Home / Chia Sẻ / Hình tượng con Dê trong văn hóa

Hình tượng con Dê trong văn hóa

 

HinhTuong ConDe Trong VanHoaNăm 2015 là năm Ất Mùi, năm “cầm tinh” con Dê. Ất Mùi là sự kết hợp thứ 32 trong hệ thống đánh số Can Chi của người Á Đông, được kết hợp từ thiên can Ất (Mộc âm) và địa chi Mùi (Dê hoặc Cừu). Trong chu kỳ của lịch Trung quốc, nó xuất hiện sau năm Giáp Ngọ và trước năm Bính Thân.

Khi nói đến Dê – còn gọi là Dương hoặc Mùi, người ta không mấy thiện cảm, vì hình tượng Dê thường được dùng để ví von về những cái xấu. Tuy nhiên, trong các loài gia súc, Dê lại có ý nghĩa tinh thần phong phú và giá trị cao, thể hiện vai trò gần gũi mà quan trọng, tạo ra sức ảnh hưởng mạnh mẽ, đa dạng, tích cực đối với đời sống văn hoá của quốc gia.

Trong 12 con giáp, Dê được xem là biểu tượng của tính ôn hòa, thuần hậu nhưng không kém phần nhanh trí. Dê là một trong những thần vật được người Ai Cập sùng bái vì sự đóng góp quan trọng của Dê đối với đời sống con người. Một số dân tộc còn dùng Dê làm vật tế thần. Người Ai Cập dùng dê dâng cho các ác thần để thay thế cho con người.

Theo văn hóa Đông phương, trong đó có Việt Nam, Dê thuộc “tam sinh, lục súc”. Tam sinh là ba thứ lễ vật đặc biệt để cúng tế thần thánh: dê, lợn và bò; lục súc là sáu gia súc thông dụng nhất: dê, gà, chó, lợn, ngựa và trâu. Dê là một trong 12 con giáp, đại diện cho “chi” Mùi. Còn theo văn hóa Tây phương, Dê nằm trong 12 cung hoàng đạo với hình tượng Ma Kết. Dê còn xuất hiện trong thần thoại Hy Lạp và Kitô giáo.

Dê là biểu tượng phong phú mà phức tạp: Sừng dê cái biểu tượng sức sản sinh phồn thịnh, Dê đực tượng trưng cho mãnh lực và tính dục – vì Dê vốn tràn đầy sinh lực tình dục. Một con dê đực có thể giao phối với cả đàn dê cái. Nếu người đàn ông dục lực mạnh, dâm đãng, người Tây phương gọi họ là Satyre (bởi danh từ “satyriasis” là chứng cuồng dâm). Còn người Việt gọi họ là người có máu dê, là dê gái, dê xồm, hoặc dê cụ.

VĂN HÓA ĐÔNG PHƯƠNG

Văn hóa Đông phương có 12 con giáp (Tý, Sửu, Dần, Mẹo,…). Dê là con giáp thứ 8, “chi” Mùi. Dê còn là một trong 12 con vật được đặt tên cho 12 giờ khắc. Giờ Mùi kéo dài từ 14 giờ tới 16 giờ (chênh lệch một chút tùy mùa – Giờ Tý bắt đầu từ 12 giờ đêm), một giờ quan trọng, gọi là “giờ hoàng đạo”. Đó là khoảng thời gian mở đầu của buổi chiều, con người đã ăn uống và ngủ nghỉ, lúc này đang sung sức để tiếp tục làm việc.

Theo phong tục dân gian, chỉ mang tính dị đoan, khi khởi sự việc gì, ngoài việc chọn “ngày lành, tháng tốt”, người ta còn phải chọn “giờ tốt”. Xuất hành, khởi công xây dựng, khai trương cửa hàng, giờ đón dâu, giờ đưa đám ma, hạ huyệt,… đều phải chọn “giờ hoàng đạo”. Trừ trường hợp đặc biệt: Sắp đến giờ tàu hoặc xe xuất phát, nếu đợi giờ tốt có thể bị lỡ kế hoạch; hoặc có giờ tốt, ngày tốt, nhưng thời tiết rất xấu, chưa khởi công được… Quả thật, nếu quá câu nệ vào “giờ tốt” nhiều khi lại hỏng việc. Có hai thứ chắc chắn chúng ta không thể chủ động: Lúc sinh và lúc chết. Nếu chủ động, tại sao không chọn “giờ tốt” mà sinh hoặc chết? Như vậy, việc chọn “giờ tốt” có phải là dị đoan không? Nói chung, giờ nào cũng tốt cả, xấu hay tốt là do mình!

Đây là bảng tính giờ hoàng đạo, tham khảo chủ yếu để biết cho vui thôi!

 

Bảng trên đây cho biết ngày Dần hoặc ngày Thân, và giờ hoàng đạo ở các giờ: Tý, Sửu, Thìn, Tỵ, Mùi, Tuất.

Trung quốc có nhiều điển tích gắn liền với con dê, nổi tiếng là điển tích “Dương xa” (xe dê kéo). Tấn Võ Đế của thường dùng xe dê kéo đi mỗi đêm trong cung cấm, hễ dê dừng ở cửa phòng cung phi nào thì đêm ấy nhà vua sẽ ngủ với cung phi đó. Vì thế, hàng trăm cung phi tìm lá dâu non (loại lá dê thích) đặt trước cửa phòng mỗi đêm với hy vọng xe dê sẽ dừng lại tại cửa phòng mình. Nếu dê không dừng lại, tức là không được vua ghé vào, cung nữ sẽ tủi phận vô duyên, cảm thấy cô đơn, lạnh lẽo,… Điều này được phản ánh qua tác phẩm “Cung Oán Ngâm Khúc” (Lời Than của Cung Nữ, gồm 356 câu chữ Nôm, thể thơ song thất lục bát) của Nguyễn Gia Thiều (1741-1798):

Phải duyên hương lửa cùng nhau

Xe dê lọ rắc lá dâu mới vào

Ngấn phượng liễn chòm rêu lỗ chỗ

Dấu dương xa đám cỏ quanh co

Một điển tích khác cũng khá nổi bật, gắn liền với Tô Vũ, trung thần của nhà Hán, đi sứ sang đất Hung Nô, bị người Thuyền Vu giữ không cho về. Tô Vũ bị dụ dỗ đầu hàng nhưng quyết không chịu. Thuyền Vu nổi giận đem Tô Vũ bỏ vào hang núi cho chết đói, nhưng Tô Vũ vẫn sống nhờ uống sương đọng trên vách đá. Sau đó, Thuyền Vu lại đẩy Tô Vũ đi chăn dê ở Bắc Hải, nói rằng khi nào dê đực đẻ thì mới tha về nước. Khi nhà Hán đánh bại Hung Nô, Tô Vũ mới được tha về. Thừa tướng Bách Lý Hề là tướng nước Ngu. Khi nước Ngu bị nhà Tấn cướp, Bá Lý Hề lưu lạc sang nước Sở làm kẻ chăn dê. Vua nước Tần là Mục Công biết Bá Lý Hề là người tài giỏi, sai người mang 5 bộ da dê chuộc về làm tướng quốc. Sau đó, Bá lý Hề giúp Mục Công dựng được cơ nghiệp lớn.

Khi Bá Lý Hề lên đường lập công danh, người vợ nghèo đưa tiễn, đến lúc làm tướng quốc mải say mê công danh quên người vợ nghèo. Nàng lên đường đi tìm chồng. Nhân Bá Lý Hề bày tiệc có ca nữ múa hầu, nàng liền cải trang làm một ca nữ vào trước tiệc ôm đàn hát một khúc:

Bá Lý Hề năm bộ da dê,

Nhớ ngày chàng ra đi, giết con gà mái ấp, thổi nồi cơm gạo vàng.

Chừ nay được giàu sang, quên ta sao?

Bá Lý Hề nghe câu hát ngạc nhiên nhìn kỹ thì nhận ra là người vợ thuở hàn vi, hai vợ chồng lại đoàn tụ.

Ở Việt Nam, trò chơi “bịt mắt bắt dê” rất phổ biến, trẻ em ngày xưa thường thích chơi trò này vì vui nhộn và hồn nhiên. Còn đối với các cô cậu tuổi mới lớn, họ chơi trò này là dịp để tiếp cận, “đụng chạm” thể lý, nhưng vẫn với ý trong sáng, vui đùa với nhau mà thôi. Vì thế, ca dao nói rằng:

Giả vờ bịt mắt bắt dê

Để cho cô cậu “dễ bề” với nhau

Trong tác phẩm “Hịch Tướng Sĩ”, Hưng Đạo Vương cũng có nhắc đến “con dê”, có ý nói rằng bọn sứ giả Mông Cổ chỉ như loài dê loài chó mà lại hống hách, dương dương tự đắc. Ông mỉa mai:

Uốn lưỡi cú diều mà sỉ mắng triều đình

Đem thân dê chó mà ngạo mạn tể tướng

VĂN HÓA TÂY PHƯƠNG

Theo văn hóa Tây phương, Dê là một trong 12 biểu tượng của cung hoàng đạo. Trong thể loại bi kịch, một thể loại văn học lớn của nhân loại, tiếng Hy Lạp có nguồn gốc từ tragos (con dê đực). Biểu tượng của Ma Kết có hình ảnh của chữ V cho đầu của một con dê biển, bởi vì chòm sao Ma Kết được tìm thấy ở phía Nam trên bầu trời hoàng đạo. Cũng có ý kiến cho rằng biểu tượng này diễn tả một con dê đang khuỵu gối. Chòm sao này thường được mô tả bằng hình con dê có đuôi cá. Ma Kết đôi khi được ví như là một con dê biển, đôi khi là một con dê trên cạn.

Dê là hình tượng của Dionyos. Dionysus là ai? Dionysus là Thần Rượu Nho trong thần thoại Hy Lạp, tức là con trai của thần Zeus (Dớt). Công chúa người trần tên Semele có thai với Thần Zeus, và nàng đã đòi hỏi Thần Zeus bày tỏ sức mạnh thật của mình. Thần Zeus thuyết phục nàng không nên biết vì nàng là người trần, nhưng nàng không chịu, Thần Zeus liền lộ rõ sức mạnh và quyền uy của mình, nàng công chúa không chịu nổi sấm sét kinh thiên động địa nên đã chết. Khi nàng chết, Thần Zeus kịp thời đưa đứa bé ra khỏi bụng nàng, rồi khâu vào đùi của mình. Một thời gian sau, Dionysus được sinh ra từ đùi của Thần Zeus.

Công chúa Semele làm vậy vì Héra xúi giục. Để tránh cơn ghen tuông của Héra, Thần Zeus đã đem đứa bé về một hòn đảo, được các nàng tiên chăm sóc và được nuôi lớn. Cậu bé được đặt tên là Dionysus, sống vui vẻ giữa các nàng tiên cho đến khi thành một chàng trai khoẻ mạnh.

Một hôm, Dionysus đi hái nho về, cho tất cả vào chậu rồi để ở chân tường. Khi vói tay lên lấy đồ ở trên giá, chàng vô tình giẫm vào chậu nho. Chàng không biết làm thế nào, liền để nó lại trong hang rồi ra về. Vài ngày sau, chàng quay trở lại thì thấy có một mùi rất thơm toả ra từ chậu nho bị giẫm nát hôm trước. Khi uống nước đó vào thì có cảm giác sảng khoái và rất ngon. Dionysus rất thích thứ nước đó và đặt tên nó là rượu nho. Chàng quyết định sẽ làm cho cả thế giới phải tôn vinh nó. Trải qua bao thăng trầm và bị hiểu lầm, chàng đã thu nạp được đệ tử, được cha chàng (Thần Zeus) đón về đỉnh Olympus và trở thành một trong 12 vị thần [gồm Thần Zeus, Thần Héra, Thần Poseidon, Thần Demeter, Thần Athena, Thần Apollo, Thần Artemis, Thần Ares, Thần Aphrodite, Thần Hephaeatus, Thần Hermes, và Thần Dionysus]. Thần Dionysus thay vị trí của Thần Hestia. Và được Thần Zeus đồng ý, Thần Dionysus đón mẹ từ địa ngục lên đỉnh Olympus.

Theo một truyền thuyết khác, khi Thần Pan (Thần Dê) bị quái vật Typhon tấn công, Thần Pan đã trầm mình xuống sông Nin, phần phía trên mặt nước vẫn là dê, nhưng phần ở dưới nước đã hóa thành cá. Trong thần thoại Hy Lạp, dê đực còn là hình tượng của Thần Pan, thủy tổ của mục đồng (ngày xưa là người chăn dê). Thần Pan sống trên núi cao, thổi sáo làm bằng ống sậy để tưởng nhớ giọng nói của người yêu đã lẫn hồn vào lau lách. Thần thoại Hy Lạp không nói đến Dê biển mà chỉ nói đến Thần Pan là á thần (bán thần), có nửa trên là người và nửa dưới là dê. Thần Pan là con của Thần Hermes và mộ Nữ Thần Nymph (Thần Rừng). Theo văn hóa Babylon, Capricorn hoặc Dê biển, hình ảnh của Nam Thần Ea đầy quyền lực của xứ Babylon. Thần Ea có nửa cơ thể dưới là cá, đầu và mình là dê. Ban đêm, Thần Ea sống trong đại dương, ngày lại ngoi lên để canh giữ đất liền.

Thời La Mã cổ đại, trong lễ hội Lupercalia ngày 15 tháng Giêng hàng năm, các tư tế dâng thần linh một con dê và một con chó để cầu mưa thuận gió hòa và cầu xin tha tội cho mọi người. Da dê sau đó được chia ra từng mảnh nhỏ để các chàng trai mang trong mình làm “lá bùa” giúp cho mùa màng tươi tốt. Phụ nữ La Mã tìm mọi cách để có thể chạm tay vào miếng da dê tế thần, vì họ tin rằng làm vậy sẽ sinh nở dễ dàng. Do đó, sau lễ hội Lupercania, nhiều đôi trai gái nên duyên nợ nhờ miếng da dê “kỳ diệu” đó.

Theo thần thoại Bắc Âu, Thần Thor cưỡi trên một cỗ xe được kéo bởi hai con dê đực, mỗi khi nghe tiếng sấm, người Bắc Âu cổ xưa cho rằng Thần Thor đang cưỡi cỗ xe dê đến. Khi Thần Thor đến đấu trường, tên khổng lồ bằng đá nhưng có trái tim nhát gan liền bỏ chạy. Thần Thor quăng búa sét đánh Hrungnir, còn tên khổng lồ quăng một cặp sừng lên đánh Thần Thor. Chiếc búa đụng phải cái sừng nên bị văng mất, nhưng một mảnh vỡ của cái sừng lại đánh trúng đầu Thần Thor.

Tài liệu cổ xưa nhất về các nghi thức tôn giáo đối với các vị thần được tìm thấy trong các bài thơ Homer ca tụng Thần Hermes. Sự sùng bái 12 vị thần đỉnh Olympus của người Hy Lạp có thể bắt nguồn từ thế kỷ thứ 6 trước công nguyên ở thành Athens, hầu như không có tiền lệ vào thời kỳ văn hóa Mycenae. Việc tôn thờ 12 vị thần đỉnh Olympus thường được xác định bắt đầu thời gian Pesistratos lên nhiếp chính ở thành Athens, vào năm 522-521 trước công nguyên.

Thần thoại là những câu chuyện huyền thoại nhưng thú vị, thu hút cả trẻ em lẫn người lớn.

CHUYỆN TUỔI MÙI

Theo sử sách Trung Quốc, Dê là con vật dịu dàng, ôn hòa. Người tuổi Mùi vui vẻ, chân thật, thân thiết, sâu sắc, tốt bụng, dễ động lòng trắc ẩn với nỗi bất hạnh của người khác. Do đó, họ cũng được người khác quan tâm. Nếu được phát huy hết sở trường, người tuổi Mùi có tâm hồn nghệ sĩ, có năng khiếu thẩm mỹ, có thể trở thành những nghệ nhân có tính sáng tạo cao. Ngược lại, nếu không có những thành công về sự nghiệp, người tuổi Mùi có thể trở thành người bi quan, chán nản, yếm thế, vì họ là dạng người đa sầu đa cảm.

Tính cách của người tuổi Mùi hiền lành, bẽn lẽn, dễ mắc cở, nhưng hòa đồng. Họ hướng nội, sống khép kín, không thích chống đối, không thích đấu tranh, không muốn “đụng chạm”. Tuy nhiên, người tuổi Mùi vẫn gặp may mắn trong sự nghiệp và tài chính.

Người tuổi Mùi không thích bị bó buộc, thích cuộc sống phẳng lặng. Thái độ làm việc của người tuổi Mùi có thể khiến người ta khó chịu, nhưng biết sao được vì đó là thuộc tính của họ. Khi gấp, người khác có thể cuống cuồng, nhưng người tuổi Mùi vẫn từ từ, thản nhiên. Với đặc tính ôn hòa, người tuổi Mùi có thể kết bạn với những người mạnh mẽ, biết “khống chế” họ. Họ cần ở những nơi có nội quy nghiêm khắc để phát huy hết sở trường.

Năm Mùi nói chuyện cho vui

Mong con Dê chẳng ngậm ngùi suốt năm

TRẦM THIÊN THU

Tết Ất Mùi – 2015

Xem thêm

lc202740

Suy niệm Tin Mừng Thứ Bảy Tuần XXXIII Thường Niên, Năm Chẵn, của Lm Minh Anh

  LÀM CHO PHONG PHÚ “Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng …