài”, nhà lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo Ukraine Hy Lạp cho biết tại một cuộc họp báo ở Rôma rằng ngài đã nói với Đức Giáo Hoàng Phanxicô rằng thuật ngữ “chiến tranh huynh đệ tương tàn” mà Đức Thánh Cha dùng trong buổi tiếp kiến chung hôm 4 tháng Hai đã làm tổn thương tình cảm của người dân Ukraine.”

Vào lúc kết thúc buổi tiếp kiến chung hôm 04 tháng 2 vừa qua, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã ứng khẩu kêu gọi hòa bình và đối thoại ở Ukraine. Ngài nói: “Thật không may tình hình đang xấu đi. Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn khủng khiếp này có thể chấm dứt càng sớm càng tốt … Tôi nghĩ đến anh chị em, tất cả các tín hữu nam nữ Ukraine.”

Đức Thánh Cha kêu gọi chấm dứt ngay cuộc chiến này vì nó là một gương mù thê thảm cho thế giới. Đức Thánh Cha nhận xét: “Đây là một cuộc chiến tranh giữa các Kitô hữu.”

Ngài kết luận rằng chiến thắng và thất bại “không phải là từ thích hợp trong trường hợp này. Từ ngữ duy nhất đúng là hòa bình.”

Bên cạnh đó, Đức Tổng Giám mục Sviatoslav Shevchuk cũng nói thêm là các giám mục Ukraine cảm thấy “được Đức Thánh Cha thông cảm, chào đón và khích lệ” trong cuộc hành hương ad-limina viếng mộ hai thánh Tông Đồ Phêrô, Phaolô và thăm các cơ quan trung ương Tòa Thánh gần đây và các ngài đã mời Đức Giáo Hoàng đến thăm Ukraine.

Ngài nói thêm: “Tôi đã xin Đức Thánh Cha và các cơ quan khác nhau của Giáo Triều Rôma khởi động một lời kêu gọi viện trợ nhân đạo trên cấp độ quốc tế. Chúng tôi đang phải lo cung cấp nơi trú ẩn cho 40,000 người tại các trung tâm Caritas Ukraine, nhưng điều này vẫn chưa thấm vào đâu vì có tới 140,000 trẻ em tản cư và còn bao nhiêu những người bị thương phải được điều trị. Vì vậy, để thực sự có thể cứu mạng sống nhiều người, chúng ta cần đoàn kết trên cấp độ quốc tế.”

12. Bọn khủng bố Hồi Giáo IS bắt hàng trăm phụ nữ Kitô Giáo làm nô lệ

Linh mục Emanuel Youkhana phát ngôn viên của Giáo Hội Công Giáo Syria cho biết “ít nhất 15 thanh niên Kitô Giáo đã chịu tử đạo” sau khi bọn khủng bố Hồi Giáo IS tiến như vũ bão vào các làng mạc và thị trấn ở Đông Bắc Syria trong khu vực Tel Hamis vào đầu tuần này. 

Thông tấn xã AFP ước lượng có ít nhất 150 Kitô hữu đã bị bắt hôm thứ Hai 23 tháng Hai, là ngày đầu tiên bọn khủng bố Hồi Giáo IS tấn công vào các khu vực Kitô Giáo ở Đông Bắc Syria. Tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ cho biết khoảng 5,000 Kitô hữu đã kịp thời chạy thoát khỏi vòng vây và đang tản cư tại hai thị trấn Al-Hasakah, là thủ phủ khu vực, hoặc Al-Qamishli, là một thành phố có 180,000 dân sát biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.

Linh mục Emanuel Youkhana cho biết thêm là tính đến ngày thứ Năm 26 tháng Hai, khoảng 350 phụ nữ Kitô Giáo đã bị bắt và các nhân chứng cho biết một phụ nữ trong số các phụ nữ bị bắt đã bị chặt đầu để de dọa các phụ nữ khác. 

Luật Hồi Giáo Sharia coi các phụ nữ bị bắt trong chiến tranh là “al-sabi”, nghĩa là chiến lợi phẩm các chiến binh Hồi Giáo có thể chia chác với nhau để làm nô lệ tình dục và mua bán tại các chợ buôn người ở Trung Đông.

Đức Tổng Giám mục Jacques Behnan Hindo tố cáo với AFP rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã cho phép các chiến binh Hồi giáo vượt biên giới vào Syria nhưng đã không cho phép các Kitô hữu chạy trốn được tị nạn tại Thổ Nhĩ Kỳ.

https://www.youtube.com/watch?v=ZRk09u2uIJM

13. 77% dân số thế giới sống dưới sự bách hại tôn giáo nghiêm trọng

77% dân số thế giới đang sống dưới sự bách hại “cao hoặc rất cao” về tôn giáo. Trung tâm nghiên cứu Pew đã đưa ra con số nêu trên và cảnh cáo cáo rằng tình hình bách hại tôn giáo đang có chiều hướng gia tăng. Con số những người phải sống trong những điều kiện nguy hiểm vì niềm tin của mình trong năm 2007 là 68%.

Báo cáo cũng cho biết thêm “Trong 198 quốc gia được nghiên cứu, có tới 102 quốc gia trong đó các Kitô hữu bị quấy rối bởi các cơ quan chính phủ, xã hội”.

Thống kê về con số những người phải sống trong những điều kiện nguy hiểm vì niềm tin của mình không kể đến những quốc gia phương Tây như Hoa Kỳ nơi các tổ chức Giáo Hội và các Kitô hữu có thể bị truy tố khi hành động theo niềm tin của mình trước những vấn đề gây tranh cãi như phá thai, kết hiệp đồng tính…

14. Sứ thần Tòa Thánh tại Syria nói Kitô hữu nước này cảm thấy bị thế giới bỏ rơi

Kitô hữu Syria cảm thấy bị thế giới bỏ rơi, sứ thần Tòa Thánh tại thủ đô Damascus đã nói như trên với Đài phát thanh Vatican hôm thứ Năm 26 tháng Hai.

Trong một diễn biến tệ hại, từ hôm thứ Hai 23 tháng Hai, quân khủng bố Hồi Giáo IS đã mở một cuộc tấn công bất ngờ vào khu vực Tel Hamis ở Đông Bắc Syria với những chiến thắng dòn dã chiếm được hàng loạt những làng mạc, thị trấn Kitô Giáo. Ít nhất 5,000 Kitô hữu đang phải lánh nạn sang Qamishli và Al-Hasakah gần biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ.

Đức Tổng Giám mục Mario Zenari nói người Kitô hữu Syria lo sợ thấy rằng không có sự cải thiện an ninh tại đất nước họ, và nhiều người đang chuẩn bị để lại gia nhập vào đội ngũ hàng trăm ngàn người đã rời bỏ đất nước.

Theo Đức Tổng Giám mục Zenari, Syria đang phải đối mặt với hai tai họa riêng biệt: “cuộc nội chiến đã diễn ra trong gần 5 năm qua, giết chết hơn 200,000 người và làm bị thương hàng triệu người khác trong khi 11 triệu người phải tản cư; và sau đó là tất cả những điều khủng khiếp đang xảy ra tại các khu vực dưới sự kiểm soát của cái gọi là Nhà nước Hồi giáo”

Hai điều này cộng lại tạo thành một trong những thảm kịch nhân đạo lớn nhất thế giới kể từ thế chiến II.

“Cuộc nội chiến này phải được dừng lại và đà tiến của cái gọi là Nhà nước Hồi giáo phải được kềm hãm” Đức Tổng Giám Mục nói.

15. Đức Thánh Cha kêu gọi các hợp tác xã ở Italia tìm phương thức mới

Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi các hợp tác xã tìm ra những hình thức và phương pháp mới để bài trừ thứ “văn hóa gạt bỏ”, đồng thời hoàn vũ hóa tình liên đới.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp kiến sáng thứ Bẩy 28 tháng Hai, dành cho phái đoàn gồm 7 ngàn người thuộc Liên đoàn các hợp tác xã miền Emilia Romagna, bắc Italia. Họ đại diện cho 1,700 hợp tác xã với 385 ngàn xã viên, với khoảng 73 ngàn nhân viên, và doanh số của họ lên tới gần 27 tỷ Euro với các ngân hàng tín dụng hợp tác xã.

Lên tiếng tại buổi tiếp kiến, sau khi nhắc đến sự cổ võ của Giáo Hội trong quá khứ đối với các hợp tác xã, Đức Thánh Cha mời gọi các vị hữu trách và các xã viên hãy hướng đến những viễn tượng, trách nhiệm, và những hình thức sáng kiến mới của các xí nghiệp hợp tác. Ngài nói: “Đây là một sứ mạng đích thực đòi chúng ta phải có tinh thần sáng tạo để tìm ra những hình thức, phương pháp và thái độ để bài trừ “thứ văn hóa gạt bỏ” do những quyền lực đang điều khiển các chính sách kinh tế tài chánh của thế giới hoàn cầu hóa cổ võ”.

Đức Thánh Cha giải thích rằng: “Ngày nay, hoàn cầu hóa tình liên đới có nghĩa là nghĩ đến sự tăng vọt con số những người thất nghiệp, đến những giọt lệ không ngừng của người nghèo, nghĩ đến sự phát triển đích thực và toàn diện cho con người, một sự phát triển chắc chắn là cần lợi nhuận, nhưng không phải chỉ có lợi nhuận mà thôi!”

Trong bài huấn dụ tại buổi tiếp kiến, Đức Thánh Cha cũng nhắc đến những nhu cầu sức khỏe mà chế độ an sinh xã hội truyền thống không còn đáp ứng được, những đòi hỏi cấp thiết của tình liên đới đặt phẩm giá con người ở trung tâm nền kinh tế thế giới.

Ngài nhắn nhủ các thành viên hợp tác xã ở Italia rằng: “Anh chị em hãy tiếp tục kiện toàn, củng cố và canh tân những thực tại tốt đẹp và vững chắc mà anh chị em đã kiến tạo. Nhưng anh chị em hãy có can đảm ra khỏi những thực tại ấy, với những kinh nghiệm và phương pháp mới, để mang sự hợp tác tới những biên cương mới của những thay đổi, cho đến tận những khu vực ngoại ô của đời sống, nơi mà chúng ta cần làm nổi bật niềm hy vọng, và tới những nơi mà chế độ chính trị xã hội hiện nay dường như bóp nghẹt hy vọng bằng cách gia tăng những rủi ro và đe dọa”.

16. Hơn 300.000 người nước ngoài đăng ký dự Ngày Quốc Tế giới trẻ tại Ba Lan

Cho đến nay đã có hơn 300 ngàn người từ nước ngoài đăng ký tham dự Ngày Quốc Tế giới trẻ sẽ tiến hành tại Cracovia, ở miền nam Ba Lan, vào tháng 7 năm 2016.

Tuyên bố hôm 25 tháng 2 với giới báo chí, Đức Hồng Y Stanislaw Dziwisz, Tổng Giám Mục Cracovia, cho biết trong con số vừa nói có 200 ngàn người từ Italia và 80 ngàn từ Pháp, 16 ngàn từ Đức. Thêm vào đó có hơn 10 ngàn người từ Ucraina, Slovak và Hoa Kỳ.

Đức Hồng Y Dziwisz cũng nói rằng ngoại trưởng Ba Lan, Ông Grzegorz Schetyna, cho biết sẽ đơn giản hóa thủ tục cấp thị thực nhập cảnh cho các bạn trẻ đến tham dự Ngày Quốc Tế giới trẻ lần thứ 23 tại Cracovia từ 25 đến 31-7-2016.

Đức Hồng Y cũng xác nhận lễ khai mạc và cuộc gặp gỡ đầu tiên của Đức Thánh Cha Phanxicô với các bạn trẻ sẽ diễn ra tại công viên Blonia, rộng 48 hécta, trong khi buổi canh thức và thánh lễ bế mạc sẽ diễn ra tại khu vực Brzegi cách trung tâm thành phố Cracovia 15 cây số. Khu này rộng 200 hécta, đủ để đón tiếp hơn 1 triệu người tham dự thánh lễ. Tuy nhiên chưa có quyết định chung kết về vấn đề này.

Đây là lần thứ hai Ba Lan đón tiếp Ngày Quốc Tế giới trẻ. Lần đầu vào năm 1991 tại Tổng giáo phận Czestochowa, nơi có Đền thánh Đức Mẹ Đen, Nữ Vương Ba Lan.

Ngày Quốc Tế giới trẻ, cấp hoàn vũ, liền trước đây, được cử hành tại thành phố Rio de Janeiro hồi tháng 7-2014 với sự tham dự của 3 triệu 700 ngàn bạn trẻ cùng với Đức Thánh Cha Phanxicô.

17. Cha Lombardi lên án các bài của tuần báo Espresso

Hôm 27 tháng 2, Cha Lombardi, Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh, mạnh mẽ lên án các bài trong tuần báo Espresso đăng các tài liệu mật nhắm chống Đức Hồng Y George Pell, Chủ tịch Văn phòng kinh tế của Tòa Thánh.

Tuần báo Espresso ở Italia, theo xu hướng tả phái, số ra ngày 27 tháng 2 đã đăng tải một cuộc điều tra với mục đích chứng tỏ đang có “cuộc chiến nội bộ” ở Vatican về vấn đề kinh tế. Báo này đăng biên bản cuộc họp ngày 12-9-2014 giữa các Hồng Y với những ý kiến khác nhau về các vấn đề kinh tế, trong đó nhiều Hồng Y có những ý kiến trái ngược với Đức Hồng Y Pell, người Úc. Các bài này cũng cho rằng Đức Hồng Y Pell đang tìm cách nắm trọn quyền bính về kinh tế tài chánh trong Vatican, gán cho ngài những danh hiệu như “Nga hoàng (Za) về kinh tế”, hoặc tệ hơn nữa gọi Đức Hồng Y là “căng-gu-ru”. Trả lời câu hỏi của giới báo chí về vấn đề này, Cha Lombardi ra thông cáo nói:

“Về vấn đề đăng tải những bài báo sáng nay, tôi chỉ muốn nêu lên 3 nhận xét rất đơn sơ:

– Việc chuyển các tài liệu mật cho báo chí với mục đích tranh biện hoặc để nuôi dưỡng sự đối nghịch không phải là điều mới mẻ, nhưng luôn luôn cần phải quyết liệt lên án, và đó là điều bất hợp pháp.

– Sự kiện những vấn đề phức tạp về phương diện kinh tế hoặc pháp lý đã hoặc đang trở thành đối tượng thảo luận và có những quan điểm khác nhau, đó là điều bình thường. Dưới ánh sáng những ý kiến được nêu lên, Đức Giáo Hoàng đề ra những hướng đi của ngài và tất cả các vị hữu trách tuân theo hướng đi đó.

– Bài báo nhắm trực tiếp tấn công cá nhân phải bị coi là không xứng đáng và hẹp hòi. Nói rằng Văn phòng kinh tế không thi hành công việc của mình một cách liên tục và hiệu năng, đó là điều không đúng. Để khẳng định điều này, trong những tháng tới đây, Văn phòng Kinh tế của Tòa Thánh dự kiến sẽ công bố kết toán chi thu năm 2014 và ngân sách dự chi năm 2015 cho tất cả các cơ quan Tòa Thánh, kể cả chính Văn phòng kinh tế.

18. Phủ Quốc vụ khanh minh xác lời Đức Thánh Cha

Qua việc dùng thành ngữ “tránh Mễ Tây Cơ hóa” (evitar la mexicanización) trong một email riêng tư, Đức Thánh Cha tuyệt đối không hề muốn làm thương tổn tình cảm của nhân dân Mễ Tây Cơ mà ngài rất yêu quí, và cũng không hề không muốn biết tới sự dấn thân của chính phủ Mễ Tây Cơ trong việc bài trừ nạn buôn bán ma túy.

Trên đây là nội trung công hàm ngoại giao Phủ Quốc vụ khanh Tòa Thánh trao cho Đại sứ nước Mễ Tây Cơ cạnh Tòa Thánh để làm sáng tỏ thành ngữ “tránh Mễ Tây Cơ hóa”.

Quả thực Đức Thánh Cha đã gửi email riêng cho người bạn của ngài là Ông Gustavo Vera, Đại biểu nghị viện tỉnh Buenos Aires, kiêm chủ tịch Tổ chức La Alameda, trong đó ngài viết: “Tôi hy vọng chúng ta vẫn còn thời gian để tránh tình trạng Mễ Tây Cơ hóa nước Á Căn Đình”. Điện thư này đã được đăng trên mạng của tổ chức La Alameda.

Phản ứng về sự kiện này, trong những ngày qua chính phủ Mễ Tây Cơ đã gửi công hàm tới Vatican để phản đối nhận định của ĐTC Phanxicô về viễn tượng nước Á Căn Đình có thể trở nên giống Mễ Tây Cơ (Mễ Tây Cơ hóa) vì nạn buôn bán ma túy ngày càng gia tăng tại nước nước này. Ngoại trưởng José Antonio Meade của Mễ Tây Cơ cho biết đã gặp Đức Tổng Giám Mục Christophe Pierre, Sứ Thần Tòa Thánh, tại Mễ Tây Cơ để thông báo về công hàm phản đối. Ông nói: “Chúng tôi bày tỏ đau buồn và lo âu vì những thông tin đã được phổ biến liên quan đến một thư riêng của ĐGH Phanxicô”.

Công hàm của Phủ Quốc vụ khanh Tòa Thánh viết:

“Như đã biết, thành ngữ ‘evitar la mexicanización’ đã được Đức Thánh Cha sử dụng trong một email hoàn toàn có tính chất riêng tư và không chính thức, để trả lời một người bạn Á Căn Đình của ngài rất dấn thân trong cuộc chiến chống ma túy, và ông đã dùng câu nói đó”.

Công hàm cũng làm nổi bật sự kiện hiển nhiên là Đức Giáo Hoàng không có ý gì khác ngoài việc nêu rõ tính chất trầm trọng của hiện tượng buôn bán ma túy, đang đè nặng trên Mễ Tây Cơ và các nước Mỹ châu la tinh khác. Chính vì sự trầm trọng ấy cuộc chiến trống nạn buôn bán ma túy là một ưu tiên của Chính phủ; để chống lại bạo lực và mang lại hòa bình và sự thanh thản cho các gia đình Mễ Tây Cơ, đánh vào những nguyên nhân gây ra tai ương này.

Đây là một hiện tượng, những như những hiện tượng khác ở Mỹ châu la tinh, trong nhiều dịp và cả trong các cuộc gặp gỡ với các Giám Mục, Đức Thánh Cha vẫn lưu ý về sự cần thiết phải đưa ra những chính sách cộng tác và phối hợp trên mọi bình diện.

Nguồn: Vietcatholic News

h1

Xem thêm

lc194548

Suy niệm Tin Mừng Thứ Sáu Tuần XXXIII Thường Niên, Năm Chẵn, của Lm Minh Anh

  KHÔNG GIAN CHO CHÚA “Nhà Ta sẽ là nhà cầu nguyện, thế mà các …