Home / Thế Giới Nhìn Từ Vatican / Video Thế Giới Nhìn Từ Vatican 26/09 – 02/10/2014

Video Thế Giới Nhìn Từ Vatican 26/09 – 02/10/2014

1. Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 tham dự thánh lễ dành cho người cao niên
Sáng Chúa Nhật 28 tháng 9, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp gỡ 40 ngàn người cao niên và dâng thánh lễ với hơn 80 ngàn tín hữu sau đó.

Từ 8:30 sáng, đã có khoảng 40 ngàn người cao niên đến từ 20 quốc gia, tụ tập tại quảng trường thánh Phêrô, để tham dự cuộc gặp gỡ do Hội đồng Tòa Thánh về gia đình tổ chức với chủ đề “Phúc lành sống lâu”.

Họ sinh hoạt với những bài đọc Kinh Thánh, trong đó có trình thuật về bà Sarah, người vợ son sẻ của tổ phụ Abraham, chuyện bà Ruth được con dâu Noemi săn sóc và tháp tùng, bà Elisabeth và chồng là Zacharia, rồi chứng từ, suy tư, chuyện kể, xen lẫn những bản nhạc.

Lúc 9 giờ 22 phút, Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 đã đi ra quảng trường. Năm nay đã 87 tuổi, ngài đã nhận lời mời của Đức Thánh Cha tham dự phần gặp gỡ. Đây là lần thứ 3 ngài xuất hiện trước công chúng kể từ khi thoái vị. Lần đầu tiên ngày 22 tháng 2 năm nay tại Đền thờ Thánh Phêrô trong buổi lễ tấn phong các tân Hồng Y. Lần thứ hai là ngày 27-4 trong lễ tôn phong hiển thánh cho hai Đức Giáo Hoàng Gioan 23 và Gioan Phaolô 2.

Gần 9 giờ rưỡi, Đức Thánh Cha Phanxicô đến và được một số ông bà nội với các cháu đón tiếp. Ngài đã chào hỏi Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 trước khi ngồi trước bàn thờ cạnh Đức Tổng Giám Mục Vincenzo Paglia, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về gia đình.

Trong lời chào mừng, Đức Tổng Giám Mục gọi Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 là “ông nội đầu tiên” trong các ông bà nội ngoại hiện diện tại quảng trường, và nhắc đến tuổi già thường bị sống như một cuộc đắm tàu và mong manh, như một án phạt. Nhưng Đức Tổng Giám Mục cũng gợi lại lời bà Anna Magnani hãnh diện vì những vết nhăn trên mặt mà bà đạt được từng nét một.

Chứng từ đầu tiên được trình bày trước Đức Thánh Cha và mọi người sau lời chào mừng của Đức Tổng Giám Mục Paglia là ông bà Mubarak 74 tuổi và Anneesa Hano, người Iraq, thành hôn từ 51 năm nay và có 10 người con, 12 người cháu. Họ đến từ thành phố Qaraqosh, gần Mossul ở miền bắc Irak. Họ đại diện cho rất nhiều gia đình Kitô bị trục xuất và tị nạn trước sự tấn công của lực lượng thánh chiến Nhà Nước Hồi giáo. Đức Tổng Giám Mục Vincenzo Paglia, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về gia đình giải thích rằng: “Chứng từ của đôi vợ chồng già người Iraq này nhắc nhớ cho tất cả mọi người rằng chiến tranh thực là điều điên rồ; chúng tôi hy vọng thế giới học bài học này, như Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nhắc nhở”.

Cùng với những lời kể của Ông bà Mubarak và Anneesa Hano, có một băng Video được Elisa Grevo và Federico Fazzuoli thực hiện, kể lại những địa điểm và các tiếng chuông nhà thờ ở thành Alqosh như từ 2 ngàn năm nay ở vùng bình nguyên Ninive. Tiếng chuông này cùng với chuông của tất cả các nhà thờ Kitô khác tại đây đã im bặt từ ngày 6 tháng 8 năm nay sau khi bị quân khủng bố Hồi Giáo IS chiếm. Chúng thay thế thánh giá trên tháp chuông thánh đường bằng những lá cờ đen.

Một chứng từ khác là của cha Sebastiano, dòng Capuchino, cha gọi mình là một ông nội tinh thần của 120 người già đang sống trong trung tâm tiếp đón “Phanxicô và Clara”, cạnh một hang đá Lộ Đức. Trong số những người già ở trung tâm có những người bị bệnh suy thoái não bộ.

2. Diễn từ của Đức Thánh Cha Phanxicô trong thánh lễ dành cho người cao niên

Sau phần chứng từ, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ngỏ lời với mọi người. Ngài đặc biệt cám ơn sự hiện diện của Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 và nhắc lại là ngài rất hài lòng vì sự hiện diện của Người ở Vatican, như một ông nội khôn ngoan. Đức Thánh Cha cám ơn Ông bà Mubarak từ Qarakos đã đến đây với các con cháu, đại diện cho bao nhiêu tín hữu Kitô tại Iraq bị bách hại dữ dội.

Ngài nói:

“Bạo hành đối với người già là điều vô nhân đạo, cũng như bạo hành đối với trẻ em. Nhưng Thiên Chúa không bỏ rơi anh chị em! Ngài ở với anh chị em! Các anh chị em này chứng tỏ cho chúng ta thấy trong những thử thách khó khăn nhất, những người già có đức tin như những cây tiếp tục mang lại hoa trái. Và điều này cũng giá trị đối với những tình trạng bình thương hơn, nhưng trong đó có thể có những cám dỗ khác, và những hình thức kỳ thị, như chúng ta đã nghe trong một số chứng từ.

Đức Thánh Cha cũng tái khẳng định tuổi già là một thời kỳ hồng ân, trong đó Chúa lập lại lời kêu gọi hãy bảo tồn và thông truyền đức tin, Chúa mời gọi chúng ta cầu nguyện, và nhất là chuyển cầu cho người khác: Chúa mời gọi chúng ta hãy gần gũi những người đang cần. Những người già, những ông bà nội ngoại có khả năng hiểu những hoàn cảnh khó khăn và lời cầu nguyện của họ thật mạnh mẽ.

Đức Thánh Cha nhắc đến tình trạng những nước bị bách hại tôn giáo, như ở Albani, chính các ông bà đã giúp rửa tội bí mật cho các cháu, mang lại đức tin cho các cháu. Họ can đảm trong cơn bách hại và đã cứu vãn đức tin tại các nước ấy.

Ngài tái lên án nạn gạt bỏ người già, bỏ rơi họ. Đó là hậu quả của nền văn hóa gạt bỏ gây hại lớn cho thế giới chúng ta. Trẻ em bị gạt bỏ, người trẻ cũng vậy, họ không có công ăn việc làm. Người già cũng bị gạt bỏ viện cớ là để duy trì một hệ thống kinh tế quân bình, nơi trung tâm của nền kinh tế ấy không có con người, nhưng chỉ có tiền bạc. Tất cả chúng ta được mời gọi chống lại thứ văn hóa gạt bỏ, bị nhiễm độc như thế.

Cuộc gặp gỡ kết thúc lúc 10 giờ 20. Đức Thánh Cha Phanxicô tiến đến chào và cám ơn vị tiền nhiệm của ngài, rồi chào thăm một số nhân vật trước khi chuẩn bị bắt đầu thánh lễ cũng tại quảng trường.

3. Thánh lễ dành cho người cao niên

Đồng tế với Đức Thánh Cha Phanxicô có một số Giám Mục và 100 linh mục cao niên. Phần thánh ca, ngoài ca đoàn Sistina của Tòa Thánh còn có ca đoàn Mẹ Giáo Hội gồm 80 ca viên. Quảng trường thánh Phêrô tăng thêm số người tham dự, họ đứng tràn ra tới đường Hòa Giải.

Trong bài giảng Thánh lễ, Đức Thánh Cha đã diễn giải cuộc gặp gỡ giữa Mẹ Maria và bà chị họ Elisabeth và rút ra những bài học cho tương quan giữa các thế hệ già trẻ.

Đức Thánh Cha nói:

“Bài Phúc Âm mà chúng ta vừa nghe, ngày hôm nay chúng ta đón nhận như Tin Mừng cuộc gặp gỡ giữa người trẻ và người già: một cuộc gặp gỡ đầy vui mừng, đầy đức tin và hy vọng.

Maria là một người trẻ. Elisabeth là một người già, nhưng nơi bà có biểu lộ lòng từ bi của Thiên Chúa và từ 6 tháng nay, cùng với chồng là ông Zacaria, bà đang chờ đợi một người con.

Maria, trong hoàn cảnh ấy, tỏ cho chúng ta sự sống: đi gặp một người họ hàng già, ở với bà, chắc chắn là để giúp đỡ bà, nhưng nhất là cũng để học hỏi nơi bà, là người già, một sự khôn ngoan trong cuộc sống.

Bài đọc thứ I, với những kiểu diễn tả khác nhau, vang vọng giới răn thứ tư: “Hãy thảo kính cha mẹ, để ngươi được sống lâu tại đất nước mà Chúa là Thiên Chúa ngươi, ban cho ngươi” (Xh 20,12). Không có tương lai đối với dân tộc nào không có cuộc gặp gỡ giữa các thế hệ, không có những người con với lòng biết ơn đón nhận chứng nhân của cuộc sống từ tay cha mẹ. Và trong sự biết ơn đối với người đã thông truyền cho bạn sự sống, cũng có lòng biết ơn đối với Chúa Cha ở trên trời.

Đôi khi có những thế hệ người trẻ, vì những lý do phức tạp về lịch sử và văn hóa, sống và cảm thấy một nhu cầu mạnh mẽ tự lập với cha mẹ, hầu như thể ”giải thoát mình” khỏi tàn tích của thế hệ trước đó. Thái độ đó như thể là thời kỳ niên thiếu nổi loạn. Nhưng nếu sau đó không phục hồi cuộc gặp gỡ, nếu không tìm lại một sự quân bình mới mẻ, phong phú giữa các thế hệ, thì hậu quả là một sự nghèo nàn đối với dân tộc và tự do thống trị trong xã hội là một thứ tự do giả tạo, hầu như luôn biến thành một chế độ độc đoán.

Cùng sứ điệp ấy cũng được thánh Phaolô gửi đến Timôthê, và qua thánh nhân, gửi đến cộng đoàn Kitô. Chúa Giêsu không bãi bỏ luật gia đình và sự chuyển tiếp giữa các thế hệ, nhưng đã kiện toàn luật ấy. Chúa đã hình thành một gia đình mới, trong đó liên hệ với Chúa và việc thi hành thánh ý Chúa Cha trổi vượt hơn các mối liên hệ máu mủ. Nhưng tình yêu đối với Chúa Giêsu và Chúa Cha đưa tới mức độ viên mãn tình yêu đối với cha mẹ, anh chị em, đối với các ông bà nội ngoại, đổi mới các quan hệ gia đình nhờ nhựa sống của Tin Mừng và Thánh Linh. Và như thánh Phaolô đã nhắn nhủ Timôthê, là một Chủ Chăn và vì thế cũng là cha của cộng đoàn, hãy có lòng kính trọng đối với những ngườ già và các thân nhân, và Ngài khuyên ông thi hành điều đó với thái độ con thảo: các ông cụ già ”như cha của mình”, ”bà cụ già như mẹ của mình” (Xc 1 Tm 5,1). Thủ lãnh cộng đoàn không được chuẩn chước khỏi thánh ý Chúa, trái lại, tình yêu Chúa Kitô thúc đẩy thủ lãnh thi hành điều ấy với một tình yêu lớn lao hơn nữa. Như Đức Trinh Nữ Maria, tuy là Mẹ của Đấng Messia, nhưng cảm thấy được tình yêu Chúa thúc đẩy, Đấng đang nhập thể trong lòng Mẹ, và chạy đến bà chị họ già.

Và chúng ta hãy trở lại “hình ảnh đầy vui mừng và hy vọng, đầy đức tin và đức ái. Chúng ta có thể nghĩ rằng Đức Trinh Nữ Maria, ở nhà bà Elisabeth, cũng như bà và Zacaria chồng bà cầu nguyện với những lời của thánh vịnh đáp ca hôm nay: ”Lạy Chúa, Chúa là niềm hy vọng của con, là niềm tín thác của con ngay từ thời trẻ trung của con.. Xin đừng để con lâm vào tuổi già, đừng bỏ rơi con khi sức lực con tàn tạ.. Khi tuổi già đến và tóc bạc, lạy Chúa, xin đừng bỏ rơi con, cho đến khi con loan báo quyền năng Chúa, những công trình của Chúa cho mọi thế hệ” (Tv 71,5.9.18). Mẹ Maria trẻ trung lắng nghe và cẩn giữ mọi sự trong lòng. Sự khôn ngoan của bà Elisabeth và Zacharia đã làm cho tâm hồn trẻ được phong phú; họ không phải là chuyên gia về việc làm cha làm mẹ, vì đối với họ đó cũng là lần mang thai đầu tiên, nhưng là chuyên gia về đức tin, niềm tin nơi Thiên Chúa, về niềm hy vọng đến từ Chúa: đó là điều mà thế giới đang cần, trong mọi thời đại. Mẹ Maria đã biết lắng nghe các cha mẹ già và đầy kinh ngạc, đã cẩn giữ như kho tằng sự khôn ngoan của họ, và đó là điều quí giá đối với Mẹ, trong hành trình như một phụ nữ, một người vợ, người mẹ.

Như thế, Mẹ Maria chỉ cho chúng ta con đường: con đường gặp gỡ giữa những người trẻ và người già. Tương lai của một dân tộc nhất thiết đòi phải có cuộc gặp gỡ ấy: những người trẻ mang lại sức mạnh để dân tiến bước và người già củng cố sức mạnh ấy với ký ức và sự khôn ngoan bình dân.

Trong phần lời nguyện phổ quát bằng các ngôn ngữ Anh, Hoa, Đức, Ba Lan và Pháp, cộng đoàn đã cầu cho Giáo Hội, cho những người bị bách hại vì đức tin, xin Chúa ban cho họ sức mạnh trong con thử thách và bách hại, trong những tủi nhục và ngỡ ngàng; cầu cho những người già cô độc và bệnh tật, xin Chúa an ủi tâm hồn họ trong đau khổ và bỏ rơi, trong thử thách và sầu muộn; cầu cho các ông bà nội ngoại, xin Chúa tháp tùng công việc của họ trong quảng đại và khôn ngoan, trong sự mong manh và âm thầm.

Cuối thánh lễ, như thường lệ, Đức Thánh Cha đã chủ sự buổi đọc kinh Truyền tin. Trong bài huấn dụ ngắn, ngài mời gọi các tín hữu, các cộng đoàn, cầu nguyện cho Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới sẽ khai diễn vào Chúa Nhật tới 5 tháng 10 về việc mục vụ gia đình. Ngài không quên phó thác biến cố quan trọng này cho sự chuyển cầu của Mẹ Maria là Phần rỗi của dân Roma và xin Mẹ phù hộ những người già trên toàn thế giới.

Đức Thánh Cha cũng trao cho một số người cao niên đại diện cho mọi người khác sách Phúc Âm theo thánh Marco, ấn bản chữ to.

4. Thánh lễ tôn phong chân phước cho Đức Cha Álvaro del Portillo nhà lãnh đạo thứ hai của Opus Dei

Hôm thứ Bẩy 27 tháng 9, nhà lãnh đạo thứ hai của Opus Dei đã được phong chân phước tại Madrid trong một thánh lễ ngoài trời với sự tham dự của hàng trăm ngàn người từ nhiều nước trên thế giới.

Đức Cha Alvaro Del Portillo đã là người kế tục Thánh Josemaria Escriva de Balaguer trong cương vị lãnh đạo phong trào Opus Dei. Án phong thánh cho ngài đã được Đức Thánh Cha Phanxicô xác nhận vào ngày 5 tháng 7 năm 2013 sau khi Tòa Thánh công nhận một phép lạ nhờ lời chuyển cầu của ngài tại Chilê.

Tháng 8 năm 2003, cháu bé Jose Ignacio Ureta Wilson mới chào đời có mấy ngày đã bị xuất huyết trầm trọng. Sau những cố gắng hết sức để cứu sống đứa bé, các bác sĩ chính thức tuyên bố đứa bé đã chết. Tuy nhiên, cha mẹ đứa bé vẫn kiên tâm cầu nguyện cùng Đức Cha Alvaro Del Portillo, người đã qua đời 9 năm trước đó, tức là vào năm 1994. Đứa bé đã sống lại trước sự kinh ngạc của các bác sĩ vì điện tim đồ cho thấy tim đứa bé đã ngừng đập trong suốt 30 phút. Jose Ignacio Ureta Wilson hiện đang sống một cuộc sống bình thường, đi học và chơi bóng đá.

Hàng chục tòa giải tội ngoài trời đã được dựng lên tại khu vực cử hành thánh lễ phong chân phước do Đức Hồng Y Angelo Amato, tổng trưởng Bộ Phong Thánh chủ sự với sự đồng tế của hàng trăm vị Giám Mục và đông đảo các linh mục.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi thư cho nhà lãnh đạo của Opus Dei, là Đức Cha Javier Echevarria Rodriguez trong đó ngài ca ngợi Chân Phước Alvaro là một mô hình của sự thánh thiện, “là người đã gửi cho chúng ta một thông điệp rất rõ ràng: ngài nói với chúng ta hãy tin tưởng vào Chúa, rằng Chúa là anh em, là bạn bè của chúng ta, là người luôn trung tín và luôn luôn ở bên cạnh chúng ta.”

Đức Giáo Hoàng cũng nhấn mạnh rằng “Chân Phước Alvaro khuyến khích chúng ta không sợ đi ngược lại trào lưu thế gian và sẵn sàng chịu đựng để loan báo Tin Mừng, và dạy chúng ta rằng trong sự đơn giản và ngay trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, chúng ta vẫn có thể tìm thấy một con đường an toàn để nên thánh.”

Đức Cha Alvalro del Portillo đã cống hiến cuộc đời mình để dạy người ta cách thế tìm Chúa trong cuộc sống hàng ngày của họ. Ngài cũng đã làm việc trong một số phòng ban của Giáo triều Rôma, và tham gia Công Đồng Chung Vatican II. Thêm vào đó, trong suốt cuộc đời, ngài đã giúp thăng tiến các sáng kiến xã hội trên toàn cầu.

Đức Cha Alvaro del Portillo là kỹ sư dân sự. Ngài là một trong những người đầu tiên theo Thánh Josemaría Escrivá, và nhanh chóng trở thành một trong những cộng tác viên thân cận nhất của thánh nhân. Năm 1944, ngài được thụ phong linh mục, và hai năm sau đó đến Rôma.

Sau cái chết của Thánh Josemaría, năm 1975, cha del Portillo được bầu làm người kế vị của thánh nhân. Ngày 28/11/1982, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II ban cấp quy chế Giáo Hạt Tòng Nhân cho Opus Dei và ngài trở thành Giám Chức đầu tiên.

Ngày 6 tháng Giêng năm 1991, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II tấn phong Giám Mục cho cha del Portillo.

Những người biết đến Đức Cha del Portillo luôn nhớ đến ngài như một người cổ vũ nhiệt tình cho hòa bình và là người rất có khiếu hài hước, cũng như một người nỗ lực đem con người đến gần với Thiên Chúa.

Tuy nhiên, ít người biết rằng del Portillo là người ủng hộ hàng đầu trong việc thiết kế các hình ảnh về Đức Trinh Nữ Maria tại quảng trường Thánh Phêrô. Ý tưởng của ngài đã được Đức Gioan Phaolô II nồng nhiệt ủng hộ và đã giao cho ngài giám sát công việc này.

Tu hội Opus Dei, dịch ra tiếng Việt nghĩa là “Kỳ Công của Chúa”, được thành lập bởi Thánh Josemaría Escrivá vào năm 1928 tại Tây Ban Nha nhằm qui tụ những người Công Giáo muốn hiến thân làm việc tông đồ và theo đuổi con đường trọn lành trong khi vẫn tiếp tục các công việc và nghề nghiệp của mình giữa đời.

Tu hội Opus Dei được Thánh Giáo Hoàng Phaolô Đệ Nhị nồng nhiệt cổ vũ và đã ban cấp quy chế giáo hạt tòng nhân cho tu hội. Những thành công và đóng góp lớn lao của Opus Dei dành cho Giáo Hội đã khiến tu hội trở thành mục tiêu bị bách hại dã man trong các nước cộng sản. Tình trạng bách hại Opus Dei ở các nước tư bản tuy không dã man bằng các nước cộng sản nhưng không kém phần ác liệt. Chẳng hạn, như cuốn sách “The Da Vinci Code” của Dan Brown đã quay thành phim vào năm 2006 miêu tả Opus Dei như một giáo phái bí mật, thèm khát quyền lực, thậm chí là giết người trong âm mưu bao che cho điều mà hắn ta tự tưởng tưởng ra là Chúa Giêsu đã cưới bà Maria Magdalêna làm vợ và có con, và dòng máu của họ sống sót đến ngày hôm nay và Opus Dei phải tìm giết những người ấy.

Trước những cáo buộc trâng tráo nhằm bôi nhọ mình như vậy, tu hội có một đường lối thông tin sáng suốt. Tận dụng các phương tiện truyền thông mới như mạng lưới điện toàn cầu, tu hội trình bày trong thanh thản sự thật về mình. Ngày nay, Opus Dei là một trong những tu hội lớn mạnh trong Giáo Hội. Opus Dei hiện đã có mặt tại 66 quốc gia trên thế giới với 90,000 thành viên trong đó khoảng 2% là các linh mục.

5. Đức Thánh Cha chủ sự buổi cầu nguyện tạ ơn 200 năm tái lập dòng Tên tại nhà thờ Gesù, ở Rôma

Chiều thứ Bẩy 27 tháng 9 vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự buổi cầu nguyện cùng với các tu sĩ Dòng Tên và các ân nhân tại nhà thờ Gesù, Roma, trong tâm tình kỷ niệm 200 năm dòng Tên được tái lập sau 41 năm bị giải thể.

Dòng Tên đã được thành lập bởi Thánh Ignatiô hay còn gọi là thánh Y Nhã vào năm 1534 với chủ trương đẩy mạnh các hoạt động tông đồ như rao giảng và giảng dạy, thực thi các thừa tác vụ tâm linh, nghiên cứu khoa học và hoạt động xã hội, truyền giáo và chăm sóc cho người nghèo, người đau khổ và thiệt thòi.

Vào ngày 21 tháng 7 năm 1773, với bản tự sắc Dominus ac Redemptor (Thiên Chúa và Đấng Cứu Thế) của Đức Giáo Hoàng Clement XIV đã bãi bỏ Dòng Tên dưới áp lực của các tòa án tại Tây Ban Nha và một số nước Châu Âu.

Ngày 07 tháng 8 năm 1814, Đức Giáo Hoàng Piô VII đã khôi phục Dòng Tên với trọng sắc Sollicitudo omnium Ecclesiarum (Chăm sóc toàn Giáo Hội).

Trong bài chia sẻ về biến cố này, Đức Thánh Cha Phanxicô trích dẫn thư của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II gởi cha Kolvenbach, ngày 31 tháng 7 năm 1990 cho biết:

“Nhà dòng mang tên của Chúa Giêsu đã trải qua những thời điểm bách hại khó khăn. Trong thời gian lãnh đạo của Cha Lorenzo Ricci, ‘kẻ thù của Giáo Hội đã thành công trong việc đạt được sự đàn áp nhà dòng’ bởi người tiền nhiệm của tôi là Đức Giáo Hoàng Clement XIV.”

Đức Thánh Cha đã đề cao phản ứng của cha Tổng Quyền lúc bấy giờ là cha Lorenzo Ricci trước tự sắc buộc Dòng phải giải thể. Ngài nói:

“Trong thời gian thử thách và gian nan, những đám mây của nghi ngờ và đau khổ sẵn sàng ùn ùn kéo đến nên không dễ gì để tiến về phía trước, tiếp tục cuộc hành trình. Nhiều cám dỗ ập đến, đặc biệt là trong những thời điểm khó khăn và khủng hoảng, chẳng hạn như cám dỗ muốn dừng lại để thảo luận các ý tưởng, để mặc cho mình bị cuốn đi vào tan hoang, hay là cám dỗ muốn tập trung vào thực tại bị bức hại, và không muốn nhìn thấy điều gì khác. Đọc những thư từ của cha Ricci, có một điều đánh động trong tôi, đó là khả năng của ngài tránh được những cám dỗ và đề nghị với các tu sĩ Dòng Tên một viễn kiến giúp họ bắt rễ sâu xa hơn nơi linh đạo của Dòng dù các vị đang trong một thời điểm thật khó khăn.”

Khi Dòng được phục hồi, Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết: “Dòng đã ngay lập tức truyền giáo và sẵn sàng phục vụ Tòa Thánh, dấn thân quảng đại ‘dưới ngọn cờ của thánh giá cho Chúa và Đấng Đại Diện của Ngài trên trần gian’. Dòng tái tục hoạt động tông đồ, rao giảng và giảng dạy, thực thi các thừa tác vụ tâm linh, nghiên cứu khoa học và hoạt động xã hội, truyền giáo và chăm sóc cho người nghèo, người đau khổ và thiệt thòi.

Hôm nay, Dòng cũng đang đương đầu với thảm kịch của người tị nạn và người di tản với trí thông minh và sự cần cù; và Dòng cố gắng với sự sáng suốt để hội nhập công việc phục vụ của mình với đức tin và sự đề cao công lý phù hợp với Tin Mừng. Tôi xác nhận hôm nay những gì Đức Phaolô VI đã nói với chúng ta tại Hội Nghị Khoáng Đại lần thứ 32 mà chính tai tôi đã nghe, đó là “Bất cứ nơi nào trong Giáo Hội, ngay cả trong những tình huống khó khăn và khắc nghiệt nhất, giữa ngã tư của các ý thức hệ, trong các chiến hào xã hội, nơi đã và đang xảy ra sự đối đầu giữa những khát vọng sâu xa nhất của con người và thông điệp lâu năm của Tin Mừng, nơi đó có những linh mục dòng Tên.”

Tiếp sau bài chia sẻ của Đức Thánh Cha là nghi thức tuyên khấn lại của tất cả các tu sĩ Dòng Tên hiện diện tại đây. Sau đó là những lời nguyện dâng lên Chúa với nhiều ngôn ngữ khác nhau, tượng trưng cho tính phổ quát nhưng hiệp nhất của Dòng trên toàn thế giới: Bồ Đào Nha, Đức, Swahili, Anh, Tây Ban Nha, Croatia, Malayalam.

Sau lời cảm ơn của cha Bề Trên Cả dành cho Đức Thánh Cha vì sự hiện diện quý báu cùng những chia sẻ của ngài là nghi thức sai đi. Đức Thánh Cha trao cho cha Bề Trên Tổng Quyền cuốn Sách Thánh và nói với các tu sĩ Dòng Tên rằng: “Anh em hãy ra đi và đốt cháy cả thế giới, hãy mang đến cho mọi người ngọn lửa Tin Mừng cứu độ.”

Buổi cầu nguyện kết thúc bằng phép lành của Đức Thánh Cha và bài hát Salve Regina trước bức ảnh Đức Mẹ Trên Đường.

6. Những tranh cãi chung quanh việc lãnh nhận các bí tích của người Công Giáo đã ly dị và tái hôn – Đề nghị của Đức Hồng Y Kasper

Một giám mục Tây Ban Nha cho báo chí biết rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói trực tiếp với các Giám Mục Tây Ban Nha rằng ngài không thể thay đổi giáo huấn của Giáo Hội để cho phép những người Công Giáo đã ly dị và tái hôn được rước lễ.

Đức Giám Mục Demetrio Fernandez của giáo phận Cordoba, Tây Ban Nha nói với nhật báo Diario Cordoba là trong chuyến ad-limina viếng mộ hai Thánh Tông Đồ Phêrô, Phaolô và thăm Tòa Thánh, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp các vị Giám Mục Tây Ban Nha hôm 7 tháng 3 năm 2014. Trong cuộc gặp gỡ này các Giám Mục Tây Ban Nha đã đề cập với Đức Thánh Cha về “đề nghị của Đức Hồng Y Kasper” (được cho là sẽ mở ra khả năng cho người Công Giáo đã ly dị và tái hôn được rước lễ).

Đức Cha Demetrio Fernandez nói:

“Chúng tôi hỏi trực tiếp Đức Giáo Hoàng, và ngài trả lời rằng một người đã kết hôn trong Giáo Hội đã ly dị và dự phần vào một cuộc hôn nhân mới không thể lãnh nhận các bí tích.”

Đức Thánh Cha nói thêm rằng giáo huấn của Giáo Hội về vấn đề này đã được thiết lập rõ ràng, theo huấn lệnh của Chúa Giêsu, và không thể thay đổi.

Đức Giám Mục Fernandez nói rằng ngài thấy có nghĩa vụ phải tiết lộ nhận xét của Đức Giáo Hoàng “vì trong thời gian gần đây người ta nói rằng tất cả mọi thứ sẽ thay đổi, nhưng có một số điều chúng ta không thể đổi thay.”

“Đề nghị của Đức Hồng Y Kasper”

Đức Cha Demetrio Fernandez đã nêu lên một nhận xét rất đúng là trong thời gian gần đến ngày khai mạc Thượng Hội Đồng Giám Mục về gia đình, nhiều cơ quan truyền thông đã tung ra nhiều thứ tin giật gân, trong đó có vấn đề “đề nghị của Đức Hồng Y Kasper”. Thực chất là Đức Hồng Y Kasper đã nêu ra vấn đề nhưng ngài không có một “đề nghị” cụ thể nào.

Hôm 20 tháng Hai Đức Thánh Cha Phanxicô đã khởi sự Công Nghị Hồng Y đầu tiên trong triều đại giáo hoàng của ngài. Sau khi chào hỏi nhau, Đức Giáo Hoàng và các vị Hồng Y đã bắt đầu ngay một ngày làm việc dài và căng thẳng. Chủ đề chính của cuộc thảo luận của các vị cũng là một trong những mối quan tâm chính của Giáo Hội: đó là thực trạng của gia đình ngày nay.

Tham dự Công Nghị Hồng Y này có tất cả các Hồng Y trên thế giới đang có mặt tại Rôma kể cả 19 vị sẽ được tấn phong vào hai ngày sau đó, tức là ngày 22 tháng Hai.

Đức Hồng Y Walter Kasper là người phát biểu đầu tiên và ngài đề cập đến một vấn đề gai góc là vấn đề bí tích đối với những người Công Giáo đã ly dị và tái hôn. Trước một vấn đề gai góc như thế, Đức Thánh Cha Phanxicô đã yêu cầu Đức Hồng Y Walter Kasper chỉ nêu vấn đề cho các vị Hồng Y thảo luận và không đưa ra một đề nghị giải quyết cụ thể nào. Và nhà thần học người Đức đã làm như vậy.

Những ý chính trong bài phát biểu dài của ngài có thể tóm lược như sau:

– Giáo Hội không thể đặt câu hỏi về những lời của Chúa Giêsu đối với tính chất bất khả phân ly của hôn nhân. Bất cứ ai hy vọng công nghị và Thượng Hội Đồng Giám Mục sẽ đưa ra một giải pháp tổng thể, “dễ dàng”, được áp dụng cho tất cả mọi người, là sai lầm.

– Tuy nhiên, do những khó khăn mà gia đình ngày nay phải đối mặt và sự gia tăng đông đảo các cuộc hôn nhân thất bại, những con đường mới có thể được thăm dò để đáp ứng các nhu cầu tâm linh sâu xa của những người đã ly dị và tái hôn nếu họ nhận ra sai lầm của họ, hoán cải và sau một thời gian sám hối chân thành mong được đón nhận cách nào đó các bí tích.

– Quan trọng nhất là Đức Hồng Y Kasper mời gọi các vị Hồng Y xem xét các vấn đề của người ly dị và tái hôn từ quan điểm của những người đau khổ và chân thành xin giúp đỡ. Họ phải được khuyến khích tham gia vào đời sống Giáo Hội.

– Trong thực tế, có những trường hợp mà hiển nhiên rằng mọi nỗ lực cứu vãn cuộc hôn nhân đã thất bại. Có cả những trường hợp bị người phối ngẫu bỏ rơi. Thật là anh hùng khi người vợ hay người chồng bị người phối ngẫu của mình bỏ rơi vẫn tiếp tục sống đơn độc một mình để nuôi con. Nhưng cũng có những trường hợp những người bị bỏ rơi đành chấp nhận bước thêm bước nữa cũng vì lợi ích của con cái của họ.

– Giáo Hội không thể đưa ra một giải pháp ngược lại với giáo huấn của Chúa Giêsu. Không thể dựa vào lòng thương xót mà chuẩn chước cho tính chất bất khả phân ly của bí tích hôn phối. Không thể dựa vào lòng thương xót để tháo thứ cho phép một người tham gia vào một kết hiệp hôn nhân mới trong khi người phối ngẫu cũ vẫn còn sống. Lòng thương xót và sự trung thành với đạo lý Công Giáo phải đi đôi với nhau.

– Tuy nhiên, Đức Hồng Y Kasper nhận định rằng theo Bộ Giáo Luật 1917, những người ly dị và tái hôn được xem là đa thê hay đa phu, là gương mù và thậm chí có thể bị vạ tuyệt thông. Bộ luật mới do Đức Gioan Phaolô II ban hành không đi kèm với những hình phạt: người ly dị và tái hôn không bị vạ tuyệt thông, trong thực tế, họ vẫn được xem là thành viên của Giáo Hội. Theo Đức Hồng Y Kasper, Giáo Hội ngày nay cũng thấy mình trong một tình huống tương tự như những gì đã xảy ra trong thời kỳ Công đồng Vatican II. Vì vậy, ngài tự hỏi liệu có một cách nào đó thay đổi tình hình của những người ly dị và tái hôn nhưng vẫn giữ được truyền thống cốt lõi của đức tin.

Trong phiên họp thứ Hai diễn ra một ngày sau bài phát biểu của Đức Hồng Y Kasper, Đức Thánh Cha đã bắt đầu buổi họp với những nhận xét sau về bài thuyết trình dẫn nhập của Đức Hồng Y Walter Kasper.

“Hôm qua, trước khi ngủ, không phải là ngủ gật, tôi đã đọc đi đọc lại những nhận xét của Đức Hồng Y Kasper. Tôi muốn cảm ơn ngài, vì tôi tìm thấy một thần học sâu sắc, và những tư tưởng thanh thản trong thần học. Thật tốt đẹp khi đọc thần học thanh thản. Nó đã làm tôi phấn chấn và nảy sinh ra ý tưởng này, xin Đức Hồng Y tha thứ cho tôi nếu tôi làm ngài xấu hổ, nhưng ý nghĩ của tôi là: đây được gọi là suy tư thần học trong khi quỳ gối – Cảm ơn Đức Hồng Y rất nhiều.”

7. Tổng thống Malta mời Đức Thánh Cha đến thăm đất nước 

Nữ Tổng thống Malta là bà Marie Louise Coleiro Preca, đã được Đức Thánh Cha tiếp kiến lần đầu tiên sau khi đắc cử tổng thống vào tháng Tư năm nay. Bà đã mời Đức Thánh Cha đến thăm hòn đảo Địa Trung Hải này, nơi đa số dân là người Công Giáo.

Nữ Tổng thống Cộng hòa Malta cho các ký giả biết:

“Trong dịp này, tôi đã mời Đức Giáo Hoàng Phanxicô đến Malta để nói chuyện với những người trẻ tuổi của chúng tôi, con em chúng tôi, và người dân Malta. Để họ thấm nhuần và rung cảm trước tình yêu và tình liên đới.”

Nữ Tổng thống đã giới thiệu phu quân là ông Edgar Preca với Đức Giáo Hoàng, cùng với một số thành viên trong đoàn ngoại giao của mình.

Trong cuộc gặp gỡ hai vị đã thảo luận một số cuộc xung đột đang diễn ra xung quanh khu vực biển Địa Trung Hải bao gồm cả vấn đề người tị nạn, và những người đã bị buộc phải rời bỏ nhà cửa của mình vì các cuộc xung đột.

Nữ Tổng thống Cộng hòa Malta nói:

“Xung đột và khủng bố đã gây ra cho Địa Trung Hải và châu Âu một cuộc khủng hoảng gấp đôi, gấp ba lần về vấn đề di trú. Và chắc chắn, khi chúng ta nói về hòa bình, chúng ta phải đặt tất cả những vấn đề này lên hàng đầu trong các cuộc thảo luận.”

Với dân số khoảng 450,000 người, Malta là một trong những quốc gia nhỏ nhất trong Liên minh châu Âu. Tuy nhiên, Tổng thống cho biết Malta có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hòa bình trong khu vực.

“Chúng tôi thực sự là nơi các cuộc đối thoại có thể xảy ra. Chúng tôi thực sự là ngã tư của các nền văn hóa là nơi đối thoại liên tôn có thể xảy ra.”

Trong số những món quà bà tặng Đức Thánh Cha Phanxicô, có một hộp đựng các sản phẩm truyền thống của hòn đảo. Đáp lại, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tặng bà một bản sao của Tông huấn “Evangelii Gaudium. ‘

Nếu Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhận lời đến Malta, ngài sẽ trở thành vị Giáo hoàng thứ ba đến thăm đất nước sau Đức Gioan Phaolô II và Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16.

8. Đức Thánh Cha Phanxicô cảm ơn Liên Hiệp Thánh Kinh Hội đã làm dễ dàng để hiểu Kinh Thánh 

Một phái đoàn của Liên Hiệp Thánh Kinh Hội đã được Đức Giáo Hoàng Phanxicô tiếp kiến tại Vatican. Họ tặng cho ngài một phiên bản mới của Kinh Thánh bằng tiếng Ý, là kết quả của sự hợp tác giữa Công Giáo và Tin Lành.

Đức Thánh Cha nói:

“Soạn một phiên bản đại kết là một nỗ lực đặc biệt có ý nghĩa, nhất là kể từ khi các cuộc thảo luận về Kinh Thánh đã ảnh hưởng đến các chia rẽ, đặc biệt là ở phương Tây.”

Hai trẻ em đã tặng sách Kinh Thánh cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Trong bài phát biểu của mình, Đức Giáo Hoàng giải thích rằng dịch Kinh Thánh thành ngôn ngữ chung giúp những người đơn sơ có thể hiểu được sứ điệp đầy đủ của Tin Mừng.

Ngài nói:

“Đó là một ý tưởng rất tốt, bởi vì mọi người có thể hiểu được Kinh Thánh, nhất là những người đơn sơ. .. Bởi vì Kinh Thánh là một ngôn ngữ thật sự, một thực tế, gần gũi với con người. Trong việc truyền giáo tại Buenos Aires chúng tôi luôn luôn đến mua Kinh Thánh tại một Hiệp Hội Kinh Thánh. Họ làm cho chúng tôi một mức giá đặc biệt, và chúng tôi đưa nó cho người dân và họ hiểu được Kinh Thánh. “

Liên Hiệp Thánh Kinh Hội khuyến khích việc đọc Kinh Thánh trên thế giới. 30 người đã tham dự cuộc họp với Đức Giáo Hoàng, những người đã mô tả công việc của họ là “kiên nhẫn, cẩn thận, huynh đệ và thành tín.”

9. Đức Thánh Cha Phanxicô gặp gỡ 500 thành viên Focolare 

500 thành viên phong trào Focolare hay còn gọi là phong trào Tổ Ấm đã nồng nhiệt chào đón Đức Thánh Cha Phanxicô khi ngài tiến vào hội trường Clementine của Vatican hôm 26 tháng 9.

Các tham dự viên vừa kết thúc khóa họp khoáng đại tại Catesgandolfo.

Chị Maria Voce năm nay 77 tuổi, là người Ý, quê quán tại Calabria. Năm 2008, chị đã được bầu làm người kế vị đầu tiên của chị Chiara Lubich, người sáng lập Phong trào. Giờ đây, chị sẽ lãnh đạo phong trào Focolare thêm 6 năm nữa. Chị đã hân hoan chào đón Đức Giáo Hoàng như sau:

“Trọng kính Đức Thánh Cha, thật là vui mừng biết bao! Chúng con rất hạnh phúc khi được hiê,n diện nơi đây và nói cho Đức Thánh Cha biết về tình cảm của chúng con và những lời cầu nguyện hàng ngày của chúng con dành cho Đức Thánh Cha, và nhiệm vụ của ngài đối với Giáo Hội Hoàn Vũ”.

Đức Giáo Hoàng, về phần mình, đã chào đón chị Maria Voce với đôi chút hài hước.

“Một cách đặc biệt, tôi chào bà Maria Voce, người vừa được tái đắc cử chủ tịch sáu năm nữa. Tôi hy vọng bà ấy làm nổi!”

Trong buổi gặp gỡ các tham dự viên nói với Đức Giáo Hoàng rằng tông huấn Niềm Vui Phúc Âm (Evangelii Gaudium) của ngài, đã được trình bày dưới nhiều khiá cạnh trong Đại hội của họ. Đức Thánh Cha yêu cầu phong trào Focolare tiếp tục vươn ra xã hội để tìm kiếm “những con người với nhiều vết thương”. Ngài cũng nhắc nhở họ rằng phong trào bắt đầu bởi chị Chiara Lubich đã xuất phát từ Chúa Thánh Thần.

Ngài nói:

“Phong trào này đã được sinh ra như một ân sủng của Chúa Thánh Thần, như là một đặc sủng của sự hiệp nhất, mà Chúa Cha muốn ban cho Giáo Hội và cho thế giới, để giúp đạt được với lời khẳng định mạnh mẽ và có tính tiên tri trong lời cầu nguyện của Chúa Giêsu: “Để chúng nên một – ut unum sint.”

Đức Giáo Hoàng sau đó đã chào đón chị Maria Voce và vị phó chủ tịch, là Jesús Morán. Đối với cả hai người, cuộc gặp gỡ với Đức Giáo Hoàng Phanxicô là một khoảnh khắc đặc biệt không tàn phai trong ký ức.

Chị Maria Voce nói:

“Tôi bị đánh động bởi sự kiện là Đức Thánh Cha nhấn mạnh với chúng tôi hãy vươn ra ngoài đến với nhân loại, mang theo đặc sủng của sự hiệp nhất của chúng tôi, nghĩa là, nhân loại tay trong tay nhân loại. Sống đời chiêm niệm nhưng ở giữa của con người.”

Phó chủ tịch Jesús Morán nói:

“Đức Giáo Hoàng thực tế đã khẳng định, đề cao và chỉ cho chúng tôi một hướng đi mới trong sự tôn trọng với những gì chúng tôi đã theo đuổi trong những năm qua.”

Đại hội của Phong trào Focolare chính thức kết thúc vào Chúa Nhật 28 tháng 9.

Phong trào Focolare, được thành lập bởi Chiara Lubich vào năm 1943, đã có hơn hai triệu thành viên ở hầu hết 190 quốc gia trên thế giới. Đó là phong trào giáo dân lớn nhất trong Giáo Hội Công Giáo với khoảng hơn 2 triệu thành viên, trong đó có cả những người không Công Giáo và thậm chí những người chưa theo một tôn giáo nào. Thông qua những sáng kiến và tổ chức của mình, họ thúc đẩy sự thống nhất và hiệp thông giữa con người, dưới ánh sáng sứ điệp của Chúa Giêsu.

10. Đức Giáo Hoàng nói với Tân Đại sứ Panama: Chị là một người Mỹ Latin đúng hẹn như đồng hồ Thụy Sĩ 

“Thưa Đức Thánh Cha, ơn lành lớn nhất trong đời con là có thể được trình quốc thư của con lên Đức Thánh Cha.”

Đức Thánh Cha bông đùa:

” Chị là một người Mỹ Latin đúng hẹn như đồng hồ Thụy Sĩ!”

“Vâng, tất nhiên. Con mang theo với con tất cả những lời cầu nguyện và tình yêu của người dân Panama dành cho Đức Thánh Cha.”

Đó là khung cảnh trong buổi lễ trình quốc thư của bà Miroslava Rosas, là tân Đại sứ Panama cạnh Tòa Thánh.

Bà cũng đã giới thiệu gia đình và các cộng sự viên của mình với Đức Giáo Hoàng.

Hầu hết các cộng tác viên của bà đã từng sống ở Vatican. Tuy nhiên, đối với một số nhân viên đại sứ quán, đây là lần đầu tiên.

Với một sự nhạy cảm và tinh tế của một người phụ nữ, bà đã xin phép được trình diện với Đức Thánh Cha cả viên tài xế của mình. Bà nói:

“Đây là người lái xe của Đại sứ quán. Ông đã làm việc với chúng con trong 17 năm qua. Ông đã không bao giờ có cơ hội ra mắt một vị Giáo Hoàng. Ông luôn luôn chở chúng con đến, nhưng lại thường phải ở lại bên ngoài.”

Vị tân Đại sứ đã tặng cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô một cuốn sách về Đức Mẹ La Antigua, bổn mạng của Panama, cùng với một hộp gỗ.

Đức Thánh Cha đã tặng cho mỗi một vị khách một chuỗi Mân Côi hạt và thăm hỏi đặc biệt người tài xế đã từng ôm ấp hy vọng có ngày được gặp vị Giáo Hoàng.

11. Quốc vương Abdullah II lên án các tội ác chống Kitô hữu của khủng bố Hồi Giáo

Phát biểu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc, Quốc vương Abdullah II của Jordan, một nhà lãnh đạo nổi tiếng với những dấn thân đối thoại liên tôn, đã lên án bạo lực chống Kitô hữu ở Trung Đông.

“Những kẻ khủng bố và bọn tội phạm đang tung hoành ở Syria, Iraq, và các nước khác ngày hôm nay tiêu biểu rõ rệt cho một mối đe dọa toàn cầu. Cộng đồng quốc tế cần một chiến lược tập thể để hạn chế và đánh bại các nhóm này.”

Ông nó thêm: “Những giáo lý chân thực của Hồi giáo là rõ ràng: xung đột tôn giáo phái và hận thù bị lên án triệt để. Hồi giáo cấm bạo lực chống lại người Kitô giáo và các cộng đồng khác hình thành nên mỗi quốc gia. Hãy để tôi nói lại một lần nữa: Kitô hữu Ả Rập là một phần không thể thiếu của quá khứ, hiện tại và tương lai khu vực của chúng tôi”.

Quốc vương Abdullah II được xem là một người bạn thân thiết với Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Ông đã từng gặp Đức Thánh Cha nhiều lần hôm 7 tháng Tư, và đặc biệt là khi Đức Thánh Cha sang thăm Jordan hôm 24 tháng 5, đích thân ông lái xe chở Đức Thánh Cha và Hoàng Hậu đến thăm sông Jordan nơi Chúa Giêsu đã chịu phép Rửa.

12. Hồi Giáo cực đoan bắn chết một mục sư đang bị giam trong tù

Mục sư Zafar Bhatti đã bị bắn chết trong tù của mình sau những thất bại của hệ thống tư pháp Pakistan muốn kết cho ông tội báng bổ tiên tri Muhammad.

Mục sư Zafar Bhatti đã bị bắt vào năm 2012 sau khi một người Hồi Giáo cáo buộc là ông đã gởi cho người này một tin nhắn trên điện thoại di động với những lời lẽ xúc xiểm tiên tri Muhammad. Tuy nhiên, trước tòa luật sư Xavier Williams của nhóm bảo vệ nhân quyền Life for All trưng ra trước tòa rằng tin nhắn trên không xuất phát từ điện thoại di động của mục sư Zafar Bhatti. Nó thuộc về một người khác.

Trong tuần lễ qua, mục sư Zafar Bhatti đã nhiều lần bị dọa giết bởi lính canh và các bạn tù.

Hôm thứ Năm 25 tháng 9, một lính canh ngục tại nhà tù Adiyala, nơi ông bị giam giữ, đã xả súng bắn nhiều phát vào mục sư Zafar Bhatti và một người khác là ông Muhammad Asghar, một tín hữu Kitô Pakistan, 70 tuổi, là người Pakistan nhưng có quốc tịch Anh và cư trú tại Edinburgh. Asghar bị bắt vào năm 2011.

Một người hàng xóm đã tố cáo ông đã nói “Tao là Muhammad đây.” Tên ông cũng là Muhammad nhưng người hàng xóm nói ông đã nói với một giọng điệu báng bổ tiên tri Muhammad. Chỉ vì câu chuyện này nên ông đã bị xử tử hình.

Tuy bị bắn nhiều phát, ông Asghar bị thương nặng nhưng thoát chết.

Luật sư Xavier Williams nói: “Giết một người bị cáo gian là một sự sỉ nhục hệ thống luật pháp. Những người bảo vệ cho những người vô tội đã trở thành bọn tội phạm”.

13. Đức Hồng Y Pell nói Giáo Hội không thể gập mình khom lưng trước áp lực của nạn ly dị

Trong lời tựa cho một cuốn sách mới về giáo huấn Công Giáo về hôn nhân, Đức Hồng Y George Pell viết rằng “người ta không thể duy trì tính chất bất khả phân ly của hôn nhân bằng cách cho phép ‘những người tái hôn’ rước lễ.”

Nhà xuất bản Ignatius Press đã đưa ra lời nói đầu của Đức Hồng Y Pell trong cuốn “Phúc âm của gia đình”, một cuốn sách bao gồm những tranh cãi mạnh mẽ chống lại những đề nghị của cho phép người Công Giáo đã ly dị và tái hôn được rước lễ.

Đức Hồng Y của Úc nhận định rằng các lực lượng thế tục đang áp lực Giáo Hội phải thay đổi đạo lý về hôn nhân và gia đình. Ngài nhận xét: “Mọi đối thủ của Kitô giáo đều muốn Giáo Hội đầu hàng về vấn đề này”.

Tuy nhiên, Đức Hồng Y Pell nói, những tranh cãi ồn ào của giới truyền thông trong thời gian chuẩn bị cho cuộc họp tháng Mười tới đây của Thượng Hội Đồng Giám Mục không thực sự là một vấn đề trọng tâm đối với Giáo Hội.

Ngài lưu ý rằng một cộng đồng lành mạnh không nên dành phần lớn năng lượng của mình cho các vấn đề ngoại vi, và con số người Công Giáo đã ly dị và tái hôn cảm thấy họ phải được cho phép rước lễ thực sự là rất nhỏ.

14. Các Giám Mục Ai Cập lo âu trước làn sóng bắt cóc và thủ tiêu các tín hữu Kitô

Tiếp sau vụ bắt cóc và giết chết một nha sĩ Công Giáo, Đức Cha Kyrillos Kamal William Samaan, giám mục Công Giáo của giáo phận Assiut nói với thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc rằng đang có một trào lưu “bắt cóc và thủ tiêu các tín hữu Kitô”. Ngài bi quan rằng “hiện tượng này vẫn tiếp tục và không có dấu hiệu cải thiện. Hoạt động của cảnh sát chỉ từng đợt một, không liên tục và không hiệu quả. Họ không thể giải quyết vấn đề.”

Các Giám Mục Chính thống Coptic cũng bày tỏ một lo lắng tương tự.

Trong khi đó, tại Algeria, bọn khủng bố Hồi Giáo Jund al-Khilifa có quan hệ chặt chẽ với quân khủng bố IS đã chặt đầu một nhà leo núi người Pháp là ông Herve Gourdel, 55 tuổi hôm thứ Tư 24 tháng 9.

Ông Herve Gourdel bị bắt cóc hôm Chúa Nhật 21 tháng 9 tại Djurdjura National Park chỉ một ngày sau khi ông đến vùng này nghỉ holiday.

15. Tòa Thánh kêu gọi chống khủng bố trong sự tôn trọng luật pháp quốc tế

Tòa Thánh kêu gọi thực thi các hoạt động chống khủng bố trong sự tôn trọng các giới hạn luân lý và luật pháp, đồng thời tìm cách bài trừ tận gốc rễ nạn khủng bố.

Lập trường trên đây được Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, trình bày tại Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc hôm 24 tháng 9, trong cuộc thảo luận về các chiến binh khủng bố ngoại quốc, liên quan tới vấn đề ”Những đe dọa hòa bình và an ninh quốc tế do các vụ khủng bố gây nên”.

Đức Hồng Y Parolin xác quyết rằng các quốc gia phải cùng nhau chu toàn nghĩa vụ tiên quyết là bảo vệ những người bị bạo lực đe dọa và những vụ trực tiếp tấn công phẩm giá con người. Ngài nhắc lại lời Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2 đã nói sau vụ khủng bố ngày 11-9 năm 2001 tại Mỹ, theo đó “Quyền bảo vệ các quốc gia và dân tộc chống lại những hành vi khủng bố không cho phép sử dụng bạo lực để chống lại bạo lực, nhưng đúng hơn ”quyền đó phải được thực thi trong sự tôn trọng các giới hạn luân lý và luật pháp khi tôn trong các mục đích và phương tiện. Kẻ có tội phải được xác định rõ, vì tội phạm gian ác luôn có tính chất bản thân và không thể nới rộng cho cả một quốc gia, một nhóm chủng tộc hoặc tôn giáo mà những khủng bố có thể là những thành viên”.

Đức Hồng Y Quốc vụ khanh nói thêm rằng:

“Sự cộng tác quốc tế cũng phải giải quyết những nguyên nhân sâu xa tạo nên nạn khủng bố quốc tế. Trong thực tế, thách đố khủng bố hiện nay có một yếu tố mạnh mẽ về mặt văn hóa xã hội. Những người trẻ ra nước ngoài gia nhập các tổ chức khủng bố thường xuất thân từ những gia đình di dân nghèo, họ thất vọng vì cảm thấy như một tình trạng bị gạt bỏ, và thiếu sự hội nhập, thiếu các giá trị trong một số xã hội. Cùng với những phương tiện luật pháp và tài nguyên để ngăn cản các công dân của mình khỏi trở thành những chiến binh khủng bố, các chính quyền cũng cần phải làm việc với xã hội dân sự để giải quyết những vấn đề của cộng đồng có nguy cơ vị cực đoan hóa và bị tuyển mộ, để giúp họ hội nhập thỏa đáng vào xã hội”.

Trong bài tham luận, Đức Hồng Y Parolin cũng nhấn mạnh đến trách nhiệm nặng nề của những người có tín ngưỡng, phải lên án những kẻ lợi dụng tín ngưỡng để biện minh cho bạo lực. Như Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói trong cuộc viếng thăm mới đây tại Albani: “Đừng ai coi mình là khiên thuẫn của Thiên Chúa trong khi đề ra kế hoạch và thi hành những hành vi bạo lực và đàn áp! Ước gì đừng ai lạm dụng tôn giáo như cái cớ để thực thi những hành động chống lại phẩm giá con người và chống lại các quyền căn bản của mỗi người nam nữ, nhất là quyền sống và quyền tự do tôn giáo của mỗi người”.

Trong phiên nhóm hôm 24 tháng 9, Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc đã thông qua một nghị quyết có tính cách bắt buộc, đòi các nước thành viên phải ngăn chặn các công dân của mình, không được gia nhập các nhóm thánh chiến thuộc Nhà Nước Hồi giáo ở Iraq và Syria.

Tổng thống Mỹ, Barack Obama, đã chủ tọa khóa họp. Ông kêu gọi các chính phủ hãy hết sức cố gắng ngăn chặn việc tuyển mộ và tài trợ các dân quân khủng bố Hồi giáo, đồng thời ông kêu gọi thiết lập một chiến dịch hoàn cầu nhắm phá vỡ phong trào khủng bố.

Nghị quyết trên đây đã được tất cả các nước thành viên Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc thông qua.

Nguồn: vietvatican.net

h

Xem thêm

21-11-2024 10-08-06 PM

Lời Chúa – Thứ Sáu Tuần XXXIII Mùa Thường Niên 22/11/2024

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN