Home / Chia Sẻ / MẸ ƠI! SAO MẸ KHÓC?

MẸ ƠI! SAO MẸ KHÓC?

 

tuong-duc-me-khoc-ra-mau-2-1I./ Có những lần lòng tôi thấy nhớ thương Mẹ quá, nên vội vã đến thăm Mẹ. Và nhiều khi, tôi chợt nhìn thấy mắt Mẹ long lanh, hình như những giọt nước mắt vừa kịp lăn dài trên gò má nhăn nheo. Ô kìa, vẫn còn hai giọt nước đọng lại trên khóe mắt Mẹ dấu yêu.

Mẹ tôi khóc!

Tôi bàng hoàng và thổn thức, lặng câm trong nỗi thống khổ của Mẹ. Đôi mắt ấy, mới ngày nào còn đong đầy những giọt yêu thương cho từng đứa con. Đôi mắt ấy đã giữ lại trong lòng tôi cả một biển trời công đức, âu yếm miên man như đồng lúa chiêù rì rào…

Nhưng sao hôm nay Mẹ khóc?!?

Mẹ tôi đã khóc thật rồi. Khóc vì quá yêu thương con cháu đã nỡ sa chân vào vòng tội lỗi. Khóc vì sự nông nỗi, biến chất, bội bạc của chính con mình! Khóc vì những lời Mẹ khuyên dạy, bảo ban không còn là lời giáo huấn nữa, mà con cháu đã khinh miệt, chê bai… đã tạo nên những phản chứng đối nghịch lại với tình Mẹ bao la! Khóc vì Mẹ đã tiên liệu, đã nhìn thấy viễn cảnh con cháu phải hư mất đời đời, có nguy cơ rơi vào tay quỷ dữ…

Tôi gặp các anh chị em nói về chuyện Mẹ đã khóc, kể về những sự đau đớn Mẹ đã chịu vì các con.

Không mấy người tin! Chẳng có một ai phải rơi lệ khi nghe tin Mẹ khóc!

Thế rồi, Mẹ tôi đã vĩnh viễn ra đi, mang theo cả những giọt nước mắt còn lại xuống mồ, chìm sâu vào sự quên lãng, lạnh lùng!

II./ Hôm nay, tôi lại nghe tin Mẹ khóc! Tôi cũng chạy đến thăm Mẹ với một tâm hồn bâng khuâng khó tả. Trước mắt tôi, rất đông người với đủ mọi tư thế, đủ mọi kiểu khấn vái, đủ mọi nỗi lòng… như đang muốn hòa tan vào giọt nước mắt Mẹ hiền. Cũng có nhiều người thổn thức, nhiều người đấm ngực ăn năn, nhiều người tạ tội, nhiều người xin ơn và cũng có người đang khóc với Mẹ.

Tự nhiên tôi lại nghĩ đến lời Chúa: “Phúc cho những ai khóc lóc, vì họ sẽ được an ủi”.

Vậy đâu là tiếng khóc của Người có niềm tin?

Nếu tiếng khóc đã trở thành cội phúc, thì tiếng khóc đó không thể thiếu trong cuộc lữ hành Đức Tin. Tiếng khóc đã lấp đầy lịch sử nhân loại và rải rác trong các trình thuật Tin mừng:

– Tiếng khóc của các bà Mẹ vùng Bê-lem khi vua Hê-rô-đê ra lệnh sát hại các hài nhi.

– Tiếng khóc của Đức Giêsu khi đứng bên Mộ người bạn Lagiarô.

– Tiếng khóc của những phụ nữ Giê-ru-sa-lem trên đường thập giá của Đức Giêsu.

– Đặc biệt tiếng khóc của Đức Maria, khởi đi từ lời tiên báo của tiên tri Simêôn: “Một lươĩ gươm sẽ đâm qua trái tim bà”.

– Tiếng khóc kéo dài đến hết con đường thập giá.

– Tiếng khóc não nùng đau đớn khi nhìn con chết trên thánh giá, tháo đanh và khi táng xác con. Mẹ Maria đã khóc! Khóc trong sự hiệp thông với từng sự đau khổ của người con chí thánh. Khóc trong sự đồng công cứu chuộc của con Thiên Chúa. Khóc trong sự tuân phục thánh ý Thiên Chúa Cha.

Tiếng khóc là một tuyên xưng và nỗi bất lực của con người. Do đó, nó cũng chứa đựng một niềm hy vọng, bởi vì chỉ khi nào ý thức được nỗi bất lực của mình, con người mới mở miệng van xin khóc lóc. Chẳng ai có thể giải thích được tại sao con người phải van xin trong tiếng khóc. Chỉ có niềm tin mới hiểu được giá trị của tiếng khóc đó mà thôi.

Là người Lữ hành trong đức tin, tôi không thể tiến bước mà không phải than van khóc lóc, cho dù có những khi khóc trong thinh lặng. Thinh lặng trong cảm thông, trong hiểu biết, trong kết hiệp. Người lữ hành trong đức tin luôn bước đi trên con đường thập giá “Hãy bỏ mình vác thánh giá mỗi ngày theo Ta”. Mất mát, sỉ nhục, bách hại… là thập giá rải rác trên hành trình. Nhưng “Phúc cho những ai khóc lóc vì họ sẽ được an ủi”.

III. Mẹ ơi, sao hôm nay Mẹ lại khóc?

Ngày 28.08.1953, trong một gia đình lao động ở Syracuse, một tượng Đức Mẹ bằng bột thạch cao chảy nhiều nước mắt nóng hổi. Người ta đã kiểm nghiệm bằng các phương pháp khoa học, họ kết luận: “Đây là nước mắt của một con người sống thực sự”. Về việc này, Đức Giáo Hoàng Pio XII đã nói rằng: “Không biết nhân loại có thể hiểu được tiếng nói của màu nhiệm nước mắt Đức Mẹ tại Syracuse không?”. Mẹ đã khóc vì sau bao lần khuyên bảo, năn nỉ,… con cái loài người: “Hãy cải thiện đời sống, siêng năng lần hạt, tôn sùng mẫu tâm”. Bao nhiêu phép lạ tại Fatima 1917 và ở Lộ Đức 11.02.1858, hình như loài người đã lãng quên và đua nhau bước vào đường tội lỗi. Mẹ khóc vì Chúa đau khổ biết bao nhiêu và Mẹ hình như không thể ngăn nổi cơn thịnh nộ của Chúa nữa rồi!

Nước mắt Mẹ tuôn rơi, đã như một dấu chỉ, một lời cảnh báo, nhưng cũng chứa đựng trọn vẹn lòng yêu thương.

Một lần nữa, Mẹ kêu gọi con cái hãy sám hối và đón nhận Tin mừng, và phương cách làm nguôi cơn giận Chúa vẫn là: Cải thiện đời sống, siêng năng lần hạt, tôn sùng trái tim Đức Mẹ.

Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Người. Đừng cứng lòng nữa

Tom Quyen

Hạt Gia Kiệm, GP Xuân Lộc

Xem thêm

KHUÔN MẶT THIÊN CHÚA

KHUÔN MẶT THIÊN CHÚA

Khi chúng ta già đi, sự cám dỗ không hài lòng với cuộc sống của …