Home / Suy Niệm Lời Chúa / Bài giảng Thánh lễ Chúa nhật 6 thường niên, năm B của LM Giuse Đỗ Văn Thụy

Bài giảng Thánh lễ Chúa nhật 6 thường niên, năm B của LM Giuse Đỗ Văn Thụy

Chúa chữa người phong cùi

Người phong cùi tiến gần Chúa Giêsu, khiêm tốn, nài xin Chúa chữa lành.

Muốn hiểu được lời thỉnh cầu này, chúng ta phải biết rằng vào lúc bấy giờ,

người phong cùi là kẻ hoàn toàn bị khai trừ khỏi xã hội.

Mắc phải một chứng bệnh nặng nề và ô uế như thế, kẻ ấy phải sống ngoài cộng đoàn của mình.

Ngay từ hồi xa xưa trong quá khứ, người ta đã đề ra những biện pháp phòng ngừa kỹ lưỡng nhất để tránh mọi đụng chạm thể xác giữa những người khỏe mạnh và những người mắc bệnh phong cùi.

Sách luật Môse nói như sau: “Một khi mắc chứng bệnh này, người phong cùi phải mặc quần áo rách rưới, tóc tai bù xù, râu mép để dài và phải la lớn: Ô uế`, ô uế”.

Bao lâu còn mắc bệnh thì kẻ ấy vẫn phải sống tách biệt, phải ra ngoài đồng vắng mà ở” (Lv 13, 45-46).

Trong Kinh Thánh, bệnh phong cùi không những chỉ là thứ bệnh gây kinh tởm, gậm nhấm và làm biến dạng cơ thể người bệnh, mà nó còn là thứ bệnh mang chiều kích tôn giáo. Kẻ mắc bệnh phong cùi bị xem như đã phạm trọng tội nên bị Chúa trừng phạt.

Một số giáo sĩ đương thời với Chúa Giêsu còn dám phóng đại cho rằng bệnh phong cùi được dùng để trừng phạt bảy mối tội đầu như: vu khống, giết người, làm chứng gian, sống trụy lạc, kiêu căng, trộm cắp và tham lam.

Từ thuở xưa, người phong cùi bị mọi người kể như là một xác chết không hồn. Bị phong cùi là ngay lập tức bị khai trừ, bị ruồng bỏ như một thây ma ô uế, nghĩa là không thể tương giao với Thiên Chúa cũng như với con người.

Chỉ có Thiên Chúa mới có thể chữa lành thứ bệnh này. Ngài đã dùng như một hình phạt thì chỉ mình Ngài mới có thể giải thoát bệnh nhân khỏi hình phạt đó[1].

Chính vì thế, người phong cùi đến với Đức Giê-su, quì  gối xuống van xin Người, và nói với Người rằng: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi sạch”.

Người chạnh lòng thương, giơ tay đụng vào anh ta và nói với anh ta:

“Tôi muốn, anh hãy được sạch.”

Ngay lập tức, bệnh phong cùi biến khỏi anh ta và anh ta được sạch.

Sau khi người bệnh được chữa lành, Đức Giê-su nghiêm giọng, đuổi anh ta đi ngay và nói với anh ta:

 “Coi chừng, đừng nói gì với ai, nhưng anh hãy đi trình diện tư tế, và vì anh đã được sạch, anh hãy tiến dâng những gì Mô-sê đã truyền, để làm chứng trước mặt họ” (Mc1, 40-44).

Hai câu hỏi được đặt ra ở đây là:

Tại sao Chúa nói như thế và tại sao người phong cùi lại không làm theo lời Chúa dặn bảo?

1. Tại sao Chúa nói với người phong cùi: “Đừng nói với ai”?

Bài Tin Mừng cho thấy, sau khi chữa lành căn bệnh nan y như thế, Chúa nói với người được chữa lành: «Đừng nói gì với ai cả».

Đó là một thái độ thường hằng của Ngài sau khi làm được một điều gì đáng khen ngợi, thậm chí đến kinh ngạc:

Ngài không muốn được người khác biết đến (x. Mt 8, 4; 16, 20; 17, 9; Mc 1, 34; 1, 44; Lc 4, 41), trừ phi vì ích lợi cho họ (chẳng hạn để họ được cứu rỗi).

Ngài đã áp dụng đúng điều Ngài khuyên mọi người:

«Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. Khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm» (Mt 6, 1.3).

Thử đặt mình vào địa vị của Ngài khi làm xong một việc mà không ai làm được, ta sẽ cảm thấy ta muốn được nổi tiếng, được mọi người ca tụng hay khen ngợi, hầu đi tới đâu ta cũng được khâm phục, kính trọng và được đối xử một cách đặc biệt.

Ta cũng mong có những đặc quyền đặc lợi vì những việc phi thường đã làm được.

Khi viết được một bài báo hay, giảng được một bài mà ta đoán được nhiều người tâm đắc, làm được một việc tốt, ta mong chờ những lời khen ngợi.

Nếu không được khen, ta cảm thấy như bị hụt hẫng, lòng không thỏa mãn.

Ta muốn «cái tôi» của ta được phình to lên, to hơn những người khác.

Xét trên bình diện tự nhiên, đó là một khuynh hướng rất thường tình, rất phổ quát, khá lành mạnh, nó tạo nên động lực để ta cố gắng, nỗ lực hết mình. Tuy nhiên, nếu để khuynh hướng tự nhiên này ảnh hưởng quá mạnh trên tất cả mọi việc làm, đến nỗi nó trở thành động lực duy nhất thúc đẩy ta hành động, thì ta trở nên một con người rất tầm thường, dù ta có làm được những việc phi thường. Lúc đó, ta làm mọi sự chỉ là để được khen, được nổi tiếng,

một mục đích hoàn toàn vị kỷ, chứ không còn vì yêu thương, vì ích lợi cho người khác nữa.

Còn xét trên bình diện siêu nhiên, khuynh hướng này có thể trở thành một mầm nguy hại cho sự phát triển tâm linh, đạo đức.

Theo định luật của tâm linh, muốn cho tâm linh lớn lên, phát triển, thì «cái tôi» phải nhỏ đi, nghĩa là phải sống tinh thần tự hủy, tự xóa mình, quên mình.

Đời sống tâm linh càng cao, thì động lực thúc đẩy ta hành động càng phải vị tha, càng phải «vô kỷ, vô công, vô danh»

(=không làm vì mình, làm xong không cậy công, không mong được người khác biết mình đã làm)[2].

2. Tại sao người phong cùi lại không làm theo lời Chúa căn dặn?

Đức Giêsu nói “Coi chừng, đừng nói gì với ai” thì anh ta lại “loan truyền lời ấy cho cả thành biết”.

Đức Giêsu bảo “hãy đi trình diện tư tế và tiến dâng những gì Môsê đã truyền”

thì anh ta lại không đi trình diện tư tế và dâng của lễ mà đi vào thành rao giảng và nói với mọi người về việc anh ta được chữa lành.

Tại sao anh ta không giữ lời Đức Giêsu căn dặn?

– Điều tích cực thứ nhất là anh ta nói về Đức Giêsu cho mọi người, nhưng lời rao giảng của anh ta không thay thế lời rao giảng của Đức Giêsu, ngược lại,

lời rao giảng của người được chữa lành đã làm cho “mọi người đến với Đức Giêsu”.

– Điều tích cực thứ hai là thay vì Đức Giêsu vào thành, đi rao giảng cho đám đông, thì bây giờ dân chúng từ khắp nơi đến với Người.

Nhờ lời rao giảng của người được chữa lành, Đức Giêsu có thể giảng dạy mà không phải đi đâu cả. Đồng thời, nhờ anh ta mà cử toạ được chuẩn bị trước, dân chúng chủ động đến với Đức Giêsu nghĩa là họ thực sự muốn nghe lời Người.

– Điều tích cực thứ ba của việc “không giữ lời dặn của Đức Giêsu” là cách thức bày tỏ tác động lớn lao của việc chữa lành nơi anh ta.

Làm sao anh ta có thể im lặng được khi niềm vui gặp được Đức Giêsu, hạnh phúc được chữa lành, được hội nhập vào cộng đồng là quá lớn. Để diễn tả sự sống mới, cuộc đời mới, tương quan mới, anh ta không còn cách nào khác là ra đi loan báo về Đức Giêsu[3].

Đây là một điểm quan trọng làm chúng ta phải suy nghĩ.

Nếu trong cuộc sống của chúng ta, chúng ta nhận ra những ơn lành mà Thiên Chúa ban cho chúng ta, chắc chắn chúng ta phải loan báo Tin Mừng cho những người khác.

Trong thực tế, chúng ta đã nhận được rất nhiều ơn, nhưng chúng ta đã không nhận ra những hồng ân đó.

Vậy chúng ta hãy tha thiết xin Chúa ban cho chúng ta nhận ra các ơn lành phần hồn phần xác mà mỗi ngày Thiên Chúa ban cho chúng ta, chắc chắn chúng ta sẽ vui mừng đi loan báo tin vui, loan báo tin mừngnhư người phong cùi trong bài Tin Mừng hôm nay. Amen.

Lm.Giuse Đỗ Văn Thụy


[1] cuộc đời Myria, em gái Môse trong Ds 12,1-16 (Jacques Hervieux: CN 6B TN) 

[2] JKN, CN 6B TN

[3] Giuse Lê minh Thông OP, CN 6B TN

 

Xem thêm

JOY

Suy niệm Tin Mừng Thứ Ba Tuần V Phục Sinh, của Lm Minh Anh

ĐỂ CÓ NIỀM VUI “Các con đừng xao xuyến, cũng đừng sợ hãi!”. “Để có …