CHÚA NHẬT IV MÙA CHAY
(Xh 5, 9.10-12; 2Cr 5, 17-21; Lc 15, 1-3.11-32)
“Nếu không chịu sám hối,
thì các ông cũng sẽ chết như vậy”
Tin mừng Luca 15, 1-3.11-32:
Các người thu thuế và các người tội lỗi đều lui tới với Đức Giêsu để nghe Người giảng. Những người Pha-ri-sêu và các kinh sư bèn xầm xì với nhau: “Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng”. Đức Giêsu mới kể cho họ dụ ngôn này:
“Một người kia có hai con trai. Người con thứ nói với cha rằng: “Thưa cha, xin cho con phần tài sản con được hưởng. Và người cha đã chia của cải cho hai con. Ít ngày sau, người con thứ thu góp tất cả rồi trẩy đi phương xa. Ở đó anh ta sống phóng đãng, phung phí tài sản của mình.
“Khi anh ta đã ăn tiêu hết sạch, thì lại xảy ra trong vùng ấy một nạn đói khủng khiếp. Và anh ta bắt đầu lâm cảnh túng thiếu, nên phải đi ở đợ cho một người dân trong vùng; người này sai anh ta ra đồng chăn heo. Anh ta ao ước lấy đậu muồng heo ăn mà nhét cho đầy bụng, nhưng chẳng ai cho. Bấy giờ anh ta hồi tâm và tự nhủ: “Biết bao nhiêu người làm công cho cha ta được cơm dư gạo thừa, mà ta ở đây lại chết đói! Thôi, ta đứng lên, đi về cùng cha và thưa với người: “Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. Xin coi con như một người làm công cho cha vậy”. Thế rồi anh ta đứng lên đi về cùng cha.
Bấy giờ người con nói rằng: “Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa…”. Nhưng người cha liền bảo các đầy tớ rằng: “Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu, rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng! Vì con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy. Và họ bắt đầu ăn mừng.
“Lúc ấy người con cả của ông đang ở ngoài đồng. Khi anh ta về gần đến nhà, nghe thấy tiếng đàn ca nhảy múa, liền gọi một người đầy tớ ra mà hỏi xem có chuyện gì. Người ấy trả lời: “Em cậu đã về, và cha cậu đã làm thịt con bê béo, vì gặp lại cậu ấy mạnh khoẻ. Người anh cả liền nổi giận và không chịu vào nhà. Nhưng cha cậu ra năn nỉ. Cậu trả lời cha: “Cha coi, đã bao nhiêu năm trời con hầu hạ cha, và chẳng khi nào trái lệnh, thế mà chưa bao giờ cha cho lấy được một con dê con để con ăn mừng với bạn bè. Còn thằng con của cha đó, sau khi đã nuốt hết của cải của cha với bọn điếm, nay trở về, thì cha lại giết bê béo ăn mừng!”.
“Nhưng người cha nói với anh ta: “Con à, lúc nào con cũng ở với cha, tất cả những gì của cha đều là của con. Nhưng chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy”.
Suy niệm:
Lòng thương xót vô bờ bến của Thiên Chúa là một chủ đề lớn trong Kinh thánh và đặc biệt trong Tin Mừng Thánh Luca, Thiên Chúa là người cha yêu thương con người, đặc biệt những người tội lỗi, nghèo khổ, những người bị bỏ rơi… Chân lý này đã được minh họa trong dụ ngôn: “người cha nhân hậu”, một dụ ngôn hay nhất và cảm động nhất trong Tin mừng Luca.
Câu chuyện dụ ngôn trong bài Tin mừng hôm nay gồm ba nhân vật:
– Người cha chính là Thiên Chúa. Thiên Chúa là người cha nhân hậu, yêu thương, tha thứ với tấm lòng bao dung quảng đại. Tình yêu tha thứ xuất phát từ tình phụ tử: chỉ nghĩ đến người con của mình, mong cho con được những gì tốt lành nhất, dù người con có bội bạc, bất hiếu. Người cha đã quên đi những quá khứ lỗi lầm của người con và đón nhận người con một cách quảng đại, phục hồi địa vị làm con cho anh ta: Người cha hôn anh, mặc áo đẹp cho anh, đeo nhẫn, đi giầy cho anh, làm tiệc ăn mừng: “Em con đã chết nay sống lại, đã mất mà nay tìm thấy”. Người con là tất cả niềm vui hạnh phúc đối với người Cha.
Hơn nữa người cha còn quan tâm tới phẩm cách, tương lai tốt đẹp của người con mình, tôn trọng không một lời la rầy trách móc. Vì tình thương phụ tử, người cha không những đón nhận, mà còn tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người con hối cải để trở thành người tốt, hữu ích cho đời mai sau. Người cha luôn có cái nhìn lạc quan và tin tưởng vào người con của mình: hôm qua tội lỗi xấu xa, ngày mai có thể sám hối thành người đạo đức thánh thiện. Nếu trong xã hội hôm nay, ai cũng có cái nhìn lạc quan đối với anh em, luôn yêu thương và tha thứ, thì xã hội sẽ tốt đẹp biết bao. Thiên Chúa là người cha nhân từ luôn đối xử với chúng ta như thế.
– Người con hoang đàng là biểu tượng của hầu hết mọi người chúng ta. Tất cả đều là tội nhân, biết bao lần trong đời, chúng ta đã phạm tội xúc phạm tới Thiên Chúa và anh em. Vì thế, mọi người cần phải ăn năn sám hối quay về với Thiên Chúa là cha để được thứ tha và lãnh nhận ơn cứu độ.
Hành động bỏ nhà ra đi không chỉ làm đau lòng người cha, xúc phạm tới người cha, mà còn chống lại truyền thống gia tộc. Anh là một người con bất hiếu. Theo phong tục của nhiều dân tộc, người con chỉ được phép yêu cầu cha chia gia tài khi người cha đã chết. Cha còn sống mà đòi chia gia tài chẳng khác nào muốn cha mẹ mình chết sớm.
Anh là một người con bất kính. Gia đình với quê cha đất tổ mang tính thiêng liêng và kính trọng. Vì thế bỏ nhà ra đi phương xa là bất kính với ông bà cha mẹ, với di sản của gia tộc.
Anh cũng là con người tội lỗi, sa đọa, ăn chơi đàn điếm, phung phí tiền bạc… phải đi làm thuê bằng nghề chăn heo. Một người Do Thái đi chăn heo cho người dân ngoại, ăn thức ăn của heo… quả là một điều ô nhục và tội lỗi, vì heo là con vật ô uế, nơi để cho ma quỷ ẩn trú nhập vào.
Đơi với anh, anh là con người ích kỷ, chỉ nghĩ đến tiền bạc, khoái lạc, vui chơi… nên đòi cha chia gia tài và bỏ nhà ra đi. Khi phung phí hết tiền của, bị đói khát, bị sỉ nhục, vất vả cực khổ, anh nhận ra rằng không có nơi nào an vui hạnh phúc cho bằng mái ấm gia đình có cha có mẹ nâng đỡ. Anh quyết tâm lên đường trở về với cha. Có lẽ anh trở về vì đói, chứ không phải vì thương cha mình, để rồi gặp cha và nói lên lời tạ tội: “Lạy Cha, con đã phạm tội với Trời và với Cha, con không xứng đáng được làm con cha nữa”.
– Người anh cả ghen tị, thiếu thông cảm biểu tượng cho các luật sĩ, biệt phái, các thượng tế Do Thái. Người anh cả phản đối cha, không vào nhà vì ghen với em. Đối với người Do Thái, ngôi nhà là biểu tượng truyền thống gia tộc. Người anh nổi giận không chịu vào nhà để chống đối cha và lên án người em. Anh không còn muốn thuộc về gia tộc nữa, không muốn tiếp nhận em mình. Đây là thái độ sỉ nhục nặng nề, xúc phạm đến tình phụ tử, làm đau lòng cha, không biết thông cảm tâm tình của người cha, không hiểu tấm lòng cha: “Tất cả vì con cái. Con cái là niềm vui hạnh phúc của người cha”.
Người anh tự cho mình là ngay chính và người em hoàn toàn sai “ăn chơi, đàn điếm, phung phí…”. Anh không nhận ra lòng nhân từ của người cha đối với người em tội lỗi. Đối với cha, anh chỉ là người làm công, sợ sệt, vâng phục, mà không có thái độ yêu thương, hiếu kính của một người con trong gia đình và còn bất kính với người cha: “Đã bao năm con hầu hạ cha và chẳng khi nào trái lệnh, thế mà chưa bao giờ cha cho con lấy được một con dê con để ăn mừng với chúng bạn”.
Qua dụ ngôn người cha nhân hậu, chúng ta rút ra những bài học thực hành sau đây:
– Đức Giêsu đặc biệt yêu thương tội nhân, đón tiếp những người thu thuế và ăn uống với họ. Thông thường bữa ăn diễn tả sự thân hữu liên đới giữa con người với nhau. Đối với Đức Giêsu đến với người tội lỗi, gặp gỡ, tiếp xúc, nói chuyện với họ là làm việc truyền giáo, lôi kéo người ta ăn năn sám hối.
– Bài học yêu thương và tha thứ mà Chúa Giêsu muốn người Kitô hữu phải thực hiện trong cuộc sống hằng ngày: Tha thứ để được Chúa thứ tha. Tha thứ là dấu chỉ của tình thương bác ái.
– Mỗi khi lầm lạc, sa ngã, phạm tội, hãy mau mắn quay trở về ăn năn sám hối và chân thành nói lên lời tạ tội với Thiên Chúa là Cha: “Con đã phạm tội”.
– Đừng bao giờ có thái độ thiếu thông cảm, ghen tỵ, kiêu căng tự mãn, loại trừ, kết án anh em hình như người anh cả trong dụ ngôn.
Mùa chay là mùa ăn năn sám hối, là quay trở về với Thiên Chúa là Cha, về với tình yêu và tha thứ để được lãnh nhận ơn cứu độ. Đó là điều quan trọng mà người Kitô hữu phải sống suốt đời:
“Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ” (Lc 6, 36; Mt 5, 48).
LM Giuse Nguyễn Văn Nam