Home / Chia Sẻ / Tưởng nhớ Đức Giám Mục GIUSE VŨ DUY THỐNG: Hạt Nắng Vô Tư trên những Cành Thông Vi Vu

Tưởng nhớ Đức Giám Mục GIUSE VŨ DUY THỐNG: Hạt Nắng Vô Tư trên những Cành Thông Vi Vu

Hạt Nắng Vô Tư trên những Cành Thông Vi Vu

(Tưởng nhớ Đức Giám Mục GIUSE VŨ DUY THỐNG)

    ATrưa Chúa nhật nhân chuyến về Cần Thơ tham dự lễ cưới của người cháu trong giòng họ, tôi tình cờ gặp cha Peter Trương Phú Thịnh, quản xứ Họ đạo Kênh C1, Cái Sắn. Qua trò chuyện, cha nhận là người em, học lớp dưới của đức cha Giuse Vũ Duy Thống thân thiết với nhau từ nhỏ. Cha kể cho tôi nghe nhiều chuyện về ngài khi còn học ở Long Xuyên, sau lên Sài Gòn. Khi biết vào khoảng đầu tháng 3, anh em lớp chúng tôi ra Phan Thiết, sẽ vào thăm Tòa Giám mục, cha Thịnh nhờ chuyển lời thăm ngài. Sáng hôm sau về lại Thành Phố HCM, đã nghe râm ran tin đức cha Giuse mới vào Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch. Có tin trên mạng lúc đầu cho biết ngài bị té nặng và nhiễm trùng phổi. Sau đó lại có bản tin khác “đính chính”, ngài chỉ bị nhẹ và chữa bệnh phổi cũ tái phát như để trấn an dư luận, cả hai nguồn tin đều kêu gọi mọi người cầu nguyện cho ngài. Buổi chiều thứ ba 28/2 thông báo chính thức của Toà Giám Mục Phan Thiết cho biết tình trạng sức khỏe của đức cha nghiêm trọng, phải điều trị cấp cứu tích cực. Rồi việc gì phải đến đã đến, sáng ngày 01 tháng 03 năm 2017, thứ tư lễ Tro, một người bạn báo tin đức cha đã về với Chúa lúc 8 giờ sáng. Thế là cuộc gặp dù chưa hẹn với ngài đã đương nhiên bị hủy, lời hỏi thăm của cha Thịnh sẽ được chính cha gửi về trời. Tôi gọi điện báo cho cha Thịnh, ngài rất ngỡ ngàng, xúc động, ngậm ngùi và nói sẽ ra dự tang lễ tiễn biệt người anh Giám mục thân thiết lần cuối.

 Vị “Giám Mục của những người lao động nghèo” theo cách diễn đạt của linh mục Huỳnh Công Minh, Tổng đại diện Giáo phận TPHCM trong lễ tấn phong Giám Mục phụ tá, mọi người tín hữu thành phố vẫn nhớ mãi, giờ đây đã vĩnh biệt mọi người, để lại cho Giáo hội Công Giáo Việt Nam, cách riêng Giáo phận TPHCM, Giáo phận Phan Thiết một nỗi mất mát lớn lao, niềm tiếc thương vô hạn khi ngài mới 65 tưổi, 32 năm Linh mục, trong đó có 16 năm Giám Mục.

Đức cha Vũ Duy Thống sinh ngày 5 tháng 7 năm 1952 tại Thái Bình. Nói về hành trình ơn gọi của mình, đức cha cho biết: ”Từ năm 1964 tôi trúng tuyển vào Tiểu chủng viện Thánh Têrêxa Long Xuyên. Sau đó, là những năm theo học tại Đại học Văn khoa Sài Gòn. Rồi cuối cùng, tôi gia nhập chủng viện Sài Gòn. Từ năm 1975, tôi theo đuổi chương trình học tại Đại chủng viện Thánh Giuse, thành phố Hồ Chí Minh. Sau đó là một năm lao động trên nông trường Lô 6 Củ Chi, rồi giúp xứ Tân Mỹ, Hóc môn và chịu chức Linh mục năm 1985. Trong suốt thập niên 75-85, tôi có dịp tham gia lao động nhiều ngành nghề khác nhau: Ở Đại chủng viện là đắp vỏ xe đạp, kéo lá buông, đan chiếu; về xứ đạo thì dệt dây thun, dệt vải, mắc trục đánh bồng; và cuối cùng, khi được làm linh mục, tôi đang trách nhiệm một phân xưởng thuộc hợp tác xã mành trúc Tân Mỹ, Hóc Môn. Từ năm 1985-1992, tôi được bài sai làm phụ tá xứ Tân Mỹ và đặc trách xứ Bạch Đằng, Huyện Hóc Môn. Sau đó về làm phụ khảo tại Đại chủng viện một năm, rồi du học tại Institut Catholique de Paris 5 năm. Về lại Việt Nam năm 1998 và dạy tại Đại chủng viện“ (CGvDT số 1317/2001).

Ngày 4 tháng 7 năm 2001, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II bổ nhiệm cha Thống làm giám mục phụ tá của Tổng giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh, hiệu tòa Tortibulum thay cho Đức Giám mục Louis Phạm Văn Nẫm vừa qua đời ngày 30 tháng 6 năm 2001. Lễ tấn phong được tổ chức ngày 17 tháng 8 năm 2001 tại Vương cung thánh đường Đức Bà Sài Gòn, do Đức Tổng giám mục Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn chủ phong, hai Giám mục Gioan Baotixita Bùi Tuần và Giuse Ngô Quang Kiệt phụ phong (Đức cha Giuse Vũ Duy Thống là nghĩa tử của đức cha Gioan Baotixita Bùi Tuần).

Sau khi được tấn phong giám mục, ngài được bầu vào Ban thường vụ Hội đồng Giám mục Việt Nam nhiệm kì VIII (2001-2004), IX (2004-2007), X (2007-2010). Ngày 25 tháng 7 năm 2009, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI công bố sắc chỉ bổ nhiệm ngài làm Giám mục chính tòa Giáo phận Phan Thiết, thay cho Đức Giám mục Phaolô Nguyễn Thanh Hoan xin từ chức vì lí do sức khỏe. Đức cha chính thức nhậm chức tại giáo phận này vào ngày 3 tháng 9 năm 2009.

    Giáo phận Phan Thiết, một Giáo phận TRẺ, được sinh ra từ Giáo phận mẹ Nha Trang, nằm gọn trong tỉnh Bình Thuận chiều dài 190 km, chiều rộng nhất 100km, hẹp nhất 40 km. Tổng diện tích 7828 km2, có biển; núi rừng chiếm 70% diện tích đất đai. Tính đến ngày đức cha nhận nhiệm vụ có hơn 100 Linh mục, trên 155.000 giáo dân thuộc 63 giáo xứ và 39 giáo họ, đến nay theo thống kê năm 2016 đã có 135 Linh Mục Triều coi sóc 93 giáo xứ và 19 giáo họ có nhà nguyện, 26 Linh mục các Dòng. Số Giáo lý viên 1205. Về giáo dân có khoảng 180.000 trên tổng số dân tỉnh Phan Thiết 1.200.000 người, chiếm tỉ lệ 15,1%. Nhận nhiệm vụ chủ chăn một Giáo phận trẻ trung, đức cha lúc đó mới 57 tuổi, đã từng đến thăm tất cả các giáo xứ, nâng một số giáo họ lên hàng giáo xứ. Tiếp tục hoàn thiện trung tâm Thánh Mẫu Đức Mẹ Tà Pao như hôm nay; nơi đây, mỗi tháng vào ngày 12, 13 giáo dân khắp nơi về hành hương kính Mẹ, đức cha đã không ngại đường xa, sức khỏe đến chủ tế các ngày đại lễ, ngày đầu năm mới… Ngài thường xuyên đến giảng phòng, thăm hỏi các Dòng tu, nhắc nhở chăm sóc các tu sĩ già yếu trong giáo phận; đến nay hiện có 175 tu sĩ Nam và 754 tu sĩ nữ đang tu học và phục vụ. Đặc biệt, đức cha rất quan tâm đến ơn gọi Linh Mục, nay đang có 97 chủng sinh đang theo học tại Đại chủng viện và 45 sinh viên dự bị trong các lớp tiền chủng viện.

     Ngoài trách nhiệm là chủ chăn của Giáo phận, là chủ tịch ủy ban văn hóa của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam liên tục nhiều nhiệm kì, ngài cũng tiếp bước theo vị Thầy của mình là đức cha Gioan Baotixita Bùi Tuần để lại cho đời những tác phẩm quí về Tôn giáo. Tự nhận Thầy có bộ sách 5 cuốn “THAO THỨC” thì trò cũng theo chân với bộ “HẠT NẮNG VÔ TƯ” gồm 5 cuốn tổng cộng 1280 trang do nhà xuất bản Tôn Giáo ấn hành tháng 8/2007: 1/ HẠT NẮNG VÔ TƯ (nhớ dịp chịu chức Linh Mục), 2/LÀM HOA TRẮNG (Nhớ ngày mẹ ra đi), 3/ NÚT VÒNG XOAY (nhớ về ngày bị tai nạn), 4/TỪNG BƯỚC MỘT THÔI (dịp kỷ niệm 5 năm Giám mục), 5/VỚI CẢ TÂM TÌNH (Thời kỳ vất vả). Mỗi cuốn tự thân là một “Hạt nắng vô tư” trong ước vọng phục vụ, nhưng mỗi cuốn cũng có chút kỷ niệm riêng làm thành tên gọi riêng, với tâm nguyện:

 “Xin làm HẠT NẮNG VÔ TƯ,

 Ươm thênh thang sớm, gieo dư tràn chiều”

(Báo CGvDT số 1620)

 Không chỉ là nhà đào tạo, nhà văn hóa, nhà thơ; đức cha còn là một thi sĩ, nhạc sĩ kiêm ca sĩ nhà Đạo với bút hiệu THÔNG VI VU, đã cho ra đời nhiều tác phẩm âm nhạc mang tính suy tư, chiêm niệm, cầu nguyện nhưng không kém phần vui tươi sinh động được mọi giới tán thưởng, được các ca sĩ trong Đạo, ngoài đời hát với cả tâm tình qua các VCD. Những bài ca khúc như: “Dấu chân, Đôi Dép, Đôi Khi, Sao em không lần chuỗi, Một chút…” vẫn vang lên trong các gia đình, các buổi sinh hoạt hội nhóm, các buổi tĩnh nguyện, giao lưu của các hội đoàn. Không chỉ các bạn trẻ là giáo dân, còn có các Linh mục, tu sĩ cũng cất tiếng hát khi được mời lên trong các buổi diễn nguyện, trình diễn Thánh ca. Đây không đơn thuần là những bài ca nghe cho vui nhưng lả phản ánh cả một linh đạo sống của đức cha Giuse, tiếp nối tư tưởng xuyên suốt qua các bài giảng, bài viết trong bộ “Hạt nắng vô tư”. Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm đã từng chia sẻ về người anh em Giám Mục thân thiết của mình, đại ý rằng, ba nét đặc trưng trong cách sống theo châm ngôn đã chọn khi chịu chức Giám Mục: “Tình yêu Chúa Kitô thúc bách tôi” của đức cha Giuse, đó là linh đạo “Nút vòng xoay”, nghĩa là tôn trọng sự khác biệt trong các mối quan hệ, đừng chuyển thể cái KHÁC thành cái KHẮC, đừng  biến khác biệt thành xung đột; linh đạo thứ hai là giải quyết các vấn đề “Từng bước một thôi” theo ý tưởng của Đấng Chân Phước Hồng Y John Henry Newman “Dẫn con từng bước trên đời/ Con không cầu thấy chân trời xa xôi/ Dẫn con, dẫn con từng bước, từng bước một thôi“ và linh đạo “Hạt nắng vô  tư” như lời một bài hát “Sao không là mặt trời gieo hạt  nắng vô tư” (Thơ Đặng Việt Lợi).

    Thông Vi Vu  đã ngừng reo, Hạt Nắng Vô Tư đã bay về trời, vị Giám Mục của những người lao động nghèo đã giã biệt thế giới này để trở về nơi mình xuất phát đúng ngày cả Giáo hội Công Giáo nhắc nhớ thân phận con người: “Người ơi hãy nhớ thân ta chính là bụi đất”. Lời người trước lúc ra đi vẫn vang vọng: “Chỉ một chút ân cần, xa xôi cũng thành gần” (bài ca Một chút). Chúng ta hãy tiếp tục tưởng nhớ và cầu nguyện cho ngài, Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống thân yêu.

Fx Đỗ Công Minh 

Xem thêm

KHUÔN MẶT THIÊN CHÚA

KHUÔN MẶT THIÊN CHÚA

Khi chúng ta già đi, sự cám dỗ không hài lòng với cuộc sống của …