Home / Học Hỏi Linh Đạo / Tìm hiểu Thông điệp Thiên Chúa Giàu Lòng Thương Xót (Bài 43)

Tìm hiểu Thông điệp Thiên Chúa Giàu Lòng Thương Xót (Bài 43)

 

Dẫn vào

Để chuẩn bị bước vào những bài tìm hiểu về Tông chiếu Dung nhan lòng Chúa xót thương ấn định năm thánh ngoại thường về lòng thương xót (Misericordiae Vultus: Bull of Indiction of the Extraordinary Jubilee of Mercy) (2015),[1] từ những bài tìm hiểu Thông điệp Thiên Chúa Cha giàu lòng thương xót (Dives in Misericordia: Encyclical Letter on God the Father) (1980),[2] bài viết lần này muốn dành thêm chút suy tư và nhận định về tên của các văn kiện được gọi: thông điệp (littera encyclica) và tông sắc, hoặc tông chiếu, hoặc sắc chỉ (bulla apostolica).[3]

Tông sắc, tông chiếu, sắc chỉ (bulla apostolica, apostolic bull, bulle apostolique)

Tông sắc, tông chiếu, hay sắc chỉ là thuật ngữ xuất phát từ tiếng La Tinh “bulla apostolica”. Theo đó, sắc chỉ (bulla, bull, bulle) thường là thư bổ nhiệm các chức tước, nhiệm vụ trong Giáo hội.

Ban đầu bulla là thuật ngữ để chỉ một vật hình tròn bằng kim loại, dùng để bảo vệ các con dấu sáp gắn với một sợi dây buộc vào một tài liệu quan trọng. Hành động này nhằm làm chứng cho tính xác thực và thẩm quyền của tài liệu ấy. Sau này, bulla cũng được sử dụng để nói về con dấu, rồi cũng nói luôn về chính tài liệu. Hiện nay bulla có thể được dùng để chỉ các văn kiện giáo hoàng có tầm quan trọng đặc biệt: nghĩa là, các văn kiện đó phải được đóng con dấu của đức giáo hoàng.

Thí dụ: Tông chiếu Misericordiae vultus (Dung nhan lòng Chúa xót thương) (2015) của Đức Giáo hoàng Phanxicô; Tông sắc Incarnationis mysterium (Mầu nhiệm Nhập Thể) (1998) của Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II.[4]

Thông điệp (littera encyclica, encyclycal letter, lettre encycli-que)

Thông điệp (thông có nghĩa là truyền đạt đi; điệp là văn thư về việc quan trọng nào đó) là thuật ngữ có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp “en-kyklios” (en: trong, kyclos: vòng tròn).[5] Kể từ thế kỷ XVIII, thuật ngữ này được dùng để gọi tên các văn kiện của các đức giáo hoàng muốn gửi cách long trọng cho các thành phần dân Chúa trong Giáo hội (hồng y, giám mục, tu sĩ, giáo dân). Thông điệp vì thế là một loại thư luân lưu – không nhằm chuyển tải những định tín (dogmata) – mà chỉ muốn đưa ra những lời khuyên bảo, giúp soi sáng những điểm giáo thuyết cần minh xác và trình bày sao cho phù hợp hơn với hoàn cảnh đặc biệt. Thật vậy, thông điệp được ban hành để cổ võ, khuyến khích đời sống đức tin, luân lý dựa trên những biến đổi của xã hội, thế giới.

Thí dụ: Thông điệp Laudato si’ (Chúc tụng Chúa) (2015), Thông điệp Lumen fidei (Ánh sáng đức tin) (2013) của Đức Giáo hoàng Phanxicô.[6]

Dĩ nhiên còn có một thông điệp cận kề mà trong cả 43 bài tìm hiểu cho đến nay, Thông điệp Dives in misericordia,[7] đã trình bày cho chúng ta: “Lòng Chúa thương xót” (trong lời kêu gọi của Giáo hội) là một ưu phẩm kỳ diệu, mạnh mẽ hơn tất cả mọi sự dữ có mặt trong thế gian mà nhân loại trên toàn thế giới hiện đại đang rất cần.[8]

Hai lần sử dụng từ mercy

Trong phạm vi bài tìm hiểu “cuối” (bài 43) về Thông điệp Thiên Chúa giàu lòng thương xót (tt) này, hai lần sử dụng từ mercy được trưng dẫn sau đây với mục đích giúp người đọc tiếp tục học hỏi, suy gẫm và dọn đường vào khám phá sự “loan truyền đi của chính tình yêu-xót thương” với “tầm quan trọng đặc biệt của lòng thương xót” trong chính Tông chiếu Dung nhan lòng Chúa xót thương.

Thật vậy, qua sự trung gian của Mẹ Maria, Đấng vẫn không ngừng công bố lòng thương xót của Thiên Chúa từ đời nọ đến đời kia trong Thánh kinh và trong thông điệp.[9] Còn trong Tông chiếu Dung nhan lòng Chúa xót thương, Ðức mẹ Maria cũng chính là Mẹ của lòng thương xót, là hòm bia giao ước giữa Thiên Chúa và nhân loại, giúp minh chứng cho lòng thương xót của Thiên Chúa, của Con Thiên Chúa là không có giới hạn.[10] Thậm chí người đọc như còn hiểu ra ý nghĩa đích thực của câu Thánh kinh: “Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương”.[11]

APV VIII 15,31

  • We pray for this through the intercession of her who does not cease to proclaim “mercy…from generation to generation,” and also through the intercession of those for whom there have been completely fulfilled the words of the Sermon on the Mount: “Blessed are the merciful, for they shall obtain mercy.”[1] (VIII 15,31)
  • Nous supplions par l’intermédiaire de Celle qui ne cesse de proclamer “la miséricorde de génération en génération”, et aussi de ceux qui ont déjà vu s’accomplir totalement en eux les paroles du Sermon sur la montagne: “Bienheureux les miséricordieux, car ils obtiendront miséricorde” [2]. (VIII 15,31)
  • Chúng ta cầu xin ơn trọng đại đó qua sự trung gian của Mẹ Maria, Đấng vẫn không ngừng công bố “lòng thương xót từ đời nọ đến đời kia”, và cũng qua sự trung gian của những vị từng cảm nhận sâu đậm những lời của Bài giảng Trên Núi: “Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương”.[3] (VIII 15,31)

Thêm một số tên gọi khác của các văn kiện

Nhân đang nói đến tông sắc, hoặc tông chiếu, hoặc sắc chỉ, rồi thông điệp…, chúng tôi thiển nghĩ một vài thuật ngữ khác có liên hệ xa gần cũng xin được vắn tắt trình bày thêm nơi đây: hiến chế, sắc lệnh, tuyên ngôn, tông huấn, tông thư, tự sắc, tông hiến, tông dụ….  

Thật vậy, ngay như Công đồng Vaticanô II cũng đã ban hành 16 văn kiện, được chia thành ba loại khác nhau, gồm: hiến chế, sắc lệnh, tuyên ngôn.

Hiến chế (constitutio, constitution, constitution)

Hiến chế (hiến là pháp luật, pháp độ; chế là làm ra, đặt ra, bó buộc), giống như hiến pháp là luật căn bản, nền tảng của các luật khác, gồm tổng thể các quy phạm pháp luật điều chỉnh những quan hệ cơ bản về tổ chức, hoạt động mục vụ…. Thí dụ: Hiến chế tín lý về Giáo hội (Lumen gentium), Hiến chế tín lý về mặc khải của Thiên Chúa (Dei Verbum), Hiến chế tín lý về phụng vụ thánh (Sacrosantum concilium), Hiến chế mục vụ về Giáo hội trong thế giới ngày nay (Gaudium et spes).

Sắc lệnh (decretum, decree, décret)

Là những quy tắc pháp lý được ban hành để giải quyết những vấn đề cấp bách, không có tính ổn định của Giáo hội, nhưng chưa phải là luật hoặc đang trong giai đoạn hình thành luật, sắc lệnh (sắc là chiếu chỉ của vua, lệnh là bố cáo ra, công bố ra) gồm có tổng quát và đặc thù (khi có đơn thỉnh cầu để xin một ân ban nào đó). Sắc lệnh có thể được coi là chiếu chỉ với những luật lệ có đối tượng riêng biệt (giám mục, linh mục, tu sĩ, chủng viện, giáo dân…).

Thí dụ: Sắc lệnh về nhiệm vụ mục vụ của các giám mục trong Giáo hội (Christus Dominus), Sắc lệnh về chức vụ và đời sống các linh mục (Presbytorerum ordinis), Sắc lệnh về đào tạo linh mục (Optatam totius), Sắc lệnh về canh tân thích nghi đời sống dòng tu (Perfectae caritatis), Sắc lệnh hoạt động tông đồ giáo dân (Apostolicam actuositatem), Sắc lệnh về hoạt động truyền giáo của Giáo hội (Ad gentes), Sắc lệnh về hiệp nhất (Unitatis redintegratio), Sắc lệnh về các Giáo hội Công giáo Đông phương (Orientalium ecclesiarum), Sắc lệnh về các phương tiện truyền thông xã hội (Inter mirifica).

Tuyên ngôn (declaratio, declaration, déclaration)

Có thể được coi là tuyên bố chung có liên quan đến sự hiểu biết chung, tuyên ngôn (tuyên là bày tỏ cho mọi người biết, ngôn là lời nói) là văn kiện nói lên lập trường, chính sách của Giáo hội. Nói khác đi, tuyên ngôn là bài tuyên bố có tính chất cương lĩnh, bày tỏ chủ kiến của Giáo hội.

Thí dụ: Tuyên ngôn về tự do tôn giáo (Dignitatis humanae), Tuyên ngôn về liên lạc của Giáo hội với các tôn giáo ngoài Kitô giáo (Nostra aetate), Tuyên ngôn về giáo dục Kitô giáo (Gravissimum educationis).

Tông huấn (exhortatio apostolica, apostolic exhortation, exhortation apostolique)

Tương tự như tông thư, nhưng chứa đựng nhiều kết luận với những đường hướng, những chỉ dẫn của các đức giáo hoàng, sau khi vấn đề đã được suy xét kỹ lưỡng. Tông huấn (tông: tông đồ, tông tòa; huấn: dạy bảo, giải thích) là văn thư của các đức giáo hoàng, nhằm giáo huấn và khuyến khích thi hành trong một lãnh vực nhất định. Cũng có thể nói, tông huấn là loại văn kiện mà các đức giáo hoàng thường dùng để truyền đạt giáo huấn từ các thượng hội đồng giám mục đã bàn bạc, nghiên cứu, đệ trình.

Thí dụ: Tông huấn Niềm vui Tin mừng (Evangelii gaudium) (2013), Tông huấn Kitô hữu giáo dân (Christifideles laici) (1988),[12] Tông huấn về gia đình (Familiaris consortio) (1981).[13]

Tông hiến (constitutio apostolica, apostolic constitution, constitution apostolique)

Tông hiến trong tiếng La Tinh là constitutio apostolica (apostolica: tông đồ, tông tòa; constitutio: luật căn bản) là một loại văn kiện rất quan trọng, bao gồm những đạo luật sửa chữa, bổ sung hay làm mới do giáo hoàng đưa ra. Tông hiến tác động rất lớn đối với hệ thống giáo luật của Giáo hội. Thí dụ: Tông hiến Missale Romanum (Sách lễ Rôma) (1969).

Tông thư (littera apostolica, apostolic letter, lettre apostoli-que)

Kém quan trọng hơn so với tông hiến, tông thư  có thể được viết về một vấn đề có liên quan tới học thuyết, để thông báo một quyết định nào đó của đức giáo hoàng. Với mục đích khuyến khích, dạy dỗ, tông thư là thư của các đức giáo hoàng gửi cho một thành phần hay một số thành phần nào đó trong Hội thánh để dạy dỗ, khuyến khích… như: các giám mục, các linh mục, các tu sĩ, giáo dân… (khác với thông điệp là nhằm gửi cho mọi người).

Thí dụ: Tông thư Mulieris dignitatem (Phẩm giá người phụ nữ) (1988), Tông thư Rosarium Virginis Mariae (Kinh Mân Côi Đức Trinh nữ Maria) (2002), Tông thư Pax et reconciliatio (Hòa bình và hòa giải) (1964).

Tự sắc (motu proprio)

Là văn kiện thể hiện ý kiến hoặc tư tưởng riêng của đức giáo hoàng, không phải để trả lời cho một yêu cầu hay một ý kiến của người khác,[14] tự sắc (motu: chuyển động, hành động, proprio: tự ý riêng mình) cũng là tông thư, tông thư dưới hình thức tự sắc (litterae apostolicae motu proprio datae). Đây là một loại văn kiện có tính pháp lý được các đức giáo hoàng tự ý ban hành (motu proprio) chứ không do bất cứ sự thỉnh cầu nào. Tự sắc của các ngài gửi đến toàn thể Giáo hội. Tự sắc được sử dụng để ban hành những quy định quan trọng về luật mà chưa sử dụng đến hình thức long trọng hơn như tông hiến (constitutio apostolica). Thí dụ: Tự sắc Porta fidei (Cửa đức tin) (2011), Tự sắc Omnium in mentem (2009), Tự sắc Matri-monia mixta (1970).

Tông dụ (epistula apostolica, épitre apostolique, apostolic epistle)

Tông dụ trong tiếng La Tinh là epistula apostolica (tông: tông đồ, tông tòa; dụ: ngưởi trên bảo xuống kẻ dưới) là văn kiện hướng dẫn của giáo hoàng dành cho những người cấp dưới thực hiện. Thí dụ: Tông dụ Lumen ecclesiae (Ánh sáng của Giáo hội) (1974).

Để kết

Từ những bài tìm hiểu Thông điệp Thiên Chúa giàu lòng thương xót (Dives in misericordia) để chuẩn bị bước vào những bài tìm hiểu về Tông chiếu Dung nhan lòng Chúa xót thương (Misericordiae vultus), bài viết lần này được dịp rảo qua các tên gọi liên quan: tông sắc, tông chiếu, sắc chỉ, thông điệp, hiến chế, sắc lệnh, tuyên ngôn, tông huấn, tông hiến, tông thư, tự sắc, tông dụ.

Từ hai lần sử dụng từ mercy trong: “… cầu xin ơn trọng đại đó qua sự trung gian của Mẹ Maria, Đấng vẫn không ngừng công bố “lòng thương xót từ đời nọ đến đời kia”, và cũng qua sự trung gian của những vị từng cảm nhận sâu đậm những lời của Bài giảng Trên Núi: “Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương” (VIII 15,31), chúng ta không quên nhớ đến: 218 lần sử dụng từ mercy trong Dives in misericordia (qua 43 bài viết trong “tài liệu học tập” và qua việc đăng trên website của Cộng đoàn Lòng Chúa Thương Xót Tổng Giáo phận Sài Gòn-TP. HCM). Việc này cũng hứa hẹn cho chúng ta việc sẽ được làm quen với 167 lần sử dụng từ mercy nơi Misericordiae vultus trong định hướng tiếp tục học hỏi, suy gẫm, khám phá sự cần thiết về tình yêu-xót thương (merciful love, amour miséricordieux). Tất cả phải được loan báo với tầm quan trọng đặc biệt của thời đại, đang rất cần đến lòng Chúa xót thương.

Lm Giuse Tạ Huy Hoàng


[1] Trong tiếng Anh, Misericordiae vultus được dịch thành The Face of Mercy (Đức Giáo hoàng Phanxicô ban hành năm 2015).

[2] Trong tiếng Pháp, Dives in misericordia được dịch thành Sur la miséri-corde divine (Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II ban hành năm 1980).

[3] Tùy theo từng loại mà nhận biết mức độ thẩm quyền ảnh hưởng chung đến Giáo hội, các văn kiện này phải được chính giáo hoàng đưa ra chứ không qua trung gian nào.

[4] Có thể kể thêm các tông sắc, tông chiếu, hay sắc chỉ như: Quam singulari (How special) (1910) của Đức Giáo hoàng Piô X, Munificentissimus Deus (The most bountiful God) (1950) của Đức Giáo hoàng Piô XII (nhằm xác lập tín điều Đức mẹ Hồn Xác Lên Trời), Humanae salutis (Of human salvation) (1961) của Đức Giáo hoàng Gioan XXIII.

[5] X. https://it.wikipedia.org/wiki/Enciclica

[6] Có thể kể thêm các thông điệp như: Spe salvi (Được cứu độ trong niềm hy vọng) (2007), Caritas in veritate (Bác ái trong chân lý) (2009), Deus caritas est (Thiên Chúa là tình yêu) (2005) của Đức Giáo hoàng Bênêđíctô XVI; Veritatis splendor (Chân lý rạng ngời) (1993) của Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II; Humanæ vitae (Sự sống con người) (1968) của Đức Giáo hoàng Phaolô VI; Pacem in terris (Hòa bình trên trần gian) (1963) của Đức Giáo hoàng Gioan XXIII.

[7] Thông điệp Dives in misericordia được ban hành tại Rôma ngày 30 tháng 11 năm 1980 và xuất bản ngày 02 tháng 12 năm 1980.

[8] Thật vậy, lòng thương xót trong Thông điệp Dives in misericordia không còn làm con người bẽ mặt, nhưng trái lại, ban tặng cho con người một ý nghĩa đủ đầy về tình yêu-xót thương (merciful love) của Thiên Chúa. Thông điệp gồm tám chương: (1) Ai thấy Thầy là thấy Cha; (2) Sứ điệp cứu thế; (3) Lòng thương xót trong Cựu ước; (4) Dụ ngôn người con hoang đàng; (5) Mầu nhiệm Phục Sinh; (6) “Lòng thương xót… từ đời nọ đến đời kia”; (7) Lòng thương xót của Thiên Chúa trong sứ mệnh của Giáo hội; (8) Lời cầu nguyện của Giáo hội ngày nay.

[9] X. VIII 15,31.

[10] VM, số 25.

[11] Mt 5,7.

[12] Tông huấn Kitô hữu giáo dân được ban hành ngày 30 tháng 12 năm 1988 sau Thượng Hội đồng Giám mục 1987 bàn về vai trò giáo dân trong Giáo hội.

[13] Tông huấn Familiaris consortio (of family partnership / On the role of the Christian Family in the Modern World) giáo huấn về nhiệm vụ của gia đình và khuyến khích thực hành trong gia đình theo giáo lý của Giáo hội trong thế giới ngày nay (22-11-1981).

[14] Tình trạng hợp hiến do chính vị giáo hoàng của tự sắc quyết định. Tự sắc thường không tác động đến giáo luật hiện hành của Giáo hội.


[1] Mt 5:7.

[2] Mt 5,7.

[3] Mt 5,7.

Xem thêm

KHUÔN MẶT THIÊN CHÚA

KHUÔN MẶT THIÊN CHÚA

Khi chúng ta già đi, sự cám dỗ không hài lòng với cuộc sống của …