Home / Chia Sẻ / Thánh PHANXICÔ XAVIÊ – 475 NĂM

Thánh PHANXICÔ XAVIÊ – 475 NĂM

NGÀY ẤY – HÔM NAY    

Thứ bảy ngày 3 tháng 12 năm 2016, cùng với các Tín hữu hoàn cầu hiệp dâng Thánh lễ mừng kính Thánh Phanxicô Xaviê, Bổn mạng các Xứ Truyền Giáo, một nhân vật lịch sử gắn liền với công việc truyền bá Tin mừng, đồng thời đánh dấu 475 năm Thánh nhân bước chân xuống tàu (1541-2016) khởi hành đi đến vùng đất Á châu gặp gỡ lương dân.

Nhân dịp kỷ niệm biến cố này, để cùng tiếp bước theo Thánh PHANXICÔ XAVIÊ, người mở đường đi vào cánh đồng truyền giáo mênh mông, chúng ta hãy tìm hiểu sơ lược về những hoạt động rao giảng Phúc âm ở một số quốc gia Châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng.

I. ĐÔI NÉT TIỂU SỬ THÁNH PHANXICÔ XAVIÊ:h

Thánh PHANXICÔ XAVIÊ sinh ngày 7.4.1506 tại xứ Navarre thuộc Giáo phận Pampelune nước Tây Ban Nha, trong một gia đình dòng dõi quý phái.

Năm 19 tuổi, Ngài sang Balê để tiếp tục việc học, tám năm sau tốt nghiệp và trở thành giáo sư Đại học tại đó và quen với Thánh IGNATIÔ.

Khi đó Thánh IGNATIÔ đang vận động lập dòng Đức Chúa Giêsu (Dòng Tên), thấy PHANXICÔ là người hiền lành, có nhiều khả năng, nhưng lại là con người ham công danh, chỉ tha thiết với chức quyền và của cải vật chất, cho nên Thánh Ignatiô ngoài cầu nguyện ra còn phải cố sức thuyết phục dần dần, sau đó đã chuyển hướng cuộc đời Phanxicô qua câu Kinh Thánh: “Được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn nào được ích chi?” (Mt 16, 26). Và Chúa đã hoàn toàn chiếm đoạt trái tim Thánh nhân, nên vào tháng 6 năm 1537, Ngài chịu chức Linh mục ở thành Venice, trở thành một khí cụ tuyệt vời cho Cánh Đồng Truyền Giáo.

Năm 1539, PHANXICÔ hăng hái lãnh sứ mệnh nơi Đức Giáo Hoàng Phaolô III, đem ánh sáng Phúc âm đến cho dân tộc Ấn Độ, theo lời yêu cầu của Vua Bồ Đào Nha.

Ngày 7.4.1541, PHANXICÔ xuống tàu, phải mất 13 tháng lênh đênh trên biển cả, ngày 6.5.1542, Ngài mới tới Thành Goa, liền bắt tay vào việc, vừa học tiếng, vừa làm quen với các phong tục tập quán của xứ Ấn Độ.

Sau 11 năm trường nhiệt thành, miệt mài với nhiệm vụ, đời sống Thánh nhân là một cuộc hành trình loan báo Tin mừng không ngừng. Bước chân Ngài len lỏi qua các thành thị sầm uất cũng như vùng nông thôn xa xôi hẻo lánh để rao giảng Phúc âm, từ Ấn Độ qua Malacca (Mã lai) đến Moluccas (Indonesia) rồi tới Nhật bản, các nơi này số người tin Chúa rất nhiều. Riêng tại Ấn Độ, Ngài đã đem về hàng trăm ngàn linh hồn và rửa tội cho nhiều bậc Quân vương. Tuy vậy Thánh nhân luôn giữ một tâm hồn khiêm nhường hiếm có, Ngài thường quỳ gối để viết thư cho Thánh Ignatiô là bề trên của mình. Được biết ở Phương Đông còn có đất nước Trung Hoa rộng lớn, nhân số nhiều vô kể, Ngài nhất định phải đến hoạt động tại đây và đã lên đường, song mới tới ngang tỉnh Quảng Đông, chưa kịp vào nước này thì mắc bệnh nặng, qua đời tại đảo Thượng Xuyên (Sancian) vào ngày 03.12.1552 mà lòng vẫn ước mơ vào Trung Hoa lục địa để truyền giáo.

Xác Ngài được bỏ vào quan tài đưa về Thành Goa (Ấn Độ), dọc đường đi qua những nơi đang có dịch bệnh ghê gớm, Ngài đã làm phép lạ và các bệnh nhân liền khỏi.

Đúng 70 năm sau (1622), Đức GRÊGÔRIÔ XV đã tôn phong Ngài lên bậc Hiển Thánh, và đến năm 1904, Đức Thánh Cha PIÔ X đặt Ngài làm Quan Thầy các xứ Truyền Giáo.

Nhiều sử gia cho rằng tháng 4.1549, trên đường đi Nhật Bản, Thánh nhân đã ghé bờ biển Việt Nam tại Cửa Bạng (Thanh Hóa).

II. SƠ LƯỢC VỀ CÔNG CUỘC LOAN BÁO TIN MỪNG TẠI Á CHÂU:

Châu Á là vùng đất rộng, dân số đông đảo chiếm gần 2/3 dân số Thế giới, lại có nhiều sắc dân đi kèm với các phong tục, tập quán, văn hóa bản địa lâu đời, và còn là nơi phát sinh ra nhiều tín ngưỡng tôn giáo lớn, góp phần không nhỏ vào nền văn minh nhân loại.

Theo dòng thời gian, ánh sáng Tin mừng Chúa Kitô đã đến lục địa Á châu từ lâu, nhờ công ơn khởi đầu của các Nhà Truyền Giáo vượt qua mọi gian nan thử thách, xây dựng nên những Giáo Hội địa phương vững mạnh, hình thành lớp giáo dân kiên cường giữ vững đức tin. Ngày nay dù Công giáo chỉ chiếm tỷ lệ khiêm tốn 3,2% dân số nhưng Giáo Hội tại nơi đây, không ngừng phát triển và được mọi giới biết đến với uy tín lớn trong các lãnh vực giáo dục, y tế, và công tác xã hội.

 Trong phạm vi hạn hẹp của bài báo, xin được điểm lại đôi hàng chấm phá về sinh hoạt truyền giáo của một số Quốc gia tại Châu Á có nhiều nét nổi bật trong thời gian gần đây:

  • Philippin: Giáo dân Công giáo nơi đây có tỷ lệ quan trọng chiếm đến 85% của 54 triệu dân, đây là cộng đoàn đứng hàng đầu tại Á châu, lại có lòng sùng đạo, thường tổ chức lễ lạy nơi công cộng, điển hình ngày 29.1.2016, có gần 2 triệu người dự cuộc Rước Kiệu nhân Hội nghị Thánh Thể Thế giới tổ chức ở quốc gia này. Riêng trình độ giáo dân luôn được nâng cao trên nhiều lãnh vực, đã có nhiều người tình nguyện đến các địa phương xa xôi hẻo lánh để rao giảng Tin mừng, cũng như trước đây Philippin là điểm dừng chân để chuẩn bị lên đường của các Giáo sĩ Phương Tây muốn đến truyền giáo tại Việt Nam, Ma cao, Nhật Bản, Trung Quốc.
  • Trung Quốc: Giới truyền thông ước tính cứ 6 người trên hành tinh này, thì có 1 người Trung quốc. Hiện tình Giáo hội nơi đây bị chia làm 2, phần đa số trung thành với Tòa thánh Vatican, gọi là “Giáo hội Hầm trú”, phần kia thuộc “Giáo hội yêu nước” do Chính quyền thành lập với nguyên tắc: tự lập, tự trị, tự quản… hoàn toàn không phù hợp với giáo lý Công giáo. Đây là cốt lõi vấn đề mà mấy chục năm qua Tòa thánh luôn đối thoại với Trung quốc tìm cách tháo gỡ tình trạng này. Về số lượng Giáo dân ước lượng từ 8 đến 12 triệu người, sở dĩ có sự cách biệt quá lớn vì các giáo dân thuộc giáo hội trung thành với Tòa Thánh không được khai báo với Chính quyền, để giữ an toàn cho họ
  • Ấn Độ: Hiện nay người Công giáo chiếm tỷ lệ 1,82% dân số, sống chủ yếu ở các thành thị bang Kerala, Tamil, Nadu và Goa. Theo truyền thuyết, người Ấn Độ tin tưởng rằng Tổ tiên họ ngay từ thế kỷ thứ I đã theo Đạo Chúa, bởi lẽ chính Thánh Thomas Tông đồ vào năm 52 đã đến hải cảng trù phú Cranganore của bang Kerala để truyền đạo. Chúa nhật 4.9.2016, Mẹ Têrêsa Calcuta một thời sống ở đất nước Ấn Độ được phong Hiển Thánh, mọi người dân không phân biệt tôn giáo đều hân hoan đón nhận sự kiện trọng đại này.
  • Hàn Quốc: Giáo hội phát triển một cách kỳ lạ, vào năm 1949, giáo dân chỉ ở mức dưới 1% dân số, và vào khoảng thập niên 1970, Hàn Quốc vẫn còn “ngang cơ” với Việt nam, vậy mà nay họ bỏ xa mình trên phương diện truyền giáo, vì sau biến cố năm 1984, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II phong thánh cho 103 vị Tử đạo Hàn quốc, thì một chương trình do Giáo hội tại đây phát động, mỗi gia đình Công giáo nhận đỡ đầu cho một gia đình không Công giáo và họ quyết tâm trong vòng 5 năm phải tăng gấp đôi số người tín hữu. Họ đã hoàn thành điều này chỉ trong vòng 3 năm. Tính đến năm 2006, tổng kết người Công giáo đã chiếm 9,65% dân số. Và tháng 8.2014, Đức Giáo Hoàng Phanxicô lại đến đất nước này phong 124 vị Chân phước… Bạn đọc cũng nên biết: “Chương Trình học Kinh thánh trong 100 tuần” của Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm hiện nay đang triển khai ở Sài gòn cũng phát xuất từ Hàn quốc mang về VN áp dụng.
  • Indonesia: Quốc gia này có đông tín đồ Hồi Giáo nhiều nhất thế giới, và theo hiến pháp nước này quy định chỉ có 6 tôn giáo được nhà nước công nhận là: Hồi giáo, Tin lành, Công giáo, Ấn độ giáo, Phật giáo và Nho giáo. Với dân số 250 triệu người nhưng Tín hữu Công giáo thuộc thành phần thiểu số chỉ chiếm 2,68% tổng nhân số trong nước.
  • Lào Quốc: đất nước lấy Phật giáo làm quốc giáo, cả nước có trên 1.400 ngôi chùa, Giáo hội Công giáo Lào hiện nay có khoảng 43.000 tín hữu trong tổng số hơn 6 triệu dân trong cả nước, và Giáo hội tại đây được phân chia thành 4 giáo phận, riêng Thủ đô Viêng Chăm có lối 100 ngôi Chùa, chỉ có duy nhất một nhà thờ Công giáo, nhưng các Lễ tấn phong Giám mục đã diễn ra ở đây là dấu chỉ Giáo hội đang trên đà phát triển.
  • Campuchia: Sau thời gian dưới sự cai trị của Khmer Đỏ, một lần nữa chẳng còn hình thức tôn giáo nào được hiện diện, ngôi nhà thờ Chánh tòa ở thủ đô Phnom Pênh bị phá bình địa, ngày nay Giáo hội nơi đây phải khởi sự lại từ đống tro tàn. Hiện tại dân số Campuchia có khoảng 14 triệu người với tỷ lệ 96% theo Phật Giáo và chỉ có xê xích chưa đến 1% theo Công giáo, trong khi các cơ sở Tôn giáo đang được xây dựng lần lượt trở lại, với sự cộng tác của bà con giáo dân Việt kiều sang sinh sống tại đây.
  • Thái Lan: Tuy chỉ có khoảng 370.000 Tìn hữu, nhưng chính quyền Thái lan luôn đánh giá cao vì người Công giáo ở đây đã giữ vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy nền kinh tế của đất nước và góp phần vào sự tiến bộ của xã hội. Cách riêng Thái Lan và Tòa Thánh Vatican đã thiết lập ngoại giao cách nay gần 4 thế kỷ, do đó, trước đây các Giáo sĩ Phương Tây thường tụ tập tại Thái lan chờ thời cơ và phương tiện di chuyển đến những xứ truyền giáo. Đặc biệt trong chuyến thăm mục vụ Á châu năm 1984 Đức Giáo Hoàng Gioan Phalô II đã đến đây truyền chức cho 23 Linh mục người bản xứ.
  • Malaisia: Đây là quốc gia có nhiều chủng tộc và tôn giáo trong số 30 triệu dân có 60% là người theo Hồi giáo, trong khi người Hoa phần lớn theo Phật giáo, Lão giáo hoặc Kitô giáo, còn người gốc Ấn độ thì theo Ấn giáo, Hồi giáo, Phật giáo hoặc Sikh giáo. Riêng Công giáo chiếm 3,20% dân số cả nước, và ngày 19.11.2016 vừa qua, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã phong chức Hồng y cho Đức Cha Anthony Soter Fernandez nguyên Tổng Giám mục Kuala lampur, vị Hồng y đầu tiên của Malaisia.

Để hiệp nhất trong công việc truyền giáo vào năm 1970 tại Philippin, với sự hiện diện của Đức Thánh Cha Phaolô VI, các Đức Giám mục Á Châu đã thành lập “Liên Hội Đồng Giám mục Á Châu (FABC)” gồm Ấn Độ, Bangladesh, Bắc Hàn, Bhutan, Burma, Cambodia, Đài Loan, Đông Timor, Hàn Quốc, Hồng Kông, Lào, Indonesia, Ma Cao, Malaisia, Mông Cổ, Myanmar, Nhật Bản, Nepan, Pakistan, Philippin, Srilanka, Singapore, Thái Lan, Việt Nam và các Ngài đã nhận định: “Á Châu có số lượng dân chúng đông đảo, nhưng đa phần là người nghèo, một Á Châu có truyền thống văn hóa lâu đời, cánh đồng Truyền giáo đang chờ đón chúng ta đem Tin mừng đến cho lương dân ở  phần lục địa mênh mông này”. Và Thánh Gioan Phaolô II cũng nhận định: “Á châu như là chân trời truyền giáo vĩ đại của Giáo hội trong thế kỷ XXI ngày nay”. Bởi vậy các Vị Giáo Hoàng luôn quan tâm, và đã có nhiều cuộc thăm viếng Mục vụ đến các Giáo hội ở Á châu, mặc dù nơi đây chỉ có 107 triệu tín đồ nằm rải rác trên nhiều quốc gia.

III. ĐIỂM LẠI HIỆU QUẢ HÀNH TRÌNH TRUYỀN GIÁO Ở VIỆT NAM:

Sau hơn 400 năm, Tin mừng được truyền bá tại quê hương Việt Nam, và trải qua gần 3 thế kỷ bị bách hại, cấm cách ác liệt đã có trên 130.000 Tín hữu thuộc đủ mọi thành phần hy sinh mạng sống mình vì đức tin. Trước hình ảnh hào hùng đó, Đức Giáo Hoàng PIÔ XI đã ca tụng Giáo hội VN là: “Trưởng Nữ của Giáo hội tại Châu Á”. Riêng Thánh Gioan Phaolô II khi còn tại thế, Thánh nhân thường nói: “Việt Nam luôn ở trong trái tim tôi” mỗi lần đề cập tới sinh hoạt tôn giáo ở Việt Nam.

Trải qua bao biến chuyển của thời cuộc, nhưng Giáo dân VN vẫn giữ đạo một cách sốt sắng, sáng lễ chiều kinh, nhiều Thánh đường được xây dựng uy nghi to lớn, Chúa nhật giáo dân dự lễ đông đúc. Một đặc điểm tốt lành là dù đi đến đâu làm ăn sinh sống, ưu tư hàng đầu của người tín hữu VN đều tìm cách tụ họp lại với nhau thành những cộng đoàn để cùng tham gia công việc thờ phượng Chúa, bằng chứng ngày 5.8.2016, tại Đại hội Thánh mẫu ở Carthage Missouri vừa qua, Đức Giám mục  James V. Johnston, giáo phận Kansas City, MO, thuyết giảng trong Thánh lễ Đại trào Kính các Thánh Tử Đạo VN đã nói: “Tôi được biết rằng 97% người Công giáo VN đi lễ ngày Chúa nhật, tôi rất cảm phục, riêng cộng đồng Công giáo VN ở trên đất nước Hoa kỳ là một trong những cộng đoàn mạnh mẽ và thực thi đức tin sống động nhất…”.

Cách riêng vấn đề truyền giáo, trong Đại hội Loan báo Tin mừng lần III tại Huế tháng 9.2015 vừa qua, Đức giám mục Anphong Nguyễn Hữu Long cho biết tình trạng Giáo hội VN hiện nay trong cả nước có 4.635 linh mục cả triều lẫn dòng; số đại chủng sinh là 2.357, tiền chủng sinh 2.389; số tu sĩ 2.834 nam và 16.883 nữ tu; giáo lý viên 59.448 người. Tổng cộng các thành viên trên liên quan tới việc truyền giáo là 88.546 người, nhưng số người nhập đạo trong năm 2014 chỉ có 41.395 người, so sánh hai số trên, ta thấy cứ hai người ưu tuyển nêu trên, chưa đem được một người vào đạo, đó là chưa nói tới hội viên của 16 Đoàn thể Công giáo tiến hành đang sinh hoạt trên toàn quốc. Ngoài ra, theo linh mục Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, nguyên thư ký HĐGMVN, nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập hàng Giáo phẩm tại Việt Nam (1960-2010) cho biết, căn cứ vào các thống kê hằng năm thì con số tín hữu Công giáo tại VN không gia tăng mà lại có chiều hướng thụt lùi:

  • Năm 1960, số tín hữu VN là 2.000.000/30.000.000 người dân, Công giáo tỷ lệ 6,93%.
  • Năm 2008, số tín hữu VN là 6.100.000/ 86.100.000 người dân, Công giáo tỷ lệ 7,18%.
  • Năm 2014, số tín hữu VN là 6.606.495/95.247.775 người dân, Công giáo tỷ lệ 6,93%

Kết quả là sau 55 năm (1960-2015) tỷ lệ dân số Công giáo tại VN bằng nhau 6,93%, con số đáng để cho chúng ta suy nghĩ, vì trong khi hằng năm HĐGMVN đều ra thư chung đề cập đến việc Phúc âm hóa trong đời sống Gia đình, tại Giáo xứ, Dòng tu và ngoài Xã hội, nhưng việc loan báo Tin mừng không có kết quả là bao, số người theo đạo không tương xứng với số nhân sự lo cho việc truyền giáo, phải chăng đã đến lúc toàn thể Dân Chúa tại VN cần chung sức tích cực thi hành sứ mạng loan báo Tin mừng cho đồng bào qua cung cách mới, thể hiện Tình yêu thương bác ái đối với tha nhân một cách chân tình, hầu giúp cho người lương dân nhận biết Thiên Chúa qua việc làm của mỗi ngưởi Tín hữu trong môi trường xã hội ngày nay.

Tất cả những điều ghi trên cùng các số liệu trưng dẫn cho ta thấy cộng đoàn dân Chúa VN tuy đã cố gắng hội nhập vào xã hội để rao giảng truyền bá Phúc âm, hầu làm tròn sứ vụ mà Thiên Chúa và Giáo hội trao phó, nhưng vẫn còn gặp biết bao gian nan, khó khăn thử thách không ít, cho nên các vấn nạn trên được nêu ra chỉ nhằm mục đích rút kinh nghiệm để có thể làm tốt hơn nữa, giúp mọi Tín hữu chu toàn trách nhiệm, hầu mong đạt được thành quả tốt đẹp, làm cho cánh đồng Truyền giáo của Giáo hội luôn chan hòa ánh hào quang Tin mừng, chiếu tỏa trên quê hương Việt Nam yêu dấu ngày càng rực rỡ hơn.

Hoa Thịnh Đốn, Lễ Kính các Thánh Tử Đạo Việt Nam  24.11.2016

VŨ ĐÌNH ĐƯỜNG

Xem thêm

KHUÔN MẶT THIÊN CHÚA

KHUÔN MẶT THIÊN CHÚA

Khi chúng ta già đi, sự cám dỗ không hài lòng với cuộc sống của …