Home / Giáo Dục Kito Giáo / Khích lệ trẻ, điều cần thiết trong giáo dục (P1)

Khích lệ trẻ, điều cần thiết trong giáo dục (P1)

 

1. Khích Lệ Có Thể Thay Đổi Cả Cuộc Đời Trẻ

Khích lệ là một loại giáo dục tâm lý, là một loại dinh dưỡng cho sự trưởng thành của trẻ. Khi cha mẹ thường xuyên khen ngợi và động viên con trẻ, nhân cách của trẻ ngày càng kiện toàn, hoàn thiện, lòng tự tin của trẻ càng được cũng cố, tăng cường, và hành vi tích cực của trẻ sẽ được phát huy. Trái lại, phê bình, trách mắng, chỉ trích làm cho tinh thần của trẻ rơi vào trạng thái u uất, lòng tự tin bị tổn thương.Lâu dần trẻ mất hy vọng vào tương lai và nhân cách bị khiếm khuyết.

Một thương gia đã chia sẻ câu chuyện của mình như sau.Trí khôn của tôi kém cỏi đến độ những năm tiểu học tôi luôn đội sổ. Sự việc này theo đuổi tôi mãi cho đến khi tôi vào trung học. Nhưng rồi một biến cố bất ngờ thay đổi đời tôi.Năm đó tôi vừa bước vào trung học.Nhân hôm đó lớp tôi có tiết khiêu vũ, cô giáo lớp tôi đã mời người chị của cô đến dự. Vừa bước vào lớp cô giáo đã hướng dẫn người chị đi thẳng đến tôi, cô đặt tay trên vai tôi và giới thiệu với người chị như sau:

–              Đây là cậu học sinh có nụ cười dễ thương nhất lớp!

Cô không nói:

–              Đây là cậu học sinh dỡ nhất lớp. Em này không biết viết văn, dốt toán…, mà lại nói: “Đây là cậu học sinh có nụ cười dễ thương nhất lớp.”

Tôi cảm thấy như mình cao hơn một chút.Tôi vừa đi, vừa nhảy, vừa ca hát, và tự tin hơn bao giờ hết.Từ đó, tôi bắt đầu đạt được những thành tích khả quan.Tôi đã tốt nghiệp cao học, làm giáo sư, và nay đang hăng say trong lãnh vực kinh doanh.Tất cả bắt đầu với cô giáo ấy.Cô đã cho tôi thấy rằng tôi cũng là một người có giá trị.Tôi cũng có một cái gì đó để tặng cho người khác.

2. Khích Lệ Soi Sáng Sự Trưởng Thành Của Trẻ

Các chuyên gia giáo dục chỉ ra rằng chỉ cần cha mẹ luôn tin tưởng con cái, thường xuyên khen ngợi con bằng những lời khích lệ từ đáy lòng, sẽ giúp con trẻ lấy lại lòng tin sau mỗi lần thất bại, khiến cho đứa trẻ kém tiến bộ hơn, đứa trẻ có biểu hiện tốt càng tích cực tiến lên, và tạo nên mối quan hệ tích cực giữa cha mẹ và con cái, hầu con trẻ lớn lên trong môi trường hạnh phúc.

Có một học sinh có năng khiếu âm nhạc nhưng khi thi vào nhạc viện không ngờ lại bị trượt, khiến em vô cùng chán nản và thất vọng.Cha mẹ em không biết khuyên em như thế nào, bèn hỏi ý kiến thầy giáo của con mình.Người thầy trả lời cần phải khích lệ, động viên. Cha mẹ em nghe theo lời đề nghị của thầy giáo, viết một câu nói và dán bên dưới tấm kính trên bàn học con như sau: “Ưu điểm lớn nhất của nhân tài chính là khi gặp khó khăn, thất bại đều không lùi bước.”Dòng chữ này đã khiến cho em vô cùng cảm kích và xúc động.Từ đó, em đã dùng câu này làm nguồn động viên khích lệ, không ngừng phấn đấu học tập, vào kỳ thi lần hai em đã đạt được toại nguyện – thi đậu vào nhạc viện.

Tâm lý trẻ nhỏ rất cần được khích lệ và khen ngợi, nhất là những đứa trẻ gặp khó khăn và thất bại.Hơn nữa, các nhà tâm lý giáo dục đã chỉ ra rằng độ tuổi trẻ càng nhỏ, càng cần sự khích lệ từ bên ngoài. Trẻ nhỏ ở giai đoạn tiểu học, đặc biệt là trẻ mẫu giáo, thường lấy những lời đánh giá và nhận xét của người khác làm cơ sở để nhận xét, đánh giá bản thân, bởi vì trong giai đoạn này trẻ chưa thể đánh giá chính xác về bản thân. Do đó những lời khích lệ và phê bình từ bên ngoài có ảnh hưởng rất lớn đến hành vi và tâm lý của trẻ.

Nhiều cha mẹ không muốn tán dương và khen ngợi con mình, vì họ cho rằng chỉ có nghiêm khắc dạy dỗ thì mới có tác dụng. Thậm chí nhiều người còn coi “nghiêm khắc” là chê bai hoặc trách mắng con cái: nói con dốt để con thông minh, chậm để nhanh, cẩu thả để cẩn thận. Nhưng kết quả thường ngược lại.Nếu trẻ thấy mình không ra gì, sẽ sinh ra chán nản, và cố gắng mấy cũng vậy thôi.

Một chuyên gia tâm lý đã làm một cuộc nghiên cứu: trẻ con sợ gì nhất? Kết quả cho thấy trẻ con không sợ khổ, không sợ sống trong điều kiện vật chất kém, nhưng sợ mất thể diện, bị coi thường. Bạn hãy dùng khích lệ để giáo dục con trẻ, để từ lúc nhỏ cho đến lúc trưởng thành, trẻ được chăm sóc, tin yêu hầu chúng lớn lên và sống hạnh phúc.

“Đừng nghĩ bản chất của khích lệ chỉ đơn giản là biểu dương và cổ vũ, nếu không bạn sẽ hiểu sai lệch về giáo dục khích lệ. Điểm cốt lõi của giáo dục khích lệ chính là được coi trọng.”

3. Khích Lệ Phát Huy Tiềm Năng Của Trẻ

Các chuyên gia giáo dục nổi tiếng đã chỉ ra rằng: Bạn nên tôn trọng con bạn như tôn trọng Thượng Đế, bởi bên trong mỗi đứa trẻ đều tiềm tàng những tài năng to lớn. Hãy học cách khích lệ, như thế bạn có thể tìm thấy chiếc chìa khoá vàng mở các cánh cửa tài năng của con trẻ.

Trong buổi lễ chúc thọ nhà danh hoạ 90 tuổi, có một phóng viên đã hỏi: Người thầy đầu tiên của ngài là ai? Nhà danh hoạ trả lời: “Đó chính là cha tôi.”

Thực ra cha của nhà danh hoạ chỉ là một người nông dân rất tầm thường, nhưng ngay từ lúc người con vẽ bức tranh đầu tiên, người cha đã luôn khen ngợi động viên con: “Nhà chúng ta sắp có đại danh hoạ rồi!” Lời nói khích lệ này đã khiến nhà danh hoạ cảm thấy tăng niềm hứng thú với hội hoạ và cuối cùng đã thành danh.

Sh. Trần Trung Lập, FSC

 

 

Xem thêm

KHUÔN MẶT THIÊN CHÚA

KHUÔN MẶT THIÊN CHÚA

Khi chúng ta già đi, sự cám dỗ không hài lòng với cuộc sống của …