Home / Chia Sẻ / Hỏa ngục đáng sợ thật không?

Hỏa ngục đáng sợ thật không?

 

HoaNguc DangSo ThatKhongChúng ta biết ơn về ánh sáng chói ngời của Thiên Chúa đã soi đường cho chúng ta theo hướng dẫn tâm linh của Giáo hội. Trong cuốn “The Fulfillment of All Disire” của tác giả Ralph Martin đã cung cấp một kho tàng vô giá cho những người khao khát đào sâu mối quan hệ với Thiên Chúa. GS Ralph Martin là trưởng tổ chức Renewal Ministries, một tổ chức có mục đích canh tân Giáo hội và loan truyền Tin Mừng qua nhiều hoạt động ở hơn 30 quốc gia. Ông cũng là Giám đốc Chương trình Bồi dưỡng Thần học trong việc truyền bá Tin Mừng kiêm giáo sư Thần học tại Đại chủng viện Thánh Tâm của TGP Detroit. Ông có bằng tiến sĩ thần học của ĐH Angelicum tại Rôma.

Tháng 12-2011, ĐGH Biển Đức XVI đã bổ nhiệm GS Ralph Martin làm cố vấn cho Hội đồng Giáo hoàng về việc “Loan báo Tin Mừng theo cách mới” (New Evangelization, quen gọi là Tân Phúc Âm hóa), nhiệm kỳ 5 năm. Ông cũng đã được bổ nhiệm làm chuyên viên trợ giúp các giám mục trong Công nghị năm 2012 về Tân Phúc Âm hóa. Ông cũng đã viết nhiều bài và nhiều sách – chẳng hạn các sách “The Urgency of the New Evangelization: Answering the Call” (2013), “Will Many Be Saved? What Vatican II Actually Teaches and Its Implications for the New Evangelization” (2012) và “The Fulfillment of All Desire: A Guidebook for the Journey to God Based on the Wisdom of the Saints” (2006). Hiện nay, ông và vợ, bà Anne, sống tại Ann Arbor, Michigan, USA.

Khi dạy học về việc “Tân Phúc Âm hóa”, GS Ralph Martin cho biết: “Tôi bị hút vào cách Chúa Giêsu và các tông đồ thường đưa ra sứ điệp không chỉ tích cực loan báo Tin Mừng bằng cách hy sinh mà còn tìm cách được ơn cứu độ cho cả thế giới, nhưng cũng có những hậu quả xấu của sự kinh suất – tức là hỏa ngục. Nhưng tại sao chúng ta sợ nói tới hỏa ngục?”.

Có vài phản hồi phổ biến với vài ý điển hình như sau:

– Tôn giáo của chúng ta là tôn giáo của tình yêu thương, chứ không của sự sợ hãi.

– Người ta có nhận thức kém về bản thân, và điều này có thể khiến họ cảm thấy tồi tệ.

– Sợ hỏa ngục là động lực không xứng đáng đối với một Kitô hữu.

– Chúng ta không nên làm người khác sợ trở thành người tốt.

GS Ralph Martin nói: “Trong bài viết ngắn, tôi không thể phản ứng như vậy, tôi muốn xác định rằng, theo suy nghĩ của chúng tôi, kể cả việc giảng dạy và rao giảng, chúng tôi bám sát những gì Chúa Giêsu và các tông đồ bảo chúng tôi giao tiếp với người khác. Hẳn là Chúa Giêsu và các tông đồ có những lý do đúng đắn”.

Khi tích cực loan báo và tuyên xưng ơn cứu độ, dù không nói về kết quả của việc không phản ứng với lòng thương xót kỳ diệu này, nhưng chúng ta rất dễ để nhận biết lời mời gọi đối với việc “Loan báo Tin Mừng cách mới” như “phần phụ không bắt buộc” — hấp dẫn nhưng không thực sự cần thiết.

Sau vài thập niên không nói về kết quả của việc không phản ứng với lòng thương xót của Chúa bằng đời sống đức tin, sám hối và vâng lời, một “thế giới quan lạ” đã chiếm lĩnh trí óc của rất nhiều người Công giáo, họ cho rằng hầu như mọi người đều được cứu độ – có thể chỉ ngoại trừ một số người sát nhân hàng loạt.

Nhưng tội giết người chỉ là một trong các tội trọng, nếu không ăn năn thì sẽ không được vào Nước Chúa: “Nào anh em chẳng biết rằng những kẻ bất chính sẽ không được Nước Thiên Chúa làm cơ nghiệp sao? Anh em đừng lầm. Những kẻ dâm đãng, thờ ngẫu tượng, ngoại tình, trụy lạc, kê gian, những kẻ trộm cướp, tham lam, say sưa rượu chè, quen chửi bới, sẽ không được Nước Thiên Chúa làm cơ nghiệp” (1 Cr 6:9-10).

Đây là những người KHÔNG ĐƯỢC VÀO NƯỚC TRỜI mà Kinh Thánh cho biết:

+ Anh em đã được gọi để hưởng tự do. Có điều là đừng lợi dụng tự do để sống theo tính xác thịt, nhưng hãy lấy đức mến mà phục vụ lẫn nhau. Những việc do tính xác thịt gây ra thì ai cũng rõ, đó là: dâm bôn, ô uế, phóng đãng, thờ quấy, phù phép, hận thù, bất hoà, ghen tuông, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tỵ, say sưa, chè chén, và những điều khác giống như vậy (Gl 5:13, 19-21).

+ Không một kẻ gian dâm, ô uế hay tham lam nào – mà tham lam cũng là thờ ngẫu tượng – được thừa hưởng cơ nghiệp trong Nước của Đức Kitô và của Thiên Chúa (Ep 5:5-6).

+ Những quân chó má, làm phù phép, gian dâm, sát nhân, thờ ngẫu tượng, cùng với mọi kẻ thích điều gian dối và ăn gian nói dối, hãy xéo ra ngoài (Kh 22:15).

Và còn nhiều chỗ khác trong Kinh Thánh có liệt kê các loại tội lỗi, dĩ nhiên trong đó có một loại tội đặc biệt nhất: “Mọi tội, kể cả tội nói phạm thượng, cũng sẽ được tha cho loài người, chứ tội nói phạm đến Thần Khí sẽ chẳng được tha. Ai nói phạm đến Con Người thì được tha; nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần sẽ chẳng được tha, cả đời này lẫn đời sau” (Mt 12:31-32).

Chúa Giêsu đặc biệt nhấn mạnh về việc xa lánh tội trọng là điều tối cần thiết, nếu chúng ta muốn vào Nước Trời: “Nếu mắt anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy móc mà ném đi; thà chột mắt mà được vào cõi sống, còn hơn là có đủ hai mắt mà bị ném vào lửa hoả ngục” (Mt 18:9).

Chúa Giêsu nói rõ: “Thầy nói cho anh em là bạn hữu của Thầy được biết: Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác, mà sau đó không làm gì hơn được nữa. Thầy sẽ chỉ cho anh em biết phải sợ ai: hãy sợ Đấng đã giết rồi, lại có quyền ném vào hoả ngục. Thật vậy, Thầy nói cho anh em biết: anh em hãy sợ Đấng ấy” (Lc 12:4-5).

Có thể tội nặng nhất là tội “không tin”. Chúa Giêsu nói: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ. Ai tin vào Con của Người thì không bị lên án; nhưng kẻ không tin thì bị lên án rồi, vì đã không tin vào danh của Con Một Thiên Chúa” (Ga 3:16-18). Chúa Giêsu đã xác định: “Ai tin vào người Con thì được sự sống đời đời; còn kẻ nào không chịu tin vào người Con thì không được sự sống, nhưng cơn thịnh nộ của Thiên Chúa đè nặng trên kẻ ấy” (Ga 3:36).

Tân ước có 12 đoạn nói về hậu quả đời đời vì không sám hối, không tin, và không sống đức vâng lời để làm môn đệ của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu biết rõ lòng con người thế nào, và Ngài cũng biết rằng việc sợ hỏa ngục là một khởi đầu tốt đẹp nếu nó thúc đẩy sự ăn năn.

Tình yêu hoàn hảo không sợ sự trừng phạt trong Ngày Phán Xét: “Căn cứ vào điều này mà tình yêu đã nên hoàn hảo với chúng ta: đó là chúng ta được mạnh dạn trong ngày phán xét, vì Đức Giêsu thế nào thì chúng ta cũng như vậy ở thế gian này. Tình yêu không biết đến sợ hãi; trái lại, tình yêu hoàn hảo loại trừ sợ hãi, vì sợ hãi gắn liền với hình phạt và ai sợ hãi thì không đạt tới tình yêu hoàn hảo” (1 Ga 4:17-18). Sự khôn ngoan tâm linh của Giáo hội cho biết rõ rằng chúng ta không thể đi tới cuối hành trình nếu không có khởi đầu tốt, không kiên trì từng bước thanh lọc và tẩy rửa.

Thánh tiến sĩ Catarina Siena nói về cách khởi đầu hành trình được định rõ bằng chính sự sợ hỏa ngục, đó là “sự sợ hãi mù quáng” (slavish fear), sau đó chuyển thành “tình yêu vụ lợi” (mercenary love), cuối cùng mới chuyển thành “tình yêu hoàn hảo” (perfect love). Đừng nhảy vọt tới tình yêu hoàn hảo mà không có một khởi đầu đúng.

Thánh Gioan Thánh giá giả định rằng trước khi sẵn sàng khởi động hành trình tâm linh, người ta phải biết khao khát sống, đó là đường-sự-sống: “Cửa hẹp và đường chật thì đưa đến sự sống, nhưng ít người tìm được lối ấy” (Mt 7:14). Thánh Phêrô nói: “Thời phán xét đã đến, bắt đầu từ nhà của Thiên Chúa. Nếu việc đó bắt đầu từ chúng ta, thì cuối cùng số phận của những kẻ từ chối không chịu tin vào Tin Mừng của Thiên Chúa sẽ ra sao? Nếu người công chính còn khó được cứu độ thì người vô đạo, kẻ tội lỗi sẽ ở đâu? Vì vậy, những ai chịu khổ theo ý của Thiên Chúa, hãy phó mạng sống mình cho Đấng Tạo Hoá trung thành, và cứ làm điều thiện” (1 Pr 4:17-19).

Thánh Inhaxiô Loyola nói rằng động lực quan trọng nhất để phục vụ Chúa chính là tình yêu thuần túy, nhưng thánh nhân cũng nói về vai trò hữu ích của “nỗi sợ hãi nô lệ” (servile fear) trên hành trình tâm linh: “Chúng ta cũng nên ca tụng sự kính sợ vẻ uy nghiêm của Thiên Chúa. Đó không chỉ là sự kính sợ của con cái đối với sự hiếu thảo và chí thánh, mà còn là sự kính sợ mang tính nô lệ. Dù nó không đem lại cho ai đó điều gì tốt đẹp hơn hoặc lợi ích hơn thì nó cũng giúp người đó thoát khỏi tội trọng. Khi thoát khỏi tội trọng, người ta dễ dàng đạt được sự kính sợ của con cái”. Thánh Phanxicô Salê cũng có cách nói tương tự.

Thánh nữ Faustina Kowalska (1905-1938) xác nhận: “Theo lệnh của Chúa, tôi đã thăm Hỏa Ngục để có thể nói với các linh hồn về Hỏa Ngụcchứng thực sự hiện hữu của nó… Ma quỷ rất thù ghét tôi, nhưng chúng phải nghe lời tôi theo lệnh của Thiên Chúa. Tôi chú ý một điều: Đa số các linh hồn ở Hỏa ngục đều là những người không tin có Hỏa ngục” (Nhật Ký, số 741).

Nếu chúng ta có một Giáo hội mạnh mẽ và nhiệt thành loan báo Tin Mừng, chúng ta cần chuyển tới mọi người mà Chúa Giêsu và các tông đồ đã truyền lệnh cho chúng ta, kể cả hậu quả của việc không tin và không vâng lời. Đừng sợ những người sợ hỏa ngục, mà hãy sợ hỏa ngục. Vâng, hỏa ngục thật đáng sợ! Đó là một khởi đầu tuyệt vời đối với hành trình tâm linh – và tiếp tục có giá trị giúp đời sống tâm linh tiến bộ.

TRẦM THIÊN THU (Chuyển ngữ từ RcSpiritualDirection.com)

Xem thêm

KHUÔN MẶT THIÊN CHÚA

KHUÔN MẶT THIÊN CHÚA

Khi chúng ta già đi, sự cám dỗ không hài lòng với cuộc sống của …